Natsume Sōseki - Nhà văn của những đối nghịch

Cùng Mori Ōgai và Ryunosuke Akutagawa; Natsume Sōseki từ lâu được coi như bộ tam trụ của văn chương cận - hiện đại Nhật Bản. Nếu Akutagawa có sự phong phú trong việc sử dụng chất liệu cũng như đề tài, Mori Ōgai nổi bật với các truyện ngắn lịch sử; thì trong hầu hết trong các tác phẩm của Sōseki, người đọc dễ nhận thấy được những đấu tranh tư tưởng buổi giao thời: giữa các đối nghịch Đông - Tây, cũ - mới, tinh thần - vật chất… trong thời kỳ nước Nhật chuyển giao giữa hai chế độ Mạc Phủ và Duy Tân Minh Trị. 

Một nhà văn lớn

Natsume Sōseki tên thật là Natsume Kinnosuke, sinh năm 1867 tại Edo (nay là Tokyo) trong gia đình có dòng dõi samurai đang dần sa sút bởi những chuyển biến của đất nước. Ông sớm bị cho đi làm con nuôi khi mới 2 tuổi. Năm 1900, ông được gửi đến London để du học trong hai năm. Khi về nước, ông tiếp tục dạy học ở trường Đại học Hoàng gia Tokyo. Có thể chính thời gian học tập ở nước ngoài này đã ảnh hưởng lên văn chương của ông, góp phần đặt nền móng cho những cải cách triệt để trong nội dung và phong cách viết.

Ông qua đời năm 1916 do bị thủng dạ dày, khi đó vẫn đang viết dở cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình. Ông có ảnh hưởng lớn đến những nhà văn hiện đại Nhật Bản như Yasunari Kawabata, Yukio Mishima, Junichiro Tanizaki hay cả Haruki Murakami. Xuyên suốt văn nghiệp, ông cho ra đời 14 tiểu thuyết, và mỗi tác phẩm đều gây được tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, ông là nhà văn Nhật quãng đầu thế kỷ XX có số lượng tác phẩm được chuyển ngữ nhiều nhất, từ Tôi là một con mèo, Cậu ấm ngây thơ (sau được đổi tên thành Botchan); cho đến Gối đầu lên cỏ, Ngày 210, Sanshirō, Từ dạo ấy, Nỗi lòng và Cỏ ven đường. Đến nay các tác phẩm của ông vẫn đang tiếp tục được dịch và giới thiệu mới.

Ở quãng đầu sáng tác, văn chương của ông chủ yếu tập trung vào nét châm biếm phóng túng và hài hước ý nhị, mà thể hiện rõ nhất là ở tác phẩm Tôi là một con mèo. Càng về sau, ông càng đi sâu vào việc phân tích tâm lý nhân vật, đi kèm với đó là phơi bày ra những bức bối của bức tranh xã hội toàn cảnh buổi giao thời, mà thể hiện rõ nhất thông qua “bộ ba trưởng thành”, gồm Sanshirō, Từ dạo ấy và Cỏ ven đường. Có thể nói tuy không được đặt để như một chuỗi tác phẩm có chủ ý, thế nhưng sự phát triển của nhân vật, cốt truyện và các vấn đề được đặc tả… đã khiến bộ ba này như đại diện cho hành trình lớn lên của một tri thức điển hình.

Natsume Sōseki - Nhà văn của những đối nghịch - 1

Nhà văn Natsume Sōseki

Hành trình trưởng thành

Theo đó, Sanshirō là tác phẩm kể về chàng trai đương thời 23 tuổi, người vừa tốt nghiệp trung học ở quê nhà và đang trên đường đến Tokyo để tiếp tục sự nghiệp học hành. Ở tác phẩm này, Natsume Sōseki đã dựng nên chân dung của một nhân vật dường như thờ ơ trước mọi thứ. Những chuyển biến xã hội, những tranh cãi - đấu tranh kịch liệt trong môi trường học thuật… dường như đều được cậu ta hấp thụ, nhưng chẳng làm gì cả, như thể bị đánh bật ra khỏi quỹ đạo mà không tồn tại thứ lực ly tâm. Ngay cả với người mình thích, Mineiko - cô gái sống theo tư tưởng hiện đại, Sanshirō cũng bất lực buông xuôi mà không ngỏ lời.

Còn với Từ dạo ấy, đó là câu chuyện về Daisuke, cậu ấm của một gia đình thương nhân giàu có, tuy đã trưởng thành nhưng vẫn “ăn bám” bằng cách xin tiền cha mình. Là tri thức của thời đại mới, Daisuke thích những thú vui tao nhã như đọc sách, say mê hương trà, thích thưởng cây… nhưng lại ơ hờ với những diễn biến thời đại. Anh cho rằng cuộc sống lao động là không đáng sống, anh coi khinh những thứ nằm ngoài học thức, và do đó, anh sống ủ ê trong một cái kén được che đậy kỹ bằng tiền tài và sự bảo bọc quá mức.

Thế nhưng khác với Sanshirō, Daisuke giờ đây bị đẩy tăng tiến thêm một bước nữa, khi đạt đến giới hạn bởi việc sụp đổ những ảo mộng mong manh. Cha anh muốn anh thành lập gia thất, cưới tiểu thư nhà Sagawa danh giá mà anh chưa biết cũng không hề yêu. Và chỉ đến lúc này, ta mới thấy được sự vùng lên của một con người thực sống. Mặc cho luân thường đạo lý và những biên giới ngày càng thu hẹp, anh đấu tranh để sống với Michiyo - người anh từng thích, và vì lãnh đạm đã tác thành cho Hiraoka, bạn thân của mình từ trong quá khứ - để sau này họ đứt gánh vì không thực sự yêu thương nhau.

Khép lại cuốn sách, Daisuke được tả như sự bùng nổ của một ân điển, khi chàng ta rời nhà để đi tìm việc, nhưng cùng với đó là cơn đau đớn tinh thần cũng kịp nổi lên, nhằm ám chỉ hoặc lao động, hoặc tri thức; hai ngã hướng ấy chưa khi nào tiến cùng đến một mục tiêu. Nhưng rõ ràng Daisuke đã chứng minh mình, không còn như Sanshirō với Mineiko, mặc cho biết rõ cô là một con người mới, bằng lòng sống cuộc đời mới bất chấp ngày sau. Cuốn sách khép lại ngay lúc cả hai bằng lòng, và Cỏ ven đường tiếp tục như cú chốt hạ cho đời sống hôn nhân mà rất có thể giờ đây sẽ phá tan đi bản chất học thuật của người tri thức.

Cỏ ven đường tập trung viết về Kenzō, một tri thức trẻ vừa mới trở về từ Nhật Bản sau khi tu nghiệp tại London, và phải trải qua những biến động trong cuộc sống hôn nhân cũng như các mối quan hệ gia đình. Mệt mỏi với vợ và những người con khi anh bất giác cảm thấy trách nhiệm và sự vô tâm dưới tư cách một người chồng, một trí thức; nhưng hơn hết, đó là mối quan hệ với cha mẹ nuôi, người giờ đây quay lại đòi những lợi ích khi anh ăn học thành tài, như loài ký sinh bám lên vật chủ, dù trong quá khứ họ chẳng yêu thương gì anh.

Có thể thấy đến lúc này, Cỏ ven đường đã mở rộng sang một hướng khác, đó là đời sống thời hậu hôn nhân và các mối quan hệ kim tiền. Là một tri thức kiếm tiền bằng nghề viết không hề dư dả, giờ đây anh bị kẹp chặt vào thế gọng kìm, giữa một bên là việc nuôi lấy vợ con, và phía bên kia là tình nghĩa dây dưa khó mà tuyệt giao. Từ Sanshirō, Daisuke cho đến Kenzō; rõ ràng ta thấy một bước tiến lên của những vấn đề ở mỗi lứa tuổi; và theo cùng đó là sự đụng chạm giữa thế giới quan cá nhân và các mối quan hệ xã hội kéo theo trách nhiệm, cũng như tư tưởng Đông - Tây và các rường cột đạo đức tồn tại ngàn đời.

Nói về các nhân vật này, Haruki Murakami - nhà văn Nhật Bản hiện có danh tiếng lớn trên thế giới, cho rằng: “Họ đấu tranh nghiêm túc để tìm được vị trí của mình giữa những nhu cầu cạnh tranh của thời tiền hiện đại và hiện đại, giữa tình yêu và đạo đức, giữa phương Tây và Nhật Bản. Họ dường như không có thời gian nhìn lên bầu trời. Thay vào đó, các nhân vật xuất hiện trong các tiểu thuyết đều có vẻ như đang nhìn xuống đất khi họ bước đi. Đặc biệt, là trong những cuốn tiểu thuyết cuối đời, các nhân vật dường như cũng khiến người đọc có những cơn nhộn nhạo nghiêm trọng trong dạ dày mà Sōseki cũng có (tuy nhiên, kỳ lạ thay, ngòi bút của Sōseki không bao giờ đánh mất đi chất hài hước tự nhiên của nó)”.(1)

Natsume Sōseki - Nhà văn của những đối nghịch - 2

Nỗi lòng - Một trong những tác phẩm của Natsume Sōseki được chuyển ngữ sang tiếng Việt

Những cuộc đối đầu

Là một nhà văn sống trong thời buổi giao thời, cũng như được đào tạo ở phương Tây; nên việc từ bỏ hay giữ gìn những giá trị truyền thống luôn luôn hiện diện trong các tác phẩm của ông. Dễ thấy rằng ông không phải là người áp đặt tư duy của mình lên trên tác phẩm, mà việc xây dựng những nhân vật song song như các phản ảnh đã trở thành tấm gương phản chiếu, phần nào giúp người đọc thấy đường hướng nào và lựa chọn nào đúng đắn hơn. Không riêng trong mỗi tác phẩm mà trong chuỗi bộ ba tác phẩm kể trên, tuy thấy được sự khác biệt trong quá trình phát triển nhân vật, nhưng đâu đó họ vẫn đứng chung một bầu không khí, đó là bức tranh chung của những tri thức đương thời. Để ở mỗi thời điểm và mỗi khoảnh khắc, những lựa chọn khác nhau có thể dẫn đến kết quả khác nhau.

Sanshirō là tác phẩm thể hiện rõ nhất bức tranh xã hội đầy những hỗn loạn. Cũng như thiên hướng tiểu thuyết giáo dục của Gustave Flaubert, Sōseki tạo ra nhân vật Yojiro - một người bạn thân của Sanshirō, để đặt lên bàn cân những điểm khác nhau của cả hai người. Ngoài ra ở một tầng khác, nhân vật người anh họ Nonomiya và giáo sư luống tuổi Hiruta cũng được sử dụng với cùng mục đích như thế. Như đã nói trên, nếu Sanshirō như bị dứt khỏi vùng từ trường là những đổi mới của xã hội vận động, thì Yorijo hoàn toàn ngược lại - là người năng động, sáng dạ, và luôn khát khao thay đổi một điều gì đó hẳn đang diễn ra.

Chủ trương đấu tranh cho những nhà giáo Nhật Bản đã được đào tạo “bước ra bóng tối” để dạy văn học Anh, mà trước đó là đặc quyền của người phương Tây, Yojiro bằng đủ mọi cách để đưa giáo sư Hirota ra vùng ánh sáng, mặc cho trái với những ý muốn của ông. Là người khư khư giữ giá trị cũ, ông là mô típ nhân vật mà Sōseki cho thấy sẽ bị bỏ lại phía sau, với những tư tưởng lỗi thời của đời sống cũ. Cũng như ông bố dòng họ Nagai của Daisuke trong Từ dạo ấy, tuyến nhân vật này vẫn còn gắn chặt với sự phục vụ Thiên Hoàng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ xã hội. Họ tôn vinh trách nhiệm tập thể và coi chủ nghĩa cá nhân là con sâu đục khoét. Họ coi khinh tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà như giáo sư Hirota mỉa mai thí nghiệm vật lý của Nonomiya, là “chủ nghĩa lãng mạn” vì thiếu thực tế và không thể thấy được bằng mắt thường.

Giữa hai bến bờ, mượn lời nhân vật, Sōseki đã viết thế này: “Chúng ta, những người trẻ tuổi không thể chịu đựng sự áp bức của một nước Nhật kiểu cũ. Đồng thời, chúng ta đang sống trong bối cảnh phải buộc tuyên bố với thế giới rằng thanh niên chúng ta cũng sẽ không chịu đựng sự áp bức của một phương Tây xa xôi nào đó. Cũng giống như sự áp bức của một nước Nhật kiểu cũ, sự áp bức của một phương Tây trong cái lĩnh vực xã hội lẫn văn học nghệ thuật, đối với những thanh niên thời đại mới chúng ta là nỗi đau thấu tâm can”.

Và đó không chỉ là những đấu tranh xã hội, ngay trong nội bộ gia đình những xung đột ấy vẫn luôn tồn tại. Trong Từ dạo ấy, người bố của Daisuke là một minh chứng, khi ông vẫn giữ nguyên ý nghĩ đàn ông không đi tham chiến là không gan dạ, không có chiến tranh là không trưởng thành. Do đó ông luôn đặt con trai mình dưới những áp lực mà tự ông nghĩ nó đúng, và khi Daisuke không chấp thuận như người anh trai, thì ngay lập tức những tranh cãi xảy ra, dẫn đến cuối cùng là việc từ mặt nhau trong những kỳ vọng không thể đạt được. Là một đứa con chỉ là đồng thau thay cho ước muốn dát vàng, Daisuke hiểu được điều đó và coi như một tôn chỉ, do đó đời sống của anh có phần xa lánh và ngại động chạm, nhưng cuối cùng vẫn phải bước ra khỏi vỏ an toàn, nhằm để cứu vớt lại hạnh phúc đời mình.

Sản sinh những con người mới

Chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân là những “tù nhân” mà thời đại đó không cho vượt thoát. Ở Từ dạo ấy, hôn nhân đến tuổi trưởng thành vẫn bị định đoạt, trong khi ở Sanshirō, vị giáo sư Hirota gọi ai sống cho riêng mình là dạng “tiểu nhân”, là “ngụy quân tử” và là nguồn cơn khiến cho Nhật Bản trên đà sụp đổ. Thế nhưng trong những nhánh rẽ, dễ thấy nếu các nhân vật nam được Sōseki khắc họa như là những người dửng dưng, thờ ơ và còn chênh vênh giữa hai bờ bến, thì các nhân vật nữ lại rất thức thời, mà có đôi lần ông ví nhân vật của mình như nàng Nora của kịch Ibsen, từ chối vào nhà búp bê.

Sōseki viết rằng: “Phụ nữ thời nay nói chung tất cả đều giống nhau. Và không chỉ có phụ nữ, bất kỳ người đàn ông nào đã hít thở bầu không khí mới đều có đôi nét na ná nhân vật của Ibsen. Chỉ có điều cả đàn ông và phụ nữ đều không hành động theo ý mình. Tuy nhiên, trong lòng họ thường có nhiều khúc mắc, nếu không có khúc mắc có nghĩa là cậu đang tự lừa dối mình. Dù là xã hội nào đi nữa cũng tồn tại những khiếm khuyết, không thể không. Mọi sinh vật trong xã hội đều cảm thấy không hài lòng về một điều gì đó. Chẳng chóng thì chầy sẽ đến lượt chúng ta thấu cảm điều tương tự”.

Ở Sanshirō, Sōseki đã tạo ra một cụm rất hay để gọi những người đang sống trong bầu không khí của xã hội mới, đó là “stray sheep” hay “những con cừu đi lạc” - những người không chịu oằn mình khỏi đời sống cũ, chịu bức ép và cưỡng ép dưới của sức mạnh vô hình. Đó là Mineiko, người luôn chủ động làm hết mọi thứ - từ giúp đỡ người mình yêu cho đến tạo cơ hội cho chàng trai có phần nhút nhát như Sanshirō chủ động tiến tới với mình. Nhưng rõ ràng rằng, sự đổi mới này vẫn không triệt để. Tuy Mineiko chủ trương tạo mọi tình huống, nhưng quan trọng nhất là việc tỏ bày tình cảm một cách rõ ràng thì cô vẫn chưa làm được, từ đó làm nên cái kết vô cùng đáng tiếc cho một cuộc tình có thể đẹp đẽ như là trăng rằm.

Cũng tương tự thế với Michiyo, khi với cương vị là một phụ nữ có chồng, cô vẫn đồng ý bỏ đi cùng Daisuke vì hiểu rõ tình hình của mình cũng như tấm lòng của anh. Nhưng từ đầu đến cuối, chỉ cô ưng thuận trong những thời khắc ở riêng với anh, còn về phía cô, hầu như không dám bức ra để làm điều gì thoát khỏi lệ thường, mà cụ thể nhất là không dám để người giúp việc thấy Daisuke đi đến thăm mình. Cô hiểu bản thân, chấp nhận ra khỏi chiếc lồng; nhưng vẫn thiếu sức mạnh, sức bật để tự bật mình ra khỏi góc rễ ám suốt nhiều năm.

Như vậy có thể thấy rằng Natsume Sōseki hoàn toàn trung thực với bầu không khí vào thời gian ấy. Ông không bám theo “chủ nghĩa anh hùng” để cứu các nhân vật của mình ra khỏi cơn bão tư tưởng, mà thay vào đó, ông quan sát và ghi nhận chúng vào buổi đầu, vào thời quá độ của những thử nghiệm và chạm ngỏ đầu tiên khi con người vượt khỏi đường biên, để sống một cuộc đời mới và trải nghiệm mới. 

Lẩn khuất sâu trong những tác phẩm của mình, Natsume Sōseki cũng thông qua đó để miêu tả một nước Nhật mới, với những cải tiến và tình trạng xấu xí mà nó tạo ra. Đó là một Tokyo nhộn nhịp với những chuyến tàu tăng vô tội vạ, là mật độ giao thông dày đặc đến độ khó mà vẽ ra được một bức tranh thư thái. Con người trong bối cảnh đó thì thờ ơ, chỉ giữ khư khư thế giới riêng mình và thiếu sẻ chia; đến độ khi nhìn thấy một đứa bé lạc mẹ, người đàn ông ăn xin hay cả là người phụ nữ chuẩn bị quyên sinh; trong họ vẫn không mảy may suy nghĩ về một sinh mạng sắp tắt hay một cõi đời quá nhiều khổ sở. Đó là thời khắc của sự vô thừa nhận và thờ ơ, của tính nhân văn đã chết và con người giờ đây biến thành những cỗ máy riêng biệt.

*

Có thể thấy rằng xuyên suốt các cuốn sách trên, ta đều có thể thấy được phần nào bóng dáng của Sōseki ở đó, và có thể gọi là những mảnh ghép bán tự truyện của ông, khi dùng chính mình để đặc tả nên bầu không khí về những con người thời ấy. Nếu Sanshirō có chi tiết anh chàng từ đảo Shikoku đến Tokyo để học phần nào trùng khớp với cuộc đời ông, thì Kenzō hoàn toàn là Sōseki phiên bản tiểu thuyết, khi cũng là người về lại quê hương sau khi tu nghiệp ở Anh, và cũng bị vướng vào trận tranh chấp tiền bạc giữa mình và bố mẹ nuôi, khi ông cũng được cho đi từ lúc 2 tuổi.

Học trò của ông, nhà văn Akutagawa từng nói rằng: “Muốn diễn tả thực nghệ thuật một đề tài nào đó thì có thể phải tạo ra một sự việc thực khác thường, nhưng những điều khác thường lại khó xảy ra trong cuộc sống thực, sẽ có vẻ như bịa đặt, không được tự nhiên”. Do đó, một phần quan trọng trong nhãn quan của Natsume Sōseki là ông đã diễn tả một cách vô cùng chân thật nội tâm của những tri thức thời hậu Mạc Phủ điển hình, mà mình cũng là một trong số đó. Bằng chính những gì mình đã trải qua, một bức tranh toàn cảnh về xã hội Nhật Bản đã hiện ra, để đi sâu vào trong thế giới tinh thần của người thời đó trở thành những lần lướt trên ngọn triều đối nghịch.

Bằng việc nhập mình vào trong nhân vật; với cách viết có phần điềm tĩnh cũng như vận dụng hài hòa từ ngữ đặc trưng; di sản mà Natsume Sōseki để lại đã khắc họa rõ những gì mà người tri thức thời ấy đã phải trải qua, để thông qua đó, những biến động, đối đầu được khắc họa một cách sáng rõ và rất chi tiết. Có thể nói, cho đến ngày nay, những ảnh hưởng mà ông để lại cho hậu thế vẫn còn có sức lan tỏa, và không hề ngoa khi cho rằng ông là một trong những nhà văn Nhật Bản lớn nhất và nhiều ảnh hưởng nhất.

(1) Lời giới thiệu của Haruki Murakami cho bản dịch tiếng Anh tác phẩm Sanshirō.

Đoàn Tuấn Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá vàng tăng kỷ lục, sẽ diễn biến ra sao thời gian tới?

Giá vàng tăng kỷ lục, sẽ diễn biến ra sao thời gian tới?

Giá vàng vừa ghi nhận mức tăng kỷ lục trong tuần qua, đạt gần 6% chỉ trong vài ngày, khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu leo thang. Những động thái từ Nga, Ukraine và các cường quốc phương Tây đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột quy mô lớn.

Bitcoin bùng nổ, lên ngưỡng lịch sử, tăng tiếp hay dừng lại?

Bitcoin bùng nổ, lên ngưỡng lịch sử, tăng tiếp hay dừng lại?

Giá Bitcoin đang ở ngưỡng lịch sử, chạm mức gần 100.000 USD, với kỳ vọng sẽ vượt xa trong những ngày tới. Sự bùng nổ này đến từ các yếu tố chính trị, kinh tế và tâm lý FOMO của nhà đầu tư, nhưng liệu đây có phải là đỉnh cao hay chỉ là bước đệm cho những mốc kỷ lục mới?