Đoàn thiện nguyện đem 20/10 tới với miền Trung ngập lũ
(Arttimes) - "Xem tin tức vùng lũ, tôi xót xa và không thể ngủ nổi. Hoa và quà có thể dành lại những ngày sau lũ, chúng tôi muốn làm điều gì đó để giúp người dân miền Trung" đó là những chia sẻ của chị Hà Phương (giảng viên Đại học Vinh), thành phố Nghệ An.
Gần 11h đêm 19/10, trong cơn mưa tầm tã, chị Lê Hà Phương (SN 1988, giảng viên Trường Đại học Vinh) vẫn đang trên chiếc xe bán tải di chuyển từ vùng lũ Hà Tĩnh trở về TP. Vinh (Nghệ An).
Đoàn từ thiện gồm 2 xe tải và 1 xe bán tải đã chở gần 5 tấn hàng vào vùng lũ. Chị Hà Phương kiểm tra lại số đèn pin trước khi chuyển đi.Đoàn từ thiện của chị gồm 10 người đi trên 3 chiếc xe tải, bán tải đã chở 5 tấn hàng (500 chiếc đèn pin, 300 áo phao, lương thực, thực phẩm…) vào cứu trợ vùng lũ. Quyết định vào vùng lũ của chị xuất phát từ một đêm “không ngủ nổi” sau khi xem tin tức về những người dân kêu cứu từ vùng lũ.
“Tối ngày 18/10, đọc những lời kêu cứu, xem hình ảnh người dân chống chọi với lũ, trái tim tôi như thắt lại. Tôi muốn làm gì đó cho miền Trung quê tôi”, chị nói.
Ban đầu, chị Hà Phương định kêu gọi người dân quyên góp, tài trợ áo phao để tặng bà con. Nhưng trong group từ thiện chị tham gia, mọi người đã kêu gọi được 1.000 chiếc áo phao vì vậy chị chuyển qua kêu gọi tài trợ kinh phí để mua đèn pin.
“Tôi theo dõi tin tức biết rằng, nhiều vùng bị cô lập, mất điện. Công tác cứu hộ, cứu nạn vào ban đêm sẽ gặp khó khăn nếu không có đèn pin. Nên tôi quyết định kêu gọi tặng đèn pin cho người dân”, chị nói.
Đoàn trao tặng đèn pin Và nhiều nhu yếu phẩm khác như thức ăn, nước uốngChị Hà Phương chọn loại đèn pin đeo ở đầu để không vướng víu, cản trở công tác cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, đèn phải loại tốt, thời gian chiếu sáng lâu để thực sự hiệu quả.
Chị liên lạc với rất nhiều đơn vị để gom đủ số lượng đèn có thể chiếu sáng liên tục được 8-12 tiếng, sạc tích điện sẵn, bà con có thể dùng được ngay. Giá mua theo số lượng lớn là khoảng 90 nghìn đồng/chiếc.
Sau khi tìm đủ số lượng, chị Hà Phương kêu gọi ủng hộ qua mạng xã hội. Nếu trường hợp nguồn tài trợ không đủ, chị sẵn sàng bỏ tiền túi để lo đủ số lượng 500 chiếc đèn pin. Bắt đầu từ 9h đêm 18/10 đến sáng ngày 19/10, 500 chiếc đèn pin đã được gom đủ.
“Đến hiện tại mọi người vẫn tiếp tục ủng hộ. Có những mạnh thường quân ủng hộ đến 100 chiếc nhưng kiên quyết giấu tên. Họ làm tôi rất xúc động”, chị nói thêm.
Kế hoạch chuyển số hàng vào Quảng Bình, Quảng Trị gặp khó khăn do ngày 19/10, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị ngập trên diện rộng.
Nhiều đoàn cứu trợ bị mắc kẹt vì vậy đoàn của chị Hà Phương không thể vào được mặc dù rất cần kíp.
Hàng ngàn chiếc áo phao được gửi tới vùng lũ“Lương thực, thực phẩm… có thể muộn 1, 2 hôm nhưng áo phao và đèn pin là những thứ cực kỳ cần thiết vì để cứu sinh. Tôi rất sốt ruột vì trời mưa to và chưa tìm được phương án chuyển vào. Thấy Hà Tĩnh có nhiều vùng bị cô lập nên chúng tôi đã quyết định chuyển tập kết đồ cứu trợ vào đây trước để cứu trợ cho người dân”, người phụ nữ này chia sẻ thêm.
3h30 chiều 19/10, đoàn từ thiện xuất phát từ Vinh vào xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh – một xã bị cô lập, bao quanh là nước lũ.
6h30 tối, đoàn của chị Hà Phương có mặt tại vùng lũ. Họ tiến hành trao một phần đèn pin, áo phao và nhu yếu phẩm cho người dân. Phần còn lại họ trao cho Hội Chữ thập đỏ huyện Hương Khê và tập kết một phần hàng tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Hương Khê.
Theo kế hoạch, ngày 20/10, số hàng cứu trợ trên sẽ được lực lượng chức năng trao tận tay người dân các xã khác của huyện thông qua xuồng, ghe.
“Buổi tối không đủ phương tiện, nhân lực để trao hết cho bà con. Trước khi đi, chúng tôi cũng theo dõi tin tức nhưng vào đến nơi mới cảm nhận được thực trạng khủng khiếp như thế nào. Nước lũ bao vây mênh mông, phải đi xuồng mới di chuyển vào các xã bị cô lập. Người dân nhận quà cứu trợ họ rất xúc động”, chị Phương nói.
Về nhà đêm 19/10, ngày 20/10, chị Phương cùng đoàn từ thiện sẽ tiếp tục chuyển đồ cứu trợ từ Vinh vào các huyện khác của tỉnh Hà Tĩnh.
Theo chị Phương, các năm trước và năm nay, ngày 20/10 chị có khá nhiều sự kiện nhưng cách đây khoảng 1, 2 ngày, chị tạm dừng tất cả.
“Lúc tôi kêu gọi, phát động chương trình, chồng tôi cũng chung tay kêu gọi cùng vợ. Anh khuyên vợ không nên đi vì tình hình quá nguy hiểm. Nhưng khi tôi quyết định, anh vẫn rất ủng hộ.
Đôi lúc có chút chạnh lòng nhưng tôi nghĩ, bớt hoa quà, tiệc tùng… để dành những thứ đó cho những ngày sau lũ. Tôi cần làm việc trước mắt, để góp một phần giúp cho người dân”.
Gửi hơi ấm từ Hà NộiCũng trong đêm 19/10, chị Nguyễn Phương Lê (ở đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và những người bạn của chị đang quay cuồng với các bao tải quần áo, nhu yếu phẩm.
Những món quà được chị Lê Phương cùng bạn bè quyên tặngTừ ngày lũ về miền Trung, nhóm của chị đã cùng nhau quyên góp tiền để gửi cho người dân. Bên cạnh tiền, họ tiếp tục quyên góp nhu yếu phẩm, quần áo.
Sau đó, họ gửi cho các đoàn từ thiện mang vào tiếp ứng cho người dân vùng lũ.
Đồng hành cùng chị là những người phụ nữ ở chung cư cụm 90, 82 và 47 đường Nguyễn Tuân.
“Các năm trước, vào ngày 20/10, chồng tôi và các con thường mời mẹ đi ăn để chúc mừng nhưng năm nay tôi và mấy chị em cùng chung cư quyết định chuyển hoa, quà thành tiền để đi hỗ trợ miền Trung. Bên cạnh đó, bận quyên góp nhu yếu phẩm, chúng tôi cũng không còn thời gian cho các lễ kỷ niệm nữa”, chị nói.
Con gái chị Phương Lê giúp mẹ phân loại quần áo để gửi vào vùng lũ. Thông qua việc này, chị muốn con trở thành một "lá lành" có ý thức về sự chia sẻ.Thay vì khoe hoa, quà… trên mạng xã hội trong ngày lễ, chị Lê An (SN 1989, Sơn La) lại đăng rất nhiều quần áo, nước hoa, son… để đấu giá. Đây là những món đồ yêu thích chị mua được ở lần đi công tác tại Mỹ nhưng chưa có điều kiện dùng. Số tiền có được chị sẽ dành tặng cho người dân miền Trung.
“Sáng nay, mỗi người ở cơ quan tôi cũng ủng hộ 2 ngày lương. Khi trở về nhà, tôi thấy bản thân mình còn nhiều đồ nhưng chưa có cơ hội sử dụng đến nên tôi muốn tặng nó cho người dân đang gặp nguy khó”.
Nhiều người đã ủng hộ đồ ăn, vật dụng trước mắt cho người dân nên chị An quyết định dùng số tiền bán đấu giá được để quyên góp vào một quỹ xây nhà chống lũ cho người dân.
“Tôi biết đến mô hình này từ trước và thấy nó hoạt động hiệu quả nên muốn ủng hộ miền Trung về lâu dài”, chị nói.
H.M NoneBình luận