"Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam là nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa"

“Việt Nam đã xây dựng các cơ chế và cấu trúc giúp thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp vào việc xây dựng và triển khai các chính sách có liên quan trực tiếp đến họ. Đặc biệt trong khu vực văn hóa, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với hơn 40.000 thành viên và 10 hội trực thuộc chính là tổ chức hoạt động rất tích cực…”

Đó là nội dung trong dự thảo báo cáo quốc gia do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Chuyên gia khu vực của UNESCO trình bày tại Hội thảo "Báo cáo kết quả dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO tại Việt Nam và thành phố Huế” diễn ra vào ngày 19/9.

"Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam là nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa" - 1

Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức

Hội thảo được tổ chức với mục đích trình bày và xác nhận các kết quả của dự án cũng như giới thiệu những phát hiện chính thu được từ quá trình thu thập và phân tích các chỉ số dựa trên phương pháp của bộ Chỉ số Văn hóa 2030.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các kết quả của dự án có được là nhờ sự đóng góp, chia sẻ về tri thức và chuyên môn của rất nhiều tổ chức, cơ quan, và cá nhân các chuyên gia thống kê, chuyên gia văn hóa.

“Thông qua việc phản hồi và đóng góp ý kiến về các kết quả của dự án cũng như những khuyến nghị chính sách được phát triển dựa trên các kết quả này sẽ giúp nâng cao chất lượng của các sản phẩm dự án, từ đó giúp Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả hơn vào bức tranh chung về hiện trạng văn hóa toàn cầu được trình bày trong báo cáo toàn cầu của dự án Chỉ số Văn hóa 2030 sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển Bền vững của UNESCO (Mondiucult 2022) diễn ra vào ngày 28 và 29 tháng 9 tại Mexico”, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

"Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam là nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa" - 2

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo 

Sự tham gia tích cực của các tổ chức nghề nghiệp trong xây dựng chính sách 

Theo dự thảo báo cáo quốc gia kết quả dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO tại Việt Nam, vai trò của cộng đồng đã trở thành những nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa và cải thiện các biện pháp quản trị.

Đặc biệt, đối với các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế và cơ cấu nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức này vào hoạt động hoạch định và triển khai các chính sách trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Tổ chức được biết đến rộng rãi nhất trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam hiện nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với 10 hội trực thuộc bao gồm Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam.

Tổng số hội viên của Liên hiệp hội là hơn 40.000 người. Với tư cách là mạng lưới kết nối các nghệ sĩ, Liên hiệp hội và các hội trực thuộc tham gia tích cực vào việc triển khai các chương trình của Chính phủ nhờ vào nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước.

"Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam là nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa" - 3

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Chuyên gia khu vực của UNESCO trình bày tóm tắt Báo cáo Quốc gia tại Hội thảo 

Tuy nhiên bên cạnh những chuyển dịch tích cực trong những đóng góp vào quá trình vận động và xây dựng chính sách, vai trò của các tổ chức nghề nghiệp và cơ quan đại diện tập thể cho giới thực hành nghệ thuật, các nhóm thiểu số và thiệt thòi vẫn còn những hạn chế nhất định.

"Nguồn lực tài chính của nhiều tổ chức phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước, do đó, hạn chế sự tự chủ trong hoạt động của họ. Mặt khác, vai trò phản biện xã hội của nhiều tổ chức chưa thực sự được phát huy hiệu quả", báo cáo nêu rõ.

Vi phạm bản quyền hạn chế sự phát triển toàn diện của tự do nghệ thuật

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thực trạng hệ thống chính sách liên quan đến tự do nghệ thuật ở nước ta hiện vẫn còn một số tồn tại làm hạn chế sự phát triển toàn diện của lĩnh vực này. Các hành vi vi phạm bản quyền còn phổ biến và việc thực thi kém hiệu quả của luật liên quan chính là một thách thức lớn đối với ngành văn hóa hiện nay.

Tự do nghệ thuật là một quyền cơ bản được Nhà nước và Chính phủ Việt Nam công nhận và đề cao. Trong những thập niên qua, với mục tiêu tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều Công ước, Hiệp định và Thỏa thuận song phương và đa phương. Những văn kiện này đồng thời cũng ảnh hưởng đến việc xác lập và định hình chính sách văn hóa quốc gia ở nhiều khía cạnh khác nhau.

"Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam là nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa" - 4

Ngoài sự tham dự của các chuyên gia quốc tế, chuyên gia khu vực của UNESCO trực tiếp hỗ trợ cho dự án, hội thảo còn quy tụ các chuyên gia văn hóa, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và những người thực hành sáng tạo...

Đặc biệt, nhờ vào khuôn khổ chính sách của Việt Nam từng bước được cải thiện đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sáng tạo, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Vai trò và vị thế của lực lượng sáng tạo được công nhận rộng rãi. Các cơ chế và phương tiện được phát triển nhằm thúc đẩy và hỗ trợ sự tham gia của nghệ sĩ vào các đối thoại chính sách.

Một ví dụ điển hình cho xu hướng này có thể thấy qua sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa và hoạch định chính sách vào các thảo luận liên quan đến sửa đổi Luật Điện ảnh gần đây.

Trong bối cảnh này, báo cáo nhấn mạnh tới các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề bản quyền cần được xây dựng cùng với những sáng kiến nhằm cải cách hệ thống hành chính để mang đến một môi trường thuận lợi hơn cho tự do nghệ thuật.

Phù hợp với cam kết của UNESCO trong việc vận động vì vai trò thiết yếu của văn hóa đối với phát triển bền vững, Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 quốc gia và địa phương.

Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO là nền tảng cho việc vận động chính sách cho văn hóa trong các Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDGs) cũng như để lồng ghép vào các kế hoạch và chính sách phát triển ở cấp quốc gia, đô thị và trong Khuôn khổ Hỗ trợ Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDAFS).

Việt Nam bắt đầu triển khai Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO vào tháng 10/2021 và hoàn tất dự án vào tháng 6/2022. Khung chỉ số cũng được triển khai ở cấp đô thị tại thành phố Huế.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất