Miền Bắc Việt Nam thế kỷ 19 qua ống kính bác sỹ quân y người Pháp
Xứ Bắc Kỳ nhiệt đới luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với tính cách ưa chinh phục khám phá của người Pháp. Và, Charles-Édouard Hocquard không phải ngoại lệ.
Những hình ảnh quý giá về cuộc sống xã hội miền Bắc thế kỷ 19 qua ống kính bác sỹ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Cuốn sách mô tả chi tiết và sống động xã hội miền Bắc Việt Nam thế kỷ 19Xã hội miền Bắc Việt Nam thế kỷ 19, chân dung con người và những sinh hoạt văn hóa nơi đây đã được bác sĩ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard ghi lại sống động qua những hình ảnh và trang viết của mình.
Ông đã tham gia Chiến dịch Bắc Kỳ từ 1884 đến 1886. Ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, Hocquard còn được phân công chụp ảnh địa hình hỗ trợ công tác trắc địa, và suốt hơn hai năm ở đây, ông đã tận dụng triệt để chiếc máy ảnh mang theo để chụp lại hầu như toàn cảnh xã hội Việt Nam khi ấy.
Những tư liệu quý giá của ông đã được nhà xuất bản danh tiếng Librairie Hachette in thành cuốn sách “Une Campagne au Tonkin” năm 1892. Bộ sưu tập 217 bức ảnh mô tả vùng đất và con người xứ Bắc Kỳ do bác sỹ Hocquard chụp đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Ông cũng đã nhận được huy chương vàng cho bộ ảnh này tại triển lãm Toàn cầu ở Bỉ năm 1885.
Tranh khắc "Con voi của tổng đốc Sơn Tây," hình minh họa trong sáchCuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” sẽ được ra mắt độc giả Việt Nam ngày 28/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Buổi tọa đàm giới thiệu sách sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ, với sự góp mặt của ông Emmanuel Cerise, đại diện vùng Île-de-France tại Hà Nội, tiến sỹ văn học Mai Anh Tuấn và dịch giả của cuốn sách Trương Quốc Toàn.
Đặc biệt, 12 bức ảnh được lấy làm tranh khắc minh họa cho tác phẩm cũng được trưng bày tại đây từ 23-28/10. Qua đây, người xem có cái nhìn cận cảnh về trang phục của quan lại thời Nguyễn, những cô gái An Nam, những quán hàng ngoài chợ, thậm chí cả cảnh những người giàu có hút thuốc phiện, tử tù chuẩn bị ra pháp trường,…
Bà Đào Phương Thu, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, cho biết việc mua bản quyền những bức ảnh của bác sỹ Hocquard để công bố tại Việt Nam là rất khó khăn bởi đây cũng được xem là nguồn di sản tư liệu quan trọng đối với Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (ANOM), vùng Provence, Pháp.
“Sau một thời gian dài tiến hành đàm phán, cuối cùng Nhã Nam cũng đã mua thành công bản quyền của 44 tấm ảnh gốc do bác sĩ Hocquard chụp để cho vào phụ lục cuốn sách nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc một tư liệu quý giá,” bà Đào Phương Thu cho biết.
Ông Emmanuel Cerise nhận định “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” là bản tường trình cá nhân về một chiến dịch quân sự được Pháp tiến hành từ 1883 đến 1886 nhằm mục đích thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ.
Cổng thành Bắc Ninh“Ngoài giá trị đem đến góc nhìn chân thực và mới mẻ về vùng đất thuộc địa này cho người Pháp khi ấy, cuốn sách còn mang tới cho người đọc hôm nay những sử liệu quý báu về đời sống người dân Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, đặc biệt ở khía cạnh hình ảnh, với những bức ảnh được chụp bởi chính tác giả Hocquard, con người hội tụ đầy đủ sự chỉn chu, khoa học của một bác sỹ cùng góc nhìn tinh tế của một nhiếp ảnh gia lành nghề,” ông nói.
“Những bức ảnh này quý giá bởi ở cái thời Chiến dịch Bắc Kỳ vào cuối thế kỷ 19 ấy, nhiếp ảnh hầu như chưa có gì. Bác sỹ Hocquard chụp ảnh đen trắng, với một phòng tối và những tấm hình, sau khi tráng và rửa ra giấy, sẽ được đưa cho một thợ khắc, người sẽ biến chúng thành tranh khắc. Phải đến năm 1896 thì khi xuất bản tạp chí, người ta mới có thể in ảnh chụp trực tiếp mà không phải dùng bản khắc,” ông Cerise cho biết.
Phu khuân vác ở Lạng SơnĐộc giả sẽ bắt gặp nhiều điều thú vị khi so sánh các tranh khắc in trên sách với ảnh gốc mà bác sĩ Hocquard chụp bởi sẽ luôn có khác biệt giữa tranh khắc và ảnh gốc: để phù hợp với khổ giấy in, vì muốn nhấn vào chủ điểm chính trên ảnh, hay là do cá tính của người thợ khắc vì mỗi người nghệ sĩ đều muốn để lại chút dấu ấn cá nhân trên tác phẩm.
Charles-Édouard Hocquard sinh năm 1853 tại Nancy, là bác sĩ quân y, nhiếp ảnh gia và nhà khám phá người Pháp. Ở Việt Nam, tên tuổi ông đã được biết đến từ lâu với tư cách tác giả những bức ảnh nổi tiếng chụp xứ Đông Dương cuối thế kỷ 19. Ông mất năm 1911 tại Lyon, vì bệnh cúm.
Theo Vietnamplus NoneBình luận