Một chuyện tình trong chiến tranh (truyện ngắn)
Chính là chiếc áo tắm nữ đen tuyền ấy đã lên tiếng mách bảo. Chính là chiếc áo tắm nữ đen tuyền căng trên sợi giây phơi giăng qua cái sân gạch rộng mênh mông của khu nhà nghỉ lúc này chỉ còn có độc mình Khang nằm an dưỡng đã gây nên niềm phấp phỏng mơ hồ cho Khang. Và cuối cùng thì chiều ấy, mọi sự mập mờ thế là được giải toả.
Bữa cơm chiều, trên cái bàn tròn lớn trong nhà ăn khác hẳn mọi khi, đã có tới hai suất cơm. Và khi Khang trong cảm giác hoàn toàn khoan khoái sau lúc tắm biển về, ngồi xuống bàn ăn, vừa ngẩng lên, thì ở phía đối diện anh, giống như một cái bóng trắng từ trên cao vừa nhẹ nhàng hạ xuống, một thiếu phụ thanh mảnh trong sắc áo lụa bạch, đã khe khẽ cất tiếng chào:
- Chào anh ạ.
- Chào chị. Chị mới đến chiều nay?
Lạch bạch từ gian bếp đi lên, đặt xuống rìa bàn một đĩa lớn dưa hấu đỏ hồng đã xắt thành từng miếng quân cờ, chị Lộc cấp dưỡng nhìn Khang, chành một nụ cười rộng miệng:
- Thế là anh Khang có bạn rồi nhé. Anh Khang là nhà văn đó, chị An. Chị An xơi cơm đi. Chị ăn xem có vừa miệng không?
- Chà! Thật vinh hạnh cho em.
- Chị An xơi cơm đi...
Ngước lên nhìn Khang cái nhìn thật kính trọng, người phụ nữ nhỏ nhẹ:
- Vào tận cực nam trung bộ này mà còn được ăn canh rau muống nấu gừng với cà pháo trắng phau thế kia thì còn gì bằng, anh Khang nhỉ?
- Đó là yêu cầu của anh Khang đấy, chị ạ.
- Cám ơn anh Khang, cám ơn chị Lộc nhiều.
- Sáng mai anh, chị thích điểm tâm món gì? Phở, bún bò, bánh cuốn, xôi dừa hay mì vằn thắn?
Minh hoạ của Ngô Xuân Khôi
Khang mím môi im lặng. Người thiếu phụ ngoảnh lại nhìn chị Lộc, khe khẽ đáp. Một giọng nói dịu dàng. Một cái cằm xinh xắn trắng xanh và cái vẻ nõn nà của làn da cổ không thật hòa hợp vì những đường gân xanh mờ cùng khuôn ngực vốn phồng nở giờ hạ thấp như một ngọn lửa tàn. Khang nhận ra, bóng hình chiếc áo tắm gợi nhớ so với trực giác lúc này đã sai lệch nhau hoàn toàn. Tuy vậy tổng thể hình ảnh người phụ nữ lại đã đạt đến mục đích cuối cùng là truyền đạt một ấn tượng khiến Khang không khỏi ngỡ ngàng: Ta đã gặp người phụ nữ đẹp nhưng mảnh mai và yếu đuối này ở đâu rồi nhỉ?
- Anh từ ngoài Bắc vào đây nghỉ đã lâu chưa?
- Vừa đúng một tuần.
- Chắc hồi chiến tranh anh ở đây?
- Đâu có. Tôi là một kẻ lạc dòng. Suốt mấy chục năm chiến tranh tôi dạy học ở một bản người Dao. Tôi có cầm súng, nhưng là đi săn cầy cáo bảo vệ mùa màng gia súc. Còn chị?
- Dạ. Thành phố này, em đến cũng đã một tuần. Em ở nhà một người bạn cũ trước cùng trong đơn vị thanh niên xung phong. Hồi chiến tranh, cách đây hơn ba chục năm, đơn vị em đóng quân ở vùng này.
- Mời chị.
- Mặc em! Anh cứ tự nhiên nhé.
Tiếng người thiếu phụ bạt đi trong hơi gió biển tạt qua cửa sổ vào nhà ăn. Nghe tiếng chân bước nặng nề, quay lại Khang nhận ra chị Lộc đang đi tới với một đĩa dưa muối vàng hươm. Cuối tháng tám, dẫu là phương nam quanh năm nắng gió, các nhà nghỉ cũng đã vắng ngơ. Có lẽ là vì trẻ con đã trở lại trường học và lúc này chỉ còn lại ở bãi biển, nhà nghỉ những kẻ không có mối liên hệ với chúng, những người độc thân?
- Ơ kìa chị An, chị ăn đi chứ.
Nghe tiếng chị Lộc, Khang nhận ra bát cơm An xới vẫn còn nguyên vẹn. Và An vừa chống tay đứng dậy, mặt trắng bệch tay ấp hai bên má, chân dích ra khỏi bàn ăn.
- Để tớ đỡ. Cậu chóng mặt à?
- Không sao! Không sao! Khó chịu một tí thôi. Anh Khang ăn đi! Chán thế, vừa mới được làm quen với anh.
Ngoài kia, biển thốc gió ào ào, sóng dựng ngọn đổ ầm ầm lên bãi cát. Rặng dừa trước nhà nghỉ xoã lá rung xào xạc. Và trên cái dây phơi giăng chéo qua sân nhà nghỉ, chiếc áo tắm nữ màu đen tuyền căng phồng trong hơi gió biển lật phật bay như một sinh vật nhỏ ứ đầy sự sống, nhìn thấy nó Khang lại vội lảng mắt đi.
*
Thành phố nho nhỏ đẹp mong manh, đáng để một nghệ sĩ nhiếp ảnh tiêu pha vào đó cả một đời người. Gió thổi. Sóng xô. Mùi biển và mùi cá chượp nồng nàn. Mặt trời nhuộm vàng bãi cát. Xa xa những hòn đảo đầy chim yến nhấp nhô như đang trôi dạt. Bóng người nhập nhoạng trong hoàng hôn ngửa ngực kéo lưới. Rập rình ánh lửa đèn trên những chiếc thuyền câu mực đêm trùng khơi. Khung cảnh đánh thức một nhu cầu tâm linh thoát khỏi thế tục và lúc này, giống như một ngẫu nhiên số học, cuộc gặp gỡ tình cờ với người phụ nữ xinh đẹp, xanh xao nọ bỗng trở thành một ám ảnh khôn nguôi trong Khang.
Văn chương là một nguồn chảy ngạc nhiên trong xanh, xuyên qua cái thực thể đơn điệu, nó nhìn thấy cái vô hình đa tạp. Và thế là trong Khang một cuộc săn đuổi đã bắt đầu. Đêm đã biến thành thời khắc nối dài của ban ngày, giấc ngủ không đến như thường lệ, Khang trỗi dậy, bật đèn, như ngày nào còn dạy học ở làng Dao, cùng bạn bè đội cái đèn ló lên đầu, xách khẩu súng đi săn đêm; trong những đêm đen đó, mắt con cầy con cáo ăn đèn loé sáng hai chấm nhỏ xanh lét. Còn lúc này đêm đêm không phải là con thú, mà là một bóng hình còn đang ẩn hiện, nhưng mẫn cảm đã mách bảo, rằng đó là một thực tại, một điểm tựa thực sự cho tinh thần để Khang mê mải kiếm tìm.
- Mời anh xuống ăn sáng ạ.
Trời sáng loá nơi cửa sổ cùng tiếng nói hậu tình của chị Lộc đã đánh thức cơn mê man trong viết lách và suy đoán suốt đêm dài của Khang. Chân bước thận trọng trên mỗi bậc cầu thang, Khang sững lại trước cửa buồng ăn. Vắng lặng, trên cái bàn tròn rộng lớn quen thuộc, chiếc lồng bàn nhựa đọng một khối đỏ tròn cô độc.
- Hôm nay ăn xong anh có đi chơi đâu không?
Cái lồng bàn mở, giữa bàn là đĩa bánh cuốn lớn đầy ụ, bát nước chấm, một khoanh giò. Khang ngước nhìn người nữ cấp dưỡng tận tình vừa cất tiếng hỏi.
- Cám ơn chị Lộc. Hôm nay tôi ở nhà thôi. Chết, sao nhiều bánh và giò thế?
- Anh không thích bánh cuốn trong này à? Nó gần giống bánh cuốn Thanh Trì ngoài đó. Năm ngoái, có ông nhà văn ngoài ấy vào đây ở một tháng liền, ngày nào ông cũng đòi ăn bánh cuốn. Ông ấy dầm cả chiếc bánh vào bát nước chấm, tở nó ra, lật đi lật lại như kiểu ta rũ quần áo, rồi mới nhấc lên đút miệng.
- Tôi cũng thích bánh cuốn trong này chứ. Nhưng sao mà nhiều thế. Chị An đâu?
Cố ghìm nén, bây giờ Khang mới bật lên tiếng hỏi. Và người nữ nhân viên nhà nghỉ, chống tay lên mặt bàn, cố giữ giọng bình thường:
- Chị ấy đi tắm biển sớm lắm. Tắm về đến nhà thì bị ngất. Em vội gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. Khổ, từ ngày ở đơn vị thanh niên xung phong với em, chị ấy bị hơi bom, cũng đã yếu lắm rồi.
Miếng bánh nghẹn ứ ở cổ Khang, ngoài sân là chiếc áo tắm nữ ướt rượt, đen nhánh như một nét phác thảo một ảo hình phụ nữ căng phồng trong gió biển, hật hờ lay động. Không có một mối liên hệ nào giữa An và hình hài người phụ nữ do chiếc áo tắm nọ gợi niềm liên tưởng trong Khang.
*
Không có mối tương liên nào, sự hoà hợp nào, dù là hờ hững hoặc lấy lệ được thiết lập giữa An hiện hữu với cái ảo hình phụ nữ do chiếc áo tắm nọ gợi nên, kể cả chiều ấy, sau một tuần lễ An nằm viện đã phục hồi, Khang ra biển tắm và bắt gặp chị ngồi trên cái mom đá mắt đang hướng ra dẫy đảo chim đen mờ bập bềnh ngoài khơi xa.
An gầy gùa và xanh lướt, đơn độc một dáng hình vọng phu. Nhưng thấy từng con sóng lớn đập vỡ tung toé dưới chân giông đá chị ngồi, Khang bỗng nhận ra, biển không còn là cái lớn lao được phóng chiếu đến vô lượng, biển còn nhỏ bé và ngoan ngoãn nữa.
- Chào chị An.
- Chào anh Khang, anh tắm rồi à?
- Chị có thấy lạnh không? Ở đây gió quá, chênh vênh quá nhỉ?
- Em quen với nguy hiểm rồi. Anh ngồi xuống đây ngắm đảo Chim xem có giống con cá đang bơi không. Anh thông cảm cho em. Vừa mới quen mà đã làm phiền anh.
- Phiền gì mà phiền.
- Cả tuần lễ phải qua lại thăm nom em làm mất bao nhiêu thì giờ của anh. Anh đã viết được nhiều chưa?
Người phụ nữ quay lại. Đôi mắt hai mí thật dịu hiền chớp chớp trên một gương mặt nhỏ nhắn thấp thoáng ánh hồi quang của một câu chuyện dài thật buồn bã.
Chẳng có gì là hoà hợp và không có mối liên hệ nào, dù là mơ hồ giữa cái thân thể mà chiếc áo tắm đen tuyền ôm ấp với cái vóc hình mảnh mai gầy gùa bệnh tật trong cái áo dài lụa bạch lúc này của An cả. Khang nghĩ giữa hư ảnh và hiện thực. Anh nhớ tới ảnh hình một thiếu phụ thanh nhã một vẻ gia giáo và cổ kính như vừa từ một trang sách cổ xưa bước ra. Đã có một lần, sau một buổi tự giới thiệu một tác phẩm của mình mới viết ở thư viện Đà Lạt, một công việc điên rồ của một thời trai trẻ háo danh và lắm điều, một thiếu phụ như thế, nhỏ nhắn trong chiếc áo dài vàng mơ nhẹ như một chiếc bóng từ hàng ghế đầu đã bước tới trước anh, cúi đầu thi lễ và nhỏ nhẹ: Thưa quý anh văn sĩ. Tôi là thứ nữ của Á Nam Trần Tuấn Khải... Ôi, Á Nam Trần Tuấn Khải, thi sĩ tài danh của nước Việt đầu thế kỷ hai mươi này. Giá như An giờ đây nhìn Khang e lệ xưng danh như thế thì Khang hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn tin tưởng, ôi cái bóng hình nhỏ bé, yểu nhược vô cùng của An!
*
Nhưng An không phải là một ái nữ khuê các của một thi nhân thời cận đại. An là một thiếu nữ nông thôn, cách đây ba mươi năm là một đại đội trưởng thanh niên xung phong ở mặt trận cực nam trung bộ này. Dạo đó chị mới hai mươi hai tuổi, mập mạp và đỏ hồng như rất nhiều thôn nữ từ nhỏ đã quen với công việc lao động nơi thôn làng. Có điều khác với bè bạn là chị không biến thành dị hình vì công việc lao động nặng nhọc sớm hôm. Chị thừa hưởng sắc đẹp của một bà mẹ nghệ nhân chèo và một ông bố nghệ sĩ nghiệp dư chơi đàn nguyệt. Chị đẹp và thân hình chị lúc đó còn nhờ chiếc áo tắm thuỷ chung, không biết dối trá, lưu giữ cho đến nay.
Chị năng động, hoạt bát và khỏe mạnh. Chị hát chèo, diễn kịch và đóng cả các vai hề. Các bạn bảo: Con An là một nửa đại đội. Quả thật, chị làm được bao nhiêu việc cho mọi người, cho đơn vị. Kể từ nhiệm vụ đảm bảo thông xe, san lấp hố bom đến việc xin gạo ruốc, lương khô của cánh lái xe và hạch tội những gã trai si tình bạc bội với chị em. Bạn bè chị nói: Mỗi khi cái An ốm, trông nó càng xinh hơn. Lúc ấy cái đẹp sắc sảo ở chị hài hoà với vẻ hiền dịu của một tâm hồn đa cảm mặn mà.
Chị có một cuộc tình lãng mạn với một anh đại đội trưởng vận tải cùng quê. Họ đã yêu nhau từ ngày cùng học ở trường cấp ba huyện nhà ở vùng đất cổ Thái Bình. Chiến tranh, anh ra mặt trận trước chị và họ đã gặp nhau đúng như lời hẹn hò trong thư trao đổi. Đêm ấy là đêm chia tay để ngày mai anh vào chiến trường. Trong khu rừng thưa giãi bóng trăng mờ, tay trong tay, ngực kề ngực, mắt nhìn mắt, đã có lúc xúc cảm dâng lên thành cơn vật vã cận kề với niềm dâng hiến, trao tặng. Ghì chị vào thân một cây gu đay bánh tẻ, anh lần từng chiếc khuy áo của chị, bóc từng lớp áo chị như bóc bẹ măng. Đê mê trong nhục cảm tự nhiên và trong lành, chị để mặc anh vục mặt vào khuôn ngực nhuầy nhuậy mướt mát như bẹ cau non của mình. Nhưng khi hai cánh tay anh tiếp tục cơn mê man ghì riết chị vào thân cây gu đay nọ, làm chị đau nhói ở phần ngực, rồi thình lình ngả chị xuống nền lá khô của cánh rừng và nôn nóng chồm lên tấm thân trần trụi mát mẻ của chị thì chị bỗng như buột ra khỏi tình trạng đồng loã, đột ngột biến tính thành một kẻ đối lập hoàn toàn.
Cuộc vật lộn giằng co kết thúc bằng sự thua cuộc giận dữ và uất hận của anh. Không nói lời chia tay, kẻ thất bại là anh quay ngoắt đi, không một lời từ biệt. Eó le và khủng khiếp quá! Ngay đêm ấy, chiếc xe của anh trúng bom giặc. Lồng lên như con thú dữ bị thương khi nhận được hung tin nọ, đau đớn và điên cuồng chị chạy đến cây gu đay nọ, hai tay bóp chặt thân nó, nghiến răng dồn sức lay vật nó. Chị là cơn lốc rừng, là trận bão biển, là cơn cuồng phong, là trận lôi đình của trời đất, là cuộc nổi loạn của con tim trúng thương, là hung tính huỷ diệt, là niềm uất nghẹn của ái tình bị chặn lối, là nỗi ân hận vò xé ruột gan, là cơn chấn thương hoảng loạn tâm thần. Cây gu đay nghiêng ngả, run lên bần bật vì sợ hãi và lã chã rụng lá, răng rắc gẫy cành. Cây gu đay là thủ phạm! Chính nó khiến chị trong cơn ghì xiết mê man của anh bỗng nhận ra cái đau đớn của thực thể và thế là cơn đê mê ngọt ngào thấm đậm sắc màu nhục cảm đang dâng lên đỉnh điểm bỗng dưng bị ngắt đoạn, tan tành. Trời ơi! Cây gu đay tưởng lành hiền lành mà độc ác! Cây gu đay mắc trọng tội phải bị chị trừng trị. Cây gu đay phá rã hạnh phúc dâng trào của anh và chị phải nhận mức án cao nhất! Khi mọi người đến tìm chị thì cây gu đay đã bật rễ, tơ tướp như một tử thi nằm rạp trên mặt đất. Còn chị thì tóc tai bơ thờ, áo quần tơi tả, thần sắc ngác ngơ; giống như một gốc cây bị lưỡi tầm sét đánh trọng thương. Niềm vui sống, sự yên bình và toàn bộ vẻ đẹp của chị kể từ lúc ấy đã rời khỏi chị ra đi. Trận ốm sau đó vì hơi bom đã góp thêm sức tàn phá, biến đổi chị từ hình hài đến tính nết, chị sống lủi thủi cô đơn như một kẻ có tỳ vết tiềm ẩn, mặc dù từ trong đáy lòng chị em đồng đội, mọi người đều nói chị không sai, đều rất thương yêu và đồng cảm với chị.
Đó là chuyện một đoạn đời của An, Khang được biết qua lời kể của chị Lộc trong ngày cuối cùng theo hạn định của anh ở nhà nghỉ này.
- Chào chị An nhé. Ngày mai tôi phải ra Bắc đây, hết hạn được an dưỡng mất rồi.
Khang nói, chìa tay và ngập ngừng:
- Liệu ta còn gặp nhau được không?
Một tay vò chiếc áo tắm, tay kia như chiếc lá xanh trong suốt của An lọt thỏm vào lòng tay vạm vỡ của Khang. An ngước lên, hai con mắt lớn vời vợi, mệt mỏi:
- Em thì ở ngoài Bắc không còn có ai thân nữa!
Một thoáng rùng mình chạy dọc sống lưng Khang. Lời nói là một khoảng cách nhất định của hành động và chỉ có thể hiểu nó cùng với hành động. Nhưng Khang đã nghe được tiếng nói ở sau những con chữ và âm thanh ấy, anh hiểu rằng cuộc chia tay nếu có sẽ là một nỗi buồn thăm thẳm của chính anh.

Làng Đức Xá quê Vòm, nằm ngay sát con sông Giang Hạ, nước bên đục bên trong do phía thượng nguồn người dân đào vàng,...
Bình luận