Ghép tế bào gốc giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân u lympho

Bị ung thư tế bào lympho, sau 18 đợt truyền hóa chất liên tục nhưng kháng trị, bệnh nhân Nguyễn Lâm Tùng (20 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã gần như không còn hi vọng. Nhưng cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra nhờ phương pháp điều trị ghép tế bào gốc và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ.

Cơ hội mong manh

Khi tiếp nhận Lâm Tùng - bệnh nhân u lympho không Hodgkin, TS.BS Phạm Thị Việt Hương – Khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã nhận định: “Bị ung thư tế bào lympho, nghĩa là ung thư chính ở những tế bào miễn dịch quan trọng của cơ thể bị bệnh. Sau 18 đợt truyền hóa chất liên tục nhưng kháng trị, cháu gần như đã kiệt sức cả thể chất và miễn dịch. Do đó, cơ hội thành công rất thấp”.

“Nhưng sự quyết tâm của gia đình cùng bệnh nhân khiến chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá nắm lấy cơ hội sống cho con, dù rất mong manh” – BS Hương nhớ lại thời điểm bệnh viện quyết định điều trị ghép tế bào gốc tạo máu.

Do tủy xương của Lâm Tùng đã rất suy giảm tế bào, may mắn là lượng tế bào gốc thu hoạch vẫn vừa đủ tối thiểu cho ca ghép. Nhưng đó chỉ là mới bắt đầu. Ca ghép không thể thành công nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quá trình chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng.

Ghép tế bào gốc giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân u lympho - 1

Lâm Tùng được cách ly và chăm sóc kỹ lưỡng hàng ngày trong quá trình ghép tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện Vinmec

Ghép tế bào gốc tạo máu là quá trình đánh sập hoàn toàn hệ miễn dịch cũ, sau đó kiến tạo nên một hệ miễn dịch mới khỏe mạnh. Đây là một cuộc chiến sinh tử của các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc để bảo vệ người bệnh khỏi mọi tác nhân bất lợi dù nhỏ nhất. Bởi ngay cả những vi khuẩn, virus thông thường lúc đó cũng có thể trở thành mối đe dọa tính mạng.

Ekip ghép tế bào gốc tạo máu chuyên sâu của Vinmec đã được huy động, gồm các bác sĩ điều dưỡng được đào tạo bài bản tại nước ngoài, dày dạn kinh nghiệm với nhiều ca ghép xơ cứng rải rác và đa u tủy thành công. Ngoài ra, còn có các cố vấn chuyên môn là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Viện huyết học truyền máu trung ương, các chuyên gia từ Đức, Mỹ, Sing, Pháp. Trong đó có GS huyết học hàng đầu thế giới là GS Anthony D.Ho - Nguyên Trưởng khoa huyết học ung thư, Bệnh viện ĐH Y khoa Heidelberg và GS Rupert Handgrettinger, nguyên Giám đốc chương trình Huyết học và liệu pháp CAR-T (ĐH Tuebingen, Đức) đang là cố vấn cho chương trình ghép tế bào gốc tạo máu tại Vinmec.

Trước mỗi ca ghép, bệnh án của bệnh nhân đều được gửi tới 2 GS để nghiên cứu trước, sau đó hội chẩn trực tuyến để thống nhất về chẩn đoán, chỉ định và phác đồ thuốc điều trị. Trong quá trình ghép, nếu có bất thường, Vinmec có thể hội chẩn với các chuyên gia và 2 GS người Đức bất cứ lúc nào để thống nhất xử trí.

“Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có các thuận lợi, chúng tôi vẫn đặt ra các kịch bản để sẵn sàng cho tất cả các yếu tố, tình huống xảy ra trong ca ghép cực kỳ phức tạp này”- GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, tổng chỉ huy ca ghép cho biết.

Điều kì diệu trong thời khắc sinh tử

Lâm Tùng được nằm cách ly 24/24h trong phòng ghép đạt tiêu chuẩn ISO 7 hoàn toàn vô trùng, theo tiêu chuẩn quốc tế cho ghép tế bào gốc tạo máu, không có vi khuẩn, virus, vi nấm. Mọi can thiệp của bác sĩ và điều dưỡng phải thị phạm để tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

Sau vài ngày đầu sau ghép, tế bào gốc mới chưa mọc, trong khi tủy xương cũ đã bị tiêu diệt, Lâm Tùng luôn trong tình trạng nặng, sốt cao 40 – 42oC. Các chỉ số xét nghiệm bạch cầu bằng 0, tiểu cầu và hồng cầu cũng hạ thấp. Tiên lượng là tủy mọc chậm, khả năng tai biến cao, nhưng cuối cùng, diễn biến trong quá trình ghép của Lâm Tùng không nằm ngoài y văn và được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Vinmec theo dõi sát, kiểm soát thành công.

 “Suốt hai tuần đầu tiên ghép chờ đến khi tế bào tủy xương mới mọc, bác sĩ Hương và các điều dưỡng đều tình nguyện ở lại bệnh viện 24/24h nhiều ngày để theo dõi sát cho con. Nhờ đó mà nguy cơ nhiễm trùng của con đã được phát hiện sớm và xử trí ngay trong phòng ghép, không phải đưa xuống khoa Cấp cứu!” – anh Nguyễn Mạnh Hùng, bố Lâm Tùng xúc động nhớ lại những thời khắc sinh tử trong ca ghép.

Ghép tế bào gốc giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân u lympho - 2

Các kết quả kiểm tra cho thấy sau ghép sức khỏe của Lâm Tùng đang tiến triển ổn định rất tốt

Vượt qua thử thách, Lâm Tùng đỡ mệt mỏi, ăn ngon miệng, nói chuyện được nhiều hơn. Gần 1 tháng sau khi ghép tế bào gốc tạo máu, Lâm Tùng đã được xuất viện. Sau nhiều năm, Lâm Tùng cũng khó tin khi được nhận được kết quả kiểm tra phổi, tim, gan, thận tốt, các xét nghiệm trong giới hạn an toàn. Trong các đợt khám từ tháng 4/2022 đến nay, các chỉ số này vẫn đang duy trì tốt.

Cơn sóng dữ đã qua, chàng thanh niên 20 tuổi lại cảm thấy tràn đầy năng lượng như được tái sinh. Thời gian hàng ngày gần như kín mít, Lâm Tùng đang dạy luyện thi IELTS, làm trợ giảng, vẽ quảng cáo, đi đá bóng, chơi bóng rổ, nấu ăn. Tháng 9 tới đây, Tùng sẽ trở lại Trường Đại học Kinh tế quốc dân sau 2 năm chờ đợi.

Ghép tế bào gốc giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân u lympho - 3

Sức khỏe hồi phục, Lâm Tùng đang có thời gian nghỉ dưỡng cùng gia đình trước khi trở lại trường đại học

Cùng với các phương pháp điều trị truyền thống như hóa xạ trị, điều trị đích, ghép tế bào gốc tạo máu đang ngày càng trở nên là một lựa chọn đầy triển vọng cho người bệnh ung thư. Nắm bắt xu hướng đó, Vinmec đã triển khai thường quy ghép tế bào gốc tự thân thành công với nhiều loại bệnh. Trong đó, 100% ca ghép đều không có tai biến, khỏe mạnh, tái khám định kỳ duy trì được sức khỏe tốt.

Thành công ghép tế bào gốc đối với ngay cả với ung thư khó như bệnh của Nguyễn Lâm Tùng đã tích lũy thêm kinh nghiệm quý báu, mang tính thực tiễn cao cho các chuyên gia và bác sĩ trong lĩnh vực y học tái tạo của Vinmec. Bên cạnh đó, Vinmec cũng đã và đang mở rộng hợp tác về lĩnh vực này với các bệnh viện lớn nước ngoài như Bệnh viện đa khoa Cựu chiến binh Đài Loan (Tapei Veterans General Hospital) – một trong hai bệnh viện công lập lớn nhất tại Đài Loan để đào tạo chuyên sâu cho các bác sĩ, điều dưỡng. Đồng thời, Vinmec cũng ký kết hợp tác với hãng dược hàng đầu thế giới Roche Pharma (Việt Nam) nhằm hỗ trợ điều trị cho người bệnh và tăng cường nhận thức, giáo dục cộng đồng về các bệnh lý ung thư hiếm gặp như u lympho.

Ghép tế bào gốc giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân u lympho - 4

Vinmec ký kết hợp tác đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng về ghép tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện Cựu chiến binh Đài Bắc (Taipei Veterans General Hospital), một trong những bệnh viện hàng đầu trong lĩnh vực này tại khu vực

Nhờ có những kinh nghiệm thực tiễn và sự hợp tác chuyên sâu, Vinmec sẽ sớm làm chủ các những kỹ thuật khó nhất trong ghép tế bào gốc tạo máu hiện nay như ghép tế bào gốc đồng loài, ghép tế bào gốc nửa thuận hợp, liệu pháp CAR-T … trở thành bệnh viện tư nhân tiên phong, dẫn đầu trong điều trị bệnh lý hiếm bằng liệu pháp tế bào gốc trong thời gian tới đây.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.