Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022): Hà Nội - 12 ngày đêm ấy

Thế là đã tròn 50 năm quân và dân ta chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972. Tầm vóc của chiến thắng ấy được ví như một “Điện Biên Phủ trên không”.

Và đúng như lời dự báo trước đó 5 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. (…) Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng tuyệt vời từ 18-30/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52 (riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B-52), 5 máy bay F.111, 42 máy bay chiến thuật các loại…; tiêu diệt và bắt sống gần 100 phi công; buộc Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Thần tượng “pháo đài bay” B-52 sụp đổ thảm hại. Ý đồ "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" của Ních-xơn sớm tan thành mây khói.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022): Hà Nội - 12 ngày đêm ấy - 1

Cây lộc vừng mọc trên xác B-52 rơi trong hồ Hữu Tiệp

Những ngày cuối tháng 12 năm ấy, tôi, một cậu bé nhà quê đang học lớp 8 trường huyện, may mắn được sống trong không khí hào hùng của đất nước qua từng trang báo Nhân Dân mà cha tôi – một cán bộ xã lúc đó - mang về mỗi chiều.

Đã từ lâu, tôi có thói quen ngóng đợi ông từ trụ sở Ủy ban hành chính xã sau một ngày làm việc trở về nhà, để háo hức đón nhận từ tay ông những tờ báo còn thơm mùi mực mới và nóng hổi tin tức thời sự. Có lẽ vì thế mà mọi diễn biến của cuộc chiến ở cả hai miền Nam – Bắc trong những năm tháng ác liệt ấy tôi đều được cập nhật qua từng bản tin thời sự hay bình luận trên các trang báo.

Tuổi thơ tôi đã có hơn 8 năm sống trong cảnh trên bom dưới đạn, trường lớp phải trải qua 4 lần sơ tán. Nhiều lần chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá quê hương, làng trên, xóm dưới tan hoang, lửa cháy ngút trời. Có những đêm B-52 rải thảm chỉ cách nơi mình trú ẩn vài ba cây số. Lửa bom chớp sáng lóa cả một góc trời. Tiếng bom rền kéo dài, mặt đất rung chuyển như có động đất. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong tôi cho đến khi chiến tranh đã kết thúc được một thời gian.

Chiến tranh đã khiến cho một cậu bé mười lăm tuổi lớn nhanh trước tuổi để trái tim mình thấu hiểu sâu sắc hơn nỗi thương đau mà người Hà Nội và cả dân tộc phải gồng mình lên gánh chịu và vượt qua một cách anh dũng trong trận chiến sống mái với quân thù.

Khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, 19 giờ 20 phút ngày 18/12, B-52 Mỹ ồ ạt ném bom Hà Nội, người dân khắp miền đất nước hướng về Thủ đô với bao nỗi âu lo, trăn trở.

Rồi hàng triệu con tim bàng hoàng khi được tin Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ bị B-52 san phẳng lúc rạng sáng ngày 22/12. 28 cán bộ y tế của bệnh viện đã anh dũng hy sinh trong khi đang cứu chữa bệnh nhân. Đánh bom hủy diệt cả bệnh viện, trường học thì có thể nói, tội ác của quân thù đã lên đến tột đỉnh.

Nhưng tội ác của chúng chưa dừng lại ở đó khi cả khu phố Khâm Thiên đông đúc dân cư bị B-52 nhấn chìm trong biển lửa lúc 22h đêm 26/12/1972. Lũ quỷ Sa-tăng ập đến, gieo rắc cái chết tức tưởi cho bao con người vô tội trong đó có các cụ già, em nhỏ ở thời khắc phố phường đang chìm dần vào giấc ngủ.

Đêm tận cùng đau thương ấy, hai phần ba trong tổng số 278 người bị bom Mỹ giết hại là cụ già, phụ nữ và em bé. 178 cháu trở thành trẻ mồ côi.

Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà không một ai sống sót. Chính nơi đây sau này, người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm với tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những năm tháng đau thương, tang tóc mà đồng bào ta phải gánh chịu vì chiến tranh xâm lược tàn khốc của ngoại bang.

Những ngày cuối tháng 12 bi tráng, không ít những câu chuyện, những hình ảnh đăng tải trên mặt báo ám ảnh lòng người. Một cậu bé nơi miền quê nghèo như tôi cũng đã kịp lưu giữ trong trái tim non nớt của mình những hình ảnh mang tầm vóc thời đại, khái quát sâu sắc tâm thế của một dân tộc đang chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước và giống nòi trước những thử thách của lịch sử.

Đó là bức ảnh về nữ dân quân tự vệ của nhà máy cơ khí Mai Động Phạm Thị Viễn đang trực chiến tại trận địa pháo cao xạ, đầu quấn khăn tang, mắt rực lửa hờn căm. Người nữ dân quân tự vệ tuổi đôi mươi ấy vừa nhận được tin dữ cả cha và mẹ mình đã ra đi trong trận B-52 ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên đêm 26/12.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022): Hà Nội - 12 ngày đêm ấy - 2

Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Hình ảnh đó của người nữ tự vệ dũng cảm đã gợi cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu, đúng một tháng sau, viết nên những câu thơ xúc động lòng người trong bài Việt Nam máu và hoa: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”.

Bức ảnh là biểu trưng của một dân tộc suốt mấy chục năm qua thấm nhuần sâu sắc chân lý “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; là câu trả lời đanh thép cho tham vọng ngang ngược và ngạo mạn của Ních-xơn "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá".

Vài hôm sau, trên trang nhất các báo xuất hiện bức ảnh chụp một cô gái đang tưới hoa tại làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng Hà Nội, sau lưng cô là xác “pháo đài bay” B-52 nhô lên trên mặt hồ Hữu Tiệp bị quân và dân ta bắn hạ đêm 27/12. Bức ảnh đó đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sâu sắc về tầm vóc và phẩm giá của một dân tộc “Từ trong biển máu/Người vươn lên, như một thiên thần!”.

Bức ảnh này cũng là nguồn cảm hứng để Tố Hữu khái quát thành những câu thơ xúc động lòng người trong mùa Xuân chiến thắng của dân tộc: “Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi/Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc/Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người/Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc.”.

Trên tờ lịch Tết năm ấy – Xuân Quý Sửu 1973 - bức ảnh lịch sử đó được in trang trọng như muốn chuyển tải một thông điệp tới bầu bạn năm châu: Dân tộc này yêu hòa bình nhưng không sợ chiến chinh.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022): Hà Nội - 12 ngày đêm ấy - 3

Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi.

Có một điều kỳ diệu là mấy chục năm sau, trên thân xác “pháo đài bay” rơi xuống hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà bỗng mọc lên một cây lộc vừng xanh ngắt, mùa hoa về đỏ thắm, sắc đỏ trùm lên chứng tích của đạn bom chết chóc như muốn khẳng định thêm lần nữa khát vọng hòa bình của người dân đất nước này: “Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/Có đủ mai sau, thắm những ngày?”.

Lại nhớ đến câu văn nổi tiếng của một nhà văn: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ…”. Vâng, hạnh phúc hôm nay được xây từ mồ hôi, nước mắt, từ bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, xin được kính cẩn thắp nén tâm nhang tưởng nhớ anh linh những người đã khuất, nguyện làm hết sức mình cho đất nước trường tồn, phồn vinh, cho Nhân dân hạnh phúc.

Nguyễn Duy Xuân

Nguyễn Duy Xuân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.