Lưng bồ lục bát trời đày (Nhân đọc tác phẩm “Lục bát hồn quê” của tác giả Ngô Đình Ngọ - NXB Hội Nhà văn 2024)

Đó là câu thơ ở gần cuối bài thơ Nợ quê in trong tập Lục bát hồn quê của tác giả Ngô Đình Ngọ vừa xuất bản. Hẳn đây chính là lời tự thán về phận mình khi ta đọc cả cặp lục bát của ông: “Lưng bồ lục bát trời đày/ Bán đi chẳng đủ nợ này… quê ơi!” (Nợ quê).

Ô hay! Có ai bắt phải làm thơ đâu? Tự mình đam mê, tự mình dan díu, phải lòng, tự mình “Khóc cười nhân thế mắt cay lệ sầu”, tự mình chuốc lấy nỗi đau… sao đổ tội trời đày? Chưa hết. Tác giả Lục bát hồn quê còn nhiều lần khẳng định mình là gã dại khờ, là lão dở hơi: “Tối ngày chép chép, ghi ghi/ Nửa đêm trằn trọc khác chi trời đày/ xác thì tỉnh, hồn thì say/ khóc cười thiên hạ, ám ngay vào mình” (Thơ vườn). Hoặc: “Xé mình thả xuống làm mồi/ chữ hoang thì béo, chữ nuôi thì gầy/ Hồn thơ thả chốn rủi may/ Văn chương là nghiệp trời đày phù du” (Gã khờ).

Những người ngoại đạo văn chương, đọc những câu thơ tự họa này hẳn khiếp hãi. Nhưng ai biết đâu rằng, nhờ có những “gã khờ”, “dở hơi” như thế, đời mới nhặt được những câu thơ thấm thía nghĩa tình, mới giúp ta ngộ ra nhiều điều: “Rằng đời lắm nắng nhiều mưa/ Luân hồi mấy kiếp vẫn chưa sạch mình” (Cõi thiêng Yên Tử); “Ngõ thì dọc, đời thì ngang/ Mấy ai tính được hèn sang mà lường” (Ngõ nghèo); “Chợ đời cướp bán, tranh mua/ Vãn chiều, tan chợ còn trơ… rác người” (Chợ đời); “Đừng coi “đồng nát” mà khinh/ Khối người lành lặn, nhân tình lại… bươm” (Lốp xe mòn vẹt phố phường)…

Còn nhiều lắm những câu thơ sâu sắc không thể kể hết ra đây. Tuy nhiên những câu thơ hay chưa nói hết giá trị tập thơ. Nếu coi thơ là tinh hoa của cảm xúc đặc biệt, xuất thần vào những lúc tâm trạng đầy nỗi niềm trắc ẩn thì Lục bát hồn quê đích thực có những phẩm chất ấy. Và nó dồn tụ vào 3 ý nổi nhất khiến bạn đọc rất thích thú tập thơ. Đó là: sâu nặng hồi ức, đầy nỗi niềm trắc ẩn về nhân tình thế thái và lòng đam mê thơ đến dại khờ. 

Khi có trên tay tập Lục bát hồn quê ta sẽ thấy quả nhiên như vậy. Người trẻ rất ít hồi ức, bởi họ chưa từng trải, chưa sống nhiều và họ hướng về tương lai là chính. Còn những người cao tuổi đã kinh qua mọi nỗi đời, đã giàu vốn sống và quỹ thời gian đang vơi dần thì thường nặng về hồi ức, hoài niệm. Với tác giả Ngô Đình Ngọ, hồi ức trong thơ ông là những kỷ niệm đẹp thời trẻ ông sống ở quê hương, giờ nhớ lại: “Ngược tìm mái rạ, rau lang/ Để nghe tiếng xóm, tiếng làng chiều hôm/ Ngược thời đổ dế bắt chuồn/ Ú tim trốn bạn chui luồn ụ rơm/ Dưa cà muống luộc chan cơm/ Rơm vàng buộc lá sen thơm cốm mùa (Ngược về).

Vẫn biết đó là thời đói nghèo, gian nan khổ sở nhưng sao nó vẫn đẹp và được thi vị hóa đến lạ kỳ: “Trăng soi bè muống cầu ao/ Bóng ai giặt áo, yếm đào lung linh” (Quê là), “Cổng làng cổ, rặng tre gầy/ Đầu đao cong vút, nhẹ bay mái đình/ Đôi cô nàng dáng trúc xinh/ Yếm đào chảy hội quê mình tháng ba (Bức tranh quê).

Cứ thế, hình ảnh quê hương hiện ra với giếng làng, chùa làng, hàng cau, gốc đề, dậu mồng tơi, hoa xoan, hoa gạo, mái đình, ngõ quê, rặng tre, cổng làng, triền đê, dòng sông, con đò… nguyên hình một làng quê đồng bằng Bắc Bộ xa xưa hiện về trong ký ức. Tuy rằng quê giờ đã đổi mới giàu đẹp nhưng sao trong tâm hồn người làm thơ vẫn đau đáu nhớ và ước được về sống lại với quê xưa? Bởi quê đâu chỉ là cảnh mà còn tình người ơn sâu nghĩa nặng. Ấy là mẹ ta: “Chân trần trầy xước sỏi gai/ nón mê nắng tướp bóng dài bên sông/ thân cò lận đận long đong/ khẳng khiu phận vạc lội đồng sớm hôm” (Mẹ về). Ấy là bạn học đồng môn: “Mỗi năm bè bạn thưa dần/ Trao nhau nửa cái tần ngần … rồi đi” (Đồng môn).

Và kỷ niệm đẹp, chiếm nhiều nhất trong hồi ức tác giả ấy là mối tình với người bạn gái “Ngất ngây cái nụ hôn đầu” để suốt đời không thể quên được “Lửa chi bỏng cháy làn môi/ Để ai khắc khoải bồi hồi con tim” (Lá diêu bông). Trong  hồi ức đời người, có lẽ kỷ niệm về tình yêu là đẹp nhất, tuyệt vời nhất cho dù  không trọn vẹn (thất tình). Người bình thường nào cũng có tâm trạng nuối tiếc, buồn thương, nhớ mong… há chi người đa tình, đa cảm lại giàu hồn thơ như Ngô Đình Ngọ. Ông có cả trăm bài thơ tình để trải lòng với nỗi yêu thời trẻ: “Ngược về cái thuở ngu ngơ/ Tình trong như đã, ngoài vờ chẳng quen (Ngược về).

Và ông đi tìm mối tình vô vọng ấy bằng hình ảnh thi vị của người đàn ông ga lăng: “Có người tát cạn ao quê/ Rẽ bùn tìm lại lời thề… ngó sen” (Lời thề ngó sen).

Có lẽ hồi ức về tình yêu của ông rất đẹp nhưng buồn. Chính vì nỗi buồn ấy mà cảm xúc nên thơ. Và thơ là giấc mơ có người tình trong mộng. Người cao tuổi như ông, thường sống nhiều với hoài niệm, hồi ức. Bây giờ xa quê hương, xa tuổi thơ, mẹ cha đã khuất, người yêu một thuở cũng đi lấy chồng… mỗi khi kỷ niệm ùa về lại càng buồn. May sao nỗi buồn ấy nói hộ ông bằng những vần thơ động lòng trắc ẩn.

Lưng bồ lục bát trời đày (Nhân đọc tác phẩm “Lục bát hồn quê” của tác giả Ngô Đình Ngọ - NXB Hội Nhà văn 2024) - 1

Bìa cuốn sách “Lục bát hồn quê” của tác giả Ngô Đình Ngọ

Nếu như những bài thơ trên trong Lục bát hồn quê mang tâm trạng hồi ức luôn hướng về nội tâm thì còn mảng thơ lớn hơn, nhiều hơn trong tập lại luôn hướng ngoại. Hướng ngoại khiến hồn thơ mở ra theo chiều sâu tâm thức. Còn hướng nội mãi sẽ nghèo dần thi tứ, vì không thể khai thác nội tâm mình mãi. Bởi thế, nỗi niềm của tác giả Ngô Đình Ngọ đã hướng ra với nhân tình thế thái. Trước hết bởi ông yêu thương con người, ông đưa thân phận họ vào thơ vì nhân cách của người cầm bút không thể đứng ngoài xã hội. Họ là người mua đồng nát, bán vé số, là em gái bán hoa, người hát xẩm, người nghèo tha hương, người di cư vì dịch giã, đặc biệt là những chiến sĩ đã hy sinh vì nhân dân, vì đất nước. Những bài thơ về họ, ông viết với nỗi niềm thương xót thực lòng:

“Thương bao số phận long đong

Bơ vơ sương giá mà không có nhà

Co ro con trẻ người già

Mái hiên đêm phố trú qua tháng ngày

Hộp cơm từ thiện trên tay

Chừng như gói cả đắng cay phận người”

(Đông giá)

“Trà Leng ơi, ơi Trà Leng

Lũ trôi, núi lở, đá chèn, bùn chôn

Suối khe vất vưởng cô hồn

Có nghe tiếng nấc bồn chồn người thân”…

(Rào Trăng)

Có lẽ khi viết những dòng thơ này, tác giả chỉ vì thương thân phận con người mà viết chứ cũng không vì quan điểm nào hết. Nhưng đó lại chính là quan điểm Nghệ thuật vị nhân sinh như nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Thời của nhà văn Nam Cao đã hẳn còn kiếp lầm than. Nhưng thời nay chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, công nghiệp hóa – hiện đại hóa mà kiếp lầm than vẫn còn thật sao? Thì đây: 

“Thiếu áo ấm, thừa mồ hôi

Tinh mơ sương giá, oi trời hoàng hôn

Nhặt từng đồng lẻ góp gom

Bát mỳ lều chợ nhớ con quê nhà”

(Mua đồng nát)

“Ngõ nghèo ngách cũng nghèo theo

Buồn như tầm gửi phong rêu kẽ tường

Eo xèo từ sớm tinh sương

Xích lô luồn trước, gánh nhường lách sau”

(Ngõ nghèo)

Trong nỗi buồn nhân thế, con người luôn khát vọng nhiều điều tốt đẹp. Nhưng không thể “giải khát” được nên họ chơi vơi niềm tin. Không biết bấu víu vào đâu để sống thì họ tìm đến cửa Phật từ bi mà giải thoát, tìm lại niềm tin. Thế nhưng chính cửa Phật cũng không tin được nữa:

“Gặp khi đời khát niềm tin

Tiền chui bạc rửa đi tìm Phật buôn

Bợm già, kẻ cắp chen luồn

Mua thần bán thánh nỗi buồn nhân gian”…

 (Niềm tin Thánh thần).

Vậy trong cõi đời này, con người biết tin vào đâu nữa? Tất cả đều như “thằng Bờm” chỉ sống thực dụng với nắm xôi bởi chỉ còn mỗi nắm xôi cứu đời mình. Dựa vào tích “thằng Bờm”, nhà thơ lên án công khai những tiêu cực của xã hội: “Lâm tặc, tham nhũng bao che/ Rừng già đốn trụi đâu bè gỗ lim… Quan tham chiếm hết ruộng đồi/ Đền bù, Bờm được “Nắm xôi” Bờm cười” (Lục bát thằng Bờm). 

Người làm thơ thường sống rất nhân văn. Chính lòng thương người đã giúp họ có bản lĩnh nói ra với những vấn đề bức xúc trong xã hội. Con mắt của người làm thơ phải thấu cõi nhân gian và cũng buồn đau nhỏ máu trong tâm can mình thì mới chiêm nghiệm ra chân lý: “Đời là những chuyến đò buồn/ Nhặt gom cay đắng bán buôn chợ đời/  Đời là cõi tạm rong chơi/ biết ai tri kỷ, ai người dối gian” (Cạn chén rượu đời). May sao, thơ ông đã ngộ ra rằng: “Trăm năm trước, nghìn năm sau/ chắc gì vơi được nỗi đau nhân tình” (Nhớ Tố Như). Nhìn thấy được nỗi buồn nhân thế đã là người sâu sắc. Ngộ ra được chân lý hay quy luật tất yếu của cuộc đời mới tài vì sẽ cứu rỗi được mình. Vì sao? Để an nhiên tự tại, để an ủi bạn đọc vơi đi nỗi buồn, không rơi vào bế tắc vì thất vọng.  

Thơ như thế là có tầm giá trị. Và thơ như thế là đúng vai trò quyền năng của thơ. Chân thiện mỹ nằm ở những bài thơ giúp ích cho tâm hồn con người an nhiên thánh thiện, ở những câu thơ chân tình chia sẻ. 

Nhận ra được điều đó, cùng với tâm hồn đa cảm, đa đoan, tác giả Ngô đình Ngọ đã đến với thơ và đam mê từ hơn hai chục năm nay. Ông đã có 2 tập thơ là Trăng quê (2015) và Thương nhớ ở ai (2019). Riêng tập Lục bát hồn quê này, ông đã có hơn chục bài tuyên ngôn về thơ theo quan niệm riêng, điển hình là các bài: Vạt yếm nàng thơ, Gánh thơ tình, Phải lòng, Thơ vườn, Giấc mơ trưa, Thi nhân, Gã khờ, Hư vô, Bâng khuâng… Trong tuyên ngôn về thơ, ông coi thơ như mỹ nhân - người đẹp khiến ông tương tư cả đời không bao giờ hết say đắm. Và với thơ ông tự dấn thân, tự đầy đọa dù biết thế là dại khờ, khù khờ chỉ thương vay khóc mướn nhưng ông chấp nhận và dụng công đi tìm nó bằng cảm xúc “chắt từ đắng chát, mặn cay cõi người”. Vì những lẽ đó, tập thơ có nhiều bài thơ hay, gây được chú ý với bạn đọc như: Mẹ Đốp, Chợ đời, Đồng môn, Ca dao cái cò, Đá gà, Nhớ Tố Như, Lục bát buồn, Hai mặt đồng tiền, Dã tràng, Niềm tin Thánh thần, Cỏ lành, Chùa nghèo…

Đọc xong tập thơ, còn biết tác giả Ngô Đình Ngọ rất mê và trọng thơ lục bát. Ông viết nhuần nhuyễn, không gò và rất ít lỗi vần, niêm luật. Đây là một tập thơ có chất lượng tốt, có giá trị, thu hút nhiều bạn đọc.

Nguyễn Thị Mai

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mách cha mẹ cách đặt tên ở nhà hay cho bé gái dễ thương, ấn tượng

Mách cha mẹ cách đặt tên ở nhà hay cho bé gái dễ thương, ấn tượng

Có rất nhiều cách đặt tên ở nhà hay cho bé gái dễ gọi, độc lạ và gần gũi. Những tên gọi ở nhà không chỉ giúp các bé gái cảm nhận được tình cảm gia đình mà còn giúp tạo nên những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ của gia đình. Nếu như băn khoăn và chưa biết lựa chọn tên ở nhà nào hay cho bé gái hay, cha mẹ hãy cùng tham khảo nhé!

Mách mẹ 100+ tên hay cho bé trai họ Nguyễn ý nghĩa và độc đáo

Mách mẹ 100+ tên hay cho bé trai họ Nguyễn ý nghĩa và độc đáo

Trong việc đặt tên cho con nói chung, đặt tên cho con trai họ Nguyễn nói riêng, có không ít phụ huynh cảm thấy áp lực bởi mong muốn gửi gắm vào tên gọi của các bé. Trên con đường sự nghiệp và thành công tương lai của các bé, tên gọi có thể mang theo một sức mạnh tâm linh không hề nhỏ.

100+ Tên ở nhà cho bé trai 2025 siêu ngộ nghĩnh và đáng yêu

100+ Tên ở nhà cho bé trai 2025 siêu ngộ nghĩnh và đáng yêu

Đặt tên ở nhà ở cho bé trai 2025 không chỉ đơn thuần là đặt theo danh xưng mà tên gọi còn mang ý nghĩa về tình cảm, thể hiện sự gần gũi, tình yêu thương của gia đình. Sau đây là những tên gọi ở nhà cho bé trai năm 2025 vô cùng độc đáo và đáng yêu để bố mẹ có thể tham khảo đặt cho con.

Gợi ý 100+ ý  tưởng tên gọi ở nhà cho bé gái 2025 độc nhất và đáng yêu

Gợi ý 100+ ý tưởng tên gọi ở nhà cho bé gái 2025 độc nhất và đáng yêu

Sự sáng tạo trong việc đặt tên cho các bé gái 2025 không chỉ dừng lại ở những cái tên truyền thống mà còn mở ra một thế giới phong phú với nhiều ý tưởng mới lạ và đáng yêu. Tên gọi ở nhà cho bé gái không chỉ là một cách để thể hiện tình yêu thương mà còn mang đến những kỷ niệm ngọt ngào cho cả gia đình.

Đặt tên con hợp tuổi bố mẹ nên hay không nên?

Đặt tên con hợp tuổi bố mẹ nên hay không nên?

Đặt tên con hợp tuổi bố mẹ hiện đang được nhiều gia đình áp dụng do tên gọi thể hiện mong muốn con có được vận số tốt đẹp, cuộc sống an yên và thuận lợi. Tuy nhiên, liệu cách đặt tên cho con này có nên không, cha mẹ nên tìm hiểu kĩ hơn nhé.

Đặt tên tiếng Anh cho bé trai đơn giản, ngắn gọn, ý nghĩa nhất

Đặt tên tiếng Anh cho bé trai đơn giản, ngắn gọn, ý nghĩa nhất

Việc đặt tên tiếng Anh cho bé trai hiện nay được rất nhiều cha mẹ áp dụng. Tên tiếng Anh cho bé thường có thể dùng để làm biệt danh hoặc giúp các bé dễ dàng giao tiếp cùng với các bạn bè quốc tế. Sau đây là những tên tiếng Anh cho bé trai hay, đơn giản, ý nghĩa cha mẹ có thể tham khảo để đặt cho các bé yêu nhà mình.

Khám phá tên tiếng Anh cho bé gái dễ thương và ý nghĩa nhất

Khám phá tên tiếng Anh cho bé gái dễ thương và ý nghĩa nhất

Hiện nay, bên cạnh việc đặt tên cho con gái theo tiếng Việt thì nhiều bố mẹ còn lựa chọn đặt tên tiếng Anh cho bé gái. Tuy nhiên, giữa muôn vàn tên gọi khác nhau, để có thể tìm được một tên vừa đẹp vừa hay lại ý nghĩa hoàn toàn không phải điều dễ dàng.