Diễn biến ở Trường Sa trước sự kiện Gạc Ma (kỳ 2)

Loạt bài Quần đảo Trường Sa của Việt Nam của Thiếu tướng Hoàng Kiền được đăng tải trên 6 số của Thời báo Văn học Nghệ thuật. Kỳ đầu tiên xuất bản trên số 27/2021 ra ngày 8/7/2021 và kỳ 6 đăng tải trên số 32/2021 ra ngày 12/8/2021. Loạt bài này đã vinh dự được nhận giải C giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021 diễn ra vào tối 21/6/2022 tại Hà Nội. Arttimes.vn trân trọng đăng tải lại loạt bài này để bài báo được đến với đông đảo bạn đọc.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Kỳ 1)

Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam.

Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11/1987, Trung Quốc lại cho tàu nghiên cứu "Hải Dương 4" và một số tàu chiến dưới dạng khảo sát khoa học tiến hành khảo sát thăm dò hầu hết các khu vực quần đảo Trường Sa đến tận 06 0 20' độ vĩ bắc, đặt bia "kỷ niệm" ở bãi Lu-i-xa. Tiếp theo trong các ngày từ 18-27/10/1987, họ cho tàu ngang nhiên đi vào gần các đảo của ta như: An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, Trường Sa với thái độ khiêu khích....

Qua nghiên cứu, Bộ tư lệnh Hải quân thấy các bãi, đá phía Tây như: Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Đá Lát có vị trí quan trọng, đối tượng tranh chấp là Trung Quốc; các đảo phía Đông như: Tiên Nữ, Tốc Tan, cần đề phòng Trung Quốc lợi dụng thời cơ chiếm thêm.

Để kịp thời đối phó với các tình huống, đêm 24/10/1987, Phó đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân ra mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng thuộc quần đảo Trường Sa, tránh âm mưu khiêu khích của đối phương; đồng thời chỉ thị cho Lữ đoàn 125 chuẩn bị tàu, pông tông sẵn sàng đưa lực lượng ra Trường Sa, chuyển các tàu của lữ đoàn 172 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động ra phía trước; Trung đoàn Công binh 83 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Lúc này Trung đoàn Công binh 83 đang đóng quân tại Đà Nẵng.

Ngay sáng hôm sau, ngày 25/10, Tư lệnh Hải quân đã trực tiếp báo cáo Bộ trưởng Bộ quốc phòng về kiến nghị và kế hoạch đóng giữ bảo vệ Trường Sa và đề nghị cho máy bay của không quân trinh sát nắm tình hình quần đảo Trường Sa.

Ngày 6/11/1987, Quân chủng Hải quân nhận được mệnh lệnh chính thức đóng giữ bốn đảo. Đến 4 giờ ngày 25/10/1987, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn thành chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Sau khi báo cáo tình hình với Tư lệnh và theo kế hoạch, Bộ Tham mưu Hải quân đã điều động một số tàu của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế cho Vùng 4, cơ động Hải đội tàu tên lửa 131 của Lữ đoàn 172 từ thành phố Hạ Long vào Đà Nẵng sau đó vào Cam Ranh, phải dùng tàu kéo để kéo vào.

Ngày 28/10/1987, tàu HQ613 do Trung uý Cao Đức Tại làm thuyền trưởng chở một phân đội chiến đấu của Lữ đoàn 146 và phân đội Công binh của Vùng 4 do đồng chí Nguyễn Trung Cang - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy ra chốt giữ Đá Tây. Do sóng lớn, việc xây dựng công trình rất khó khăn, sau một thời gian phải đưa bộ đội về Cam Ranh.

Ngày 3/11/1987, tàu HQ617 đến Đá Lớn, do sóng gió lớn phải quay về Nam Yết neo, đến ngày 7/11 quay lại Đá Lớn, sóng to làm đứt 2 neo phải quay về Cam Ranh. Do sóng gió quá lớn, đã rất cố gắng, nhưng việc đóng giữ hai đảo Chữ Thập và Tiên Nữ chưa thực hiện được.

Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng thông qua kế hoạch đóng giữ các bãi cạn. Đồng thời có mệnh lệnh số 1679/ ML- QP về việc Bảo vệ Trường Sa gửi các Quân chủng Hải quân, Không quân do Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký: "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên, trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. Khai thác và phát huy mọi khả năng của các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo xa. Nếu đối phương xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo, không mắc mưu địch khiêu khích ".

