Một bóng hồng lặng lẽ “trổ lá xanh thăm thẳm phận người”

Đã đi qua những buồn – vui, được - mất, với nhiều nếm trải, chiêm nghiệm, thơ Nguyễn Bảo Chân như đằm lắng lại. Chị không bị cảm xúc ào ạt cuốn theo nữa. Luôn có những ý tưởng nào đó, song hành cùng cảm xúc trong thơ chị. Và vì thế, dường như chị trở nên khách quan hơn, để có thể đối thoại với chính mình, qua thơ. Nhân dịp kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (8/3/1910 - 8/3/2023), Phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật đã có dịp gặp nhà thơ Nguyễn Bảo Chân để lắng nghe những suy tư của chị về nghệ thuật, về hành trình đi tìm cái đẹp của chị.

Tiếng vọng từ tri âm…

Nguyễn Bảo Chân sinh ra và lớn lên trong không khí văn học nghệ thuật, với bố là một nhà văn, mẹ là một nghệ sĩ biểu diễn sân khấu. Từ nhỏ, chị đã bộc lộ năng khiếu thơ văn, có thành tích môn văn tốt. Chị mê đọc sách, thích xem phim, xem kịch, thậm chí thuộc lòng nhiều đoạn trong các vở kịch cổ điển mà mẹ chị từng biểu diễn.

Một bóng hồng lặng lẽ “trổ lá xanh thăm thẳm phận người” - 1

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân

Cô bé Bảo Chân 7 tuổi đã làm bài thơ đầu tiên về cái cặp sách của mình. Với cô, nó chứa đựng cả một thế giới  riêng. Đó là “kho báu” của cô bé, ngoài sách vở, còn có những viên sỏi nhẵn bóng nhặt được trên đường tới trường, một bông hoa khô vẫn còn hương thơm nhẹ, con búp bê bằng vải nhỏ xinh… Tất cả hằng ngày bầu bạn với cô bé, trò chuyện với cô bằng ngôn ngữ riêng của chúng. Nguyễn Bảo Chân đã miêu tả về thế giới riêng ấy bằng những câu thơ rồi đem khoe bố (nhà văn Nguyễn Anh Biên). Người cha đã nói: “Hãy cho những điều con nhìn thấy xung quanh con một tâm hồn”. Lời dặn ấy ngấm vào tâm trí thơ ngây của cô bé 7 tuổi và trở thành một phần làm nên phong cách nhà thơ Nguyễn Bảo Chân sau này.

Theo nhà thơ Nguyễn Bảo Chân, mỗi đoạn đời, dù thăng trầm hay phẳng lặng, đều mang đến cho chị vô vàn bài học và những trải nghiệm cuộc sống, mà chị đã gửi gắm vào thơ. Chị đi nhiều, viết nhiều, nhưng với bản tính cẩn trọng, ưa lặng lẽ, chị chỉ công bố tác phẩm khi thấy thực sự đủ chín. Có lẽ vì vậy, khoảng cách giữa những tập thơ của chị khá xa. Tập gần đây nhất, “Bóng của ý nghĩ”, ra đời sau tập thơ thứ ba “Những chiếc gai trong mơ” mười hai năm.

Nguyễn Bảo Chân chia sẻ: “Thơ như một người bạn tri âm của tôi, không phải lúc nào nó cũng hiện diện bởi cuộc sống còn bao nhiêu điều khác. Nhưng thơ luôn ở một góc sâu kín trong tâm hồn tôi, thiêng liêng mà gần gũi. Và, bằng cách nào đó, khi cần, nó xuất hiện, chia sẻ, an ủi, động viên tôi”. Chị quan niệm, làm thơ đương nhiên cần cảm xúc, những đã là một nhà thơ chuyên nghiệp thì ngoài cảm xúc cần có ý tưởng và cách biểu đạt ý tưởng đó qua ngôn từ thật nhuần nhuyễn.

…đến hiện thân của tình yêu và sự bao dung…

Một bóng hồng lặng lẽ “trổ lá xanh thăm thẳm phận người” - 2

Theo Nguyễn Bảo Chân đủ tình yêu và sự bao dung, người phụ nữ sẽ dễ dàng vượt qua nhiều trở ngại, bất trắc và cả những nỗi đau đớn.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân cho rằng nét nữ tính chủ đạo trong thơ cũng như trong đời chính là tình yêu và sự bao dung. Hình bóng phụ nữ, một nửa của thế giới, hiện diện trong hầu hết các tác phẩm văn chương nghệ thuật từ cổ chí kim. Trong thơ Nguyễn Bảo Chân cũng vậy. Chị viết về mẹ, về bà ngoại, về em gái, về những người chị, những người bạn gái, về chính mình. Những người phụ nữ yêu và được yêu, hạnh phúc và đau khổ, mỗi người một vẻ, một cách khác nhau trên hành trình cuộc đời. Khi đủ tình yêu và sự bao dung, người phụ nữ sẽ dễ dàng vượt qua nhiều trở ngại, bất trắc và cả những nỗi đau đớn.

…nảy mầm thành “Bóng của ý nghĩ” 

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân vừa nhận được Giải thưởng Văn học năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Bóng của ý nghĩ”. Với chị, giải thưởng là một niềm vui, niềm vinh dự lớn. Nhưng sau đó, viết làm sao để không lặp lại chính mình là một thách thức không nhỏ. Nguyễn Bảo Chân luôn tự đặt ra câu hỏi, nỗi buồn này, niềm vui này, sự rung cảm này, mình phải thể hiện qua thơ như thế nào.

Một bóng hồng lặng lẽ “trổ lá xanh thăm thẳm phận người” - 3

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân (thứ 3 từ trái sang phải) nhận Giải thưởng Văn học năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Chị tâm sự: “Khi tôi làm thơ, tứ thơ, ý tưởng đến trước tiên. Từ ý tưởng, sẽ hình thành nên cấu trúc bài thơ đó, và cuối cùng ngôn ngữ chính là phương tiện chuyển tải những điều tôi muốn nói. Tôi có thể gợi ra một ý nghĩ, thắp lên một ý tưởng để bạn đọc hình dung, đằng sau câu từ này, đằng sau hình ảnh này, ý tứ này còn là những tầng trầm tích khác. Người đồng cảm sẽ cảm nhận thơ tôi bằng tâm hồn, văn hoá, và trải nghiệm cá nhân của họ. Bài thơ ấy sẽ không chỉ là của riêng tôi nữa, mà biết đâu sẽ trở thành tâm sự, suy tư của chính bạn đọc”.

Một bóng hồng lặng lẽ “trổ lá xanh thăm thẳm phận người” - 4

Tập thơ "Bóng của ý nghĩ" của tác giả Nguyễn Bảo Chân.

Đây là một quan niệm rất độc đáo, rất Nguyễn Bảo Chân, với hy vọng “những ý nghĩ nảy mầm lặng lẽ” được chị hằng ngày vun tưới sẽ “trổ lá xanh thăm thẳm phận người”.

Nguyễn Bảo Chân là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; tốt nghiệp khoa Biên kịch Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, hiện làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam (biên tập và làm phim tài liệu về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật).

Những tác phẩm chính đã xuất bản: “Dòng sông cháy” (Thơ, Nhà xuất bản Thanh niên, 1994), “Chân trần qua vệt rét” (Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999), “Những chiếc gai trong mơ” (Thơ song ngữ Việt - Anh, Nhà xuất bản Thế Giới, 2010), “Bóng của Ý nghĩ” (Thơ song ngữ Việt - Anh, Nhà xuất bản Thế Giới, 2022).

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Ngày 23/4, đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về chuyển đổi năng lượng giữa các thành phần xã