Bài ca về sự sống, tình yêu và hy vọng! (Đọc trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của Châu La Việt)
Hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã góp phần khẳng định một giá trị văn hóa trong lịch sử tư tưởng nhân loại: lòng yêu nước, yêu hòa bình, ý chí quyết hy sinh vì độc lập, tự do sẽ tạo nên sức mạnh và lương tâm thời đại. Ở trong văn học, tư tưởng ấy kết thành những bức tượng đài được điêu khắc bằng thứ ngôn ngữ vang vọng âm hưởng sử thi hùng tráng bài ca giữ nước. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ của trường ca.
Trước năm 1975 trường ca sử thi trong vắt, gần như nguyên chất, nguyên khối, hình tượng người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng. Sau năm 1975 chất sử thi vơi nhạt đi chút ít để thay vào đó chất đời tư, hòa cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc. Cho đến hôm nay, đủ độ lùi thời gian, trường ca có xu hướng khái quát về những cái được, mất của lịch sử thông qua những số phận cá nhân. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng hiện rõ qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Từ cái cao cả, lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn hơn. Đời sống nội tâm của người chiến sĩ ở chiến trường, ngoài những điều thiêng liêng cao cả, còn là những điều thầm kín, những tâm tư, tình cảm cá nhân được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường. Một trường ca thành công viết theo hướng này tiêu biểu là Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh.
Với đặc điểm dung lượng lớn, dài về câu chữ, phong phú về chi tiết, sự kiện nên trường ca luôn tìm tới những điểm tựa. Nếu điểm tựa trữ tình là một câu chuyện, mạch trần thuật sẽ men theo sườn cốt truyện để thể hiện ý tưởng. Đó có thể là câu chuyện về lịch sử của một vùng đất, một thời kỳ và những con người anh hùng. Trường ca của Châu La Việt viết về vùng đất thép, đất lửa của Nam bộ kháng chiến rất giàu có trữ lượng sử thi - Tây Ninh!
Tác phẩm "Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh".
Theo bước chân những người lính nghệ sĩ hành quân vào giải phóng miền Nam, tất yếu tác phẩm hội tụ trong đó âm vang của thời đại anh hùng, khát vọng, lý tưởng của những con người anh hùng và những suy tư cá nhân trong sáng vô ngần, rất đỗi thiêng liêng, cái riêng hòa vào cái chung, cái tôi hòa trong cái ta. Họ ra đi từ Thăng Long ngàn năm văn hiến - mảnh đất “lắng hồn núi sông” hòa bình, yên ả. Không cần một tu từ nghệ thuật, chỉ cần vẽ lên bằng ngôn ngữ của thơ, là cả một không gian Hà Nội bản sắc hiện ra: “Hà Nội mùa thu như rất đỗi bình yên/ Hương hoa sữa thoảng thơm phố vắng/ Dòng sông Hồng rì rầm tiếng sóng/ Tiếng còi tàu đường Nam bộ vang xa”.
Nhưng đằng sau không gian ấy là sự sôi sục ngút trời về quyết tâm đuổi giặc, tên đế quốc đầu sỏ, giàu có, hung bạo nhất thế giới bấy giờ: “Trong bình yên vẫn có gì lửa cháy/ Hà Nội ơi những cô gái chàng trai/ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai…”. Hai câu thơ Tố Hữu được trích dẫn thật “đắc địa”. Những ai từng sống ở thời ấy - cái thời của lý tưởng mê say, cái thời của quyết hy sinh để giành độc lập tự do. Cái thời của hàng vạn những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… viết đơn bằng máu để xung phong ra chiến trường, chưa đủ tuổi, khai tăng tuổi, chưa đủ cân, cho đá vào túi quần… Đó là một thực tế mà ngàn vạn năm sau con Hồng cháu Việt phải noi theo để giữ gìn, bảo vệ và làm giàu có đất nước cho xứng đáng với quá khứ vẻ vang anh hùng.
Trong số những người ra đi ấy có một người con gái: “Ấy là lúc có một người con gái/ Tuổi 19 mái tóc xõa ngang vai/ Em ra đi cùng bạn bè đồng đội/ Lần đầu tiên ba lô khoác lên vai…”. Cái đích nơi đến cũng rất xa: “Nơi em đến là chiến trường Nam Bộ/ Nơi em đến là dòng sông Vàm Cỏ/ “Em đi cắt lúa trên ngàn/ Thấy trên ngàn nắng thiêu chang chang”/ Là Tây Ninh đạn bom tan hoang/ Trận càn Gian xơn xi ti còn đó/ Lá cây rừng còn đọng bao máu loang”.
Đang ở chốn yên bình bước vào vùng đất lửa, như cái bản lề khép mở, họ đứng giữa sự đối lập khủng khiếp của hai không gian hòa bình và chiến tranh, giữa yêu thương sự sống và mất mát, cái chết. Thơ hay nhờ ở những chi tiết, hình tượng mang tính ám ảnh. Rất khó có thể nghĩ ra, bịa ra, thường là phải nhờ sự trải nghiệm từ thực tiễn đời sống. Câu thơ “Lá cây rừng còn đọng bao máu loang” đủ sức gói trong đó những gì khủng khiếp nhất của chiến tranh: máu đổ nhiều đến nỗi loang lên lá cây rừng. Mà ai cũng biết, “nhiều như lá cây rừng”. Thế mà... Thêm một bổ ngữ “Ngày em đến rừng không còn tiếng chim/ Bom và đạn đã triệt tiêu tất cả”. Khí hậu, địa lý, thời tiết đã tạo ra một đặc trưng rừng Nam bộ là các loài chim luôn chiếm số lượng nhiều nhất (tràm chim, sân chim…) trong các loài động vật. Nhưng đạn bom kẻ thù đã làm mất đi cái đặc thù ấy. Đạn bom xua đuổi, thảm sát loài chim hiền lành - biểu tượng của cuộc sống bình yên, ấm áp, sinh sôi. Cũng là một cách tàn phá sự sống, hủy diệt hòa bình. Hôm nay phê bình sinh thái hiện đại gọi là “diễn ngôn chấn thương”. Chi tiết ấy có sức khái quát lớn: không chỉ con người, mà cả khí hậu, tự nhiên, cả bầu sinh quyển bị “chấn thương” bởi chiến tranh!
Trong bối cảnh ấy, như một lẽ tự nhiên, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” những chàng trai cô gái miền Bắc xung phong lên đường đuổi giặc: “Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu). Con đường đẹp nhất là con đường ra trận, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” (Phạm Tiến Duật). Đấy là một câu thơ đúng và hay, bởi nó miêu tả chân thực không khí sử thi của một thời đại sử thi “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cô gái - nhân vật trong trường ca này cũng là một trong những anh hùng ấy, với nhiệm vụ riêng: “Tuổi 20 như tia nắng mặt trời/ Những gương mặt sáng ngời lý tưởng/ Chọn sân khấu nơi miền Nam lửa đạn/ Người chiến sĩ và khúc hát trên môi”.
Người chiến sĩ - nghệ sĩ ấy tên là Tô Lan Phương cùng quê hương, cùng họ, và chính là người cháu nội của đồng chí Tô Hiệu, người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Điểm nhìn trữ tình được trao cho nhân vật bộc lộ, giãi bày: “Có những đêm đi biểu diễn tối trời/ Mắc chiếc võng nằm ngắm vầng trăng sáng/ Nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, bè bạn/ Úp mặt xuống võng mặc cho nước mắt rơi…”. “Vầng trăng” ở đây lại “xẻ đôi” không gian: một miền quê yêu dấu có mẹ cha, bè bạn và một vùng không gian chiến tranh nơi “miền đất lửa”. “Ngắm vầng trăng” cũng là “ngắm” về quê. “Nước mắt rơi” như một tất yếu của trạng thái tình cảm nhớ nhà, nhớ cha mẹ, bạn bè… Đó là những phút “xao lòng” ai cũng có khi xa quê, đang ở thời điểm đối mặt với sự dữ dội nhất của chiến tranh, thì giây phút ấy càng trăn trở, day dứt, mãnh liệt. Cần có một điểm tựa, với Tô Lan Phương, điểm tựa ấy là truyền thống cách mạng quê hương: “Em đã mang cây đào thắm đỏ ấy/ Những tháng ngày vượt nắng lửa Trường Sơn/ Em đã mang cây đào như lửa cháy/ Trong tim mình những năm tháng chiến trường…”. Nếu biểu tượng là những ký hiệu quy ước chung của cộng đồng, theo thời gian được bồi đắp nhiều lớp phù sa văn hoá nên lung linh đa nghĩa, thì hình ảnh “cây đào như lửa cháy” tỏa những vầng hào quang thẩm mỹ rất đẹp. Trôi theo dòng lịch sử, con thuyền biểu tượng vừa tô điểm vừa cho thấy một hình dung về độ nông sâu giá trị, tầm vóc thời đại của các giai đoạn lịch sử. “Cây đào như lửa cháy” mang ý nghĩa về sự kế thừa, tiếp nối giữa hai thế hệ chống Pháp và chống Mỹ. Còn là biểu tượng tỏa ánh sáng của công lý, chân lý và cả đạo lý, kết thành niềm tin thời đại: chính nghĩa yêu nước sẽ chiến thắng phi nghĩa xâm lược.
Hai sợi chỉ xuyên suốt trường ca là hai câu chuyện về hai con người cùng điểm xuất phát làng quê Xuân Cầu văn hiến, yêu nước; điểm gặp gỡ là vùng đất “Tây Ninh nóng bỏng”: “Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu/ Ông đã tới với chiến trường rất sớm/ Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng/ Ông sẽ yêu như chính quê hương mình…”. Như một logic nghệ thuật, hai không gian nghệ thuật trữ tình đồng hiện theo sự quy chiếu của hai cái tôi tâm trạng. Khi họ gặp nhau thì hai không gian ấy ánh xạ vào nhau để cùng tỏa ra thứ ánh sáng nhân văn về tình yêu cội nguồn, tình đồng hương, cao hơn cả tình yêu nước, tình đồng chí.
Câu chuyện về “người ấy”, “nằm vùng”, “bí mật”, “đặc biệt” dần được hé mở: “Dùng địch đánh địch”, “Lấy ác diệt ác”/ Những phương châm thành sách lược an ninh/ Thành nghệ thuật của Tây Ninh đánh giặc/ Thành diệu kỳ của chiến tranh nhân dân”. “Người ấy” ở lẫn vào dân, sống cùng dân, lo lắng cái lo lắng của dân, cùng ăn khoai ăn sắn với dân: “Bà con gọi ông chú Tư Tô Lâm/ Bà con thương ông củ khoai củ sắn/ Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng/ Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…”. “Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng” nói về thời gian, “Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…” nói về thời điểm hiện tại. Một chi tiết thật đắt: nguy hiểm, cái chết luôn rình rập bất cứ lúc nào nên phải luôn vội vã!
Ai đã từng sống chết nơi chiến trường đều thấm thía, trước khi vào trận đều mong muốn có được cảm giác thật thư thái. Được xem “văn công” là “tuyệt” nhất. Cũng dễ lý giải: để tìm thấy ở đó một điểm tựa tinh thần; tìm thấy ở đó sự bù lấp một nỗi trống trải, một chút yếu mềm. Mà “văn công” thì sẽ đem đến một cuộc sống khác… Thế nên những câu thơ sau rất thật, rất thực tế: “Đơn vị lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt/ Có thể trận đánh này sẽ có người không về/ Họ chỉ một nguyện vọng tha thiết/ Được xem văn công trước lúc ra đi…”.
Đáp ứng nguyện vọng ấy, “Tốp xung kích của Phương hối hả lên đường/ Băng lộ cắt rừng nửa ngày mới tới”. Đến nơi thì “đơn vị” đã đi xa. Ngoài tình yêu nghệ thuật, là tình đồng chí cao cả vô ngần, còn là nhiệm vụ “tiếng hát át tiếng bom”, họ đã: “Cắn chặt môi ngăn nước mắt thành dòng/ Tốp văn công quyết tâm đuổi theo cho bằng được/ Dẫu biệt kích thám báo cũng quyết không chùn bước/ Phải hát cho các anh trước trận đánh đêm nay…”. Những chiến sĩ - nghệ sĩ “lại cắt rừng, lại lội suối ra đi/ Để đuổi kịp đoàn quân không một giây ngơi nghỉ/ Có gì thiêng liêng hơn ước mong người chiến sĩ/ Phải hát các anh nghe như mong ước các anh”…
Thì ra trên chiến trường những chiến sĩ - nghệ sĩ cầm đàn chẳng khác gì những chiến sĩ cầm súng, cũng vượt qua mọi gian khổ, cũng sẵn sàng hy sinh, cũng tất cả vì nhiệm vụ đuổi giặc. Chỉ có điều, trên “sân khấu”, dù giữa chiến trường họ cũng hóa thân thành những mảnh đời khác, cuộc đời khác: “Nàng Vân Dại nổi loạn giữa câu chèo/ Chàng Thạch Sanh với cây đàn tích tịch/ Lý ngựa ô rung bờm vào chiến dịch/ Sông Vàm Cỏ câu vọng cổ đổ xuôi”… Đó là những hình tượng nói về khát vọng nhân văn nhân bản ngàn đời của người Việt, như những dòng nước ngọt lành làm mát rượi những tâm hồn, nâng đỡ những ước mơ cất cánh bay vào bầu trời của yêu thương, niềm tin, công lý. Đó còn là những lời yêu bâng khuâng, day dứt, da diết hay thổn thức, nồng nàn: “Câu quan họ với bèo dạt mây trôi/ Chốn xa xôi này đây em vẫn đợi/ Sen trong đồng ngát thơm mùa lúa mới/ Hãy nghe anh ơi câu hát của quê nhà”…
Tình quê nở hoa giữa tình yêu đất nước. Hai người lính, hai thế hệ ngẫu nhiên gặp nhau trong không gian thật đặc biệt: “Chú với cháu cùng quê hương Xuân Cầu/ Vườn nhà cháu ngày xưa chú thường sang hái quả/ Chú cũng họ Tô, là đội trưởng thiếu nhi từ nhỏ/ Đi rải truyền đơn, đi canh gác cho ông cháu họp hành”. Ngoài tình đồng chí, đồng hương, còn là nghĩa tình chú cháu chung không gian hoài niệm ngày xưa…
Mạch cảm xúc trường ca đi rất khéo theo quy luật hồi ức, quay trở về ngày hôm qua với không gian hậu phương của Tư Tô Lâm: “Như bao vợ của những người ra trận/ Một tay bà chăm sóc đàn con/ Đứa lớn đứa bé con trai con gái/ Tuổi ăn tuổi ngủ tuổi cắp sách đến trường/… Thằng anh lớn lên, nhường tấm áo cho em/ Con chị học xong, sách cho em học tiếp…”. Người chồng lại hoạt động bí mật nên “Bà thầm lặng không một lời than thở”. Đó cũng là một hy sinh lớn lao… Còn với Tư Lâm: “Gian xơn xi ty 53 ngày đêm/ Súng hết đạn, người cầm hơi chút cháo/ Chất độc hoá học, máy bay và phi pháo/ Ông vẫn kiên gan quyết đánh trả đến cùng/ Không ai tin được một ngày mười trận bom/ B52, bom phát quang, chất độc/ Rừng cây xanh úa vàng tận gốc…”. Nghệ thuật tương phản, đối lập được khai thác triệt để: người lính an ninh anh hùng, quả cảm trong hoàn cảnh khó khăn nhất (súng hết đạn, cầm hơi chút cháo) “vẫn kiên gan quyết đánh trả đến cùng” kẻ thù dã man, hung bạo nhất (một ngày mười trận bom, chất độc hóa học, máy bay, phi pháo) …
