Lê Lựu: Nhà văn – Chiến sỹ

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942, người thôn Mã Hoà, xã Tân Châu huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sống và làm việc tại Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1974).

Lê Lựu là con út trong một gia đình 8 anh em, thuộc lớp nhà Nho nghèo. Bố ông dạy chữ Nho, nhưng Lê Lựu không được học một chữ Nho nào với bố, vì sau Cách mạng tháng Tám thành công, không một ai học chữ Nho nữa. Tuy vậy Lê Lựu nhớ như in lời bố nói với người chú và anh ruột của ông rằng: “...Làm việc phải nhớ lúc lui về, hoặc hãy giúp người hết lòng mình, giúp người như một thứ để dành. Đòi và kể là hết”. Những lời răn dạy đó giúp ông phấn đấu cho đến ngày hôm nay, dù có trải qua năm tháng chiến đấu gian khổ, hoặc có một ít thành tích nào đó trong hoạt động văn chương... nhưng chưa một lời kể công, đòi hỏi. Bởi ông vẫn luôn răn mình “đòi và kể là hết”.

Lê Lựu: Nhà văn – Chiến sỹ - 1

Chân dung nhà văn Lê Lựu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Lựu là phóng viên báo Quân Khu Ba, ông làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường Trường Sơn, thuộc mặt trận 559. Lê Lựu đã qua lớp viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Trưởng ban Văn xuôi và Thư ký của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lê Lựu được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên.

Trong không khí đất nước đổi mới, Lê Lựu rời tạp chí Văn nghệ Quân đội sang làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội.

Sinh thời, nhà văn Lê Lựu phải chịu nhiều nỗi cô đơn và bệnh tật đằng đẵng 10 năm, trước khi qua đời. Ông đã trải qua những tháng ngày “uống thuốc nhiều hơn ăn cơm”, với hơn 14 thứ bệnh và hầu như mọi người có bệnh gì, ông đều có bệnh đó... Đây phải chăng là số phận cay đắng, bi thương của kẻ cầm bút ngay cả những khi ở đỉnh cao của sự sáng tạo?

Lê Lựu: Nhà văn – Chiến sỹ - 2

Lê Lựu có một người con với người vợ đầu và hai con với người vợ sau, nhưng cuối đời lại phải sống cô đơn một mình trong căn nhà nhỏ tại phố Tam Trinh, Hà Nội.

Lê Lựu viết nhiều và phần lớn là tiểu thuyết. Nhưng tác phẩm đầu tay của ông lại là các tập truyện ngắn như: “Người cầm súng” (truyện ngắn, NXB Văn học, 1970); “Phía mặt trời” (tập truyện ngắn, NXB Văn học, 1972); “Campuchia, một câu hỏi lớn” (bút ký, NXB Thanh niên, 1979); “Mở rừng” (tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1976); “Ranh giới” (tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1976); “Thời xa vắng” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 1986); “Đại tá không biết đùa” (tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1989); “Chuyện làng Cuội” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 1991); “Sóng ở đáy sông” (tiểu thuyết, NXB Hải Phòng, 1995); Một thời lầm lỗi (bút ký, NXB Quân đội Nhân dân, 1989); “Trở lại nước Mỹ” (bút ký, NXB Hải Phòng, 1994); “Hai nhà” (tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 2000)...

Lê Lựu: Nhà văn – Chiến sỹ - 3

Bộ phim 'Sóng ở đáy sông' chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Lê Lựu đã in đậm dấu ấn trong lòng khán giả.

Trong cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ năm 1967 – 1968, ông được giải Nhì (không có giải Nhất), với truyện ngắn “Người cầm súng”.

Năm 1986, ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Truyện “Người về đồng cói” được giải A cuộc thi viết về đề tài thương binh, liệt sỹ của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức.

Có thể nói trong số các truyện ngắn đã ra mắt bạn đọc thì truyện “Người về đồng cói” là nổi trội nhất, đặc sắc nhất trong thời chống Mỹ.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, cuốn tiểu thuyết xuất bản đầu tiên của ông “Mở rừng”, tuy ít được bạn đọc và công luận chú ý, nhưng nó là “Cuốn tiểu thuyết vào loại khá của văn học Việt Nam những năm 1970”. Trong đó “Lê Lựu đề cập đến số phận của một lớp người trong chiến tranh: Oai hùng và bi thảm, giản đơn và phức tạp. Đấy là cuốn tiểu thuyết viết trực tiếp về chiên tranh”, với cái nhìn hết sức mạnh dạn, mà không phải bất cứ ai thời đó có thể nói lên được.

Lê Lựu: Nhà văn – Chiến sỹ - 4

Tác phẩm của nhà văn Lê Lựu

Về cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã vẽ nên một loạt hình ảnh nông thôn Việt Nam rất đặc sắc mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Vì thế Trần Đăng Khoa đã so sánh “Từ Nam Cao qua một chút Kim Lân đến Nguyễn Khắc Trường và Lê Lựu, chúng ta mới lại có nhà văn nông thôn thứ thiệt (...) Anh là người quê, nói giọng quê, với cách cảm nhận của người dân quê ”.

Nhờ vậy, “có một số mảng Lê Lựu viết rất giỏi, như mảng làm thuê, mảng lụt lội, hay cảnh mâm trên, mâm dưới, cảnh trên nhà dưới bếp, cảnh tiếp khách ở nhà quê, đọc mà chua xót đến rơi nước mắt”. Vì vậy, “Thời xa vắng ra đời có tiếng vang lớn, vượt quá sức hình dung của người đã đẻ ra nó”.

Theo Nguyễn Văn Lưu: “Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu phản ảnh sinh động và chân thực quá trình chuyển biến trong cách nhìn nhận, đánh giá lại thực tại đó. Ở đây không chỉ đơn thuần là một bi kịch tình yêu của anh nông dân Sài nào đó, mà là những vấn đề tâm lý – xã hội chung của thời đại, bộc lộ ra trên con đường đời của một thanh niên nông thôn đi vào cuộc sống mới, đầy nhiệt tình, hăm hở nhưng chỉ được trang bị bằng hành trang tinh thần và đạo đức của người nông dân nên không tránh khỏi những sai lầm và trả giá. Sự phản ảnh chân thực, sinh động cái hoàn cảnh nhào nặn nên con người đó, sự nín chịu, nhẫn nhục và vùng vẫy cuống cuồng, những đổi thay trong tâm lý và hành động của anh ta..., được Lê Lựu dựng lại rất sinh động, đã lôi cuốn mạnh người đọc, gợi ra những liên tưởng có ý nghĩa xã hội mà hiện nay mọi người đang rất quan tâm...”.

Luận về tiểu thuyết, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương viết: “Không có gì phải dè dặt khi nói rằng Lê Lựu là một trong những nhà tiểu thuyết quan trọng nhất đã chuẩn bị cho tư duy đổi mới, trên con đường phát triển của văn học nước ta và khẳng định con đường đó không phải bằng lý thuyết mà bằng những tác phẩm  đặc sắc của mình”.

Nhận định về nhà văn Lê Lựu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều viết: “Nhà văn Lê Lựu là một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau  năm 1975. Dù đến cuối đời, Lê Lựu vẫn là một người nông dân, nhưng ông lại có kiến văn rộng, hiểu đời sâu sắc. Lê Lựu không chỉ mang đến sự đột phá cho văn chương Việt Nam sau năm 1975, với tiểu thuyết Thời xa vắng và một số tác phẩm sau Đổi mới khác, mà còn mang đến sự đột phá cho văn học Việt Nam khi đưa nó ra khỏi biên giới, kêu gọi hoà bình, hàn gắn. Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ, sau chiến tranh (1988)”.

Ông Thiều viết tiếp: “nếu không có sự chân thành, nồng nhiệt, sâu sắc trong cách nhìn cuộc đời  của Lê Lựu khiến ông – lúc đó đại diện cho văn chương Việt Nam -  chiếm được cảm tình của đông đảo giáo sư, sinh viên, cựu chiến binh Mỹ thì sau đó khó mà đạt được mối giao hảo mạnh mẽ giữa người Mỹ và các nhà văn Việt Nam như đã diễn ra, Sau Lê Lựu, rất nhiều nhà văn Việt Nam được mời sang Mỹ”.

Lê Lựu tư bạch: “... Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là THẬT. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người kể chuyện có gì viết nấy”.

Có người nói: “Nhà văn Lê Lựu mất. Nhưng Giang Minh Sài còn. Vì đó là nhân vật bi kịch đầu tiên của văn học cách mạng nước ta. Cũng là bi kịch của nhà văn, hoá thân vào nhân vật. Thời xa vắng không phải là chuyện của một thời đã xa”./.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống