Làn gió mới cho vùng chè Thái Nguyên
Với định hướng và mong muốn phát triển dài hạn tại Việt Nam, thương hiệu trà sữa CHAGEE xem việc đồng hành giúp bà con nông dân xây dựng mô hình vùng nguyên liệu thí điểm là hành động cần thiết để góp phần thúc đẩy nông nghiệp bền vững, minh bạch và gắn kết với cộng đồng địa phương.
Hành trình tìm vùng nguyên liệu
Từ đầu năm 2025, CHAGEE đã chủ động tìm đến Thái Nguyên – thủ phủ chè của Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên gia kỹ thuật, lãnh đạo địa phương và các hợp tác xã để triển khai quá trình khảo sát bài bản tại các vùng chè trọng điểm.
Thái Nguyên có hơn 20.000 hecta diện tích chè, chủ yếu là chuyên canh với sản lượng dồi dào trên 200.000 tấn chè búp tươi hàng năm. Nơi đây, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bí quyết truyền thống và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại đã tối ưu hóa năng suất và chất lượng chè.
Với hàng trăm năm kinh nghiệm trồng, sao và ướp chè thủ công đã hun đúc nên những nghệ nhân chè tài hoa cùng một văn hóa trà đặc sắc. Chè Thái Nguyên, với hương thơm tự nhiên độc đáo, vị chát dịu và hậu ngọt sâu, đã chinh phục được cả thị trường trong nước và quốc tế, minh chứng rõ ràng qua sự hiện diện tại Nhật Bản, EU hay Trung Đông,… - những thị trường rất khó tính.
Quá trình khảo sát của CHAGEE được thực hiện theo nhiều giai đoạn: xác lập tiêu chí kỹ thuật, rà soát hệ thống HTX, trao đổi chuyên sâu lãnh đạo HTX và bà con nông dân, đến khảo sát thực địa, đánh giá hạ tầng chế biến – vận chuyển – tiêu thụ. Toàn bộ hoạt động được thực hiện với tinh thần công khai, cầu thị, và lấy nhu cầu thực tế của người dân làm trung tâm.
Trên cơ sở kết quả khảo sát và tham vấn chuyên gia, HTX Chè La Bằng (Thái Nguyên) được lựa chọn là điểm thí điểm triển khai các hoạt động hỗ trợ toàn diện, từ chuyển giao kỹ thuật đến cải tiến vận hành của CHAGEE
Hình ảnh vùng trồng nguyên liệu của HTX La Bằng, nơi CHAGEE lựa chọn làm thí điểm hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác
Chọn mặt gửi vàng
HTX Chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ (cũ)) được thành lập năm 2006 dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc) đã phát triển từ 13 thành viên ban đầu lên gần 200 hộ dân liên kết, quản lý vùng nguyên liệu 30ha (20ha VietGAP, 10ha hữu cơ và 6ha có mã vùng trồng).
Việc HTX chủ động áp dụng VietGAP từ năm 2012 và mạnh dạn chuyển hướng sang canh tác hữu cơ cho thấy một tầm nhìn chiến lược và tinh thần cầu thị trong quá trình hoạt động. Nhờ vậy, HTX nhận được nhiều giải thưởng, đặc biệt là việc sản phẩm Đinh Tâm Trà được lựa chọn làm quà tặng quốc gia tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và chứng nhận OCOP 4 sao cho Thanh Hải Trà, là những minh chứng không thể thuyết phục hơn về chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu.
Tại đây, chính quyền địa phương thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ về kỹ thuật và chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững giúp doanh nghiệp yên tâm hợp tác.
Các chuyên gia CHAGEE nhận thấy cộng đồng nông dân địa phương tiếp nhận các mô hình canh tác tiên tiến, đặc biệt là kinh nghiệm và công nghệ từ các quốc gia phát triển về chè như Trung Quốc rất tích cực, nhằm nâng tầm giá trị cây chè.
Việc lựa chọn HTX thí điểm và vùng nguyên liệu chiến lược không chỉ mang tính hỗ trợ sản xuất đơn lẻ, mà là bước đi có tính nền tảng trong chiến lược đồng hành lâu dài của CHAGEE tại Việt Nam.
Nông dân tại vùng chè La Bằng (Thái Nguyên) thu hái chè tại khu vực vùng nguyên liệu được hỗ trợ kỹ thuật bởi CHAGEE Việt Nam.
Mô hình HTX – Doanh nghiệp – Nông dân tại La Bằng kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu tham chiếu cho các vùng nguyên liệu khác trong cả nước, góp phần nâng tầm ngành chè Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Bình luận