Giá xăng dầu tăng kỉ lục, nền kinh tế đối mặt với lạm phát, giảm tăng trưởng
Trong mọi nền kinh tế, xăng dầu là mặt hàng chiến lược chi phối lớn về sản xuất, kinh doanh và đời sống. Xăng dầu ổn định giá thì nền kinh tế ổn định bởi nó là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô, muốn kiềm chế lạm phát phải tìm cách kiềm chế giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và kịch bản tăng trưởng giảm 0,5% điểm phần trăm. Ngoài ra, giá xăng dầu còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải hành khách, hàng hóa...
Đại dịch COVID-19 vãn hồi, kinh tế thế giới có cơ hội phục hồi và phát triển. Nhiều quốc gia tăng trưởng âm trong hai năm đại dịch thì đang có khả năng tăng trưởng dương. Thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị của các nước
Cuộc khủng hoảng năng lượng và giá xăng dầu tăng kỉ lục
Những năm qua, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự gia tăng căng thẳng về thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ - EU và Canada, về địa chính trị khu vực Trung Đông. Đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraina đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát chưa từng có trong lịch sử.
Cuối năm 2021, các nhà phân tích cho rằng, sau đại dịch, kinh tế thế giới phục hồi nhanh chóng, giá xăng dầu chỉ chạm ngưỡng 70 - 75 USD/thùng vào năm 2022, có thể cán mốc 80-85 USD/thùng vào năm 2023, thậm chí quý I năm 2022 sẽ giảm do biến thể Omicron suy yếu. Vậy mà khi xung đột Nga - Ukraina diễn ra từ ngày 24/02/2022 thì chỉ sau 10 ngày giá xăng dầu đã tăng 30% (100 USD/thùng), cuối tháng 5 tăng vọt lên 120 USD/thùng, mức cao kỉ lục trong 8 năm trở lại đây.
Theo dự báo của các nhà chiến lược, giá xăng dầu có thể đạt mức 175 - 180 USD/thùng và khó có chiều hướng giảm. Như vậy, chưa đầy 1 năm giá xăng dầu tăng 200% sẽ ảnh hường vào lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu như thế nào?
Thị trường xăng dầu thế giới nóng lên từng ngày, các nền kinh tế lao đao về nguồn cung
Nguyên nhân chính là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina dẫn đến các nước thuộc khối NATO và nhiều quốc gia châu Âu, Anh thực hiện chính sách cấm vận, trừng phạt Liên bang Nga rất quyết liệt. Trong khi Nga là nước xuất khẩu dầu thô đứng thứ 2 thế giới, bị trừng phạt có nghĩa là dầu thô của Nga không thể xuất khẩu thì thế giới thiểu hụt 5 triệu thùng/ngày, buộc các nước phải tìm kiếm nguồn cung khác thay thể.
Các nước nhóm G7 họp, thống nhất việc đa dạng hoá các nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Nga, song cũng chỉ là ngắn hạn và cần có thời gian. Hiện nay, các nước châu Âu đang “tất bật” tìm cách tích trữ năng lượng, lấp đầy các kho nhằm bảo đảm cung ứng cho nền kinh tế.
Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Ả-rập Xê –út), là nước sản xuất dầu thô thứ hai thế giới (sau Ả- rập Xê-út). Năm 2020 do đại dịch COVID-19, Nga cắt giảm khai thác 9,7 triệu thùng/ngày nay đang phục hồi sản lượng. Còn Mỹ dự trữ dầu thô đã giảm 5 triệu thùng/tuần, hàng tồn kho cũng giảm mạnh. Trung Quốc và Ấn Độ là hai hộ tiêu thụ xăng dầu hàng đầu thế giới đang tìm cách gắn kết với Moscow để tiêu thụ dầu thô của Nga trong khi phương Tây trừng phạt Nga, ra cảnh báo.
Cuối tháng 5/2022, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) quyết định tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7, tháng 8 năm nay thay vì 432.000 thùng/ ngày như trước đây. Tuy nhiên, mức tăng này cũng “như muối bỏ bể” bởi chỉ đáp ứng được 0,4% toàn cầu trong 2 tháng đó, trong khi nhu cầu ngày càng tăng sau mở cửa như thị trường Trung Quốc.
Cuối năm 2021, toàn thế giới giảm 9,3 triệu thùng/ngày, lúc đó giá dầu thô chỉ 80 USD/thùng, OPEC+ đã bơm vào thị trường 10 triệu thùng/ngày mà họ đã cắt giảm trước đó để giảm giá sâu.
Bây giờ, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, giá dầu tăng ảnh hưởng nặng nề tới quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu mà giá trị xăng dầu chiếm 37% toàn nền kinh tế. Điều đó, làm tăng giá thành sản phẩm, tăng mạnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống người dân. Với tốc độ này giá xăng dầu còn làm mất giá đồng USD.
Trong cuộc khủng hoảng này, Ấn Độ bất chấp cảnh báo của phương Tây. Nước Nam Á gần 1,4 tỉ dân này nhập khẩu dầu thô của Nga tăng lên 25 lần so với năm 2021. Các năm trước, Ấn Độ nhập của Nga 382.500 tấn mỗi tháng (4,8 triệu tấn/năm). Năm nay Ấn Độ nhập của Nga vượt trội: Tháng 4+5 nhập 24 triệu thùng, tháng 6 nhập 28 triệu thùng,v.v.. trong đó có 34 triệu thùng giá rẻ chỉ với 70 USD/thùng.
Tại Mỹ, ngày 6/6/2022 giá dầu thô WTI ở mức 120,7 USD/thùng, tăng 1,78 USD tương đương 1,5%. Giá dầu Brent giao tháng 8 được giao dịch ở mức 121,6 USD/thùng, tăng 1,87 USD tương đương 1,56%. Còn có giao dịch giá dầu thô tháng 7 lên 124 USD/thùng khi tiếp nhận thông tin từ Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 6 của EU kể từ khi Moscow tấn công Ukraina.
Theo các nhà phân tích, giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm do Nga - Ukraina tiếp tục xung đột, đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng. Việc mất đi 2 triệu thùng/ngày (trong tổng số 6 triệu thùng/ngày) xuất khẩu dầu mỏ của Nga qua đường biển có thể đưa giá dầu Brent giao ngay tăng lên mức 145 USD/thùng (nếu mất 4 triệu thùng/ngày) rồi đây có thể khiến giá chạm 175 USD/thùng.
Lúc đó, Trung Quốc toan tính tái cân bằng và trong nhiều hạn chế về logistic ngăn cản sự phân bổ lại nguồn cung. Nếu nguồn cung của Nga không được khai thông, cuối năm nay giá đầu thô có thể tới 185 USD/thùng.
Việt Nam đứng trước thách thức về nguồn cung xăng dầu
Việt Nam mỗi năm bình quân tiêu thụ 20,5 - 21 triệu tấn, m3 xăng dầu. Những năm 2016-2020, mỗi năm thường nhập từ 9 -11,5 triệu tấn, m3 của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc với số tiền khoảng 8.200 tỉ đồng. Mấy năm gần đây, khi nhà náy lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) có công suất thiết kế 10 triệu tân/năm đi vào vận hành thì cùng với nhà máy lọc dầu Dung Quất (6,5 triệu tấn/ năm) có khả năng cung ứng 70% tổng số xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, từ năm 2021, nhà máy Nghi Sơn bị sự cố kĩ thuật phải ngừng sản xuất nên nhu cầu nhập gia tăng, phụ thuộc vào nguồn cung của thế giới. Do vậy, Việt Nam đang đứng trước thách thức về nguồn cung và chịu áp lực của giá xăng dầu tăng “chóng mặt”.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành 13 văn bản điều chỉnh giá (10 lần tăng, 3 lần giảm). Từ ngày 01/6/2022, xăng E5RON giá 30.235 đồng/lít, xăng RON 95 giá 31.578 đồng/lit, dầu diezel giá 26.394 đồng/lít, dầu hoả 25.346 đồng/lit,v.v…tăng hơn 200% so với đầu năm 2021 nhưng có nhiều khả năng không dừng ở mức giá này.
Mặc dù Chính phủ nỗ lực điều hành giá xăng dầu thông qua Quỹ bình ổn giá và giảm thuế bảo vệ mội trường nhưng giá vẫn cao hơn nhiều so với giá xăng dầu của Malaysia. Hiện nay, kinh doanh xăng dầu ở nước ta phải chịu 4 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ mội trường).
Để giảm giá xăng dầu, ngoài giảm thuế bảo vệ mội trường còn có thể giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với thực tiễn. Song, vấn đề lớn hơn là phải nhanh chóng đàm phán, khẩn trương khắc phục sự cố nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn (Nhà máy này phải nhập 100% dầu thô của nước ngoài mới ra thành phẩm) để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước trước mắt khôi phục kinh tế và lâu dài phát triển đất nước.
Bình luận