Tối và sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh (Đọc “Ở đây, lúc này”, NXB Hội nhà văn 2022)

Đọc “Ở đây, lúc này”, độc giả bị cuốn ngay vào không/ thời gian hiện sinh của nhân loại đầy bóng tối bao trùm, bủa vây khắp hành tinh. Tuy vậy, xuyên qua vùng tối dày đặc đó là nguồn sáng, ánh sáng, vùng sáng, vừa song hành, vừa tương phản gay gắt. Hai vùng tối sáng đó làm nên cấu trúc thẩm mỹ độc đáo thơ Nguyễn Đình Minh. Những âm bản và dương bản; đêm và ngày; ác và thiện; hủy diệt và hồi sinh; tuyệt vọng và hy vọng; giá trị và phi giá trị, nhân tính và phi nhân tính;…, khiến “Ở đây, lúc này”, như hành trình của những đối thoại, phản biện không dứt giữa hai thế giới đối cực.

Tối và sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh (Đọc “Ở đây, lúc này”, NXB Hội nhà văn 2022) - 1

Tập thơ “Ở đây, lúc này” của tác giả Nguyễn Đình Minh

1. “Ở đây, lúc này” là diễn ngôn thế sự nhân sinh trực diện, là diễn ngôn chấn thương khẩn thiết, thống thiết về vấn đề sinh tồn của nhân loại, của sinh thái văn hóa… Tất cả đang cần được cứu rỗi. Đối tượng/ khách thể thẩm mỹ được nhà thơ lựa chọn là những biến thiên dâu bể khủng khiếp: hồng thủy covid, chiến tranh, tốc độ đô thị hóa và nền văn minh kỹ trị.

Bóng tối trong thơ Nguyễn Đình Minh chính là những cơn địa chấn nhân họa ấy. Chúng đã và đang hủy hoại những giá trị nhân bản, nhân văn, những giá trị văn hóa do con người kiến tạo hàng ngàn năm. Đặc biệt, môi trường sinh thái đó đã và đang tha hóa con người về phía phi nhân tính. Tối và sáng trong “Ở đây, lúc này” được tri nhận trên bề mặt con chữ và tiềm tàng trong những hình tượng/ biểu tượng văn chương đa điệu thức, những ẩn dụ, phúng dụ thâm trầm.

Tối, trước hết là đêm tối, bóng tối, những không/ thời gian chết. Mở đầu tập thơ là một “ngày vụn vỡ”. Ngày thành đêm, đêm giữa ban ngày (Ngày vụn vỡ). Một không/thời gian chết, đầy xác người và máu. “Trong mắt bão”, cơn lốc covid quét qua, cái chết và tang tóc ở lại. Cả hành tinh úng ngập, chìm trong tối tăm, hoang lạnh. Đường nhân loại đi qua, đâu đâu cũng sặc mùi tử khí và máu (Loài thú đội lốt người, Nghĩ trong đêm đại dịch, Trong gió tử thần, Chủ nhân).

Tất cả đã trở thành nỗi ám ánh mạnh mẽ, tạo hiệu ứng, rung động nghệ thuật sâu sắc.

Tối và sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh (Đọc “Ở đây, lúc này”, NXB Hội nhà văn 2022) - 2

Tối và sáng trong “Ở đây, lúc này” được tri nhận trên bề mặt con chữ và tiềm tàng trong những hình tượng/ biểu tượng văn chương đa điệu thức, những ẩn dụ, phúng dụ thâm trầm. (Ảnh minh họa)

Những nguồn sáng, những vùng sáng thế gian cũng trở thành vùng chết. Chết chóc tràn ngập, bao tối những vùng thiêng. Tôn giáo vốn nhân danh nguồn sáng, nguồn thiêng, hóa giải, cứu rỗi con người, giờ đây bất lực. Đất thánh, đất phật trở thành vùng chết: “Vùng đất của Lạt Ma oan hồn giăng mặt đất…/ Khói phủ đen trên nóc nhà thiêu xác” (Viên đạn buồn thứ nhất).

Những biểu tượng thiêng liêng ngạo nghễ bị covid đem ra giễu cợt dưới trời, quốc kỳ rũ màu quốc tang: “Những lá quốc kỳ buông ủ rủ” (Ngày vụn vỡ).

Trạng huống nhân thế biến dạng, đổi màu. Có một dòng sống bị chặn lại, ngừng trôi chảy – một cuộc sống chết: nhịp sống thường nhật ngưng trệ, mọi sinh hoạt cộng đồng bãi bỏ, con người không giao lưu không giao cảm, con người ly xa nhau.

Có những đường phố chết, hoang phế như thời viễn cổ (Trong gió tử thần); những trường học chết: “Sân trường lạnh tanh” (Tháng tư đợi…học trò) ; mỗi yêu thương cũng tự phải co mình, cách ly người thương mến. Sự giao cảm gieo mầm chết cho nhau (Trong gió tử thần).

Cứ như thế, như thế, “Ở đây, lúc này” chỉ có những vùng chết câm lặng dưới trời. Không chỉ nhân thế hoảng loạn, biến dạng, covid có sức mạnh vô hình, nó khiến quy luật, bản thể tự nhiên cũng lỗi nhịp vòng quay, nhịp sinh học con người chối từ lối cũ: “Trái Đất hình như quay lệch trục/ Tất cả văng ra khỏi trái tim mình” (Viên đạn buồn thứ nhất).

Tối trong “Ở đây, lúc này” còn là nỗi kinh hoàng khác mang tên nhân họa: chiến tranh. Con người đóng vai kép trong thảm kịch đó. Con người là tội nhân, con người cũng là nạn nhân thê thảm nhất.

“Chiến tranh tại sao?”, tác giả đặt ra câu hỏi lớn mà dường như bị lảng tránh, chưa có lời giải đáp. Hàng ngàn năm qua, câu hỏi đó vẫn nhức nhối trên mảnh đất người đời? Những đối thoại, phản biện gay gắt với các ác đã lên tiếng.

Nhân danh khát vọng hòa bình, tác giả đối thoại với các yếu nhân lịch sử - những bạo chúa bày ra trò chơi vương quyền. Trò chơi đó tắm máu nhân loại. Đen tối và cái ác “đùn ra” từ “vực thẳm” của “những chiếc lỗ đen” – những não bộ của các bạo chúa. Trong họ chỉ tích tụ, chỉ ủ những mầm độc, để rồi thoát thai, gieo chết chóc cho nhân loại: “Quyền lực mang dã tâm mặn tanh mùi máu” (Tản mạn trong những tập mờ).

Chiến tranh điêu linh, hủy diệt. Nó đẩy nhân loại quay về vạch xuất phát ban đầu – thuở hồng hoang: “Văn hóa của nghìn năm chỉ sau một đêm/ Biến thành miền hoang phế” (Thời thiếu lửa, thừa bom).

Bom đạn ngừng rơi, nhưng dư chấn hậu chiến âm thầm, dai dẳng và mạnh mẽ. Rất ít nụ cười thời hậu chiến! Sau chiến tranh, con người lắng lại, nhìn thật sâu vào mất mát hôm qua. Cũng từ đó, một cuộc chiến thầm lặng mới lại bắt đầu với phần đời còn lại của những người đi qua thời khói lửa. Đó là những vùng tối, những vũng tối nhân gian sang chấn tinh thần. Trong nỗi người nhức nhối ấy, nhà thơ tập trung vào người nữ. Họ là những phận người âm u nhất. Con người đã kéo lê một cuộc sống chết! Những phận người cứ héo đi: trinh nữ buồn, sương phụ vật vã, mẹ khổ đau.

Đó là một cuộc sống hao khuyết, què quặt. Người đàn bà trở thành chinh phụ hóa đá thời hiện đại. Rồi, họ là vợ liệt sĩ – một danh thơm cợt trêu của tạo hóa. Họ tự ru ca trong khúc ai vãn “tiết hạnh khả phong”.

Những người con gái đã “đợi thuyền” qua bao mùa chiến chinh đi qua.Những bến đợi thành “bến không chồng”: “Đất nước có những nốt trầm rả rich mưa ngâu,/ Nhiều cô gái không một lần mang áo cưới” (Đất nước toàn những dòng sông cái).

Xét từ góc độ diễn ngôn đạo đức, người nữ là tấm gương thủy chung son sắt, hy sinh vì nghĩa lớn. Họ được dân tộc tôn vinh. Dưới cái nhìn nhân văn, họ bị tước đoạt quyền sống.

Khúc bi ca người đàn bà xứ khác trong chiến tranh trên Trái Đất này, cũng chỉ chung một cung trầm não nuột. Hình tượng “những người đàn bà Trung Đông” trên hoang mạc cát mênh mông nhuốm màu liêu trai u uẩn.

Chiến tranh mềm lại hủy hoại tâm hồn con người, tâm hồn dân tộc, tha hóa văn hóa nội sinh. Đồng tiền ngoại quốc, mộng ước công dân toàn cầu đã mê dụ con người về phía bờ xa ảo. Người Việt quên lối về làng, quên lối về ngày giỗ Tổ. Nhà thơ thường trực, đau đáu nỗi âu lo về tương lai văn hóa Việt sẽ đi về đâu? Đó là nỗi âu lo vong bản văn hóa: “Dẫu vẫn còn đây đất đai và núi rừng sông bể/ Nhưng hồn nước Việt đâu rồi?” (Chiến tranh mềm).

Câu hỏi lớn dội lên từ sáng tác Nguyễn Đình Minh: “Hay chúng ta đã chết?” Con người đã và đang suy tàn. Viễn cảnh tăm tối đó khiến ta không thể không hoảng hốt: “Nếu bỗng một ngày loài người hóa vàng ròng/ Thì thế giới hóa lăng câm đá sỏi” (Tâm hồn).

2. Sáng, trong “Ở đây, lúc này” là nguồn sáng, ánh sáng, vùng sáng, như một “nguồn thiêng, vùng thiêng”, đối lập tương phản chống lại bóng tối.

Nguồn năng lượng sáng ấy, trước hết là tâm lượng từ chủ thể trữ tình. Ngọn lửa đã ấp iu, nuôi dưỡng, thắp sáng trí tuệ tâm hồn nhà thơ để có một hồn thơ khỏe khoắn, bản lĩnh.

Sinh quyển văn hóa làng quê, những nghiệm sinh cuộc đời. một năng khiếu thi ca thiên phú, một quá trình học hỏi, tích lũy tri thức nhân loại đã cộng hưởng làm nên gương mặt tác giả riêng. Có một ý thức trữ tình công dân, cái tôi tự nhiệm, tự nguyện dấn thân gánh lấy phần khó khăn của thi ca vị nhân sinh đã quyết định phong cách nhà thơ. Bởi thế, tác giả đã lao vào những tâm chấn thời đại

Sáng, trong thơ Nguyễn Đình Minh là ánh sáng đánh thức trí tuệ và tâm hồn, lương tri và trái tim con người. Nhà thơ và chúng ta cùng nhập dòng “văn hóa thức tỉnh”. Chúng ta cần thông minh tỉnh táo để nhận diện cái ác, đối thoại và phản biện cái ác. Tác giả cật vấn các yếu nhân bạo chúa, soi thấu những góc tối tăm của con người; lật tẩy chiêu bài dụ ngôn mê hoặc con người; bản lĩnh bóc trần tư tưởng bá quyền, tranh đoạt cưỡng bức thiên hạ (Đọc sấm Trạng ngày biển động).

Với “Chiến tranh tại sao?”, nhiều đối thoại gay gắt đặt ra trước số phận nhân loại: vấn đề chủ quyền quốc gia, dân tộc; vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc; vấn đề nhân quyền (Thơ và súng, Thời thiếu lửa, thừa  bom, (Những người đàn bà Trung Đông, Gửi ông Obama, Cuộc chiến thời văn minh, Mạng nhện)?

Chúng ta cũng cần ngộ ra câu chuyện ngàn đời trong mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Con người huyễn tưởng, ngạo cuồng cho mình là chúa tể, nhưng thực ra, con người vô cùng bi thảm. Trước thiên nhiên vĩ đại, ta chỉ là cát bụi, yếu ớt, mê ảo (Nghĩ trong đêm đại dịch).

Tối và sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh (Đọc “Ở đây, lúc này”, NXB Hội nhà văn 2022) - 3

Ảnh minh họa

Đâu đây, lời khuyên của bậc hiền triết xưa dường như vọng lại: thuận theo tự nhiên mà sống! Thông điệp giản dị đó, nhân loại đã bước qua, bỏ lại sau lưng mấy ngàn năm. Nay, ta cần quay về. Biết bao sâu xa trong minh triết xưa (Nghĩ trong mùa lá rụng).

Gột rửa, “giặt giũ” thanh tẩy tâm hồn, đã nhiều lần nhà thơ tự vấn. Chỉ có, tự nhận thức, tự thức tỉnh, con người mới quay về đường sáng không mê lạc.

Dù “Ở đây, lúc này” đầy bóng tối, song cuối con đường kia, nhân loại đã nhìn thấy ánh sáng đang tràn về. Tác giả có niềm tin vào một tương lai sáng. Như quy luật đắp đổi, vận hành của bản thể tự nhiên, đêm tàn, bình minh ló rạng. Và sớm mai, “mặt trời vẫn thức gọi Sài Gòn”.

Một hành trình, một nhịp sống mới sẽ bắt đầu: trong họa có phúc, trong âm đã có mầm dương, trong suy tàn đã chứa mầm hồi sinh, có “tiếng chào đời đêm đại dịch). Ta cũng tin rằng, muôn đời, vòng quay sinh nở không ngừng tuôn chảy, cho dòng sống trường tồn (Cây hoa và cây thập tự, Nghĩ trong mùa lá rụng).

“Ở đây, lúc này” có nhiều vùng chết lặng lẽ chìm trong tối tăm, nhưng “chân dung quê mẹ” vẫn lấp lánh những ánh vui, nguồn sáng dẫn lối ta về.

Đọc Nguyễn Đình Minh, có một tình yêu thiết tha văn hóa Việt, một dòng văn hóa Việt thao thức, mải miết chảy dưới trời quê. Sinh thái văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh như một “nguồn thiêng”, “vùng thiêng” tựa hồ như một thứ tôn giáo được tôn thờ. Suối nguồn nguyên thủy ấy nuôi dưỡng “hồn rơm, vía rạ”. Đó là hồn quê – căn cốt văn hóa nội sinh.

Cũng bởi thường trực, đau đáu nỗi lo vong bản văn hóa, thơ Nguyễn Đình Minh có ý thức sâu sắc thức tỉnh văn hóa truyền thống. Ở đâu, lúc nào, tác giả cũng canh cánh nỗi niềm quê mẹ. Nếu thời Nguyễn Bính, chỉ có chút “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” thì thời nay, vía hồn văn hóa đã đang phai nhạt, xa lạc nơi đâu? Nếu hồn vía bay đi, chỉ còn văn hóa chết!

Khúc vĩ thanh, Nguyễn Đình Minh hát tặng làng quê. Dẫu vẫn không ít nốt trầm, song vẫn là vùng bình yên để tâm hồn “đậu xuống quê hương”.

Chính sinh quyển văn hóa thôn làng đã thay đổi sắc màu không/ thời gian thơ Nguyễn Đình Minh. Khúc xưa gợi đường về miền văn hóa hiện hữu những giá trị chân, thiện, mỹ.

Chủ thể văn hóa đó, người nữ thôn quê là điểm nhấn. Người Việt có một Đạo Mẫu. Trong tâm thức Việt, mẹ là quê hương, mẹ là Tổ quốc. Tâm hồn mẹ làm nên tính cách người Việt, bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta có một nôi văn hóa mẹ, dòng văn hóa mẹ, văn hóa in đậm tính nữ: “Đất nước toàn những dòng sông cái”.

“Ánh quê” bao đời vẫn lấp lánh những buồn vui thương khó của nhân dân, của mẹ, của chị, của người vợ, của người em gái quê mùa lam lũ, hy sinh, nhẫn nại, nhân hậu, vị tha, chung thủy một đời… Nơi ấy cho ta sức mạnh, niềm tin không quỵ ngã, cho ta nuôi mơ ước giữa mịt mù (Ánh quê). Và mẹ đã không bao giờ vơi cạn nguồn thương yêu ấy: “Bất chợt mẹ cho chữ tình chắp cánh/ Để ta bay qua hiểm trở cuộc đời” (Neo đậu ở nhà mình). Đó còn là những người vợ luôn giữ bếp lửa ấm, bốn mùa vui (Em là… trái tim anh);…

Có lẽ, rộn ràng mà bình yên, trong trẻo mà nhiều sắc màu mê dụ nhất là bức họa làng quê diễm lệ. Ở đâu, ta cũng thấy thân quen mà vô cùng quyến rũ, mộc mạc mà lãng mạn, bay bổng: Có một “dòng sông dát nắng vàng trưa lấp lóa” ; có bầy trẻ thơ đuổi theo hạt sáng đêm khi “cơn mưa đom đóm” thắp đèn; những bông sen “từ bùn nước…vươn thắm nở” thanh khiết;vó bè ai cót két giữa khuya vắng, như lời tự sự buồn đêm trăng suông;…

Một làng quê ăm ắp tình quê, giàu có vô cùng những sáng tạo văn hóa vật thể và phi vật thể đã hiện hữu trong thơ Nguyễn Đình Minh.

Tinh thần cố kết cộng đồng làm nên sức mạnh cộng sinh, giúp dân tộc ta chiến thắng kẻ thù ngoại bang và vượt lên thiên họa: “Tình quê kết muôn đời như dây mơ rễ má (Đậu xuống quê hương). Ở đâu đó, “Nghe thì thùng trống hội”, trẻ con, người lớn háo hức tìm về; mẹ ta, chị ta, em ta “mang câu tục ngữ quấn lưng người đi cấy”; ở miền Kinh Bắc kia, các liền anh, liền chị làm nên mùa “Năm canh Quan Họ”; những chàng trai, cô gái đi “Qua mùa hát đúm”, để xôn xao những vùng hương trinh nữ; một bát nước chè xanh, một miếng trầu thắm lại, mát lòng quê khi trưa hè nắng, ấm khi đông về;…Một làng quê như thể, sao có thể không yêu, không đau đáu thương về!

Tối và sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh (Đọc “Ở đây, lúc này”, NXB Hội nhà văn 2022) - 4

Tác giả Nguyễn Đình Minh

3. Thơ Nguyễn Đình Minh nói chung, “Ở đây, lúc này” nói riêng thuộc dòng thơ thế sự, giàu chất triết lý, giàu suy tưởng, trí tuệ. Ta thấy đâu đây thấp thoáng những bóng dáng tiền nhân như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, hay một Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần gũi Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Những lời khuyên của Đức Phật, của Chúa, của Lão Tử cũng ẩn hiện trong những trang thơ. Phía sau những sáng tác là một vốn sống nghiệm sinh, một phông văn hóa đáng trân trọng.

Tác giả khắc họa những hình ảnh, những hình tượng gây ám ảnh mạnh mẽ. Tiêu biểu là hình tượng bóng tối, cái chết và làng quê.

Những triết lý rút ra từ thơ Nguyễn Đình Minh tiềm ẩn triết lý nhân sinh, thế sự thâm trầm. Hầu như, đó thường là những suy ngẫm từ cuộc nghiệm sinh của chính tác giả khi nhìn sâu vào bản chất đối tượng. Có những triết lý gai người, mà ngỡ như nhà thơ bất ngờ bắt được trong cuộc rượu tỉnh say: “Gần mặt trời cứ ngỡ bếp lửa hồng/ Hóa ra mặt trời rất lạnh (Nghĩ bên ly rượu); có chân lý hiển nhiên, giản dị mà không thể thâm trầm hơn, hiện hữu ngày ngày quanh ta: “Đỉnh núi cao, cỏ còn cao hơn đỉnh” (Người lùn); có những tổng kết ngấm vị chát đắng cuộc đời: “Chỉ nghèn nghẹn dâng nỗi niềm cay đắng/ Bữa cơm không mất tiền, vẫn chỉ có cha cho? (Neo đậu ở nhà. Ở nhiều sáng tác, những chiều sâu suy tưởng, chiều sâu trí tuệ nhận thức đem đến những tứ thơ lạ: Cây hoa và cây thập tự, Những phép cộng có độc, Nhà thương nào cho thơ… Có những nhan đề thơ đã gợi suy ngẫm, suy tưởng cho độc giả: Mạng nhện, Qủa vô thường, Người lùn, Những lỗ đen, Bùa mê vô hình, Tản mạn trong những tập mờ...

Thơ Nguyễn Đình Minh có dạng thức kết hợp từ độc đáo. Những từ ngữ chỉ những miền tri thức khác nhau được kết hợp với nhau, tạo “độ vênh” tu từ ngữ nghĩa thú vị. Ví như, những từ thuộc miền tri thức ẩm thực ghép với miền tri thức tinh thần hay cảnh vật: “thơm như một miếng trăng”, “mùi cổ tích”, “mùi góa bụa”,…; những từ thuộc lĩnh vực trừu tượng gắn cùng lĩnh vực vật chất cụ thể: “ mảnh hòa bình”, “mảnh hồn quê”, “mảnh quê”, “mảnh khuya thu”, “quét dọn… tâm hồn”…Cách ghép từ như vậy là phép lạ hóa khách thể thẩm mỹ, chuyển trường nghĩa sang một miền tri thức khác trong cảm nhận độc giả.

        Nhân hóa là biện pháp nghệ thuật quen thuộc trong văn chương. Song, dưới ngòi bút diệu vợi của Nguyễn Đình Minh, chúng có những linh hồn lạ: “Vầng trăng cong thành dấu hỏi”, “Vầng trăng khuyết hình con mắt”… Những dấu hỏi giữa trời, những con mắt giữa trời đó xoáy sâu vào lòng thế gian những nhức nhối nhân sinh không lời đáp.

Nhân hóa trong thơ Nguyễn Đình Minh thường sử dụng những tính từ và động từ mạnh , đánh thức các giác quan và rung cảm thẩm mỹ độc đáo. “chuông nức nở”, “đào rầu rĩ”, “quốc kỳ ủ rũ”, tiếng mõ “nghẹn ngào”, pho tượng “tức tưởi”.

Ngược lại nhân hóa, nhà thơ “dã thú hóa”, “phi nhân tính hóa” con người: “loài thú đội lốt người”, con người nuôi “trái tim sắt”, con người “không có trái tim”, con người “hút máu sinh linh”…

Nguyễn Đình Minh ưa thích thể thơ tự do. Hình thức đó tương hợp nội dung thế sự nhà thơ tái hiện; diện mạo thơ gai góc, dữ dội. Đó là thế mạnh riêng, nhưng có thể cũng là giới hạn nào đó, là băn khoăn, nhà thơ từng trăn trở?

*

*          *

81 bài thơ Ở đây, lúc này như một thông điệp vừa thách thức vừa thiện lành. Thầy trò Đường Tăng (Tây du ký) đã trải qua 81 kiếp nạn trên hành trình để trở về Bến Giác. Trái đất chưa ngừng bom rơi, súng nổ, máu chưa ngừng chảy, môi sinh, văn hóa đang bị hủy hoại, trái tim nhà thơ đau nỗi đau nhân thế. Chúng ta cao vọng có một tương lai “xích lại những đường kinh vĩ tuyến/Hóa năng lượng tình yêu con người”, trẻ em vẽ lên bầu trời cánh chim bồ câu trắng.

Đi giữa hai vùng tối sáng, độc giả bỗng nhận ra những phút giây bình yên kỳ lạ khi lạc vào miền “những dòng thơ tươi xanh”. Trước “những vần thơ lửa cháy”, trái tim không bình yên!

TS. Nguyễn Thị Nhàn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T