Phó thủ tướng: Đến 2030 phải có 5.000 km cao tốc
Giải quyết ùn tắc giao thông và xây dựng đường sá vẫn là những nhiệm vụ lớn mà Bộ GTVT phải tập trung thực hiện trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025.
Ngày 24/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cuối năm. Khác với mọi năm, đây là hội nghị khép lại 5 năm nhiều khó khăn, thách thức của ngành GTVT và mở ra chu kỳ 5 năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những phần việc Bộ GTVT đã làm được, đồng thời vạch ra những trọng trách mà ngành phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Xây thêm 3.000 km cao tốc trong 10 nămHạn chế rõ nhất được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là các dự án giao thông khởi công mới trong giao đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu, không đạt mục tiêu đề ra.
Mục tiêu là đến năm 2020 phải đưa vào khai thác sử dụng 2.000 km cao tốc nhưng nhiệm vụ này phải hết 2021 mới cơ bản xong, như vậy là chậm hơn một năm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh:
Ngọc Tân.Phó thủ tướng cho biết theo chiến lược đã đề ra, từ 2021 đến 2030, nước ta phải xây thêm 3.000 km đường cao tốc để đảm bảo đến 2030 có 5.000 km. Trong đó, các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đương nhiên phải hoàn thành. Còn lại là các tuyến cao tốc phía tây, các cao tốc vùng, liên vùng...
"3.000 km cao tốc này tốn 600.000 tỷ đồng. Tức là 5 năm tới cần khoảng 300.000 tỷ đồng. Nhưng vốn đầu tư trung hạn của tất cả các ngành chỉ có hơn 200.000 tỷ thôi. Nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng hạn chế. Việc huy động vốn ngoài ngân sách vẫn rất khó khăn", ông Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề, đồng thời nhắc thêm rằng các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM cũng sẽ cần tới 70 đến 80 tỷ USD.
Từ đây, Phó thủ tướng khẳng định nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong 5 năm tới là rất nặng nề. Đến năm 2025, ngành giao thông phải hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, hoàn thành giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Trong giai đoạn 2021-2025, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn thành các công tác chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm ngay từ năm 2021.
"Giai đoạn 2016-2020 dự định đầu tư 600 km đường cao tốc nhưng phải mất 2 năm mới xong công tác chuẩn bị đầu tư, chỉ còn 3 năm để giải phóng mặt bằng, xây dựng. Trong nhiệm kỳ tới phải khắc phục tình trạng này, xong hết công tác chuẩn bị đầu tư ngay trong năm đầu", ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Giải quyết áp lực giao thông đô thịVề vấn đề ùn tắc giao thông, Phó thủ tướng nhận định hạ tầng giao thông đô thị chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM.
"Có lần tôi đã phát biểu tại Quốc hội rằng 5 năm nữa với mức độ gia tăng phương tiện cá nhân thế này thì không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông", ông Trịnh Đình Dũng chia sẻ.
Kẹt xe tại TP.HCM trong giờ cao điểm. Ảnh:
Duy Hiệu.Trong bối cảnh ùn tắc gia tăng, Phó thủ tướng cho rằng việc bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng đường sá còn rất thiếu. Công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng đường vẫn phức tạp, kéo theo phát sinh thời gian và chi phí đầu tư.
"Đầu tư hạ tầng cho các đô thị lớn thì các đô thị đó càng hấp dẫn. Chất lượng dịch vụ càng tốt thì người dân càng kéo về. Hà Nội và TP.HCM mỗi năm thêm 200.000 dân (gồm cả tăng sinh học và cơ học). Sau 5 năm thì mỗi thành phố tăng thêm một triệu dân, bằng một đô thị lớn, không hạ tầng nào có thể đáp ứng nổi", Phó thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng sự gia tăng dân số cộng với gia tăng phương tiện cá nhân sẽ dẫn đến ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 kéo giảm tai nạn giao thông 5-10% so với năm 2020 trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương).
Bộ GTVT cũng phấn đấu giảm ùn tắc ở các thành phố lớn, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM, khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị trực thuộc trung ương.
9 nhiệm vụ của Bộ GTVT trong năm 2021.- Hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các văn bản quy phạm pháp luật, đề án theo đúng chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng và của Bộ GTVT.
- Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2021.
- Thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng. Xử lý bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh thu phí không dừng.
- Phòng, chống dịch Covid-19. Tái cơ cấu thị phần vận tải. Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Kiềm chế, giảm tai nạn giao thông 5-10%. Khắc phục ùn tắc giao thông.
- Thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước.
- Tăng cường kết nối GTVT với các nước láng giềng.
- Đẩy mạnh tự động hóa trong đăng kiểm phương tiện giao thông; áp dụng tiêu chuẩn khí thải; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường...
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả lĩnh vực công tác.
Theo ZingBình luận