Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng với những con số đầy ấn tượng: Thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung;...

Diễn ra từ ngày 17 đến 28/11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy”, tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 1

Lễ Hội diễn ra từ ngày 17 đến 28/11 và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Lễ hội có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Bên cạnh đó, còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội; thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ.

Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”

Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo để thiết kế không gian đổi mới kiến tạo giá trị văn hóa. Và được chia làm 05 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 2

Khách tham quan triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”.

Khu 1 trưng bày nghiên cứu và tiến trình lịch sử của 12 nhà máy nổi bật ở Hà Nội, đặc biệt là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Mỗi nghiên cứu này tái hiện dòng lịch sử hình thành của từng địa điểm và trình chiếu những tư liệu liên quan đến Phối cảnh, Tổng mặt bằng và tư liệu ngắn.

Khu 2 trưng bày các tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu từ nhà máy xe lửa Gia Lâm và những đối chiếu từ góc nhìn quốc tế. Không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ chất liệu công-nghiệp, thực hiện bởi những nghệ sỹ khách mời: Nghệ sỹ điêu khắc Vy Trịnh và nghệ sỹ – Giám tuyển – Nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool. 

Khu 3 - Khu tương tác cộng đồng, tại đây, người xem có thể tương tác trực tiếp với bản đồ của 170 nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bao gồm thông tin cụ thể, vị trí của từng nhà máy.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 3

Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo để thiết kế không gian đổi mới kiến tạo giá trị văn hóa.

Bằng các giải pháp không gian sáng tạo, sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà nội đã đề xuất đánh thức không gian di sản, thổi sức sống mới vào các không gian xưa cũ, tái truyền tải các mã gene văn hóa vào thế hệ trẻ ngày nay tại Khu 4 với triển lãm “Đánh thức di sản”.

Tại khu 5 là triển lãm “Tiếp cận mới Kiến trúc công nghiệp”, tại đây, các sinh viên kiến trúc đã có các giải pháp thiết kế tiếp cận với thực tiễn để giúp cho mỗi nhà máy sẽ có những cá tính riêng đồng thời làm mềm mại hơn, đổi mới hơn phong cách truyền thống của kiến trúc công nghiệp.

Trưng bày "Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu"

Triển lãm là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước, được lấy cảm hứng từ lục thuỷ theo quan niệm Á Đông, lục thuỷ tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm, và nước biển.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 4

Triển lãm “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước hàng Đậu” là một điểm nhấn quan trọng trong tuyến trải nghiệm di sản đô thị thuộc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. 

Tháp nước Hàng Đậu đã trải qua hơn một trăm năm thăng trầm, lặng lẽ chứng kiến sự phát triển của Thủ Đô. Với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, nhóm thiết kế dự án mong muốn cải tạo Tháp nước Hàng Đậu thành một không gian nghệ thuật, đánh thức các di sản, hòa nhịp cùng dòng chảy đô thị mới.

Về ý tưởng thiết kế và trưng bày, triển lãm pavilion gồm hệ sắp đặt âm thanh với Không gian Tháp nước Hàng Đậu tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức trong bản thể. Từ đó, kết nối con người với môi trường sống mà hàng tỷ năm chúng ta từng gắn kết để tạo nên sự sống.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 5

Khách tham quan triển lãm.

Trải nghiệm qua từng lớp không gian trong tháp, nhóm thiết kế muốn đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Hệ sắp đặt ánh sáng của pavilion mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, được tái chế bởi rác thải đô thị, như một cách nhấn mạnh để chúng ta thấy rõ hơn về sự tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Hai chiều tương phản Âm thanh đưa ta về bản thể tính nguyên sơ, Ánh sáng cho ta sự nhận biết mọi thứ xung quanh ta.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 6

Nhiều du khách phải xếp hàng để được vào tham quan.

Dự án do kiến trúc sư Cao Thế Anh, hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương và đơn vị thi công Phùng Công Minh thực hiện.

Không gian Kiến trúc Pavilion “Bến Chờ”

Bến Chờ là pavilion ngoài trời của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, do Kiến trúc sư Lê Quang Thạch, công ty kiến trúc nội thất AVALO thực hiện. Với chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện. Thiết kế pavilion được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà Ga đường sắt. Nhà Ga không chỉ là nơi trung chuyển, mà còn là nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức buồn vui qua những cuộc đợi chờ.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 7

Không gian Kiến trúc Pavilion “Bến Chờ”

Kiến trúc sư sử dụng những đường nét tối giản, hình khối cơ bản, kiến tạo không gian thay vì tạo dựng chi tiết. Chất liệu cấu thành “Bến Chờ” chủ yếu là thép, nguyên liệu chính cấu thành nhà xưởng. Trong đó, lớp vot của công trình sử dụng chất liệu phản quang, để ẩn mình vào bối cảnh xung quanh.

“Bến Chờ” không chỉ là một pavilion mang tính hoài niệm, đây còn là điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi, để tĩnh lại lòng mình giữa tấp nập của thời cuộc, để ngồi lại bên nhau, ngắm nhìn một vẻ đẹp đang bị lãng quên của Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Hội thảo quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực

Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, là cơ hội để Hà Nội trao đổi kinh nghiệm với các thành phố sáng tạo của Vương quốc Anh cũng như thảo luận cho tương lai hợp tác với Hà Nội.

Hội thảo quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” cập nhật tiến trình phát triển của Hà Nội với cương vị là thành phố sáng tạo về Thiết kế cũng như phân tích các mô hình xây dựng đô thị ứng dụng bản sắc văn hóa và di sản dân tộc từ Vương quốc Anh.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 8

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo cũng đặt ra các vấn đề về việc hình dung lại bản sắc thương hiệu của các thành phố, trong đó có Hà Nội, cũng như đề xuất cách thức phát triển cộng đồng sáng tạo tại các đô thị. Đây cũng là một phần thông điệp mà hội thảo quốc tế muốn truyền tải trong mục tiêu hành động, đó chính là sự kết nối có hiệu quả giữa các nhà sáng tạo đa thế hệ đầy tài năng, từ đó đưa ra các phương án hành động giúp Thủ đô định hình giá trị và nét đặc sắc trong thương hiệu của mình.

Hội thảo "Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp"

Hội thảo quy tụ các chuyên gia quốc tế và các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, kinh tế và xã hội cùng chia sẻ những góc nhìn về lợi thế, tiềm năng cũng như thách thức và cơ hội khi xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng – Hướng tới việc khai thác hiệu quả quỹ đất, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 9

Hội thảo "Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp".

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển khu vực bãi giữa và bãi nổi sông Hồng; nâng cao hiệu quả quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ; khai thác hiệu quả các quỹ đất bị lãng quên, các công trình công cộng hoặc công nghiệp không còn phù hợp, chuyển đổi chức năng thành các không gian sáng tạo, không gian công cộng trong đô thị…

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 10

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo cũng là cơ hội khơi gợi các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hoá – lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước.

Trình diễn Thời trang Cổ phục “Vân Long Lưu Vũ”

“Vân Long lưu vũ” là một chương trình nghệ thuật liên ngành đưa đến những điều đặc biệt lần đầu tiên xuất hiện. Theo Ban Tổ chức, đây là show thời trang đầu tiên tại Việt Nam phỏng dựng lại tiến trình biến đổi của cổ phục trong giai đoạn 1900 – 1950 và cũng là lần đầu tiên trình diễn bộ sưu tập thời trang cao cấp ứng dụng hình ảnh Rồng trong lịch sử Việt Nam.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 11

Trình diễn Thời trang Cổ phục “Vân Long Lưu Vũ”.

Đó là áo tứ thân, áo yếm, áo the (miền Bắc), áo ngũ thân lập lĩnh tay chẽn buộc khăn lươn (miền Trung), áo ngũ thân lập lĩnh tay thụng (miền Nam), áo dài cổ bèo tay bồng cổ cao thắt eo… Toàn bộ phần trình diễn đều mang yếu tố lịch sử, là kết quả của quá trình nghiên cứu tư liệu và khảo sát thực địa.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 12

Tiến trình biến đổi trong suốt 50 năm (1900 – 1950) của trang phục Việt Nam được tái hiện sinh động trên sân khấu trình diễn thời trang.

Bên cạnh việc đảm bảo những nét truyền thống của cổ phục Việt, các bộ sưu tập Vân Long Lưu Vũ cũng có tính ứng dụng cao. Theo đó, các họa tiết đặc trưng của các thời kỳ được kết hợp với tính thẩm mỹ và kỹ thuật của thời trang hiện đại, gợi nên tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Nhìn lại những dấu ấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - 13

Chương trình bế mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Nguồn ảnh: Báo Hànộimới

Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm. Lễ hội nhằm hiện thực hóa chủ trương của Thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất