Nhà văn Nguyên Hồng: “Người của đất, thật là người của đất”

Khi nhà văn say mê đưa xuống ngòi bút, những điều mình ấp ủ, không hề biết đến xung quanh nữa, miễn là có mực, có bút và chỗ kê được trang giấy lên. Nỗi lo suốt đời của Nguyên Hồng là những tập bản thảo. Hầu như các thú vui, cả những khó nhọc, khi có tiền cũng như xưa kia đói rách, miếng cơm manh áo, tâm hồn và tất cả chỉ tận tụy gắn bó với những công việc sáng tác, thu nạp những kiến thức cuộc sống và vắt óc ra trang giấy chứ đâu phải chuyện chơi.

Nhà văn Nguyên Hồng: “Người của đất, thật là người của đất” - 1

Nhà văn Nguyên Hồng.

Kỷ niệm nhỏ với nhà văn lớn

Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, báo Văn Nghệ cử người lên thăm và đặt bác Nguyên Hồng viết bài cho số Tết. Xa Hà Nội, xa Hội Nhà văn, xa báo Văn Nghệ đã lâu, nay được gặp lại người thân ngay trên quê mới của mình, quả thực Nguyên Hồng mừng lắm. Bác sai con cháu mổ lợn tiếp khách quý, sai các cháu đun nước pha trà tiếp khách. Không khí gia đình vui như ngày hội. Cơm nước xong, bác Nguyên Hồng nói với nhà thơ Phạm Đình Ân:

- Rất tiếc hôm nay Hoàng Kim Đáng không lên, tôi nhờ Ân nói với Hoàng Kim Đáng rằng: Nguyên Hồng đã đọc bài viết của Đáng chụp ảnh nhà thơ Tú Mỡ in trên báo Văn Nghệ rồi. Tòa soạn phải “ban thưởng” cho nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng gấp hai lần nhuận bút đấy!

Tôi viết về nhà thơ Tú Mỡ khi ông có một chùm thơ in báo Văn Nghệ mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, mừng đất nước đã hòa bình thống nhất trên toàn cõi Việt Nam. Tôi thông báo cho nhà thơ biết: Nhân dân miền Nam, bạn đọc miền Nam rất vui vì đất nước hoàn toàn giải phóng, họ rất mừng vì đã lâu, mới lại được đọc thơ Tú Mỡ. Một tuần sau, khi chụp xong tôi mang ảnh đến tận nhà để bác Tú xem và đề nghị bác cho ý kiến về 7 tấm ảnh tôi đã chụp.

Xem xong, bác Tú lại cười và “phán” rằng: “Bốn tấm này là rất Tú Mỡ! Ba tấm này chưa phải. Hai tấm này “tông” ảnh hơi non một chút. Tấm này hơi già một chút. Những tấm còn lại tông ảnh và màu sắc khá chuẩn. Tú Mỡ nói điều này với chú Đáng là “múa rìu qua mắt thợ”. Trong nhiếp ảnh, thể loại chân dung là hóc búa nhất. Có người chỉ cần một tấm là có thể “gói ghém” cả một đời, nhưng cũng có người phải nhiều chân dung khác nhau mới “nói” được đầy đủ về họ.

Khó khăn lắm! Có khi nhà nhiếp ảnh xách máy chầu chực cả ngày mà không bấm được “pô” nào. Có khi tính cách đối tượng “bật” ra mà mình không kịp “bắt” vào máy. Vậy cho nên, nhà nhiếp ảnh đồng thời phải biết đôi chút công việc của nghề đạo diễn để “móc” nội tâm nhân vật ra thành đường, thành nét trên khuôn mặt nữa”. Thú thật, tôi không ngờ bác Tú lại là người “sành” ảnh đến như vậy.

Tôi xin trở lại với những kỷ niệm nhỏ về nhà văn Nguyên Hồng qua lời kể của nhà văn Lê Lựu (là học trò yêu của cụ) và nhà văn Đặng Ái cùng những tư liệu tôi hiện có trước khi “tạo” ra tình huống để giữ lại những bức chân dung đúng với tính cách, nội tâm và ngoại hình của nhân vật.

Nhà văn Nguyên Hồng sinh ngày 5/11/1918, bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tay vào tuổi 17 và tiểu thuyết “Bỉ vỏ” -– tác phẩm đầu tay ấy được xuất bản năm 1938, khi nhà văn tròn 20 tuổi. Nghĩ đến bản thân tôi vào tuổi ấy còn ngô nghê ngốc nghếch lắm cho nên đến tận bây giờ đã vượt qua cái ngưỡng “xưa nay hiếm” lại càng bái phục cụ Nguyên Hồng phát lộ tài năng quá sớm, đáng được tôn vinh bằng tám chữ: “Thiên tài văn học bẩm sinh đích thực”.

