Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với nhiều nội dung quan trọng

Chiều 28-9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các quận, huyện, thị ủy; các sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.

Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với nhiều nội dung quan trọng - 1

Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Hội nghị tập trung vào 2 nội dung: Đánh giá tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,4ha; trong đó, có 9 khu công nghiệp (diện tích khoảng 1.270,5ha) đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với nhiều nội dung quan trọng - 2

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Tính đến đầu năm 2022, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 166.000 người lao động, với 711 dự án; trong đó, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 19.000 tỷ đồng. Bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng hơn 4,1 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 80 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm…

Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư như trước đây.

Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với nhiều nội dung quan trọng - 3

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Đánh giá về tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, Hà Nội chưa có khu công nghiệp mới nào. Trong khi đối với 43 cụm công nghiệp kế hoạch khởi công năm 2021, đến nay, mới khởi công được 6 cụm.

Bên cạnh đó, trong 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, chỉ có 26/70 cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; 05/70 cụm có đầu tư trạm xử lý nhưng không hoạt động, 11/70 cụm mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; còn lại 28/70 cụm chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; gây nhiều nguy cơ cho công tác bảo vệ môi trường của Thành phố.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố; Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành của Thành phố cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần rà soát, bổ sung, đưa vào quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bởi, đây là thời điểm vô cùng quan trọng. Cùng với đó, kiên quyết triển khai các khu, cụm công nghiệp theo quy chuẩn mới.

Đối với các dự án chậm tiến độ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ về quy trình, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án đủ điều kiện điều chỉnh, gia hạn tiến độ, cần đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị gia hạn; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường… trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. "Trong quá trình triển khai đầu tư, cần lưu ý đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu của người lao động", đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ.

Đối với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, cần ký cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ; chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa không ngừng, trong đó, có tốc độ tăng dân số cơ học, Thủ đô đang chịu nhiều áp lực dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn cháy, nổ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với nhiều nội dung quan trọng - 4

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn song hành với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và duy trì 86 mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy...

Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với nhiều nội dung quan trọng - 5

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh điều hành phiên thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét về công tác tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác PCCC và CNCH. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thực hiện PCCC. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của Thành phố cần nghiên cứu, đề xuất một số quy hoạch ngành có liên quan để tăng cường quản lý như: Quy hoạch phát triển ngành nghề kinh doanh karaoke, bar, vũ trường theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời, quy hoạch và đầu tư về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm quy định về PCCC, nhất là các nhà chung cư, các cơ sở kinh doanh, các chợ đầu mối, cụm công nghiệp, các hộ sản xuất tại nhà...

Việc thực hiện tốt những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại hội nghị không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.

Nguyễn Hoàng Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phim tiểu sử về Đàm Vĩnh Hưng: Có dám kể xấu bản thân mình?

Phim tiểu sử về Đàm Vĩnh Hưng: Có dám kể xấu bản thân mình?

Đàm Vĩnh Hưng - từ anh chàng cắt tóc vô danh đến thương hiệu trong showbiz Việt là một hành trình mồ hôi và nước mắt. Câu chuyện ấy sẽ được bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito kể lại trong bộ phim Hào quang rực rỡ. Chiều 21-3, công ty Tiếng hát Việt của Đàm Vĩnh Hưng và MAR6 Pictures tổ chức họp báo tại TPHCM để công bố dự án phim tiểu sử Hào quang rực rỡ - The King. Phim kể về h