Diễn biến ở Trường Sa trước sự kiện Gạc Ma (kỳ 2) - 1

Tàu quân sự của hải quân Việt Nam trực bảo vệ chủ quyền vùng biển Trường Sa năm 1988 (Ảnh tư liệu)

Sáng 15/11, Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Vùng 4 đưa các tàu ra chốt giữ ngay các bãi đá Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ, làm nhà C3 ở Đá Tây. Đồng thời điều động một số lực lượng tàu chiến sẵn sàng chi viện, công binh sẵn sàng ra xây dựng công trình. Do gặp cơn bão số 6, kế hoạch đóng giữ chưa thực hiện được.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa tàu hộ vệ tên lửa 156, tàu tuần tiễu 9332, tàu dầu 941, tàu đổ bộ 932 và một số tàu khác thuộc hạm đội Nam Hải đến chiếm đóng đá Chữ Thập. Tiếp theo họ đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm hoạt động xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại. Họ tổ chức thành ba cụm tuyến hoạt động: Cụm phía sau lấy Hoàng Sa làm căn cứ thường xuyên với nhiều tàu chiến lớn các loại nhằm uy hiếp, ngăn cản Hải quân ta hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía Nam. Cụm ngăn chặn lực lượng Hải quân ta ở Đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu. Cụm Chữ Thập âm mưu khống chế ta ở khu vực Trường Sa. Khi có thời cơ họ sẽ phát triển xuống phía Nam.

Trước âm mưu của Trung Quốc, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo khẩn trương đưa các tàu vận tải của Lữ đoàn 125 và Vùng 4, lực lượng: Trung đoàn 83, Lữ đoàn 146, Công binh Vùng 4 ra đóng giữ các bãi đá.

Diễn biến trên đá Chữ Thập

Chữ Thập nằm ở trung tâm của quần đảo về phía Tây, có vị trí hết sức quan trọng, nó án ngữ vùng biển từ đất liền ra Trường Sa. Đóng giữ Chữ Thập là một nhiệm vụ quan trọng, các phương án đóng giữ Chữ Thập được Bộ Tư lệnh Hải quân tập trung chỉ đạo triển khai.

Ngày 28/12/1987, tàu HQ674 đi khảo sát Chữ Thập nhưng hai ngày sau vẫn không bắt gặp được đảo, máy phụ hỏng, tàu phải trở về Cam Ranh ngày 3/1/1988.

Ngày 13/1/1988, Vùng 4 lệnh cho tàu HQ604 do đồng chí Côn - Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cùng đi khảo sát Chữ Thập, khảo sát xong neo lại đó chờ lệnh, do kỹ thuật tàu không bảo đảm an toàn nên Thuyền trưởng báo cáo xin cho tàu về Cam Ranh.

Ngày 14/1/1988, Vùng 4 lệnh cho đồng chí Thụ cho tàu về Đá Đông tránh sóng, chờ thời tiết tốt đi khảo sát Chữ Thập. Tuy vậy Thuyền trưởng Thụ vẫn cho tàu về Cam Ranh ngày 18/1/1988.

Diễn biến ở Trường Sa trước sự kiện Gạc Ma (kỳ 2) - 2

Tàu HQ-604 - con tàu bị địch bắn chìm trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma, ngày 14/3/1988. 

Tàu kéo HQ961 do Đại uý Nguyễn Thanh Hiền làm thuyền trưởng nhận lệnh kéo tàu HQ556 đi Chữ Thập, nhưng do sóng to gió lớn nên không thực hiện được.

Ngày 27/1/1988, Vùng 4 cử một biên đội tàu vận tải do đồng chí Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 làm biên đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Dân - Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 làm biên đội phó. Lực lượng gồm một đại đội Công binh và 2 khung giữ đảo của Lữ đoàn 146 trên tàu HQ611 và HQ712 ra chốt giữ. Do sóng gió lớn, tàu hỏng máy, đến chậm. Sáng ngày 31/1, khi cách đá Chữ Thập 5 hải lý phát hiện có 4 tàu chiến của Trung Quốc ra ngăn cản trong đó có tàu hộ vệ pháo 502 và 503, hai tàu của ta không thể tiếp cận đá Chữ Thập được phải quay lại Trường Sa Đông. Ta mất đá Chữ Thập (Trung Quốc đã chiếm từ 22/1).

