“Chuyện phố” - Một tự sự về đô thị đương đại

Để có được góc nhìn đa dạng và những kiến giải độc đáo về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Phạm Quang Long, mở ra cơ hội giải mã bức tranh đô thị đa chiều kích được tác giả tái hiện trong tác phẩm, Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại”.

“Chuyện phố” - Một tự sự về đô thị đương đại - 1

Tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” có sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng dưới sự dẫn dắt của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Huyền Thương

Nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội, Cán bộ giảng dạy Bộ môn Lý luận Văn học, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Phạm Quang Long đã trở thành một con người quen thân với vùng đất kinh kỳ, thời gian sống và làm việc tại Hà Nội đã khiến ông vỡ ra nhiều chuyện, nhất là về cách ứng xử.

“Tôi thực sự sống trong vô vàn quan hệ giăng mắc mà khi ở nhà trường tôi không hề biết. Nó giúp tôi nhìn cuộc sống nhà quê tôi rõ hơn và từ góc nhìn của một gã nhà quê, tôi hiểu Hà Nội hơn, ở cả hai chiều yêu thích và khó chịu”, tác giả khiêm tốn chia sẻ.

Ông cũng bị say mê cái chất hào hoa, tinh hoa trong cách sống của những người Hà Nội. Ông đã dành nhiều trang viết về những người thầy, các vị sư biểu một thời ở khía cạnh tầm nhìn, bản lĩnh, nhân cách và những vất vả họ phải vượt qua để là mình.

Ông bày tỏ: “Tôi viết và nhìn theo thế hệ các thầy cô của tôi, đó mãi mãi là những hình ảnh đẹp nhất trong đời tôi, tầm trí tuệ, tầm nhân cách các thầy cao vời vợi và có lúc khó khăn nhất, tôi đã bám vào đó để sống, tôi sẽ sống, làm việc để không hổ danh ngôi trường tôi đã được học tập, không làm các thầy cô tôi phải bận tâm và bây giờ tôi viết gửi tri ân đến các thầy cô, đến đồng nghiệp, bạn bè”.

“Chuyện phố” - Một tự sự về đô thị đương đại - 2

Tiểu thuyết “Chuyện phố”. Ảnh: Huyền Thương

Tiểu thuyết “Chuyện phố” đem đến cho người đọc những kiến giải sâu sắc và gửi gắm triết lý nhân sinh độc đáo về “làng”, về “phố”, như chính ông đã từng chia sẻ trong “Lời bạt” của tiểu thuyết: “Hà Nội trong Chuyện phố là Hà Nội của những con người, những số phận ba chìm bảy nổi từ nhiều vùng miền xa Hà Nội trôi dạt đến, sau bao năm chiến tranh. Bao trùm trong tiểu thuyết vẫn là không khí náo nức của công cuộc xây dựng và kiến tạo xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nói đến thật tình là công cuộc mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình”.

Cuốn sách xoay quanh chuyện gia đình ông Mưu, một gia đình Hà Nội “gốc”, mưu sinh ở phố cổ từ thời chiến tranh đến lúc hòa bình. Diễn biến chính của tiểu thuyết tập trung vào cuộc sống của gia đình ông Mưu thời Đổi mới, cụ thể là vào khoảng hơn chục năm sau 1986. Là một nhà buôn chân chính, âm thầm biết trước biết sau mà lánh được những bão táp thời cuộc, nhưng ông Mưu lại chẳng thể dung hoà được mối quan hệ giữa các con dẫu ở chung một nhà song ứng xử lại mỗi người mỗi cách và chẳng thể có tiếng nói chung.

“Chuyện phố” - Một tự sự về đô thị đương đại - 3

Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, đây là một tác phẩm được tác giả Phạm Quang Long đầu tư rất nhiều về tư duy tiểu thuyết, cuốn sách có một cấu trúc khá phức tạp. Mỗi nhân vật đều là một cách nhìn về Hà Nội, từ người bố đã đi qua lịch sử, người con đi bộ đội, anh Tuấn nhà báo, anh Lăng nhà nghiên cứu,… và những góc nhìn này không trùng nhau điều đó chứng tỏ tác giả đã tạo nên tính đa dạng về tư tưởng của tiểu thuyết. Những điểm nhìn, những suy nghĩ ấy va chạm nhau, đặt cho người đọc tự mình phải suy nghĩ về những vấn đề của Hà Nội mà tác giả đã đặt ra trong cuốn tiểu thuyết này.

“Tiểu thuyết “Chuyện phố” mang màu sắc lịch sử, nó là một sự ngoái lại giai thoại Hà Nội, khi những giao cảm xã hội chuyển từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường và toàn bộ tác phẩm là việc đặt vấn đề những gì còn lại sau cơn biến động rất ghê gớm này”, PGS. TS Phạm Xuân Thạch nhấn mạnh.

“Chuyện phố” - Một tự sự về đô thị đương đại - 4

PGS. TS Phạm Xuân Thạch chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, tác phẩm là một tự sự về đô thị đương đại và cũng là một tự sự về văn hóa đương đại. Tác giả Phạm Quang Long đã nói về vấn đề văn hoá từ cái nhìn của một người ở làng đến cái nhìn ở một người trí thức sống ở thành thị và cả cái nhìn của một người đã quản lý văn hoá ở một thành phố là Thủ đô của đất nước.

“Từ sự đau lòng của một người Việt trước sự phôi phai, tàn tạ của văn hoá mà nơi nó biểu hiện rõ nhất đó là ở tầng lớp thượng lưu, tác giả đã có cái nhìn lịch sử, cái nhìn thời đại xuyên suốt tác phẩm. Anh nói chuyện làng chỉ là cái địa bàn làng, chuyện phố chỉ là cái địa bàn phố nhưng anh đã phổ vào đó những vấn đề còn đang giăng mắc, đan xen. Tất cả đều là những trăn trở, đau đớn và một phần nào đó còn là sự hiến kế văn chương của Phạm Quang Long trong công cuộc chấn hưng văn hoá hiện nay”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.

“Chuyện phố” - Một tự sự về đô thị đương đại - 5

Toạ đàm đã mở ra cơ hội giải mã bức tranh đô thị đa chiều kích được tác giả tái hiện trong tác phẩm. Ảnh: Huyền Thương

Tọa đàm còn có sự tham gia của GS Trần Đình Sử, PGS.TS La Khắc Hòa, PGS. TS Trần Văn Toàn, PGS.TS Phạm Thành Hưng, Nhà nghiên cứu Trần Hinh, Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng, TS. Trần Ngọc Hiếu,... Tất cả những ý kiến được đưa ra trao đổi tại đây đã tạo ra những nút thắt tự sự, đồng thời khiến điểm nhìn về đô thị Hà Nội trong tác phẩm của Phạm Quang Long trở nên mới lạ, góp thêm những góc nhìn độc đáo trong dòng chảy của tự sự đô thị đương đại.

Một số tác phẩm của PGS. TS Phạm Quang Long có thể kể đến như: “Nợ non sông” (kịch bản văn học, 2014), “Lạc giữa cõi người” (tiểu thuyết, 2016), “Bạn bè một thuở” (tiểu thuyết, 2017), “Cuộc cờ” (tiểu thuyết, 2018), “Chuyện làng” (tiểu thuyết, 2020), “Mùa rươi” (tiểu thuyết, 2022),...

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất