Giải thưởng dân gian hướng về đương đại

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa vinh danh các nghệ nhân cao tuổi, công bố giải thưởng cho các tác phẩm, công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian của các hội viên trong cả nước. Nhân dịp này, một số nhà chuyên môn đã chia sẻ với Thời Nay về các giải thưởng.

Giải thưởng dân gian hướng về đương đại - 1 Các tác giả nhận Bằng chứng nhận tặng thưởng Giải ba B. Ảnh: KHÁNH HUYỀN

GS, TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian:

“Đáng mừng về sự chuyển hướng”

Đáng mừng trong mùa giải năm nay là chủ trương chuyển hướng mạnh sang các công trình nghiên cứu có tính lý luận, thực tiễn cao. Nhiều công trình đã đi sâu vào những chuyên ngành cụ thể như “Luật tục Bahnar”; “Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái”; “Văn hóa dân gian Cơ Tu - Truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng”; “Tượng gỗ Tây Nguyên”; “Dèng, hoa văn dèng và biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi”; “Lời nói vần Bahnar ở Kon Tum”...

Nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn học dân gian trong đời sống văn học đương đại, có sự kết nối và ứng dụng như thế nào đã nhiều lên. Đây cũng là điều đáng mừng!

PGS, TS Kiều Trung Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giải nhì A công trình nghiên cứu chuyên sâu “So sánh âm nhạc dân gian các tộc người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào”):

“Điểm nhấn tình hữu nghị”

Người Lào ở bên Lào và người Lào sống ở Việt Nam, tuy cùng là một tộc người nhưng do sống ở hai quốc gia nên có một số nét khác biệt. Người Lào ở bên Lào là chủ thể. Còn người Lào sống ở Việt Nam là một trong những dân tộc thiểu số. Chính vì thế âm nhạc dân gian Lào ở Việt Nam cũng như cách thực hành âm nhạc cũng có sự khác biệt với cách thực hành âm nhạc ở bên Lào. Tuy nhiên về căn cốt, tính dân tộc và thẩm mỹ âm nhạc của người Lào sống ở Việt Nam hay người Lào sống ở Lào thì vẫn có những điểm tương đồng về bản sắc. Vì thế người Lào ở Việt Nam và người Lào sống ở Lào vẫn có thể giao lưu, trò chuyện thân tình, không có sự cách biệt về địa giới hành chính. Điều này cũng áp dụng với âm nhạc dân gian của cộng đồng người Thái sống ở Lào và người Thái sống ở Việt Nam.

Theo thời gian thì âm nhạc của người Lào và Thái sống ở cả hai nước ít nhiều có sự biến đổi. Âm nhạc của người Lào ở bên nước Lào là quốc nhạc nên thường xuyên được sử dụng trên các phương tiện truyền thông. Nhưng âm nhạc của dân tộc Lào ở Việt Nam thì khác. Họ có thể tham ra các cuộc liên hoan văn hóa của khu vực, mang bản sắc âm nhạc truyền thống người Lào hòa chung với các dân tộc khác của Việt Nam. Âm nhạc của người Lào bên cạnh âm nhạc của người Thái, âm nhạc của người La Ha, người Hà Nhì… tạo nên bản sắc âm nhạc riêng của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Hải Anh (Hội VHNT Thái Nguyên, Giải nhì A công trình nghiên cứu “Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái”:

“Dòng chảy dân gian trong văn học hiện đại”

Trong văn học dân gian và văn học hiện đại dân tộc Thái đều có chung loại hình tự sự. Tôi muốn độc giả đương đại hiểu rõ hơn về thể loại tự sự trong văn học dân tộc Thái cả trong văn học dân gian và văn học hiện đại. Tự sự chính là phương thức biểu đạt bao gồm nhiều thể loại. Như trong văn học dân gian thì là truyện thơ, truyện cổ tích, các tác phẩm sử thi. Còn trong văn chương hiện đại thì là những tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, trường ca… Có sự tương đồng, sự khác biệt và cả sự tiếp nối.

Tôi là người Kinh nhưng yêu thích văn học dân tộc Thái nên đã quyết tâm học tiếng Thái ở vùng Sơn La. Thường xuyên gặp gỡ các nhà văn, nghệ nhân Thái, nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền các tỉnh, thành có đông đồng bào Thái sinh sống.

TS Ngô Thị Hồng Giang (Đại học Tây Bắc, Giải ba A công trình nghiên cứu “Truyền thuyết Thánh Gióng đặc điểm và giá trị văn hóa”:

“Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại”

Tôi đã khảo sát ở nhiều địa điểm, địa danh có đình, đền, chùa thờ tượng Thánh Gióng. Tôi tập trung nghiên cứu tài liệu liên quan tới ngôn từ về truyền thuyết Thánh Gióng rất lâu đời đã đi vào lịch sử mà nhiều khi trong cuộc sống thường ngày chúng ta tưởng như đó là lịch sử thật, chứ không phải là truyền thuyết đã được huyền thoại hóa.

Tôi đã tổng hợp rất nhiều tư liệu cả cũ và mới cũng như trình bày những hiện trạng và sự tồn tại của truyền thuyết Thánh Gióng trong đời sống hôm nay. Thí dụ, dễ nhận thấy đó là sự biến đổi về tín ngưỡng. Trước đây Thánh Gióng là anh hùng đánh giặc, giữ nước. Nhưng mà bây giờ thì có những nơi tôn lên thành “Ông Tổ Ngựa Sắt”, “Hội khỏe Phù Đổng”… Hình tượng Thánh Gióng được đa dạng, trở thành đề tài cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật tạo hình. Đó là tượng đài Thánh Gióng ở huyện Sóc Sơn - Hà Nội. Thánh Gióng cũng là đề tài cho các bạn sinh viên trong các môn học mới như là thiết kế đồ họa, thiết kế 3D, thiết kế game, thiết kế phim...

Năm 2020 xuất hiện những công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian một tộc người, giúp thế hệ hôm nay và bạn bè thế giới có điều kiện hiểu hơn về nền văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Hội đã trao 2 Giải nhì A; 6 Giải nhì B; 16 Giải ba A; 19 Giải ba B; 7 Giải khuyến khích và 4 tặng phẩm.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất