Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Chiều 31/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI dành cho các trại viên là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra).

Buổi lễ có sự tham dự của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp; Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp, chủ nhiệm Trại viết...

Phát huy vai trò đóng góp của lĩnh vực lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Báo cáo tại lễ bế mạc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, diễn ra từ ngày 26/3 - 31/3/2023, Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Khóa VI Khu vực phía Bắc đã hoàn thành một khối lượng ba loại công việc đáng ghi nhận.

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 1

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện trao chứng chỉ hoàn thành chương trình trại viết cho các học viên. 

Về mặt học thuật, Trại viết đã bồi dưỡng, nâng cao kiến văn xung quanh một số vấn đề về lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay, đó là: Quán triệt đường lối văn hóa - nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành quả lý luận thực tiễn có tính chất chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động văn học nghệ thuật trước đây, cũng như trong bối cảnh hiện nay; Trình bày một số điểm chủ yếu để nhận diện thực trạng hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật trong thời gian gần đây, các khuynh hướng, các phương pháp về lý luận phê bình, đội ngũ viết lý luận phê bình ở Trung ương và địa phương; việc quảng bá các tác phẩm lý luận phê bình trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, văn học nghệ thuật;

Làm rõ một số đặc thù về tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật của các loại hình nghệ thuật như sáng tác của các ngành văn học, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc và văn nghệ dân gian; Nhận diện những đặc sắc, những sự khác biệt của loại nghiên cứu tác phẩm lý luận phê bình so với loại tác phẩm sáng tác; nâng cao chất lượng hiệu quả của việc viết, đọc, quảng bá loại tác phẩm nói trên đối với người viết, người biên tập, người tiếp nhận chúng.

Về thu hoạch của học viên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, cần nhận rõ các cây bút dự Trại viết phần lớn đều là những tác giả có quá trình tác nghiệp chuyên môn, đã nhận diện trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà bằng các loại tác phẩm sáng tác lẻ, bài viết trong đó có hơn 30 cây bút đã công bố mỗi người từ 1-9 tập sách.

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 2

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhà văn, nhà báo Hoàng Dự trao chứng chỉ hoàn thành chương trình trại viết cho các học viên. 

Đến nay, ban tổ chức đã nhận đủ 49 bài thu hoạch của các trại viên, các bài viết có độ dài - ngắn khác nhau (từ 2 trang đến 65 trang vi tính) đã cho thấy sự nghiêm túc, tự trọng và tinh thần trách nhiệm trong lao động miệt mài của những cây bút có nghề khi trình bày các ý kiến về 3 phương diện:

Một là, những thu nhận tâm đắc nhất khi nghe các bài giảng thuyết trình trên lớp của giảng viên và qua tiếp xúc, giao lưu với các đồng nghiệp, văn nghệ sĩ dự trại từ đó nhận ra những điểm cần hoàn thiện trong bản lĩnh tư duy, lao động sáng tác, viết lý luận phê bình văn học nghệ thuật sao cho đạt hiệu quả tốt hơn nữa;

Hai là, các bài viết đã thể hiện được năng lực và trình độ kiến thức, tay nghề của mỗi người hiện nay đang ở mức độ nào; từ đó cần nỗ lực sáng tạo trên cương vị của mình hơn nữa để có những tác phẩm góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc, tiên tiến, khoa học và nhân văn;

Ba là, qua các bài viết thu hoạch đã bộc lộ tinh thần tiếp tục nuôi dưỡng niềm khát vọng, niềm say mê cống hiến sáng tạo, gắn bó với nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật để hòa nhập với niềm hưng phấn của cả dân tộc trong xây dựng nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, hạnh phúc, sánh vai cùng thế giới văn minh.

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 3

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và GS.TS Lê Hồng Lý trao chứng chỉ hoàn thành chương trình trại viết cho các học viên. 

Về thâm nhập thực tế, Trại viết đã thực hiện chuyến tham quan và trải nghiệm tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng. Trong trọn một buổi chiều, các văn nghệ sĩ đã đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đó là gốm sứ mỹ thuật dân gian, gốm sứ mỹ thuật của các nghệ nhân hiện đại Bát Tràng.

Các văn nghệ sĩ đã chia sẻ niềm tự hào về tinh hoa làng nghề mỹ thuật truyền thống, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của riêng một vùng quê, làng nghề đã làm ra những sản phẩm có ích cho đời sống, trong đó có sự kết hợp của đất - nước - lửa với bàn tay, khối óc, tâm hồn của những nghệ nhân dân gian. Từ đó mỗi văn nghệ sĩ dự Trại viết như được tiếp thêm niềm hứng khởi trong lao động sáng tạo những sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần, làm giàu, làm phong phú, làm đẹp cho đời sống xã hội, nâng cao năng lực và trình độ thẩm mỹ của công chúng.

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 4

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu trao chứng chỉ hoàn thành chương trình trại viết cho các học viên. 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện kỳ vọng, loại hình trại viết lý luận phê bình văn học nghệ thuật sẽ được tiếp tục duy trì đều đặn hằng năm, song song với các trại sáng tác văn học nghệ thuật, giúp ích vào việc phát huy vai trò đóng góp của lĩnh vực lý luận phê bình văn học nghệ thuật - một lĩnh vực của khoa học và nghệ thuật, luôn luôn là người bạn tin cậy và đồng hành với giới sáng tác, giữ một vị trí trung gian không thể thiếu giữa nghệ sĩ và công chúng; giúp quảng bá chân giá trị của các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng rộng rãi; nâng cao tâm hồn, tình cảm, năng lực thẩm mỹ nơi công chúng, hướng công chúng về các giá trị cao đẹp chân - thiện - mỹ.

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Phát biểu bế mạc trại viết, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá, Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Khóa VI Khu vực phía Bắc diễn ra trong một bầu không khí dân chủ, cầu thị, đã giúp các trại viên thu nhận được những kiến thức, trao đổi được với đồng nghiệp và cùng nhau nhìn về trách nhiệm phía trước của những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật.

“Bước vào một môi trường phong phú, đa dạng và mênh mông của cả lĩnh vực văn học và nghệ thuật, nhưng định hướng cuối cùng của lý luận phê bình văn học nghệ thuật vẫn là phải bám chắc và nhất quán vào những đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 5

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu bế mạc trại viết. 

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh (Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên) cho biết: “Qua những bài giảng công phu, uyên bác, trí tuệ, trại viết đã mang đến cho các trại viên của khóa VI một lượng tri thức tương đối lớn và điều lớn hơn là ngọn lửa với nghề lý luận phê bình, nghiên cứu văn học nghệ thuật - một nghề khô khan, khó nhằn, ít tìm được sự đồng cảm như sáng tác. Dẫu vậy, đã là nghề, là nghiệp thì chúng tôi vẫn yêu nó, đi đến tận cùng với nó và trại sáng tác này là nơi chúng tôi được tiếp lửa, tiếp gió, thêm củi để cho trái tim cháy nồng đượm hơn, đỏ thắm hơn, bền vững hơn, để đem tiếng nói nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật làm đẹp hơn nữa cho cuộc đời này”. 

Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo cho đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 6

Tiết mục văn nghệ của các trại viên tại Lễ bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI. 

Nhà văn Đặng Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng cho rằng, việc duy trì, tổ chức đều đặn các trại viết hoặc các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ có thể coi là một giải pháp tích cực và thiết thực để phát triển đội ngũ những người làm lý luận phê bình. Những trại viết như trại viết lần này chính là nơi quy tụ, tạo sự gắn kết những cây bút có khả năng viết lý luận phê bình, là nơi động viên, khích lệ, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho các tác giả, văn nghệ sĩ các tỉnh thành được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, hợp tác, được tiếp lửa để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo. Từ đó, có thể nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nghiên cứu, sáng tác, dần chuyên tâm, chuyên sâu và tiếp tục gắn bó với nghề. 

"Chúng tôi mong muốn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục và thường xuyên duy trì các trại viết, lớp bồi dưỡng, tập huấn dành riêng cho mảng lý luận phê bình với thời gian, hình thức, phương pháp tổ chức phù hợp tính đặc thù, đối tượng, lứa tuổi và điều kiện thực tế từng giai đoạn", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng bày tỏ. 

Viết Điệp - Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.