Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023) là dịp để nhìn lại, khẳng định những giá trị to lớn, sự trường tồn và ảnh hưởng sâu rộng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; đồng thời, thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhân dịp này, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của Nhà báo, Nhà thơ, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân – người luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê của báo chí, tinh thần trách nhiệm của một nhà báo lâu năm trước những sự kiện của đất nước và xã hội.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 1

PGS, TS. Nhà báo Đỗ Hồng Vinh

PV: Thưa ông, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 ra đời trong bối cảnh Đảng vẫn còn đang hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng. Vậy sự ra đời của Đề cương có ý nghĩa như thế nào?

PGS, TS. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2/1943. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, là kim chỉ nam cho sự chỉ đạo và quản lý các hoạt động văn hóa của đất nước ta trong 80 năm qua.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 2

Bản chụp Đề cương về văn hóa Việt Nam in trên Tạp chí Tiên phong số 1, tháng 11/1945.

Có người bạn quốc tế nêu câu hỏi: Tại sao lúc ấy những người cộng sản Việt Nam chưa giành được chính quyền, mà đã đề ra được cương lĩnh về văn hóa cho xã hội đương thời và cho cả xã hội tương lai ở Việt Nam? Đúng như vậy, chưa có một đất nước nào, chưa có một đảng nào trên thế giới khi chưa cầm quyền, còn đang hoạt động bí mật, lại quan tâm đến văn hoá và đề ra một cương lĩnh về văn hoá như thế. Đó là một nét rất độc đáo. Xét hoàn cảnh ra đời Đề cương cho thấy, từ khi đó, Đảng ta đã rất coi trọng đến việc định hướng các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là đề cao vai trò của văn nghệ sĩ, trí thức tiến bộ, để họ làm đội quân chủ lực, đi tiên phong trong các hoạt động văn hóa.

Cho đến hôm nay, toàn bộ những luận điểm cơ bản và 3 phương châm “dân tộc hoá”, “khoa học hoá”, “đại chúng hoá” mang tính cách mạng, tiến bộ nêu trong “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, là “kim chỉ nam” cho toàn bộ hoạt động văn hóa của dân tộc ta trong suốt 80 năm qua.

PV: Vậy những giá trị cốt lõi của bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 là gì, thưa ông?

PGS, TS. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Cần phải thấy rằng, giá trị lý luận, giá trị thực tiễn của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” là rất lớn lao. Sở dĩ Đảng ta có một tầm nhìn chiến lược về vấn đề này, chính là đã nhìn thấu được dã tâm của bọn thực dân, đế quốc thống trị đất nước ta, không chỉ nuôi dã tâm bóc lột tận xương tận tủy sức lao động của nhân dân ta, mà còn muốn tiêu diệt nền văn hóa, xoá bỏ một dân tộc, làm tha hóa con người, dễ bề ru ngủ nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, buộc họ phải tuân thủ sự thống trị của của chúng.

Nhằm phá tan âm mưu thâm độc đó, Đảng ta coi nhiệm vụ chính trị ngang với nhiệm vụ văn hóa vì nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa là bộ phận quan trọng của toàn bộ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ta. Cho nên, trong bối cảnh cuộc kháng chiến kiến quốc tiến hành chưa đầy một năm, thì ngày 24/11, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 3

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24-11-1946)

Trong Hội nghị ấy, Bác Hồ đã đưa ra tư tưởng lớn “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi”. Một dân tộc muốn tồn tại, phải duy trì bằng được nền văn hóa và bản sắc văn hóa của mình, chừng nào để cho kẻ thù làm tan biến cái văn hóa ấy, để thay vào đó thứ văn hóa thực dân, phản động nhằm làm suy nhược tinh thần dân tộc, bắt dân tộc ta phải đi theo văn hoá của chúng, thì dân tộc ta sẽ bị diệt vong.

PV: “Đề cương về văn hóa Việt Nam” phát huy tác dụng như thế nào trong việc tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, phản ánh một giai đoạn hào hùng và vẻ vang của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ?

PGS, TS. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Chúng ta có thể khẳng định, những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng là to lớn. Đã xây dựng được một nền văn học, nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 4

Những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng là to lớn. Ảnh minh hoạ

Được ánh sáng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” soi chiếu, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ đã thật sự là đội quân chủ lực, tiên phong, nòng cốt trong việc triển khai thực hiện cương lĩnh văn quan trọng này, tạo nên các hoạt động văn hóa tiến bộ, yêu nước do Đảng ta lãnh đạo. Đội quân này hoạt động theo 3 nguyên tắc mà “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đề ra là "dân tộc", "khoa học" và "đại chúng".

Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, chúng ta đã tổ chức cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tiễn, dân tộc ta đang dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, trong đó văn hóa – văn nghệ là vũ khí tinh thần sắc bén, là ánh đuốc “soi đường quốc dân đi” trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng và kiến thiết đất nước sau này.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 5

Văn hóa – văn nghệ là vũ khí tinh thần sắc bén, là ánh đuốc “soi đường quốc dân đi”. Ảnh minh hoạ

Đảng ta luôn nhất quán quan điểm, vừa phải chăm lo xây dựng đời sống vật chất, cải thiện đời sống nhân dân, vừa phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, bồi đắp lòng yêu nước, kết nối đoàn kết trong các dân tộc Việt Nam, cổ vũ ý chí chiến đấu, hy sinh như Bác Hồ kêu gọi: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"

Các văn nghệ sĩ tiến bộ đã tự nguyện đi theo Đảng thực hiện sứ mệnh cao cả này. Thời chống thực dân Pháp, chúng ta đã chứng kiến không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời mang tính tư tưởng và nghệ thuật cao, mà cho đến nay vẫn còn có giá trị, như: “Việt Bắc” của Tố Hữu; “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi; “Tây Tiến” của Quang Dũng; “Đồng chí” của Chính Hữu;…

Đặc biệt thời chống Mỹ cứu nước, xuất hiện những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi được toàn dân hăng hái hưởng ứng như “3 sẵn sàng” của thanh niên, “3 đảm đang” của phụ nữ, “3 quyết tâm” của trí thức,… Toàn bộ các hoạt động của văn nghệ sĩ lúc đó hướng tới việc sáng tác tập trung ca ngợi ý chí của một dân tộc vùng lên, quyết tâm giành lại chủ quyền lãnh thổ, “dẫu phải đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng quyết giành bằng được độc lập, tự do”.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 6

Tiễn đưa thanh niên "Ba sẵn sàng" của khu Đống Đa, Hà Nội lên đường nhập ngũ tháng 8-1964 sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ảnh tư liệu.

Chính trong khói lửa chiến đấu, hàng loạt tác phẩm đã “nằm lòng” trong công chúng, như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Phạm Tiến Duật); “Đêm hành quân nhớ Bác” (Huy Du); “Bài ca năm tấn” (Nguyễn Văn Tý); “Vàm Cỏ Đông” (Trương Quang Lục); “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân),… Đây là những bài ca đi cùng năm tháng, song hành với cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

PV: Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và quản lý, theo ông, báo chí có vai trò gì trong việc góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội?

PGS, TS. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Có thể nói, trong sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ, đội quân báo chí có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sức lan tỏa sâu rộng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - 7

PGS, TS. Nhà báo Đỗ Hồng Vinh từng là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) trực tiếp chỉ đạo công tác báo chí và xuất bản.

Hiện nay, lực lượng báo chí phát triển hùng hậu với những công cụ, phương tiên tác nghiệp hiện đại, anh chị em có mặt ở nhiều vùng, miền đất nước từ Trường Sa, Trường Sơn, từ vùng sâu, vùng xa đến vùng cao hiểm trở để phản ánh sinh động khí thế lao động, xây dựng và bảo vệ bình yên Tổ quốc, trong đó có nhiều tác phẩm phản ánh bản sắc văn hoá từng dân tộc; sự quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của văn hoá thế giới, làm giàu thêm nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Những định hướng đó đã và đang được tiếp tục triển khai khẩn trương sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, mà lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những chỉ dẫn quan trọng cho hoạt động báo chí.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Huyền Thương (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước...