Tác phẩm Bên trời - Vườn ươm đẹp của tâm hồn

(Arttimes) - Bên trời với tôi là tập thơ hay. Lâu lâu mới có một tập thơ để thưởng thức, ngẫm ngợi, để vun vỗ tình cảm cho mình bằng những ngôn từ nhẹ nhàng, mềm mại hệt như “lạt mềm buộc chặt”.

Đọc 162 trang sách khổ rộng, với 88 bài trong tập, bài nào cũng hay bởi cái tứ, bởi cái tình mang nỗi niềm, cho dù rất ít từ cảm thán, không nặng dòng định hướng nhưng vẫn hút ta về với cái hay, cái đẹp, cái nhân văn vốn dĩ. 

Thổ lộ cảm xúc, tâm trạng của mình là đặc tính chủ yếu thế giới thơ trữ tình của Trần Kim Hoa. Khi năm cũ (2020) đang dần xa, năm mới (2021) đang về; bỗng dưng tôi gặp bài Năm cũ miệt mài xa (tr 109), bâng khuâng lật đi lật lại thấm tháp từng dòng trôi:“năm cũ qua đã lâu/ năm mới không còn mới/ ta đi đâu về đâu/ ngọn đèn xa trân trối/ năm cũ về chốn cũ/ bãi bờ nằm xanh rêu/ dấu chân con còng nhỏ/ chữ chi vẽ kín chiều/ năm cũ trong giỏ cũ/ lũ cua đồng ngông nghênh/ tép lưng gù nhẫn nhịn/ cỏ cọng bùn bơ vơ/ đường tơ năm cũ dứt/ rào gai cũ ken dày/ gió mới vân vi thổi/ lá mới vân vi cành/ sông miệt mài cuộn chảy/ năm cũ miệt mài xa”. Nhẹ nhàng đến thế là cùng, ấy vậy mà neo níu, quấn quện theo nhịp thời gian đi, trĩu lòng suy tư, níu giữ, không muốn năm tháng tàn phai, cho dù phía trước là mùa xuân “ta đi đâu về đâu”! Thế giới khách quan thấm đượm tâm trạng: “năm cũ về chốn cũ/ bãi bờ nằm xanh rêu”;“sông miệt mài cuộn chảy/ năm cũ miệt mài xa”! Bài thơ đặt gần cuối tập, khép sách lại, vậy mà tôi lại cứ lần giở lại từ trang đầu tới cuối, cho dù vẫn biết đó là tâm tư, tình cảm, giọng điệu, nỗi niềm của chính nữ sĩ... 

Tác phẩm Bên trời - Vườn ươm đẹp của tâm hồn - 1
Tác phẩm Bên trời 

Các hiện tượng, cảnh vật của thế giới khách quan luôn là căn cớ để nhà thơ bộc lộ tâm trạng, cảm xúc sâu lắng... Rất rõ, rất hay và rất đẹp trong các bài Gió mùa đông bắc, Hà Nội tôi mơ, Có thể ngày mai, Tháng giêng năm ấy và Trở lại Bản Lác... Nữ sĩ thổ lộ tâm trạng, nỗi niềm của mình mà đọc lên cứ như nói thay cảm nhận của mọi người bằng những ngôn từ không dễ thốt: “Hà Nội gió mùa đông bắc/ những con phố phong phanh/ ta và em như khăn mỏng/ ngày không bắt đầu bằng mặt trời/ mưa li ti cám dỗ/ hàng cây chiều qua hớn hở/ sáng nay so vai/ ngã tư chiều qua hớn hở/ sau một đêm trong hơi nước như đàn kiến bơi...” (Gió mùa đông bắc). Hình ảnh đẹp, biểu cảm hay, đắt, đọc rồi không dễ cho qua:“những con phố phong phanh/ ta và em như khăn mỏng/... hàng cây chiều qua hớn hở”. Hoặc:“tôi nhớ anh lên đường rất vội/ ba lô mới tinh cất kín thơ tình/ môi cười run run rất khẽ/ bím tóc người yêu xanh biếc giảng đường” (Hà Nội tôi mơ). Và, cho tới cả sau 16 năm mới trở lại với Bản Lác, Mai Châu; cảm xúc của chị diễn tả theo thể thơ văn xuôi mà người đọc cứ bị rúng động theo cảm xúc chứa chan cảnh tình nơi xứ núi xa xôi của dân tộc Thái. 

Thế giới nội tâm của Trần Kim Hoa thật sáng đẹp “...16 năm/ hạt gạo dẻo thơm dỗ dành ta bữa cơm trưa chan gió đồng/ những lưỡi hái, cung tên, khèn Thái xếp hàng mời mọc/ ta không còn là ta nữa, điều ấy hiển hiện trong tiếng cười/ đừng hỏi vì sao có một người đã trở lại mà không thể một lần nữa náo nức ngước nhìn trời Mai Châu, đừng hỏi!/ chiều ẩn nhẫn/ mùi rơm mới rả rích thơm/ ven những lối mòn, những lùm cây/quấn quanh những nếp nhà sàn trầm lặng/ khắp thung lũng màu lam/gió...”. 

Năng lực và tài năng tiềm ẩn trong cả 4 tập thơ trước đây chị đã trình làng, nay lại càng thêm đậm trong tập Bên trời. Lao động thơ của nữ sĩ giàu trí tuệ luôn hướng tới chân, thiện, mĩ. Thơ chị đằm trong cảm hứng, cảm hứng của trí tuệ luôn được dẫn dắt bởi cái hay, cái đẹp, bằng sự dịu dàng của đời sống tâm hồn: “tháng giêng năm ấy, sân đình/ ta buông vạt áo đợi mình sang sông/ vườn xanh đợi cải lên ngồng/ làng bên nụ biếc đợi hồng lối hoa.../ giêng qua ta trở lại nhà/ mây trôi mấy nẻo đường xa gió lùa/ sương giăng như bị bỏ bùa/ tơ buông thảng thốt suốt mùa hoa xoan,/ tháng giêng năm ấy, người ngoan/ sang ngang với một vầng trăng chưa rằm...”(Tháng giêng năm ấy). Chị thu hút người đọc thơ mình bằng chính sự phong phú đa dạng về tinh thần, uyên thâm của đời sống trí tuệ, thiên nhiên như có tâm hồn ẩn chứa trong hết thảy các câu thơ. Chị gắn bó với thiên nhiên cứ như hóa thân vào với cảnh vật, với con người bằng yêu thương, nhân hậu, nhân văn khiến cho cái đẹp trong lời thơ, tứ thơ đã đẹp càng đẹp hơn lên: “Sau những câu chữ luộm thuộm kia, những áo xống chồng chất kia, chỉ những hạt gạo dẻo thơm mới biết mình đã đi xa khỏi cánh đồng làng bao nhiêu mùa sinh nở/ lẫn trong gạo trắng có đôi hạt cỏ vụng về/ Lẫn trong gạo trắng có khúc đồng dao lũ trẻ chăn trâu để quên một đêm trăng sớm...” (Trong gạo trắng có khúc đồng dao). 

Thế giới nội tâm của Trần Kim Hoa thật chân thành, sâu sắc, thật ân nghĩa với Ông Bà, với Mẹ, với Cha, là sự thấu hiểu nỗi vất vả của đấng sinh thành, phụng dưỡng để mình lớn khôn: “nơi cha chạy ào ra ngõ đón ông vừa đi làm đồng về/ bờ tre xạc xào lật vào đêm từng trang gia phả/ chuyện cổ tích của bà nuôi mẹ lớn/ quang gánh dẻo dai, khói bếp ân tình/ nơi nón lá áo tơi não nùng giáp hạt/ dảnh mạ bập bùng bão táp mưa sa...” (Nhớ). Và, với Mẹ thì: “Con đã viết vô số những câu thơ ngọt ngào và cay đắng/ biết có câu thơ nào trở lại được cố hương/ bóng cha in giữa cây vườn/ giếng nhỏ sau nhà nuối nắm/ lửa reo trong căn bếp cũ/ khói quấn những chiều thơ dại mẹ ơi! Người con ấy đã đi khắp chân trời góc biển, đã trải biết bao niềm vui và bất hạnh... và, người mẹ ấy vẫn dõi theo từng bước chân con, để rồi bỗng dưng người con thảng thốt; “con không dám nghĩ xa hơn/ không dám hình dung một ngày tắt nắng/ con về/ không còn nghe tiếng mẹ/ sông vẫn lở bồi, xuân qua rồi hè lại/ mà gió bơ vơ bậu cửa hiên nhà...” (Mẹ). 

Tác phẩm Bên trời - Vườn ươm đẹp của tâm hồn - 2
Nhà thơ Trần Kim Hoa (phải)

Rất lạ là, đọc hầu hết tập thơ của nữ sĩ Trần Kim Hoa mà cứ cảm giác chị viết cho mình, nói dùm cảm nhận, cảm nghĩ của mình bằng những ngôn từ chọn lựa đắc địa, hàm súc, truyền cảm, giàu nhạc tính, hòa phối nhịp nhàng các thanh bằng-trắc, cách lặp từ và cắt nhịp khá điêu luyện:“...em yêu anh/ chín nhớ mười thương/ bến bờ nào trong, dòng sông nào đục/ ngọn núi nào sương giăng/ mùa thu đã mang đi rất xa/ dòng sông đã mang đi rất xa/ nơi đã qua nơi chưa bao giờ tới/ thu đã hóa thiên thu...” (Thu đã hóa thiên thu). Là cách hòa phối nhịp nhàng giữa thanh bằng và thanh trắc: “...rưng rưng khói về trời/gừng cay chiều ba mươi tết/ phút chót có một giao thừa/ tưng bừng có một giêng hai...” (Gừng cay chiều ba mươi tết). Là “365 ngày theo lối cũ/ 365 ngày nắng rụng đầy hiên/ lá rủ vàng lên mái phố/ gió phủ buồn lên mênh mang” (Khói mỏng đơm đầy bến sông). 

Với Bên trời của Trần Kim Hoa, đủ thấy tâm hồn là thần lực vạn năng để tiếp cận, để nhận thức cái hay, cái đẹp, cái tốt của cuộc đời, của thế giới tự nhiên, để suy tưởng, diễn đạt, để truyền cảm hứng cho người đọc. Thơ Trần Kim Hoa thu hút người đọc bằng cả sự phong phú của phong cách diễn đạt, bằng cả sự uyên thâm của trí tuệ và tâm hồn, nên Bên trời tôi xem như vườn ươm đẹp của tâm hồn! 

Nguyễn Uyển

Tin liên quan

Tin mới nhất