Sở chỉ huy Quân chủng chỉ đạo, biên đội tàu HQ661 và HQ712 vẫn phải sẵn sàng để nếu tàu đối phương sơ hở hoặc rút đi thì nhanh chóng triển khai đóng giữ Chữ Thập.

Theo nguồn tin kỹ thuật ta nắm được, ngày 4/2/1988, Trung Quốc đang triển khai xây dựng công trình trên đá Chữ Thập. Tháng 2/1988, Trung Quốc đưa thêm 4 tàu hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo xuống hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, gây tình hình rất căng thẳng.

Lúc này Tư lệnh Giáp Văn Cương vẫn ở Vùng 4 trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc đóng giữ đảo. Ngay trong ngày 4/2/1988, đồng chí Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân chủng triệu tập Đảng ủy Vùng 4 họp bất thường... với nhận định và chủ trương: "Đối phương đã chiếm đóng đá Chữ Thập, trước mắt ta chưa thể đóng xen kẽ được vì đối phương ngăn chặn từ xa. Có thể đối phương sẽ mở rộng xâm chiếm Đá Lát, Ga Ven, Châu Viên, Đá Tây, Đá Nam, Tốc Tan, Núi Le và đóng xen kẽ nơi ta mới đóng giữ. Vì vậy ta phải nhanh chóng đóng giữ các bãi cạn đá san hô. Trước hết là Đá Lát, Đá Lớn, Châu Viên.

Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho Vùng 4: Điều biên đội tàu HQ661 và HQ712 do đồng chí Phạm Công Phán chỉ huy về đóng giữ Đá Lát. Đồng chí Lê Văn Thư - Phó chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Vùng 4 ra Trường Sa giao nhiệm vụ cho đồng chí Phán đóng giữ Đá Lát sau đó đồng chí Thư đi khảo sát đóng giữ  Châu Viên. Tàu HQ505 do Thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng kéo tàu HQ556 đi đóng giữ Đá Lớn

Lúc 15 giờ ngày 4/2/1988, Quân chủng báo cáo lên cấp trên về tình hình Trung Quốc đã chiếm đóng Chữ Thập và nêu tình huống: "Nếu ta lao vào đóng xen kẽ, đối phương dùng sức mạnh vũ lực ngăn chặn thì buộc phải nổ súng lao vào".

Lúc 12 giờ 20 phút ngày 5/2/1988, cấp trên chỉ thị: "Trước tình hình đó, ta không dùng tàu đánh cá, tàu vận tải đóng xen kẽ, cũng không dùng tàu khác đến gần quanh khu vực này làm kích thích tăng thêm sự chú ý của đối phương. Nếu đối phương rút, ta khẩn trương thực hiện ý định. Tiếp tục thực hiện đóng giữ Tiên Nữ, Đá Lớn ".

Diễn biến Đá Lớn

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 14/2/1988, Sở chỉ huy Quân chủng nhận được điện của Vùng 4: "17 giờ 15 phút ngày 14/2/1988. có 3 tàu Trung Quốc đến Đá Lớn, tàu khu trục 162 vào cách Đá Lớn 4 hải lý thả trôi, hai tàu hộ vệ tên lửa 551 và 552 cách tàu HQ701 và HQ671 của ta 2 hải lý. Ba tàu này khả năng đến để chiếm Đá Lớn, nhưng thấy tàu của ta đang neo giữ đảo ở đó nên chúng vừa thả trôi vừa theo dõi, vừa xác minh hành động của ta, uy hiếp để buộc tàu của ta rời khỏi đảo".

Trước tình hình đó sau khi hội ý trong Bộ Tư lệnh, Tư lệnh Hải quân lệnh trực tiếp: Các tàu HQ701, HQ671 ủi bãi đóng giữ Đá Lớn. Tàu HQ505 khẩn trương kéo tàu HQ556 đến Đá Lớn và và đưa tàu HQ556 lên đầu bắc đảo. Tàu HQ851 đến Châu Viên chuẩn bị vị trí để khi cần cho ủi bãi; nếu HQ851 hỏng máy thì cũng cho ủi bãi luôn để giữ đảo. Tàu HQ613 chốt giữ Tiên Nữ, gặp sóng to mất cả hai neo, đang trên đường về Cam Ranh cũng có lệnh quay về ủi bãi Đá Lớn nhưng mất liên lạc với tàu nên không chuyển được mệnh lệnh này đến HQ613. Tàu HQ713 đưa lực lượng chốt giữ Tốc Tan, khi đến nơi đưa quân vào lòng hồ ngay.

