Hoàng Luận và “bùa yêu” Văn chương

Nhiều năm tháng rồi, tôi vẫn không sao quên được tiếng kêu thảng thốt của ông nhà văn người Tày Hoàng Luận là đồng đội của tôi ở Tổng Cục Hậu cần Quân đội và sau khi giải ngũ là Bí thư Đảng ủy của xã Định Biên- Định Hóa- Thái Nguyên: "30 đầu sách, 10 tiểu thuyết, mà không vào được Hội nhà văn VN sao anh?"

Ông Luận là Hội viên Hội Văn hóa dân gian Việt Nam; hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Năm 2016, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. 10 năm nay, ông chỉ một ước mong mà lại khó như đi hái sao Trời là trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mỗi bận thế, bạn bè thân tình chỉ biết thở dài thương ông và tôi chỉ biết viết đôi dòng về ông, may ra lời kêu của ông thấu tới đấng cao xanh chăng?

Hoàng Luận và “bùa yêu” Văn chương - 1

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Luận

Người giữ bùa yêu giữa cánh rừng...

Một ngày kia, một người bạn tôi ở nước ngoài về tâm sự với tôi về “hoàn cảnh”. Số là anh đã có một vợ ba con, không hiểu sao gần đây người vợ đốc chứng, ôm một mớ tiền lớn bỏ nhà theo tiếng gọi… tình yêu. Anh thắt ruột vì thương con và thương… tiền. “Phải làm sao, phải làm sao hả ông”. Nhìn cái gương mặt đàn ông tuổi 50 đã nhàu nhĩ, lại còn khóc than, thật là… sốt ruột. Tôi bảo với anh sẵn hành lý đi, ngày mai… ngược. “Ngược là ngược đi đâu?” Anh hỏi. “Thì cứ đi. Họa may…”, tôi nói với anh.

Và sáng sau, chúng tôi thuê một con xe bóng loáng ngược thật. Vừa đi, tôi vừa kể cho bạn tôi nghe về một người đàn ông dân tộc Tày giữa cánh rừng sâu có những bùa yêu, từng đã cứu giúp cho rất nhiều đôi lứa. Ông tên là Hoàng Luận, nhà ở thôn Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.

Hoàng Luận và “bùa yêu” Văn chương - 2

Nghệ nhân Hoàng Luận (trái)

Ông Luận bảo: “bùa yêu có 16 loại nằm rải rác ở các dân tộc Tày, Mường, Dao… Để thành “vô chiêu” làm một lần có thể linh ứng ngay, người làm bùa cần phải có một quá trình khổ luyện, tâm phải trong, trí phải sáng. Không phải ai trong làng cũng được già làng truyền lại, thường thì một bản có 3-4 người được học mà thôi".

Hôm tôi lên, ông Luận vừa làm xong lá bùa cho một cô gái trẻ lặn lội đến, vì đang chịu cảnh trái ngang rất đau lòng dồn cô đến bước đường cùng. Có người giới thiệu, Thắm mầy mò lên đây nhờ ông Luận cứu giúp như một đường sống cuối cùng. Ông Luận ân cần vỗ vai cô gái như một người cha: “Cháu bồng con về đi. Hai tuần mà bùa không hiệu quả lên đây chú làm lại cho. Nhớ làm theo những gì chú dặn”.

Cô gái lếch thếch bồng con, bước thấp bước cao, cúi đầu lủi thủi ra ngõ. Ông Luận thở dài: “Tình yêu éo le quá, ngày nào tôi cũng phải nghe những lời tâm sự não nề”.

Để có một lá bùa phải tốn rất nhiều công sức, thời gian nhưng người ta đến nhờ vả, nhiều cảnh thương tâm quá, ông Luận không đành từ chối. Đầu tiên, phải lấy địa chỉ tên tuổi của 2 người. Sáng tinh mơ tỉnh dậy không được ăn uống, không suy nghĩ đến điều phàm tục, lẳng lặng ra đồi khi còn đẫm sương, tìm lấy 2 cây cỏ gianh, với điều kiện cây phải đẹp mọc song song với nhau (tất nhiên không được chọn từ trước). Ngắt xong, bỏ cỏ vào một chiếc bình sạch được phủ kín mít và mang về nhà.

Người làm bùa lúc này ngồi tĩnh tâm, yếm tên 2 người vào lá cỏ danh. Đoạn ngắt cỏ gianh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy luật: 3 lần nín, 9 lần thở, nếu thực hiện sai phải đợi đến sáng hôm sau thực hiện lại mới có hiệu nghiệm.

Ông Luận lấy một chiếc bình tượng trưng, thắp một nén nhang trước khi đọc thần chú. Vẻ mặt ông bỗng trở nên nghiêm nghị và thành tâm: “Ná hắn câu mừng háy, đáy hắn câu mừng khua, hết au căn bàn phua, mía tàn tời. Úm thái thái thượng lão quân, cấp cấp như luật lệnh” (Tạm dịch là: Được thấy anh em mừng, không thấy anh em khóc, 2 chúng mình lấy nhau thành vợ thành chồng. Úm thái thượng lão quân, cấp cấp như luật lệnh). Cứ đọc như vậy đến khi toàn thân siêu thoát thì xong một công đoạn.

Sau đó, bện 2 lá cỏ danh thành bùa hình trái tim đưa cho người đến xin về treo lên chỗ có nhiều người qua lại nhưng với điều kiện không được cho ai biết đó là bùa yêu. Khi nào cỏ khô thì bùa hiệu nghiệm nhưng nếu quá 7 ngày mà chưa có dấu hiệu gì thì phải thực hiện lại. Không phải ai xin một lần là được ngay, có người xin đến 4-5 lần mà đối tượng vẫn không phản ứng gì, quá 7 lần coi như trái tim người được chinh phục bất trị…

…Khi nhận xong bùa yêu, Thắm rút một sấp tiền lẻ cúi đưa cho ông Luận như một lễ tạ ơn. Ông Luận lắc đầu từ chối. Như một kẻ van lơn, Thắm cố dúi sấp tiền đó dưới chiếu đầu giường nhưng ông Luận vẫn dứt khoát không nhận, ông chỉ nhận một túi nhỏ vài cân gạo tám đồng quê cho Thắm vui lòng.

Cô gái bước ra, ông Luận “giải mã” những thắc mắc của tôi: “Nói thực, nếu tớ cố tình làm điều xấu lấy tiền của thiên hạ thì bây giờ...". Ông nói đúng, mỗi người đến xin bùa yêu tự nguyện trả ông 50-100 nghìn đồng thì chẳng mấy chốc ông đã trở thành tỷ phú ở vùng sơn cước heo hút này. Nhiều người bảo ông đã nghèo còn sĩ. Nhưng thực ra, trong bí quyết truyền bùa có những điều cấm kị. Ví như, không làm bùa yêu cho những ai có mưu đồ phá hoại hạnh phúc của người khác, chiếm đoạt hạnh phúc cho mình, không làm bùa yêu vào mục đích xấu như trù ghét ai đó hoặc làm bùa có ý định mưu lợi cá nhân…

***

Choáng! Đó là cảm xúc bạn tôi. Dù là người Việt, nhưng ở Châu Âu nhiều năm, bên đó làm sao có loại văn hóa “bùa yêu” này, nên bạn tôi vừa choáng, vừa sốc, vừa… hy vọng. Còn tôi thì không bình luận gì thêm, đánh một giấc cho đến gần trưa, xe ô tô sau rất nhiều đèo cao vực sâu, rất nhiều đường đất, đường đồi núi gập ghềnh, rất nhiều lần chú lái xe phải vừa đi vừa hỏi đường, thì xe chúng tôi đã xịch ngay đầu thôn Thàn Mát, và lập tức được lũ trẻ tíu tít đưa vào tận nhà ông Luận.

Đấy là một ngôi nhà gianh nằm nép dưới chân núi, trong nhà đồ đạc giản dị. Dáng ông Luận nhỏ nhắn, hơi gầy ốm, nhưng đôi mắt thì sắc sảo lăm. Theo tìm hiểu của chúng tôi với bà con làng xã, ở đây ông rất nổi tiếng vì thơ ca hò vè, dậy bà con đàn then, và vì những lá bùa yêu.

Ngay khi nghe chúng tôi trình bày, ông khẳng định ngay: “Tôi làm điều đó không phải vì tiền. Tôi là Đảng viên, là nhà văn mà. Ai nhờ thì tôi giúp thôi. Điều tôi muốn là giữ lại và truyền cho con cháu một điều gì đó bí ẩn trong dân gian mà khoa học chưa giải thích được”.

Ông Luận khẳng định mình không hề mê tín và ông tin vào linh nghiệm của bùa yêu. Ông cho hay mình cũng đã từng nhiều năm ở bộ đội, lại cũng từng là nhà văn. Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, ủy viên BCH Hội văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhiều tác phẩm của ông đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi văn học toàn quốc, được nhiều nhà xuất bản in ấn và phát hành…

… Ngay sau khi nghe bạn tôi trình bày, ông xăng xái vào việc ngay. Tất nhiên vì tế nhị, nên đến đoạn làm bùa yêu, tò mò lắm, nhưng tôi cũng đành phải đi ra ngoài, giả như thăm thú xóm làng. Mà bản làng ở đây đẹp thật. Lòng tự hứa sẽ có dịp miêu tả ra đây ngõ hầu bạn đọc…

…Chừng hơn một tiếng sau quay lại, mọi việc đã xong. Thầy đã làm xong lễ cúng, đã làm xong lá bùa trao cho bạn tôi. Bạn tôi hết sức xúc động, cứ xiết chặt tay ông rối rít cám ơn, đôi mắt đỏ hoe. Rồi sau một lúc ngại ngần, bạn tôi đưa ra 1 triệu, biếu cho thầy gọi là quà cáp, nhưng ông cũng chỉ cầm tờ 100 là tiền hương khói.

Ông kể, rất nhiều người đi ô tô sang trọng đến nhờ ông, cộp trước mặt ông một số tiền lớn mà cả đời ông chẳng dám mơ ước, nhưng ông từ chối thẳng thừng, bởi những người sang trọng đó đến tìm ông với những động cơ không trong sáng. Người thì muốn lấy ông sếp của mình đã vợ con đùm đề nhưng tiền nong bao la, người thì muốn giành chồng của bạn, có người lại còn đòi tòm tem với cả chị dâu… “Việc thất đức có tiền tấn tôi cũng thua”, ông khẳng định…

Bùa yêu văn chương

Biết tôi cũng từng ở bộ đội, lại có chút máu văn chương, đêm ấy nhất định ông giữ tôi lại truyện trò. Đương nhiên, ông bạn tôi thì sướng rơn, bởi càng gần thầy thêm lúc nào càng quý, cứ như gần thầy thì bùa sẽ càng nhanh chóng, hiệu nghiệm hơn…

Đêm đó, tôi đã ở lại với ông, cứ như nguyện vọng của ông là để cùng nhau nói chuyện lính tráng thời chiến tranh, chuyện văn chương ông từng đắm say suốt từ thời trai trẻ. Lâu lắm rồi, ở giữa rừng núi, nhiều tâm sự văn chương, ông đã không thể thổ lộ với ai. Tôi đã hoàn toàn bất ngờ vì ông yêu và say mê văn học đến thế, lại cũng là một cây viết xuất sắc, đã từng có nhiều tác phẩm văn học được xuất bản ở Trung ương và địa phương, là hội viên hội văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học các dân tộc thiểu số, hội viên Hội Văn nghệ Thái Nguyên…

Hoàng Luận và “bùa yêu” Văn chương - 3

Một trong những tập thơ của Hoàng Luận.

Ôm một chồng, có tới hơn 10 cuốn trong đó có một tập thơ, 5 cuốn tiểu thuyết, 5 cuốn truyện ngắn đã được xuất bản đặt ngay bên mâm rượu, ông Luận hoan hỷ nâng cốc: "Đấy, đời tôi đấy các anh ạ…”. Ông kể ông là người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở bản làng này-một bản làng từng là chiến khu những năm đánh Pháp, từng chở che báo Quân đội nhân dân, Cục chính trị quân đội nhân dân nhiều năm đóng quân ở đây… Năm 1966, ông Luận nhập ngũ, sau nhiều năm chiến đấu, ông lại trở về xây dựng quê hương, tham gia ban chủ nhiệm hợp tác xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã …

- Văn chương nó cũng có bùa đấy các anh ạ.

Nhấp một chén rượu ông nói với chúng tôi:

- Tôi say mê văn học từ thời còn trong quân ngũ. Rồi về quê hương như lại càng mê mệt nó hơn. Bận rộn hay đói nghèo cũng chẳng đánh mất tình yêu này được. Để có những tập sách này, tôi viết hết ngày này đến ngày kia, cũng phải tốn đến cả chục lọ mực, hàng trăm cuốn vở mà xếp lại có nhẽ còn cao gần mái nhà kia. Ấy là tôi chỉ mới khoe với các anh những tác phẩm đã được in, chứ các tác phẩm còn ở dạng còn bản thảo thì nói thật với các anh, còn đang xếp đầy một bồ thóc trong nhà kia, nếu được in ra cũng phải thêm chục cuốn nữa. Cũng xin nói thêm với các anh là, tôi viết được cả bằng tiếng Kinh và tiếng Tày. Vừa rồi có người bạn thân từ hồi quân đội gọi điên cho tôi, nói Trung ương đang phát động cuộc thi viết về đê tài chiến tranh cách mạng đấy, là người con của quê hương cách mạng, lại là người lính, Luận hãy mạnh dạn hưởng ứng ngay đi. Thế là tôi gửi ngay một tập tiểu thuyết, một tập truyện ngắn cho đích danh nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật để tham gia. Nói thật gửi bản thảo đi, lòng dạ cũng xốn xang hy vọng lắm các anh ạ. Người dân tộc mà tay biết cầm bút viết, chân lại có trong cả ba Hội văn nghệ cũng không nhiều đâu các anh ạ…

Hoàng Luận và “bùa yêu” Văn chương - 4

Nghệ nhân Hoàng Luận trong một buổi kể chuyện cổ tích dân tộc Tày cho các em học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Bình Yên. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Nói đến đấy, ông lại hào hứng nhấp một chén rượu, mặt hồng hào tươi đỏ, xem ra cũng tươi tắn đẹp… trai lắm, chứ không thâm trầm huyền bí như lúc ban đầu chúng tôi gặp ông và cũng nói thật hơi có ý ngại ngần.

- Đời chiến binh của anh thế là cũng tỏ tường, đời văn chương của anh cũng lại rất phong phú. Thế nhưng cái nguyên cớ nào mà ông Bí thư Đảng ủy xã, ông nhà văn sáng tạo nhiều tác phẩm…lại bỗng thành một ông thầy với đủ các loại bùa yêu thế này? Xin hỏi thật anh nhé, anh đã giúp thành công được cho bao người rồi? Tôi nói là thành công nhé, chứ không phải chỉ là đã giúp đâu?

- Tôi tưởng anh có câu hỏi nào hay hơn, chứ câu hỏi này tôi đã trả lời cả trăm lần. Tôi đã nói rồi, bùa yêu là cổ truyền của người dân tộc chúng tôi, nhiều thế hệ nối tiếp cứ truyền lại cho nhau. Tôi vinh hạnh cùng vài ba người nữa được già làng chọn lọc tin tưởng để truyền lại chứ có phải muốn mà được a? Từ bấy đến nay, nói thật với các anh, tôi giúp cho nhiều người lắm, người trong làng trong bản cũng có, mà người tứ xứ từ xa tới cũng có, không sao ghi hết, không thể đếm xuể. Còn thành công thì có nhẽ cũng đến hơn trăm người, ấy là những người mà họ viết thư báo tin cho tôi, hay lặn lội đến tận đây cám ơn tôi, tôi mục kỉnh sở thị, chứ những người không nói gì hay không thông báo cho tôi hay thì nói thật tôi cũng không biết hết…

Thế là từ chuyện đời bộ đội, chuyện văn chương, ông Luận kể sang chuyện bùa yêu và những ca éo le đến xin bùa cho chúng tôi nghe….

Ông Luận bảo, ông tổng kết rồi, có mấy loại người này thường tìm đến ông xin bùa: Thứ nhất là những cô gái trẻ gặp ngang trái tình yêu, bị người tình phụ bạc; thứ nhì là người duyên phận hẩm hiu, đợi chờ tình yêu mãi không tới; thứ ba đích là những phụ nữ bị mất chồng, hay có chồng (thường là thành đạt hay giàu có) nhưng lại bị kẻ khác chài mồi hay nói cách khác là trăng hoa ruồng rẫy tình xưa theo người này kẻ nọ…

Ông Luận kể một chiếu kia, có một cô gái tên là Trang được ai đó mách bảo lặn lội lên vùng sơn cước này tìm đến ông để xin ông cứu giúp. Số là cô người Gia Lâm Hà Nội, yêu một người bạn học suốt 7 năm ba tháng, 12 ngày (Cô nói tính không sai một giờ một phút). Hai gia đình đã làm lễ ăn hỏi từ ngày ra tết, và nay chỉ còn 1 tháng nữa đúng ngày lành tháng tốt là làm lễ cưới, ấy vậy mà đánh đùng một cái, anh chàng kia bỗng bất ngờ thay lòng đổi dạ, quay ngoắt một trăm độ thoái thác cưới xin, để rồi xách túi theo một bóng hồng vào Nam… Cô bàng hoàng, cả gia đình cô choáng váng, mẹ cô thì ngất xỉu, bố cô thì uất ức cầm dao bầu toan đi tìm chàng rể nói chuyện phải trái, còn cô thì chỉ đăm đắm nghĩ đến nước ra sông Hồng lao xuống cho thoát nợ…

Những tâm sự này như ông Luận thì ngày nào cũng có, nhiều cảnh ngộ dù ở địa phương này, tỉnh lẻ kia, thì đều na ná nhau như vậy, và đương nhiên ông đều vì từ tâm mà không bao giờ chối từ, sẵn lòng giúp cho đến nơi đến chốn.

Sáng tinh mơ, gà ven đồi vừa gáy dứt, ông đã một mình ra đồi gianh, tìm hai cây song song có dáng đứng thật đẹp, ngắt cho vào một cái bình đưa về nhà và bắt đầu thực hiện buổi lễ nghiêm trang. Và cho đến khi cỏ trong bình kia khô thì ông lấy ra trao cho cô gái, rồi cô gái sẽ mang theo cái bùa ấy trong cuộc sống của mình…

- Thế rồi kết quả thế nào thầy?

Ông bạn Việt kiều của tôi nóng lòng hấp tấp chen ngang.

- Theo anh thì thế nào?

Ông Luận hóm hỉnh hỏi lại.

- Chắc là cô ấy sẽ mang bùa yêu ấy vào Nam tìm anh chàng kia?

-Thoạt đầu, tôi cũng đinh ninh thế - Ông Luận nói - Ấy mà éo le hơn là không quá một tuần, một sáng kia mới tinh sương, nhà cô gái chưa kịp tỉnh dậy đã thấy anh chàng kia lù lù trước ngõ, khi ông bố mở cửa ra bắt gặp thì nó quỳ xuống tế như tế sao, nói bố mẹ và em Trang hãy tha lỗi cho con. Thời gian qua, con bị bùa mê bả lú nên thành con người khác, phụ tình em Trang, phụ tình bố mẹ, nay con đã tỉnh ra rồi, con đã từ miền Nam ra đây để về xin về tạ tội cha mẹ, tạ lỗi em Trang…

Đấy các anh xem, cha ông chúng tôi có khiếp không? Chỉ một lá bùa bằng cây bằng cỏ thôi, ấy vậy mà… Mà cũng khó có thể nói đó đơn giản là trò mê tín dị đoan được. Tôi nghĩ dù là gì, thì nó cũng chính là văn hóa, là nhân văn, để phục vụ hạnh phúc con người… Khoa học cùng với thời gian đã và sẽ phải khám phá tích cực hơn những gì ông bà ta để lại, có phải không các anh?

***

Sáng sớm hôm sau, lại đúng lúc bầy gà rừng gáy vang ven đồi, chúng tôi chào nhà văn Hoàng Luận (vâng, xin được gọi ông như vậy) để ra về. Đường từ Định Hóa, Định Biên về Hà Nội không gần, lại còn bay vào TPHCM. Người bạn Việt Kiều của tôi hình như muốn tặng thêm ông một món quà gì đầy, nhưng có lẽ ngại ông từ chồi nên thôi. Còn tôi xiết chặt tay ông, bàn tay hai người lính đều thô nháp để chia tay ông với rất nhiều yêu quý và bịn rịn…

Bỗng tay ông lắc mạnh tay tôi, giọng hết sức thiết tha:

- Tôi có một nguyện vọng mà đêm qua chưa kịp nói với anh. Nhờ anh nói với ông Chủ tịch Hữu Thỉnh giúp tôi, tôi chỉ một mong ước được là Hội viên Hội nhà văn VN, dù tôi đã là Hội viên của các Hội văn học dân gian, Văn hóa các dân tộc thiểu số, văn nghệ tỉnh nhà Thái Nguyên rồi. Nhưng tôi mong ước vô cùng được là Hội viên Hội nhà văn VN các anh ạ… Nhờ anh chuyển lời dùm tôi nhá anh…

Nghe ông Hoàng Luận nói, tôi chợt nghĩ cái Hội Nhà văn cũng ghê gớm thật. Cái ông thầy giữ lá bùa yêu có thể kết nối hàn gắn thần kỳ tình yêu bao đôi lứa, người chẳng hề màng gì danh lợi, dù đã là tác giả của hơn 10 tập sách văn chương, thực chất đã là một nhà văn chân chính từ lâu rồi, thế mà vẫn còn ước ao được vào Hội Nhà văn.

Tôi nhìn Hoàng Luận mà ái ngại cho cái mong ước rất chính đáng nhưng chẳng dễ gì thực hiện của ông khi nghĩ đến gần nghìn lá đơn xin vào Hội Nhà văn đang nằm chồng chất trên bàn của Trưởng ban Tổ chức hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã nhiều năm chưa được xem xét…

Tôi không khỏi thở dài: “Quá là hái sao trên Giời. Giá như ông ước điều gì khác có nhẽ lại dễ hơn đồng đội ạ”.

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống