“Đất nước” – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi
“Đất nước” là một bài thơ ngắn được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong một khoảng thời gian dài (1948 - 1955). Phần đầu của “Đất nước” được tạo thành từ hai đoạn trong các bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949), có thay đổi một số từ, riêng dòng thứ ba được thay đổi hẳn bằng một câu thơ khác. Phần sau của “Đất nước”, từ câu “Ôi những cánh đồng quê chảy máu” được tác giả viết thêm trong năm 1955. Tuy được cấu tạo từ ba mảng thơ khác nhau nhưng “Đất nước” vẫn có sự thống nhất về tư tưởng - cảm xúc, vẫn tạo được sự hoàn chỉnh, tính chỉnh thể của một tác phẩm nghệ thuật. Gắn bó sâu sắc, tắm mình trong cuộc kháng chiến, tha thiết, đau đáu tìm tòi cách tân nghệ thuật, cảm hứng về đất nước, về dân tộc và nhân dân trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi đã được nhen nhóm, được “ủ trấu giữ lửa” suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, và đã được kết tinh, bùng cháy “sáng lòa” trong kiệt tác thơ “Đất nước” của ông.
Khơi nguồn cho những cảm xúc và suy ngẫm về đất nước là những cảm giác được nảy sinh trong một buổi sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc. Cách mở đầu này có phần giống với thể hứng trong ca dao:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Những câu thơ mở đầu này gợi nhớ về Hà Nội. Gợi nhớ bắt đầu bằng thời tiết. Cảm giác mát trong của thời tiết mùa thu được truyền qua chuỗi âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng và êm dịu của câu thơ mở đầu, thấm vào hồn người đọc, gợi lên nỗi nhớ mùa thu năm xưa ở Hà Nội. Buổi sáng mùa thu trong lành, mát mẻ, gió nhẹ thổi và trong gió thoang thoảng mùi hương cốm mới. Một mùi hương thanh tao, lịch lãm, rất đỗi quen thuộc của Hà Nội. Chỉ bằng vài nét mà Nguyễn Đình Thi đã gợi lên được cả không gian và thời gian, cả màu sắc và hương vị của Hà Nội mùa thu.
Ảnh minh họa
Trong niềm hoài niệm của nhà thơ, mùa thu Hà Nội với những cảnh vật thiên nhiên và con người hiện ra thật cụ thể, sinh động và gợi cảm:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Sự nhạy cảm, tinh tế của một nhà thơ đã giúp Nguyễn Đình Thi nhận ra cái chớm lạnh của một buổi sáng mùa thu, cảm giác được thật cụ thể cái xao xác của hơi gió heo may trên những phố dài – một nét rất đặc trưng cho phố phường Hà Nội. Trên cái nền của không gian và thời gian ấy, nhà thơ đã ghi lại thật sống động hình ảnh và tâm trạng của những chàng trai Hà Nội năm xưa phải rời thành phố rất đỗi thân yêu ra đi, dứt khoát nhưng cũng đầy lưu luyến. Hình ảnh người ra đi vừa có sự dứt khoát của một sự lựa chọn, một cuộc ra đi vì nghĩa lớn, mang cốt cách của kẻ “trượng phu”, một tráng sĩ mạnh mẽ, kiên quyết vừa có sự bâng khuâng lưu luyến Hà Nội với những hình ảnh thật đẹp mà buồn, vắng: “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Đình Thi, hình bóng những con người hiện lên trong một bức tâm - cảnh vừa có hình khối, vừa có màu sắc, ánh sáng, tạo được những ấn tượng sâu đậm, chất chứa những tâm trạng, nỗi niềm.
Bốn câu thơ viết về mùa thu Hà Nội trong niềm hoài niệm của nhà thơ là những câu thơ hay nhất, đẹp nhất của bài thơ. Mỗi chi tiết, hình ảnh tưởng như được chắt lọc ra từ chính máu thịt tâm hồn của thi sĩ. “Làm thơ - Nguyễn Đình Thi quan niệm - không phải là phiên dịch ý, tình bằng hình ảnh cầu kì. Hình ảnh của bài thơ, trái lại, phải là hình ảnh thực nảy ra trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc một trạng thái nào đấy” (Mấy vấn đề văn học). Ta hiểu vì sao mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết viết về mùa thu Hà Nội năm xưa trong thơ ông có cái gì đó vừa da diết, nhớ nhung, vừa ngậm ngùi, lưu luyến. Cảnh ấy, tình ấy chính là điệu tâm hồn ông chân thật tự bộc lộ mình qua những dòng chữ. Cả cái dáng vẻ trí thức tài hoa lịch lãm trong thơ ông cũng được bộc lộ rất rõ qua những hình ảnh, những chi tiết gợi tả này. Phải là người sống nhiều, sống sâu sắc với Hà Nội, am hiểu Hà Nội, tha thiết yêu Hà Nội mới có thể, chỉ bằng vài nét phác họa mà đã gợi lên được cái thần thái, cái hồn của mùa thu Hà Nội và tâm trạng của con người những năm trước cách mạng: đẹp một cách hiu hắt, vắng lặng, phảng phất buồn.
Nỗi buồn đó phảng phất trong cái chớm lạnh của đầu thu, trong cái xao xác của hơi gió heo may, trong khung cảnh thềm vắng lá rụng đầy, qua thái độ ra đi càng dứt khoát lại càng bộc lộ sự lưu luyến, qua nhịp điệu và âm điệu khoan thai, dịu dàng, man mác buồn của cả khổ thơ. Có thể nói, mỗi chi tiết, hình ảnh về mùa thu năm xưa Hà Nội như được chắt lọc từ chính máu thịt, tâm hồn của nhà thơ. Đây là những câu thơ đầy ấn tượng, giàu sắc thái hội họa, đọc lên có thể cảm nhận được một âm điệu nhạc buồn cất lên tự trong lòng thi sĩ. Chỉ qua bốn câu thơ này, Nguyễn Đình Thi đã tự bộc lộ mình như một nghệ sĩ đa tài: một nhà thơ, một họa sĩ, một nhạc sĩ.
Phần đầu của bài thơ Đất nước cũng rất tiêu biểu cho sự tìm tòi, cách tân nghệ thuật của thơ Nguyễn Đình Thi trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông đã mạnh dạn ném ra một kiểu thơ tự do không quá câu nệ vào vần điệu bên ngoài mà chú trọng tới nhạc điệu ở bên trong. Một kiểu thơ hướng nội rất sâu. Qua những chi tiết tinh lọc, qua những hình ảnh, những nét gợi tài hoa mà như thấy phảng phất cái thần thái, cái hồn của cảnh vật thông qua sự cảm nhận tinh tế của chính tâm hồn thi nhân.
*
Từ niềm hoài niệm về mùa thu năm xưa ở Hà Nội, bài thơ lại trở về với không gian và thời gian của ba câu thơ đầu - mùa thu hiện tại ở chiến khu Việt Bắc:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Giọng điệu, nhịp điệu của đoạn thơ biến đổi hẳn: khỏe khoắn, phấn khởi, đầy hào hứng. Những câu thơ như những tiếng reo vui. Những chi tiết, những hình ảnh gợi tả mùa thu mới cũng thay đổi. Không hề thấy những hình ảnh ước lệ sen tàn, cúc nở, lá ngô đồng rụng như mùa thu trong thơ cổ. Mùa thu mới cũng không xuất hiện với màu “áo mơ phai dệt lá vàng” đài các như mùa thu trong Thơ mới mà đã “thay áo mới”, hiện diện bằng những hình ảnh bình dị, dân dã, khỏe khoắn và tươi sáng hơn. Giữa một không gian rộng lớn, bao la, tựa lòng mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc, nhà thơ không còn cảm thấy thiên nhiên mùa thu vắng lặng, buồn hiu hắt nữa mà tươi sáng, trong trẻo, rộn ràng, nhộn nhịp những âm thanh, những hoạt động. Qua cái nhìn của nhà thơ, cả đất trời hiện ra thật mới mẻ, tinh khôi, trong khung cảnh mùa thu mới của đất nước. Đó là một nét mới mà Nguyễn Đình Thi đã đem đến cho những bài thơ viết về mùa thu.
Tuy nhiên, nếu đọc kĩ mấy câu thơ trên, vẫn có thể nhận ra sự so le, chưa hoàn toàn hòa hợp giữa cảnh và tình. Cái ý vẫn đi trước, vẫn nổi hơn cái tình. Niềm vui, dẫu là vui thực, nhưng là cái vui được nói to lên, lộ hẳn ra chứ không thấm nhuần trong cảm xúc, mỗi chi tiết, hình ảnh đều gợi cảm, đầy ám ảnh như khi tác giả viết về mùa thu năm xưa Hà Nội.
Từ cảm xúc mới mẻ về mùa thu, mạch thơ vận động một cách khá tự nhiên dẫn đến niềm tự hào được làm chủ non sông, đất nước. Cảm hứng ở đây mang đậm tính sử thi. Hình tượng nhân vật trữ tình cũng thay đổi: từ cái Tôi đã chuyển thành cái ta. Điệp ngữ (của chúng ta) cùng với những từ chỉ định (đây) trong những câu thơ có tính chất khẳng định vang lên một cách đường hoàng, dõng dạc, thể hiện niềm tự hào về quyền làm chủ non sông chính đáng của con người Việt Nam trong thời đại mới. Cách tính đếm ở dạng số nhiều, không xác định “những cánh đồng”, “những ngả đường”, “những dòng sông” gợi lên một đất nước mênh mông, rộng lớn. Có thể hình dung nhân vật trữ tình đứng ở một đỉnh cao nào đó, phóng tầm mắt ra xa, bao quát cả một vùng không gian rộng lớn, đưa tay chỉ vào từng hình ảnh tươi đẹp của giang sơn đất nước, sảng khoái cất lên: “Trời xanh đây là của chúng ta,/ Núi rừng đây là của chúng ta,/ Những cánh đồng thơm mát,/ Những ngả đường bát ngát,/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa...”.
Ảnh minh họa
Cái đẹp của non sông đất nước, qua cái nhìn của nhà thơ, là cái đẹp bình dị, hài hòa, là cái đẹp của quê hương, đất nước của “những người áo vải” bình thường giản dị. Diễn tả tình cảm và ý thức cộng đồng của con người Việt Nam trong kháng chiến nhưng những câu này vẫn thiết tha, chân thành. Ấy là vì những tình cảm yêu mến, những suy nghĩ đầy kiêu hãnh, tự hào của cộng đồng, của dân tộc đã thấm vào tình cảm, tâm trạng của nhà thơ. Những câu thơ này không chỉ nói lên niềm vui, đầy tự hào của những con người làm chủ, thấy đất nước thuộc về mình, là của mình mà mà còn gợi lên hình ảnh một đất nước tươi đẹp, mênh mông, rộng lớn, thành quả kì vĩ của cha ông, của biết bao thế hệ người Việt Nam cần lao, anh dũng, đã tạo lập, gây dựng và gìn giữ, nay yêu quý, tin tưởng và trân trọng trao truyền cho chúng ta. Đây cũng là những câu thơ thật hào sảng! Qua những câu thơ này, ta lại gặp một Nguyễn Đình Thi sôi nổi, hào hứng, say sưa hùng biện, nhân danh dân tộc, cộng đồng mà thể hiện tư thế, ý thức làm chủ, niềm tự hào chân chính của con người Việt Nam trong kháng chiến.
Từ giọng thơ phơi phới bốc men say, những câu thơ cuối lại trầm xuống trong những suy tưởng, sâu lắng, đằm thắm khi nói tới truyền thống lịch sử bất khuất của đất nước:
Nước chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Đất nước không chỉ là những cái hữu hình (bầu trời, núi rừng, cánh đồng, dòng sông…) mà còn là những cái vô hình - truyền thống quật cường, bất khuất hàng ngàn đời của dân tộc. Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận được cái vô hình ấy ở bề sâu, đã tinh tế chạm được vào cái mạch sống sâu xa, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, vĩnh hằng của đất nước, dân tộc Việt Nam ta. Đã gợi lên được cái vô hình, cái truyền thống thiêng liêng ấy qua những âm thanh được cảm nhận bằng thính giác. Những từ láy đêm đêm rì rầm tạo được cảm giác như có tiếng vọng thì thầm của hồn thiêng đất nước tự “những buổi ngày xưa vọng nói về”. Những câu thơ này tạo được không khí thiêng liêng vì đã khơi trúng cái mạch truyền thống tinh thần hàng ngàn đời của dân tộc. Nguyễn Đình Thi đã thể hiện thật tài tình sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện tại, phát hiện ra sự bất biến của linh hồn đất nước.
*
Phần sau của bài thơ, tác giả tập trung khắc họa hình ảnh đất nước từ trong đau thương, căm hờn đã anh dũng đứng lên chiến đấu.
Nguyễn Đình Thi đã viết thật xúc động, đầy ấn tượng về hình ảnh đất nước bị giặc giày xéo trong chiến tranh :
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Nguyễn Đình Thi tâm sự, “trên những chặng đường công tác mỗi buổi chiều khi mặt trời sắp tắt, nhìn về phía những chân trời xa thấy đồn bốt giặc với những lô cốt, những hàng dây thép gai giăng đầy làm cho chân trời như bị xé nát, nham nhở - gây một ấn tượng nhức nhối, căm giận” (Nhà văn nói về tác phẩm, Nxb Văn học, 1998, tr. 34 - 35). Đây là những câu thơ giàu giá trị tạo hình, gây được ấn tượng sâu sắc bằng những hình ảnh đập mạnh vào giác quan người đọc. Những hình ảnh này được xây dựng bằng thủ pháp ngược sáng của điện ảnh và nhiếp ảnh, làm nổi bật những tương phản gay gắt: trong ánh chiều tà, những hàng dây thép gai của giặc tua tủa như đâm nát cả bầu trời, bóng chiều hắt xuống làm cho cánh đồng vùng vành đai trắng đỏ rực lên như đang chảy máu. Từ hình ảnh thực do quan sát được trong một chiều hành quân qua vùng Bắc Giang, Nguyễn Đình Thi đã nâng lên thành một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng khái quát về sự đau thương của đất nước trong chiến tranh.
Trên cái nền của cảnh đất nước đau thương, Nguyễn Đình Thi đã làm nổi bật tâm trạng của người chiến sĩ: “Những đêm dài hành quân nung nấu,/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc những rung động tinh tế trong tâm hồn người ra trận. Chữ dài đi với chữ nung nấu (trong câu thơ đầu) cùng với chữ bồn chồn (ở câu thơ sau) đã diễn tả rất đạt mối quan hệ giữa tình cảm thường trực và đột xuất, thể hiện thật thỏa đáng và sâu sắc sự hài hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước.
Bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình, Nguyễn Đình Thi đã đi đến những khái quát cao độ về những gian khổ, những mất mát, hi sinh to lớn của đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội,/ Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh...”.
Bài thơ được khép lại bằng hình ảnh khái quát, tượng trưng cho đất nước từ trong máu lửa của chiến tranh, từ trong đau thương căm phẫn đứng dậy hào hùng:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Đây là khổ thơ thứ hai trong bài mà tác giả dùng thể thơ sáu chữ. Những âm thanh ầm vang rung trời chuyển đất, cách ngắt nhịp dồn dập, đều đặn tạo nên một âm hưởng hùng tráng, đã đẩy bản “giao hưởng” bằng ngôn ngữ thơ ca Đất nước lên tới cao trào và kết thúc. Nguyễn Đình Thi đã dựng lại hình ảnh hào hùng của đất nước với một bối cảnh rộng lớn bằng thủ pháp điện ảnh – một nghệ thuật có tính chất tổng hợp. Những hình ảnh này tác giả lấy chất liệu trực tiếp từ chiến trường Điện Biên: trong tiếng đại bác rền vang rung trời chuyển đất, các chiến sĩ ta từ các chiến hào ào ạt xông lên như nước vỡ bờ. “Tôi trông thấy các anh - Nguyễn Đình Thi kể - mình mẩy đầy bùn, nhưng khi nhảy lên trên mặt đất, các anh hiện ra chói lòa trong ánh nắng”. Nhà thơ đã tạo nên bức tượng đài của đất nước sừng sững hiện lên chói ngời trên cái nền của máu, lửa, bùn lầy, trong một không gian dồn dập ầm vang tiếng súng nổ rung trời. Theo lời của tác giả, “Bài thơ đã kết thúc với âm hưởng chiến thắng của chiến trường Điện Biên Phủ”.
Trong phần thứ hai của bài thơ, cùng với việc xây dựng những hình ảnh có tính chất biểu tượng, khái quát, Nguyễn Đình Thi đã thành công trong nghệ thuật sử dụng hàng loạt những động từ đi kèm với các trạng ngữ thể hiện những hành động mạnh mẽ, những trạng thái sôi sục nhằm diễn tả đất nước đứng lên bất khuất, anh hùng. Hàng loạt những từ ngữ (nung nấu, bồn chồn, ngời lên, bật lên, đứng lên, rung trời, người lên như nước vỡ bờ, rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa) đã tạo nên một luồng sinh khí rùng rùng chuyển động trong chiều sâu của thi tứ, mỗi lúc một thêm hối hả, gấp gáp, mãnh liệt, cuồn cuộn, sôi trào mà đỉnh cao là hình ảnh chói lọi, hào hùng ở cuối bài thơ diễn tả sức mạnh quật khởi, cái hào khí ngút trời của đất nước. Đó là sự vận động của tâm trạng, tình cảm và tư tưởng của chính nhà thơ đã cuốn theo và “điều khiển” thật tài tình điệp trùng những đội quân câu chữ.
Đất nước là bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi. Cả bài thơ là một dòng chảy về cảm xúc, tâm trạng và suy tư. Khởi đầu là những chi tiết, những hình ảnh thiên về cảm giác, đầy ấn tượng, tinh tế và tài hoa; nhịp điệu bâng khuâng, khoan thai, chậm rãi. Càng về cuối, nhịp thơ, mạch vận động của ý thơ càng nhanh, càng mãnh liệt, mạnh mẽ, hùng hồn. Càng gần tới đích, hình ảnh thơ càng kì vĩ, lớn lao, càng thiên về suy tưởng, khái quát, giàu tính biểu tượng, tượng trưng. Bài thơ Đất nước cũng rất tiêu biểu cho cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi. Ông là nhà thơ của đất nước trong gian lao, đau thương mà bất khuất, anh hùng. Đất nước soi bóng vào tâm hồn ông, chỉ bộc lộ rõ nhất vẻ đẹp trong khổ đau, trong gian nan mà rất đỗi quật cường, anh dũng.
Với những trải nghiệm, chiêm nghiệm, nghiền ngẫm sâu xa về đất nước và nhân dân, bằng tài năng thơ ca đích thực, nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi đã sáng tạo nên thi phẩm Đất nước. Đó là một bài thơ lớn, đã vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian, mãi mãi trường tồn trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại. Thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, ông đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Ngoài những tác phẩm để đời, ông còn có những tác động quan trọng vào nền văn nghệ và vào thời đại mà ông đã trải qua. |

Ngày 20/12, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024) để một...
Bình luận