Cùng lúc này Quân chủng báo cáo tình hình mọi mặt và đề nghị với cấp trên: Cho không quân tiến hành trinh sát và chi viện chiến đấu. Đề nghị nhà nước trưng dụng gấp cho Hải quân 4 tàu vận tải vào Cam Ranh vận chuyển xây dựng đảo.

Trong đêm 14/2/1988 và tiếp theo sau đó, các đơn vị đóng giữ Đá Lớn đã khẩn trương triển khai mệnh lệnh của Tư lệnh Quân chủng.

Cùng thời gian này, tàu Đại Lãnh của Công ty trục vớt Sài Gòn kéo tàu HQ582 và pông tông Đ02 ra Đá Lớn. Ngày 27/2 xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 1/3 đưa pông tông vào vị trí Bắc Đá Lớn, (Đá Lớn dài khoảng hơn 17 km, ta đóng cả hai đầu, không để Trung Quốc đóng xen vào). Lực lượng của Lữ đoàn 146 triển khai bảo vệ đảo ngay.

Sáng ngày 4/2/1988, Tư lệnh Hải quân điện cho biên đội tàu đang neo ở đảo Trường Sa Đông đưa bộ đội đến đóng giữ Đá Lát trước 3 giờ ngày 5/2/1988. Tàu HQ611 và HQ712 chở khung xây dựng của Trung đoàn Công binh 83 và phân đội giữ đảo của Lữ đoàn 146 do đồng chí Nguyễn Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy ra Đá Lát, đến ngày 20/2 hoàn thành nhà C3.

Do yêu cầu cấp bách phải nắm tình hình kịp thời, thông tin liên lạc thông suốt, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, cần thiết phải lập sở chỉ huy tại Cam Ranh. Ngày 16/2/1988, Đại tá Mai Xuân Vĩnh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng cùng Cơ quan Bộ tư lệnh vào khẩn trương triển khai Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng tại Cam Ranh. Các ngành Thông tin, Ra đa, Quân báo, Đo đạc được triển khai đồng bộ.

Sáng ngày 17/2, mồng 1 Tết cổ truyền, Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân di chuyển từ Hải Phòng vào Cam Ranh, đi bằng máy bay quân sự AN- 26 từ sân bay Gia Lâm vào sân bay Cam Ranh. Đồng chí Ngô Thế Uy - Phó trưởng phòng Hành chính phụ trách công tác hậu cần của Sở chỉ huy đã chuẩn bị các mặt chu đáo.

Lúc 1 giờ sáng ngày 18/2/1988, Sở chỉ huy phía trước của Quân chủng bắt đầu làm việc. Tư lệnh Giáp Văn Cương và Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh thường trực chỉ huy tại Sở chỉ huy Cam Ranh.

Diễn biến Châu Viên

Sau khi đóng giữ Đá Lớn, Bộ Tư lệnh Quân chủng nhắc Vùng 4 nhanh chóng đóng giữ Châu Viên. Chiều 14/2/1988, thấy nhiều khả năng địch sẽ chiếm Châu Viên, Vùng 4 đã điện cho Đại tá Lê Văn Thư: "HQ851 phải giữ bằng được Đá Đông và Châu Viên, mà trước mắt là Châu Viên".

Ngày 18/2/1988, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh tiếp cho đồng chí Thư: "Các tàu HQ614 và HQ661 khẩn trương đến đóng giữ Châu Viên và triển khai làm nhà, tàu HQ851 trực ở Đá Đông sẵn sàng ủi bãi".

Lúc này Sở chỉ huy cơ động của Vùng 4 đặt trên tàu HQ614 có các đồng chí: Lê Văn Thư - Chỉ huy phó Tham mưu trưởng, Nguyễn Văn Dân - Phó tham mưu trưởng, Lê Xuân Bạ - Phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4, do đồng chí Lê Văn Thư chỉ huy.

Lúc 9 giờ ngày 18/2/1988, Đại tá Lê Văn Thư nhận được lệnh chỉ huy 2 tàu HQ851 của Vùng 3 và tàu HQ 614  của Vùng 4 từ Đá Đông đến chốt giữ Châu Viên. Khi đến khảo sát, đóng giữ bãi đá Châu Viên phát hiện bãi có một cột bê tông nhỏ. Đến 9 giờ 40 phút phát hiện hai tàu lạ trong đó có 1 tàu khu trục từ phía bắc xuống, khi cách Châu Viên khoảng 5 hải lý thì quay lại hướng cũ.

Vào lúc 12 giờ đến đảo Châu Viên, HQ 614 hạ xuồng chở 7 cán bộ chiến sĩ do Đại uý Cù Kim Tài - Phó tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn Công binh 83 chỉ huy vào bãi cạn cắm cờ Tổ quốc. Nước biển lên, bộ đội thay nhau giữ cờ. Đến đêm nước biển lên cao, sóng to, đói, rét buộc phải quay về tàu. Lúc này HQ851 bị rê neo trôi xa dần. Biên đội quyết định đưa tàu về bãi Đá Đông thì nhận được lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng: "Cho tàu quay trở lại Châu Viên ngay, bằng mọi giá ủi bãi. Chấp hành. Không được hỏi lại". Lúc 1 giờ ngày 19/2, biên đội nhổ neo về Châu Viên. Lúc 5 giờ sáng tới Châu Viên, HQ851 được lệnh ủi bãi. Xuất hiện 3 tàu Trung Quốc lao đến cắt mũi, ngăn chặn. Thuyền trưởng tàu HQ851 tìm cách điều khiển tàu tiếp cận bãi cạn, bị tàu Trung Quốc ép sát, chĩa súng đe doạ.

Lúc 8 giờ 5 phút ngày 19/2, Sở chỉ huy điện lệnh tiếp cho đồng chí Thư: "Cứ cho biên đội kiên quyết đi thẳng vào đảo". Đồng chí Thư báo cáo: "Tàu địch kem chặt và chặn đầu, ta kiên trì luồn lách để tiếp cận đảo, nhưng không được".

Nhằm đối phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, Lúc 10 giờ 30 phút ngày 19/2, Quân chủng đề nghị cấp trên cho máy bay trinh sát khu vực Chữ Thập, Châu Viên, Đá Đông và tuyến Cam Ranh - Trường Sa. Máy bay chiến đấu sẵn sàng đánh trả nếu đối phương nổ súng vào tàu ta. Vào 12 giờ cùng ngày, Sở chỉ huy điện chỉ thị "Tiếp tục ủi bãi, Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên các đồng chí".

Tàu ta và tàu đối phương giằng co nhau. Do có  ưu thế hơn, 3 tàu Trung Quốc áp sát cắt mũi, HQ851 không thể ủi bãi đưa bộ đội lên được. Đến 6 giờ tối, HQ851 bị hỏng 1 máy chính, 2 máy phụ.

14 giờ 30 phút, 2 tàu khu trục số 162 và tàu kéo số 147 của Trung Quốc đến đông nam Châu Viên dùng xuồng máy cho quân lên cắm cờ và dùng nhiều xuồng đưa vật liệu lên xây dựng công trình trên bãi Châu Viên, đến 19 giờ 30 phút đối phương đưa thêm tàu hộ vệ tên lửa 508 đến.....

Vào lúc 20 giờ, Sở chỉ huy Quân chủng điện cho đồng chí Thư: "Các tàu HQ852 và HQ614 đứng vững ở Châu Viên, bình tĩnh xử lý tình huống để bảo vệ đảo. Cho cắm cờ càng nhiều càng tốt, tàu HQ614 chuyển gấp vật liệu lên làm nhà, tàu HQ851 yểm hộ, tìm cách bảo đảm an toàn cho tàu HQ851 ủi bãi. Trường hợp đối phương nổ súng phải đánh trả quyết liệt". Đồng thời, Quân chủng báo cáo tình hình lên cấp trên và nhận được chỉ thị: "Cứ đóng giữ và cắm cờ tranh chấp, bình tĩnh đối phó với mọi hoạt động của đối phương, không mắc mưu, khiêu khích, nghiên cứu tăng thêm tàu cho Châu Viên để bộ đội bám trụ vững chắc".

Sở chỉ huy cơ động của Vùng 4 nhận định, nếu ta cứ giằng co với đối phương chưa chắc đã giữ được mà còn mất cả Đá Đông. Đồng chí Thư quyết định cho tàu quay lại giữ Đá Đông.

Với âm mưu sử dụng sức mạnh, có ưu thế về tàu chiến, vây ép, ngăn chặn, ngày 19/2/1988, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bãi đá Châu Viên, ngày 26, họ chiếm bãi đá Ga Ven, ngày 28 chiếm đóng bãi đá Huy Gơ.

(Đọc tiếp kỳ 3)

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất