Cuộc phiêu lưu của 5 đứa trẻ
Giữa chiến tranh khốc liệt, sự hồn nhiên, sức sống của lũ trẻ trong cuộc phiêu lưu thót tim là một ẩn dụ về vẻ đẹp và niềm hy vọng.
- Quay bè trở lại ngay. Càng nhanh càng tốt.
Nghe giọng hoảng hốt của Sơn, Tự Thắng vội hãm một bên mái chèo cho bè quay lộn lại. Không ngờ nó đã dùng hết sức để chèo, chiếc bè vẫn trôi ngược lại vì không thắng được sức chảy của dòng nước. Sơn cuống quýt. Chưa khi nào thấy nó mất bình tĩnh đến thế:
- Cho bè sát vào vách đá. Nhanh lên. Ghé vào chỗ cục đá mồ côi ấy.
Sơn lấy sợi dây thừng, cột một đầu vào bè và ngoắc đầu còn lại vào mỏm đá. Nó dùng hết sức để giữ chiếc bè lại. Thảo chồm tới giúp Sơn giữ sợi dây. Chiếc bè khựng lại. Sơn 'hự' lên một tiếng, nằm vật ra".
Năm đứa trẻ không ngờ cuộc đi trốn ngẫu hứng nông nổi của chúng đột ngột không có đường trở về. Chúng buộc phải dấn thân phiêu lưu giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm để tìm lối ra.
Câu chuyện ly kỳ đậm chất thơĐi trốn, tiểu thuyết của nhà văn Bình Ca, là một câu chuyện vừa ly kỳ, vừa khốc liệt mà vừa đậm chất thơ. Bối cảnh câu chuyện vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Hà Nội, nơi có các cơ quan trọng yếu, là mục tiêu ném bom, vì thế trường học và các cơ quan không bắt buộc đều phải đi sơ tán về các miền quê.
Nhóm bạn con nhà lính từ thủ đô về nơi sơ tán, gồm Tự Thắng và Thảo là người miền Bắc; Linh, Việt Bắc, Hoài Nam là người miền Nam - được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ.
Ở quê chúng quen thân với Sơn, con ông Hải Rắn, kiếm sống bằng nghề bắt rắn. Lũ trẻ đang ở tuổi 14, 15, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất.
Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn. Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích.
Cuộc phiêu lưu ly kỳ đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại. Và trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trưởng thành lên, biết đoàn kết tương trợ, trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm, nhưng vẫn tràn đầy vẻ hồn nhiên đẹp đẽ của tuổi trẻ.
Dù phải vật lộn để sống sót giữa thiên nhiên, thậm chí phải trả giá đắt, lũ trẻ vẫn được thiên nhiên tưởng thưởng hào phóng.
“Trăng lên, lấp ló trên đỉnh núi, rải ánh sáng bàng bạc xuống rừng già. Năm đứa lên bè ra rừng si. Dải ngân hà rắc xuống hồ nước những vì sao lấp lánh. Lá si như hàng vạn chiếc ô nhỏ giương lên che những giọt trăng, tạo nên một không gian huyền hoặc và những vùng sáng tối xen kẽ để cho những đứa con trai, con gái chơi trò trốn tìm.
Sau khi mệt nhoài vì đuổi bắt, chúng chuyển sang chơi bắn bùm… Cảm giác thú vị của trò chơi chiến tranh trên rừng si cổ thụ trong buổi tối kỳ diệu đó không chỉ cùng chúng đi vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài, mà còn theo chúng trong những giấc mơ nhiều năm sau đó".
Hình ảnh chiếc bè nhỏ xíu lọt thỏm giữa núi non hùng vỹ và trời nước mênh mông, những đàn chim bay rợp, buổi hoàng hôn rực rỡ trên thung lúa, những bông hoa phù dung như mây đậu trên sườn núi, ánh trăng kỳ ảo trên hồ… khiến cho câu chuyện dù ly kỳ mà vẫn đậm chất thơ. Và sức sống mạnh mẽ trong những đứa trẻ đi lạc là một sự ăn ý hoàn hảo với thiên nhiên tráng lệ.
Tranh của họa sĩ Còm (Hữu Khoa) minh họa trong sách Những đứa trẻ thời chiếnNhưng điều làm cho câu chuyện trở nên sinh động, chân thực, có chiều sâu suy ngẫm chính là số phận những đứa trẻ tham gia cuộc đi trốn - những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh.
Giọng của Bình Ca tỏ ra thản nhiên khi viết về hoàn cảnh sống lũ trẻ, nhưng ta nghe ra vị khốc liệt trong đó. Dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, đa phần lũ trẻ lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình.
Với vốn sống giàu trải nghiệm, hòa điệu trong lối văn tự nhiên, tiết chế, Bình Ca đã dựng ra được cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết.
Có đứa ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được bố mẹ đón ra lần nào. Có đứa ba đi công tác từ khi nhỏ xíu, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba…
Đây là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve 1954. Chúng được nuôi dạy tập trung trong các trại nhi đồng như Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường học sinh miền Nam.
Rất nhiều số phận đặc biệt. Bố của Việt Bắc bỗng đột ngột trở thành kẻ phản bội, để lại mẹ và nó sống trong nghi kỵ của mọi người xung quanh. Mãi sau này mọi người mới biết bố nó nhận nhiệm vụ điệp viên, phải trở lại miền Nam trong vai một doanh nhân, kết hôn giả, và cuối cùng chết ở Sài Gòn.
Lũ trẻ thời chiến, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn bất đắc dĩ kia, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời của mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.
Linh sẽ phải đối diện nỗi cô đơn, khi có cả ba mẹ ở hai đầu đất nước, mà lại như không. Việt Bắc sẽ vào đời với mắt trái bị mù, và cả một tuổi thơ không có bố.
Tác giả Bình CaHoài Nam mang nỗi mặc cảm có bố bị khép tội “xét lại”, trở nên ngang tàng quậy phá đến nỗi phải vào tù, liệu có thể tìm được lối ra với cuộc sống bình thường... Có rất nhiều nỗi buồn chiến tranh mà những người trong cuộc buộc phải chấp nhận.
Dù thể loại là hư cấu, màu sắc hiện thực trong câu chuyện rất đậm nét. Cũng như Quân khu Nam Đồng của Bình Ca, in năm 2015 và bất ngờ gây sốt, đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết viết về trẻ con và cho trẻ con. Có nhiều câu chuyện, sự kiện mà người lớn có thể nhìn lại và thấy mình trong đó.
Vốn sống giàu trải nghiệm, hòa điệu trong lối văn tự nhiên, tiết chế, không hoa lá cành, tốc độ vừa phải, chắc chắn, Bình Ca đã dựng ra được cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lý chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động.
Nhưng điều đọng lại cuối cùng sau khi đọc cuốn sách, có lẽ chính là sự hồn nhiên và sức sống của lũ trẻ trong cuộc phiêu lưu thót tim kia. Giữa thiên nhiên hung hiểm và chiến tranh khốc liệt, sức sống ấy là một ẩn dụ về vẻ đẹp và niềm hy vọng.
Theo Zing NoneBình luận