Người Sán Chí giữ nghề đan sung

Xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 7 dân tộc, trong đó người Sán Chí chiếm đa số. Đồng bào còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống, trong đó có nghề đan sung.

Người Sán Chí giữ nghề đan sung - 1

Phụ nữ Sán Chí ở Kiên Lao với công việc đan sung.

Vật bất ly thân

Một trong những niềm tự hào của dân tộc Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn là còn duy trì được bản sắc truyền thống thông qua việc tự làm những chiếc sung (hay còn gọi là tay nải, túi đựng đồ khi đi hội, đi làm, đi chợ…).

Với đồng bào Sán Chí nơi đây, chiếc sung là vật dụng có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ để đựng đồ đạc mà còn được xem như trang sức của phụ nữ, nên bao năm qua đồng bào vẫn bảo tồn rất tốt nghề thủ công này.

Cảm giác như phụ nữ nơi đây càng thêm duyên dáng, mềm mại hơn khi đeo trên mình chiếc sung. Với phụ nữ Sán Chí, chiếc sung là vật bất ly thân và được đeo bên mình mỗi khi đi chợ, đi hội, đám cưới, tạo ra nét duyên cho phái nữ... nên mỗi chị em cũng có vài ba chiếc để thay thế.

Con gái Sán Chí từ nhỏ đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy đan sung. Với những cô gái sắp đến tuổi lấy chồng phải tự tay đan vài chiếc sung để đựng đồ đạc mang theo khi về nhà chồng.

Về cấu trúc, chiếc sung khá đơn giản, giống chiếc túi xách bình thường, có màu trắng, thế nhưng để làm ra nó là cả một quá trình dày công với bao công đoạn và bàn tay khéo léo, tỉ mỉ.

Theo đồng bào nơi đây kể lại, để có một chiếc sung ưng ý, đầu tiên phụ nữ Sán Chí phải vào rừng sâu lấy thân cây sắn dây rừng làm nguyên liệu (ngày nay nhiều gia đình đã trồng sắn dây rừng để tiện cho việc thu hái). Thân sắn dây được tước bỏ vỏ, lấy sợi trắng bên trong rồi chà cho xoắn lại, phơi khô. Cây sắn dây rừng có ưu điểm là rất dai, không ngấm nước, bền. Sau khi phơi khô, chị em sẽ dùng chiếc “kéo xị” hình dáng giống lưỡi hái để đan sung.

Giá trị thẩm mỹ cao

Bà Lâm Thị Khen biết đan sung từ nhỏ. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà lại đan, mỗi năm làm được một chiếc sung mới.

Bà Khen kể: “Mẹ tôi dạy, con gái Sán Chí ai cũng phải biết đan sung, nếu không sẽ bị chê là vụng, không ai lấy làm vợ. Vì thế ban ngày bận đi nương rẫy, trưa và tối hay những lúc nông nhàn tôi lại đan sung. Để làm được một chiếc sung phải mất cả tháng, thậm chí với người mới đan mất vài tháng”.

Bình thường chiếc sung sẽ để mộc nhưng cũng có chị em khéo léo và kỳ công thêu thùa các họa tiết, hoa văn với những màu sắc khác nhau để chiếc sung thêm đẹp và mềm mại, cuốn hút. Do đó, chiếc sung không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị thẩm mĩ, nhân văn sâu sắc.

Giữ gìn bản sắc Người Sán Chí giữ nghề đan sung - 2 Để tạo nên chiếc sung phải mất nhiều thời gian.

Không chỉ mong muốn bảo tồn, chính quyền và những người tâm huyết tại Kiên Lao còn muốn phát triển, nâng tầm nghề đan sung, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch, quà tặng lưu niệm cho du khách mỗi khi đến vùng đất vải thiều Lục Ngạn. Để điều đó thành hiện thực còn nhiều điều phải bàn, song đây là ý tưởng rất tốt, đồng bào cũng như chính quyền cần tính đến và đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã Kiên Lao xác định, việc khôi phục, giữ gìn, phát huy nghề đan sung của dân tộc Sán Chí là một tiêu chí văn hóa quan trọng.

Ngày nay trên thị trường có nhiều loại túi xách hiện đại, tiện dụng, giá cả phải chăng song đối với phụ nữ Sán Chí ở Kiên Lao thì chiếc sung là không thể thay thế. Xác định đây là nghề thuyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, những năm qua UBND xã Kiên Lao đã dành kinh phí tổ chức lớp dạy đan sung, giới thiệu nghề truyền thống trong các lễ hội. Đó chính là một trong những cách người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Người Sán Chí giữ nghề đan sung - 3 Duyên dáng với chiếc sung đi dự ngày hội. 

Trang phục tạo nên nét riêng độc đáo và khác biệt của mỗi dân tộc. Trong thời kỳ xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, mất đi nét sinh hoạt văn hóa trong đó có trang phục truyền thống.

Việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống thông qua những chiếc sung của đồng bào Sán Chí là rất cần thiết nhằm giữ gìn, tôn vinh vốn di sản văn hóa đặc sắc.

Để làm tốt công việc này, địa phương cần phục dựng nhiều hơn nữa không gian văn hóa thích hợp như: Ngày hội văn hóa, liên hoan, diễn xướng các câu lạc bộ văn nghệ, khuyến khích mặc trang phục dân tộc trong đám cưới xin, ngày lễ… Qua đó tạo ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày.

Đồng thời tích cực tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu, tự hào và tôn vinh nét đẹp trang phục dân tộc mình. Tổ chức định kỳ các cuộc trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số từ cấp xã đến tỉnh.

Ngành chức năng cần quan tâm đến những nghệ nhân biết làm trang phục truyền thống và truyền nghề cho lớp trẻ. Đồng thời có thể hỗ trợ đồng bào thành lập các hợp tác xã làm thổ cẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, gắn với phát triển du lịch và tìm thị trường cho sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập…

Theo GDTĐ None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.