Với người con gái quê hương Xuân Cầu, giữa chiến trường, một ước mong nhỏ nhoi lại nói lên rất rõ nhân cách một con người đáng yêu, đáng quý, đáng phục, rất nghệ sĩ và cũng rất chiến sĩ: tất cả để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đó là “có một chiếc đài”. Để “nghe tin tức”, “lắng nghe tác phẩm mới”, “học bài hát làm tiết mục nhiều thêm”. Đặc biệt là được nghe tiếng đàn của mẹ - một nghệ sĩ “vẫn đêm đêm gẩy đàn thu thanh/ Trên làn sóng phát thanh tiếng thơ hay ca nhạc…”. Giữa nơi chiến trường mong manh sống chết, một ước mơ nhỏ thôi nhưng ý nghĩa thật lớn vô cùng… Thế nên tiếng hát của người con gái ấy không còn là tiếng hát thông thường. Trong không gian bom đạn ngút trời, đó là lời ca của con tim yêu thương, chân thành, trung thực đến đáy, thấu hiểu đến tận ngọn nguồn sự sống, thấu cảm đến từng tế bào máu. Trái tim tìm đến với trái tim: “Những người lính bụng đói đến thắt lòng/ Bòng thắt ngang người gạo không còn một hạt/ Nhưng tất cả lặng im để uống từng tiếng hát/ Tiếng hát người con gái tuổi 20”. Phải trong hoàn cảnh ấy, phải là người nghe lúc ấy, đi làm nhiệm vụ như vậy, thì không còn là “nghe” bằng thính giác mà phải là “uống” bằng tất cả các giác quan. Vì lời hát ấy là nước ngọt mát lành, là suối niềm tin, là dòng sông tình yêu, cao hơn, là sự sống.
Tiếng hát ấy còn mang ý nghĩa phổ quát chung cho quan niệm về một nghệ thuật đích thực, trọn vẹn hết mình, sẽ truyền cảm, thuyết phục, chinh phục một cách tuyệt đối: “Đồng chí chính trị viên bỗng nhiên vụt đứng dậy/ Anh nói trong nỗi xúc động trào dâng/ “Xin cho đại đội chúng tôi mang tên Tô Lan Phương/ Đại đội Tô Lan Phương của Sư đoàn 9/ Ngày mai chúng tôi sẽ xung trận/ Chúng tôi hứa sẽ lập những chiến công…”… Nghệ thuật là biết chỗ dừng lại. Mạch thơ ngừng. Ba dấu chấm lửng (…) đã hoàn thành sứ mệnh cái bản lề nghệ thuật: mở ra trường liên tưởng, tưởng tượng của bạn đọc đi tiếp, đi xa…
Tác phẩm chỉ khép lại câu chữ còn chân trời nghệ thuật thì được mở ra mãi theo nhiều chiều của bài ca về sự sống, tình yêu và hy vọng. Có rừng xưa xanh bóng, có âm thanh tiếng chim, có mùa xuân bát ngát. Một bức tranh có cả cận cảnh và viễn cảnh, có cả tiếng hát xưa vọng về. Âm vang sử thi là cầu nối đưa hôm qua về với hôm nay. Không chỉ một “tôi” mà có rất nhiều những con tim đồng vọng cùng bồi hồi, xúc động, nghẹn ngào trong rất đỗi tin yêu, tự hào: “Hôm nay tôi về Tây Ninh/ Căn cứ xưa với rất nhiều chim hót/ Rừng tươi xanh như mùa xuân bát ngát/ Lại nhớ bài hát người nghệ sĩ năm xưa”! và “Về Gò Dầu thăm dòng Vàm Cỏ Đông/ Lại nhớ người Anh hùng năm xưa chỉ huy quyết tử/ Hỏi sông ơi dòng sông còn nhớ/ Ai chém vè năm xưa trong đạn lửa/Con thuyền nào đưa cán bộ vượt sông…”.
![Dư âm Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối](https://cdn.arttimes.vn/upload/3-2024/images/2024-08-02/1722589328-thumbnail-width750height563.jpg)
Năm 1966, chuẩn bị tinh thần đi mặt trận, bố tôi gom cả ba anh em về trại trẻ con em báo Nhân dân sơ tán tại xã Thống...
Bình luận