Chuyện về những sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp

Đợt lên Điện Biên vừa qua, tôi được ngồi bên PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, bao chuyện trò rôm rả, kể cả chuyện mới đây các anh đi chúc mừng người bạn học năm xưa là cùng lớp đại học Văn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tròn 80 tuổi.

Chuyện về những sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2 năm 1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội). Ảnh: Báo Dân Việt

Lại nhớ cũng đã 5 năm trước đây, anh Dương Đức Quảng cùng vợ, cũng là một nữ phóng viên chiến trường Khu V những năm kháng chiến vào TP Hồ Chí Minh. Anh Quảng gọi điện cho tôi và bạn học Phạm Lân (đồng lớp, đồng niên với anh Quảng), nói vui là vào TP HCM để “trốn” rét, nhưng kỳ thực anh vào với con và với các cháu, và dành thời gian yên tĩnh để viết tiếp cuốn sách mà anh ấp ủ từ nhiều năm nay. Đó là một cuốn tự truyện hoặc hồi ký có tên “Từ Hè phố… đến Cung đình”, ghi lại những câu chuyện thế sự vui có, buồn có, đầy ắp những kỷ niệm và chiêm nghiệm về cuộc đời của một nhà báo từ một cậu bé mồ côi lang thang bán sách báo giữa phố phường Hà Nội, sau này trở thành một phóng viên chiến trường, rồi một Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, Tổng Biên tập đầu tiên của Trang thông tin Điện tử Chính phủ (nay là Cổng thông tin Điện tử Chính Phủ), có trên 50 năm cầm bút ở nhiều địa phương, địa bàn, lĩnh vực công tác khác nhau mà không mấy ai có được may mắn trải qua…

Tôi hỏi anh có định viết gì về một người bạn học cùng đại học với anh năm xưa là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn tự truyện hoặc hồi ký của mình, anh nói nhất định phải viết chứ! Bởi đó là một người bạn anh rất quý trọng, tuy là lãnh  đạo cao cấp, nhưng anh Trọng rất bình dị thân thiết đúng nghĩa người bạn hiền, và hiện nay là vị lãnh đạo đang được toàn dân yêu mến, trân trọng, tin cậy, rất tin cậy trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Lại tò mò hỏi anh định viết gì về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì được hay anh sẽ đưa vào tự truyện hoặc hồi ký của mình hai bài viết về ông Nguyễn Phú Trọng, một bài khi ông ấy mới được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng trong Đại hội XI, nhan đề: “Một lời chúc mừng và mong đợi ở Tổng Bí thư mới” và bài “Đôi điều về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

*

Anh Quảng bảo ngày 19/1/2011, đúng vào kỷ niệm ngày sinh của anh thì được tin Đại hội Đảng lần thứ XI bế mạc, bầu anh Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư của Đảng. Thế là anh viết bài “Một lời chúc mừng và mong đợi ở Tổng Bí thư mới”. Năm 1986 khi Đại hội Đảng lần thứ VI - Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước diễn ra thì anh Nguyễn Phú Trọng đang là Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản, còn anh Quảng là Trưởng Tiểu ban Nội chính, Ban Tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên đặc biệt đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư.

Anh Nguyễn Phú Trọng cùng anh Quảng và một số nhà báo khác được dự và đưa tin về Đại hội lần thứ VI của Đảng. Ngồi trong Câu lạc bộ Ba Đình theo dõi qua màn hình vô tuyến các diễn biến của Đại hội, anh Quảng nói nửa đùa nửa thật với anh Nguyễn Phú Trọng là bạn học rất thân thiết từ thời sinh viên đại học:

- Này, tôi nghĩ với công việc và tính cách của ông, lại được nhiều Cụ lãnh đạo quý mến, chả mấy chốc ông sẽ làm Lãnh đạo cấp cao. Biết đâu khi ấy chúng tôi lại đưa tin về hoạt động của ông, lại viết những câu “đồng chỉ ân cần nhắc nhở”, “đồng chí chỉ rõ…” cũng nên!

Sở dĩ anh Quảng nói như thế vì những câu chữ ấy gần như đã trở thành công thức đối với các phóng viên chính trị, đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những năm đó. Các báo đều không viết tin riêng mà chỉ in thống nhất theo một bản tin chính thức do Thông tấn xã Việt Nam phát ra, mà anh gọi vui là mặc “đồng phục trên báo”. Bây giờ báo chí đã có nhiều đổi mới trong thông tin, trong đó có tin tức chính trị, ngoại giao, tin tức đã phong phú và sinh động hơn, nhưng những câu chữ “nhắc nhở”, “chỉ rõ’, “lưu ý”… khi đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo cấp cao vẫn còn khá nhiều, chưa có thể bỏ hoặc có câu chữ nào thích hợp thay thế!

Nghe anh Dương Đức Quảng nói thế, anh Nguyễn Phú Trọng tủm tỉm cười, nói với anh Quảng: “Ông chỉ được cái hay đùa!”

Thế mà sau 25 năm lời nói vui và cũng là lời “tiên đoán” của anh Dương Đức Quảng về đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong lần cùng làm phóng viên tại Đại hội lần thứ VI của Đảng đã thành hiện thực. Anh Dương Đức Quảng nói trong bài viết trên anh bày tỏ hy vọng và mong mỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ làm được nhiều việc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công cuộc đổi mới đất nước, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

Về bài viết thứ hai của Dương Đức Quảng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo anh Dương Đức Quảng là “không dễ gì những thông tin trong bài viết này có nhiều người biết”.

Nhà báo Dương Đức Quảng viết:

“Là một người bạn học cùng lớp đại học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau này còn có nhiều dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh, tôi có thể nói về anh một câu như sau: Anh Trọng là người có đức, có tài, cuộc sống trong sạch, giản dị, thông minh, thấu mọi "lẽ đời”. Khi học đại học anh Trọng học giỏi, luận văn tốt nghiệp đạt xuất sắc, được kết nạp vào Đảng trong trường. Ra công tác anh về Tạp chí Cộng sản, sau đó đi làm nghiên cứu sinh trong nước và năm 1981 đã bảo vệ luận án tiến sĩ Khoa học lịch sử tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô với đề tài: "Các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm mạnh mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay: dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô".

Về nước anh trở lại công tác tại Tạp chí Cộng sản, rồi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ quan trọng: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư của Đảng. Có thể nói con đường "làm quan" của anh Trọng khá hanh thông. Anh không phải là con nhà cách mạng nòi, sinh ra trong một gia đình nông dân quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhưng như có lần anh nói trong cuộc gặp bạn bè cùng lớp sau khi anh đã giữ chức Tổng Bí thư của Đảng: "Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học cùng lớp của các bạn. Sau khi ra trường mỗi người có một số phận khác nhau, tài năng không biết ai hơn ai. Có người gặp may có người không gặp may. Chức tước như phù vân, còn lại mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó!..." Anh Trọng nói thế nhưng tôi biết nếu chỉ có gặp may mắn, chắc anh không được Đảng và Nhà nước bầu anh vào các chức vụ quan trọng như thế, mà cái chính vẫn là từ sự cố gắng học tập, phấn đấu và cống hiến của anh, chứ không phải là điều may mắn từ đâu tự dưng đến!

Anh Trọng có hai người con, một gái, một trai đều là những viên chức nhà nước và là các công dân bình thường như bao công dân khác. Có thể có người gặp các cháu trong công việc hay cuộc sống thường ngày không hề biết bố các cháu là Tổng Bí thư của Đảng, vì chẳng bao giờ các cháu tự nói ra điều này. Lần gả chồng cho con gái, khi đã ở cương vị "quyền cao, chức trọng", ngoài gia đình và họ hàng, anh Trọng chỉ mời những bạn bè thân thiết từ hồi học phổ thông đến đại học và sau này đến dự đám cưới, còn những người khác, kể cả những người quyền cao, chức trọng hơn anh nhưng không phải là bạn như tôi đã nói ở trên anh không mời. Đám cưới đó tổ chức giản dị, chỉ có tiệc trà, hoa quả và bánh ngọt, không có cỗ bàn linh đình như các đám cưới của con các quan chức khác. Khi cưới con trai, anh Trọng chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình và chỉ mời rất ít bạn bè của anh chị và các cháu chứ không mời rộng rãi. Đúng như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chỉ khi đám cưới của con đã xong anh Trọng mới gửi Thiếp báo hỷ tới bạn bè. Tôi cũng là một người nhận được Thiếp báo hỷ như thế. Trong khi đó, khi hai con trai tôi cưới vợ, anh Trọng đều đến tận nhà tôi để mừng cho các cháu. Khi đó anh đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội và là Chủ tịch Quốc hội. Đối với các bạn bè khác ở lớp tôi cũng vậy. Khi biết tin bố, mẹ, vợ hoặc chồng của các bạn qua đời hoặc khi các con của các bạn lấy vợ, gả chồng, biết tin, anh Trọng đều đến tận nhà chia buồn hoặc chia vui với bạn bè. Anh Trọng là thế, bao giờ cũng tử tế với mọi người.

Có người bảo anh thế này thế kia, nhưng tôi nghĩ anh Trọng là người rất thông minh! Một lần, khi đang là Chủ tịch Quốc hội, ngồi cùng xe với bạn bè cùng lớp đại học, hầu hết là nhà văn, nhà báo, những người "biết nhiều chuyện trong xã hội", về thăm nơi lớp học sơ tán trong thời gian chiến tranh chống Mỹ ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên, anh Trọng đã được nghe các bạn kể bao nhiêu chuyện tiếu lâm, đọc cả thơ ca hò vè về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và cả câu vè về anh mà không nhịn được cười. Đôi lúc anh cũng góp một vài chuyện vui cùng các bạn. Những lần được gặp anh ở nhà riêng hay đến thăm anh, tôi cũng đã nói với anh đủ mọi chuyện mà tôi biết được, kể cả tâm tư, nguyện vọng của bạn bè, của người dân đối với Đảng, với đất nước hiện nay. Bao giờ anh Trọng cũng lắng nghe và anh đều nói với tôi sẽ làm mọi việc để giữ được đất nước bình yên và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày một tốt đẹp hơn. Anh biết cả những nỗi niềm và bức xúc của tôi cũng như của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay nhưng anh bảo phải giải quyết từng bước, không thể làm được ngay như nhiều người mong muốn”.

Bài viết trên của nhà báo Dương Đức Quảng vào tháng 1 năm 2016, cách đây đã 8 năm, nhưng nhiều điều trong bài viết đến hôm nay vẫn mang tính thời sự, vẫn rung động lòng người, về một nhà lãnh đạo, một lãnh tụ thật hiền hòa, bình dị, mà cao cả và vĩ đại vô cùng!

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất