Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông
Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông trong 12 giờ tới. Bão có hướng đi thay đổi liên tục và có thể mạnh đến cấp 9, giật cấp 11.
Rạng sáng 20/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Philippines đã vào Biển Đông. Lúc 1h, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 25 km/h và khả năng mạnh thành bão. Chiều 20/12, tâm bão nằm ngay ở phía nam đảo Song Tử Tây. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Sau đó, bão đổi hướng, đi theo hướng tây nam và giảm vận tốc xuống còn 15 km/h. Rạng sáng 21/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 200 km về phía tây nam. Sức gió duy trì ở cấp 8, giật cấp 10.
Ngày và đêm 21/12, hình thái này giữ hướng đi và vận tốc, có khả năng mạnh thêm. Rạng sáng 22/12, tâm bão cách bãi Huyền Trân 140 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Sau đó, bão đổi hướng đi theo hướng tây, tiếp tục giảm vận tốc xuống còn 10-15 km/h. Cơ quan khí tượng chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng của bão tới đất liền nước ta.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông. Ảnh:
NCHMF.
Hiện, cơ quan khí tượng Hong Kong và Nhật Bản đã phát đi bản tin về áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông. Các nhận định ban đầu cho thấy bão ít có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta.
Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, bão sẽ đi hơi chếch xuống phía nam và có thể đạt cường độ mạnh nhất là 75 km/h, tương đương cấp 8, giật cấp 10 vào ngày 22/12. Sau đó, hình thái này khả năng đi thẳng qua mũi Cà Mau rồi suy yếu thành vùng áp thấp.
Dù vậy, hoàn lưu bão có thể gây ra một đợt mưa trái mùa cho các tỉnh phía nam trong ngày 21-23/12. Vùng ảnh hưởng do bão trải rộng khắp đất liền Nam Bộ.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 8 đến 12 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 112 đến 120 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Vùng biển phía đông khu vực giữa và nam Biển Đông có mưa rào kèm theo dông, nguy cơ xảy ra lốc, sét. Gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh, sóng biển cao 5-7 m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của một rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao 2-4 m, biển động.
Theo ZingBình luận