Hiệu trưởng lộng quyền, học sinh “thất học”
Vô hiệu hóa kế toán nhà trường, lợi dụng danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh thu tiền trái quy định, tự ý cho doanh nghiệp bên ngoài vào cải tạo khu tập luyện thể chất của học sinh thành sân bóng, rồi tự ý thu tiền ngoài. Đó là những việc làm trái quy định vẫn đang ngang nhiên tồn tại ở trường THPT Phan Huy Chú – Quốc Oai – Hà Nội.
Ngoài việc, lạm dụng chức quyền, lộng hành trong việc quản lý ông Nguyễn Thanh Tuấn – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai, Hà Nội còn áp dụng hình thức đình chỉ học 1 tháng với học sinh mắc lỗi vi phạm không đúng với quy định của ngành giáo dục.
Sân bóng cho thuê thu tiền để ngoài sổ sách nguyên bản là khu rèn luyện thể chất của học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai.Ngày 17/9/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã ban hành Kết luận số 3041/KL-SGDĐT về nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai. Kết luận đã chỉ ra 10 nhóm nội dung tố cáo ông Nguyễn Thanh Tuấn là tố cáo đúng.
Bên cạnh những sai phạm trong hoạt động quản lý tài chính từ nguồn tiền thu được, thông qua Ban đại diện Cha mẹ học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội còn chỉ ra những việc làm sai quy định mang “đậm dấu ấn” tự tung tự tác của cá nhân ông Nguyễn Thanh Tuấn trong việc điều hành quản lý nhà trường.
Đặc biệt, việc ông Nguyễn Thanh Tuấn tự ý cho Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng VTN Việt Nam vào cải tạo khu tập nhảy cao, nhảy xa của học sinh biến khu này thành 2 sân bóng đá 7 người. Doanh nghiệp tự thu tiền cho thuê sân vào các ngày trong tuần và số tiền thu được không được theo dõi qua sổ sách kế toán.
Để thực hiện được việc này, ngày 31/12/2019, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng VTN Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Anh, nhân viên bảo vệ nhà trường có ký Hợp đồng số 15/2019/HĐPHC-NP. Cá nhân ông Nguyễn Thanh Tuấn với tư cách Hiệu trưởng - người đứng đầu nhà trường thì lại ký với tư cách người làm chứng.
Trong Hợp đồng có nhiều điều khoản cam kết, trong đó ghi rõ: “…chỉ được thu phí gồm tiền điện, tiền vệ sinh, tiền bảo vệ, an ninh trật tự, dự kiến thu 50.000 đồng đến 100.000 đồng/trận…”
Nhưng trên thực tế, trường thu mỗi trận bóng với mức từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng tùy theo khung giờ. Và số tiền này cũng được lập thành 2 sổ sách khác nhau, và hoàn toàn không được theo dõi trên hệ thống số sách kế toán của nhà trường.
Một sổ được lưu tại trường thì mức thu chi được ghi đúng như những gì thể hiện trong Hợp đồng số 15/2019/HĐPHC-NP (thu 50.000 đồng đến 100.000 đồng/trận). Còn một số khác do Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng VTN Việt Nam thì theo dõi số thu thực tế để sau này báo cáo với nhau khi kết thúc hợp đồng (mức từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng tùy theo khung giờ).
Kết luận số 3041/KL-SGDĐT chỉ rõ việc nhà trường sử dụng tài sản công cho thuê làm sân bóng là không đúng quy định. Số tiền thu được từ việc cho thuê sân bóng không hoạch toán và ghi sổ kế toán để báo cáo cơ quan quản lý cũng không đúng với quy định. Để xảy ra sai phạm này, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường.
Dấu hỏi về năng lực quản lý của Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tuấn?
Một nội dung tố cáo khác đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng được Kết luận số 3041/KL-SGDĐT nêu rõ là tố cáo đúng và trách nhiệm chính vẫn thuộc về cá nhân ông này.
Ngày 3/11/2018, THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai ban hành Quyết định số 04/QĐ-THPTPHC-QO về việc kỷ luật với 2 học sinh Đ.M.Đ. và N.T.H. với hình thức kỷ luật: Đình chỉ học tập 1 tháng. Trước đó, 2 học sinh này được xác định là mắc lỗi đánh nhau có tổ chức gây mất trật tự trong và ngoài trường học.
Căn cứ theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GDĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông cho thấy hồ sơ kỷ luật 2 học sinh Đ.M.Đ. và N.T.H. còn thiếu: Hồ sơ kỷ luật của giáo viên chủ nhiệm lớp; bản tự kiểm điểm sai phạm của học sinh phạm lỗi; báo cáo và đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường của giáo viên chủ nhiệm; biên bản thảo luận và biên bản biểu quyết của Hội đồng kỷ luật…
Học sinh mắc khuyết điểm đánh nhau với bạn bè và những người ở ngoài trường thì hình thức kỷ luật là khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường. Học sinh mắc khuyết điểm đánh nhau có tổ chức thì hình thức kỷ luật là cảnh cáo trước toàn trường.
Như vậy, việc lập hồ sơ xét kỷ luật của Hội đồng kỷ luật nhà trường đối với 2 học sinh Đ.M.Đ. và N.T.H. là không đúng quy định.
“Thông tư số 08/TT không quy định hình thức đình chỉ học tập 1 tháng. Do đó, việc Hiệu trưởng kỷ luật học sinh Đ.M.Đ. và N.T.H. với hình thức đình chỉ 1 tháng học tập là không đúng với quy định. Để xảy ra sai phạm này, trách nhiệm chính thuộc về Hiệu trưởng nhà trường và các thành viên Hội đồng kỷ luật đã không nghiên cứu văn bản trước khi thực hiện kỷ luật học sinh” - Kết luận số 3041/KL-SGDĐT nhấn mạnh.
Với những việc làm trên, có thể thấy ông Tuấn đang lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để làm sai, nhằm chuộc lợi cho bản thân mình. Và các xử lý vi phạm những em học sinh bị mắc lỗi đã vô hình trung khiến cha mẹ các em bức xúc.
NoneBình luận