Biến chủng virus corona tại Anh gây lo ngại về kháng vaccine
Nhà chức trách Anh và Nam Phi nói các biến chủng mới của virus corona có khả năng lây lan cao hơn, giữa lúc vaccine Covid-19 thắp lên hy vọng thoát khỏi đại dịch cho thế giới.
Giới chức Anh tuần qua báo động trước một biến chủng mới của virus corona, với khả năng lây nhiễm cao hơn, đang lan rộng trong cộng đồng.
Dựa trên tốc độ lây lan của biến chủng mới ở London và khu vực lân cận, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất tại nước này kể từ tháng 3.
"Khi virus thay đổi cách tấn công, chúng ta phải thay đổi cách phòng thủ", ông nhấn mạnh.
Ngay trước khi các biện pháp hạn chế bắt đầu có hiệu lực, người dân thủ đô London đã lũ lượt chen chúc trên các chuyến tàu rời thành phố. Ngày 20/12, nhiều nước châu Âu bắt đầu cấm nhập cảnh với hành khách đến từ Anh, ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Boris Johnson thị sát cơ sở sản xuất vaccine tại Anh vào tháng 11. Ảnh:
Reuters. Bí ẩn về biến chủng mớiCác nhà khoa học bắt đầu lo ngại về các biến chủng mới, nhưng họ không quá bất ngờ trước diễn biến này của đại dịch Covid-19. Giới nghiên cứu đã ghi nhận hàng nghìn biến đổi nhỏ trong vật chất di truyền virus corona khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới.
Khi điều kiện sinh tồn thay đổi với vaccine và mức miễn dịch cao hơn trong dân số, virus có khả năng xuất hiện những đột biến mới giúp lây lan hiệu quả hơn và tránh được hệ miễn dịch ở người.
Một số biến chủng lan rộng trong dân số chủ yếu nhờ may mắn, chứ không phải những biến đổi di truyền khiến chúng trở nên nguy hiểm vượt bậc.
Tại Nam Phi, một phiên bản tương tự với biến chủng tại Anh đã xuất hiện. Theo các nhà khoa học, biến chủng virus corona ở Nam Phi và biến chủng tại Anh có cùng 1 điểm đột biến. Nó được tìm thấy trong gần 90% mẫu bệnh phẩm ở Nam Phi được giải trình tự gene kể từ giữa tháng 11.
"Đây là tín hiệu cảnh báo mà chúng ta cần theo dõi sát sao", Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle, chia sẻ.
"Hiển nhiên những biến chủng này sẽ lan rộng. Cộng đồng khoa học cần theo dõi chúng, đánh giá biến chủng nào có thể gây ra tác động", ông nói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện biến chủng virus corona tại Anh có khoảng 20 đột biến, trong đó có một một vài điểm tác động lên cách virus bám vào tế bào cơ thể người và truyền bệnh.
Theo Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St.Andrews ở Scotland và cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, các đột biến này cho phép biến chủng virus corona nhân bản và lây nhiễm hiệu quả hơn.
Nhà chức trách Anh thông báo biến chủng mới ở khu vực đông nam nước Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn mức bình thường khoảng 70%. Tuy nhiên, bà Cevik lưu ý đây mới là con số dựa trên mô hình tính toán và chưa được xác nhận trong phòng thí nghiệm.
"Chúng tôi cần thêm dữ liệu thí nghiệm. Chúng tôi không thể loại bỏ hoàn thoàn thực tế rằng mức lây nhiễm này có thể liên quan đến hành vi của mọi người", bà nhận định.
Bà Margaret Keenan là người đầu tiên tại Anh được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech ngoài diện tình nguyện viên thử nghiệm. Ảnh:
AFP.
Phản ứng quyết liệt ở châu ÂuCác nhà khoa học Nam Phi chia sẻ quan điểm tương tự. Họ vẫn chưa thể xác định chính xác bằng số liệu mức ảnh hưởng từ đột biến lên khả năng lây nhiễm của virus corona. Trong khi đó, một điều khá dễ nhận diện là hành vi của mọi người đang tác động đến diễn biến dịch.
Thông báo của chính phủ Anh cũng gây nhiều lo ngại về khả năng virus corona tiến hóa và kháng lại các vaccine vừa được phát triển thành công.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bình tĩnh. Họ lưu ý rằng virus muốn vô hiệu hóa hoàn toàn vaccine sẽ cần nhiều năm để tiến hóa, chứ không chỉ vài tháng.
"Mọi người không nên lo ngại sẽ xuất hiện một biến chủng thảm họa khiến toàn bộ cơ chế miễn dịch và kháng thể trở nên vô dụng", bác sĩ Jesse Bloom lưu ý.
"Đó là quá trình diễn ra trong nhiều năm và cần nhiều đột biến cộng lại chứ không bật, mở như công tắc", ông nói.
Những lời trấn an bằng khoa học không còn nhiều ý nghĩa với tâm lý chủ động đề phòng của hàng xóm nước Anh.
Lo lắng trước nguy cơ hành khách từ Anh nhiễm biến chủng mới, Hà Lan đã thông báo cấm mọi chuyến bay từ đảo quốc này từ ngày 20/12 đến 1/1/2021.
Italy, Bỉ và Đức cũng siết chặt quản lý hành khách đến từ Anh và cả Nam Phi. Một số nước khác như Pháp, Áo và Ireland đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm nhập cảnh. Chính phủ Tây Ban Nha còn đề nghị Liên minh châu Âu (EU) điều phối một lệnh cấm hành khách từ Anh đến lục địa bằng đường hàng không.
Phía bên kia Đại Tây Dương, Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng đề nghị chính phủ Mỹ cân nhắc biện pháp tương tự.
Tại Anh, quan chức ngành giao thông đã tuyên bố kế hoạch tăng cường cảnh sát ở những nút giao thông, ga tàu điện để đảm bảo chỉ những ai có nhu cầu cấp thiết được sử dụng phương tiện công cộng.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/12 chỉ trích những người chen chúc trên tàu trốn khu vực phong tỏa là "vô trách nhiệm". Ông cho biết các biện pháp chống dịch vừa được Thủ tướng Johnson công bố có thể kéo dài trong vài tháng.
Các nhà khoa học cho rằng hành vi của người dân các nước góp phần tạo ra mức lây nhiễm cao của biến chủng mới. Ảnh:
Getty. Cuộc chiến với "kẻ biến hình"Kể từ khi đại dịch bùng phát trên diện rộng vào cuối năm 2019 ở Trung Quốc, các nhà khoa học ít nhất 3 lần phát hiện đột biến ở virus corona ảnh hưởng đến mức nhạy của kháng thể: biến chủng trên chồn ở Đan Mạch, biến chủng ở Anh và một bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, cơ thể phản hồi chậm với huyết tương của người đã khỏi bệnh.
Giống như mọi loại virus khác, virus corona cũng là "kẻ biến hình" qua những biến đổi di truyền trong quá trình lây nhiễm trên người. Một số đột biến không tạo ra khác biệt, nhưng một số khác có thể khiến dịch bệnh thay đổi.
Các nhà khoa học đang lo ngại kịch bản thứ hai. Việc tiêm phòng vaccine cho hàng triệu người sẽ tăng khả năng xuất hiện phiên bản thích ứng mới của virus, giúp chúng đánh lừa hoặc khắc chế thành công phản ứng miễn dịch.
"Chủng virus này lây lan, phát triển và thích ứng liên tục. Nhưng mọi người lại không muốn lắng nghe những điều chúng tôi cảnh báo: Virus này sẽ đột biến", bác sĩ Ravindra Gupta, nhà virus học tại Đại học Cambridge, cho biết.
Theo bác sĩ Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học tại Đại học Nữ hoàng Mary ở London, giới khoa học ban đầu phỏng đoán virus corona đã ổn định và khó có khả năng thoát được phản ứng miễn dịch bằng vaccine. Tuy nhiên, những phát hiện trong vài tháng qua đã chứng tỏ virus có thể đột biến.
"Với sức ép chọn lọc sinh tồn tăng lên vì chiến lược tiêm ngừa trên diện rộng, tôi nghĩ những biến chủng này sẽ dần trở nên phổ biến hơn", bà cảnh báo.
Chuyên gia dịch tễ học phân tử Emma Hodcroft của Đại học Bern, Thụy Sĩ, vẫn tự tin. Cô cho rằng kịch bản quá trình chọn lọc ở virus tạo ra biến chủng nguy hiểm chưa diễn ra ngay và thế giới chỉ cần lo ngại về dài hạn. Virus gây ra cúm mùa cũng cần 5-7 năm để tập hợp đủ đột biến cần thiết trong một biến chủng và đánh lừa hệ miễn dịch ở người.
Theo Hodcroft, các nước trước mắt cần tiêm phòng khoảng 60% dân số và giữ số ca nhiễm thấp trong cùng giai đoạn. Chiến lược này có thể giảm đáng kể khả năng virus đột biến nguy hiểm.
Theo ZingBình luận