Trò chơi kéo co: Di sản của tinh thần đoàn kết cộng đồng

Cách đây 5 năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (Unesco) đã ghi danh “Nghi lễ và trò chơi kéo co” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kéo co được coi là trò chơi dân gian mang ý nghĩa tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co được Unesco ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015 với tư cách là đề cử đa quốc gia của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Namibia.

Ở Việt Nam, Nghi lễ và trò chơi Kéo co có mặt ở hầu hết khắp các vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ – vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước. Di sản này được thực hành rộng rãi nhất ở các cộng đồng người Kinh các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và các cộng đồng người Tày, Thái, Giáy tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai.

Trò chơi kéo co: Di sản của tinh thần đoàn kết cộng đồng - 1
(Ảnh minh họa: BT)

Từ khi được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về Nghi lễ và trò chơi kéo co đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa - Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tích cực thực hiện với mục đích hỗ trợ cộng đồng kéo co trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung và phát huy giá trị di sản này trong đời sống đương đại. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hợp tác với thành phố Danjin (Hàn Quốc) thông qua Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các dự án nghiên cứu, xuất bản, hội nghị chuyên đề và giao lưu trình diễn.

Tại buổi tọa đàm “Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta không chỉ đại diện cho chúng ta mà còn đại diện cho dân tộc, cho thế giới để giữ gìn di sản văn hóa quý báu này. Hy vọng thời gian tới, các cộng đồng kéo co sẽ đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để chúng ta bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này”.

Bà Phạm Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ là nơi kết nối các địa phương có di sản kéo co, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, để di sản được ghi danh, công đầu vẫn là nỗ lực gìn giữ, phát huy và trao truyền di sản qua nhiều thế hệ của các cộng đồng thực hành di sản. Các cơ quan quản lý văn hóa cần có hình thức quảng bá, phổ biến di sản phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật thông tin định kỳ về tình trạng di sản, hỗ trợ các địa phương tiến hành các bước đề cử để lập hồ sơ đề nghị Unesco bổ sung danh sách.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng thông qua dự thảo Đề án thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam nhằm tăng cường sự gắn kết, trao đổi giữa các cộng đồng cùng thực hành di sản.

Theo LĐTĐ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.