3 nhân sự lãnh đạo chủ chốt vừa được Quốc hội bầu

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành việc bầu 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

3 nhân sự lãnh đạo chủ chốt vừa được Quốc hội bầu - 1

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp chiều 5/4. Ảnh: TTXVN

Quốc hội bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước

Sáng 5/4, tại Hội trường Diên Hồng, với tổng số 468/468 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 97,50% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3 nhân sự lãnh đạo chủ chốt vừa được Quốc hội bầu - 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: TTXVN

Sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa trước Quốc hội và Nhân dân cả nước, sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được hiến pháp và pháp luật quy định; phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao.

"Trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen. Tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc" - tân Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quảng Nam. Trình độ lý luận chính trị: cao cấp, trình độ chuyên môn: cử nhân kinh tế. Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.

Trước khi được bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc từng đảm nhiệm các vị trí như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng Chính phủ

Chiều 5/4, với tổng số 462/466 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 96,25% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

3 nhân sự lãnh đạo chủ chốt vừa được Quốc hội bầu - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ. Ảnh: TTXVN

Phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ và hoạt động của Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

"Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc" - tân Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958; là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Kỹ sư Xây dựng; quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Trưởng ban Tổ chức Trung ương khóa XII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ông Phạm Minh Chính từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Vương Đình Huệ đắc cử Chủ tịch Quốc hội

Ngày 31/3, với kết quả 473/473 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (98,54% tổng số đại biểu), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Bí thư Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

3 nhân sự lãnh đạo chủ chốt vừa được Quốc hội bầu - 4

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu nhậm chức (Ảnh: TTXVN)

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sẽ đem hết sức mình kế thừa, phát huy truyền thống và thành tựu của Quốc hội qua các thời kỳ: "Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của Quốc hội qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Là Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, tôi sẽ cùng các thành viên trong Hội đồng thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật định; tổ chức thành công cuộc bầu cử nhằm bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ông là Giáo sư - Tiến sĩ Kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, XIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Ông Vương Đình Huệ từng kinh qua các chức vụ như Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Nguồn vtv.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Dòng chảy tiến hóa: Cách các ý tưởng mới khởi phát trong tiến trình lịch sử loài người

Dòng chảy tiến hóa: Cách các ý tưởng mới khởi phát trong tiến trình lịch sử loài người

Từ “tiến hóa” (evolution) nguyên gốc có nghĩa là “mở ra”. Tiến hóa là một câu chuyện, một sự tường thuật về cách mọi thứ thay đổi. Nó cho thấy sự thay đổi đến từ bên trong, thay vì chịu định hướng từ bên ngoài. Cuốn sách này lập luận rằng sự tiến hóa đang diễn ra xung quanh chúng ta. Đó là cách tốt nhất để hiểu phương thức mà thế giới loài người cũng như thế giới tự nh