Vụ ông Abe bị ám sát: Điều đáng sợ về khẩu súng của nghi phạm

Theo các chuyên gia, nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Nhật Bản có thể đã tự chế khẩu súng trong khoảng 1-3 ngày sau khi kiếm được các vật liệu có sẵn như gỗ và ống kim loại. 

Vụ ông Abe bị ám sát: Điều đáng sợ về khẩu súng của nghi phạm - 1

Khẩu súng tự chế (khoanh đỏ) mà nghi phạm Tetsuya Yamagami sử dụng để ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Imgur

"Việc tự chế súng bằng máy in 3D hoặc sản xuất bom ngày nay có thể học được qua mạng Internet ở bất cứ đâu trên thế giới", ông Mitsuru Fukuda, một giáo sư chuyên về xử lý khủng hoảng và khủng bố tại Đại học Nihon (Nhật Bản), nói. 

"Khẩu súng mà nghi phạm Tetsuya Yamagami sử dụng để ám sát ông Abe có thể được hoàn thành trong 2-3 ngày, sau khi tập hợp đầy đủ các bộ phận như gỗ hay các ống kim loại", giáo sư Fukuda, người phân tích các hình ảnh về hung khí trong vụ ông Abe bị bắn, nhận định. 

Các hình ảnh trong video cho thấy, kẻ tấn công đã bắn ông Abe bằng một khẩu súng với phần báng của súng lục và 2 nòng súng được chế từ 2 ống kim loại được bọc băng dính đen. 

"Bất cứ ai với hiểu biết cơ bản về cách thức súng hoạt động đều cũng có thể tự chế được súng", Tetsuya Tsuda, một chuyên gia bình luận về súng, cho hay. Ông Tsuda nói thêm rằng, chỉ mất chưa đến 1 ngày để có thể chế khẩu súng giống hung khí được sử dụng trong vụ ám sát ông Abe. 

Truyền thông Nhật Bản hôm 9/7 đưa tin, nghi phạm Tetsuya Yamagami đã tìm kiếm trên mạng về cách chế tạo súng ngắn và đặt mua các bộ phận cũng như thuốc súng trên Internet. 

Khẩu súng tự chế của Yamagami có kích thước 40 cm x 20 cm, được làm từ các vật liệu như gỗ và ống kim loại, các quan chức thuộc lực lượng cảnh sát tỉnh Nara nói với báo chí hôm 8/7. 

Cảnh sát địa phương không loại trừ khả năng những viên đạn cũng là tự chế nhưng xác nhận vấn đề này cần điều tra thêm.  

Các nhà điều tra cũng thu giữ 5 khẩu súng tự chế khác ở nhà của nghi phạm Yamagami, tờ Mainichi (Nhật Bản) đưa tin hôm 9/7. 

"Những loại súng tự chế, thô sơ... nhưng có sức sát thương cao kiểu này rất dễ chế tạo", ông N. R. Jenzen-Jones, một chuyên gia về vũ khí và đạn dược thuộc Cơ quan Nghiên cứu Vũ khí (Úc), nhận định. 

Một số hình ảnh cho thấy có dây dẫn điện dẫn qua nắp ở cuối mỗi ống kim loại. Theo ông Jenzen-Jones, điều này cho thấy hung khí này hoạt động trên cơ chế "bắn điện" - dùng điện để kích nổ đạn. 

"Trường hợp này có thể là phương pháp kích nổ bằng điện vì các loại đạn thông thường khó mua hơn ở Nhật Bản", ông Jenzen-Jones nói. 

Theo Reuters, có một số trường hợp người dân bị bắt ở Nhật Bản vì chế tạo súng trái phép. 

Năm 2018, cảnh sát Nhật Bản bắt giữ một thanh niên 23 tuổi ở thành phố Himeji, miền tây đất nước, vì tự chế một khẩu súng và hơn 130 viên đạn tại nhà. 

Cùng năm đó, cảnh sát cũng bắt giữ 1 sinh viên đại học ở thành phố Nagoya vì chế tạo chất nổ và một khẩu súng nhờ máy in 3D. 

Năm 2014, một thanh niên 27 tuổi bị bắt giữ vì sở hữu trái phép súng ngắn tự chế bằng máy in 3D ở thành phố Kawasaki, phía nam Tokyo. 

Nguyễn Thái - Theo Reuters

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

Chiến tranh đã lùi rất xa. Cuộc đời đã sang một trang khác. Con người cũng đã chuyển sang một trạng thái tinh thần khác. Nhưng dư ba của chiến tranh thì chưa hề ngưng trong mỗi tâm hồn. Cuộc sống mới với sự ồn ào, náo nhiệt cần có của dựng xây, kiến thiết, nhưng cũng cần có những giây phút bình yên như mặt biển “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương” (“Biển hát chiều nay” - Hồn