Cụ Nguyên Hồng quê quán ở Thành Nam, là một trong những hội viên sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Nhà văn Nguyên Hồng hoạt động cách mạng rất sớm (từ 1937 -– 1939) trong phong trào Mặt trận dân chủ ở Hải Phòng. Do được sống trong lòng dân cần lao, hoạt động cách mạng ngay trong lòng thành phố Cảng Hải Phòng, cộng với năng khiếu văn học nghệ thuật bẩm sinh nên mới có được tiểu thuyết đầu tay “Bỉ vỏ” sống mãi với thời gian như vậy.

Vừa hoạt động cách mạng, vừa bị vào tù ra tội ở nhà tù của thực dân Pháp nhưng những sáng tác văn học cứ ùn ùn ra đời đều đặn cho đến những ngày cuối đời. Sau “Bỉ vỏ” là “Bảy Hựu”, “Những ngày thơ ấu”. Năm 1943 Nguyên Hồng có tới 4 đầu sách ra đời ở tuổi 25: “Quán Nải”; “Đàn chim non”; “Hơi thở tàn” và “Hai dòng sữa!” Cho đến sau này, tuổi ngày càng cao thì “gừng” lại “càng ngày càng cay” khi cụ về Bắc Giang “nằm vùng” để viết bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế”.

Nhà thơ Tú Mỡ khi còn sống đã nói trúng ý định của tôi: Chụp nhà văn Nguyên Hồng cần thể hiện ở 4 bức chân dung như sau:

1. Nhà văn Nguyên Hồng cười ngất (dù chỉ có một niềm vui nhỏ)

2. Nhà văn Nguyên Hồng khóc (nước mắt lã chã khi có tin buồn)

3. Nhà văn Nguyên Hồng ngồi trên chiếc thuyền nan khi qua sông, tay cầm chiếc quạt giấy cỡ đại đang phe phẩy quạt. Hậu cảnh là bến cảng Hải Phòng với một rừng cần cẩu đang hoạt động.

4. Nhà văn Nguyên Hồng trong đại bản doanh của Hoàng Hoa Thám trên núi rừng Yên Thế khi râu tóc đã bạc phơ.

Tìm ra được tình huống để hình thành “kịch bản” kể cũng lắm công phu nhưng thực hiện cho được kịch bản ấy là cả một quá trình không dễ, bởi còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Khoảng tháng 4/1981, cụ Nguyên Hồng xuống Hà Nội và đến thăm báo Văn Nghệ. Trong khi Ban biên tập đang chuẩn bị tiếp nhà văn ở tầng hai trên căn nhà số 17 Trần Quốc Toản, nhà văn Nguyên Hồng ngồi chờ tạm ở phòng tiếp khách tầng một. Tôi vội lẻn vào phòng khách khi máy ảnh đã lên phim sẵn và đon đả: “Xin kính chào nhà văn vĩ đại Nguyên Hồng” và tôi lại tiếp luôn: “Cái thời bác viết “Bỉ vỏ” chắc cũng được yêu nhiều cô gái lắm nhỉ?”

Nhà văn Nguyên Hồng cười rung râu và lắc đầu, trả lời theo thứ tự:

1. Trước hết mình không dám nhận là “nhà văn vĩ đại -– nhà văn đuôi to” như bạn đã phong tặng!

2. Còn ở cái tuổi 16 -– 17 thời ấy, thanh niên như mình còn nhát gái lắm. Chỉ có mê gái thì đúng hơn. Nói xong, cụ vuốt râu và nâng chén trà lên miệng thưởng thức.

Vừa lúc đó Ban biên tập xuống mời cụ lên tiếp ở tầng hai với tư cách vừa là “thượng khách”’ vừa là người nhà vì đã có thời gian cụ ở trong Ban phụ trách của báoTuần báo Văn Nghệ.

Quả thực tôi cũng không ngờ đấy lại là tấm ảnh cuối cùng trước khi cụ ra đi ở tuổi 64! Vì sau đó một năm cụ đã tạ thế vào ngày 2/5/1982, cách đây hơn 31 năm.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nền nghệ thuật Việt Nam mất đi một tài năng văn học lớn khi đang ở độ tuổi “Mùa hái quả” như văn hào Vônte đã viết. Còn tôi, tôi mới chỉ có được một bức chân dung Nguyên Hồng ở dạng ghi chép mà thôi. Với tấm lòng thành kính nhà văn, tôi xin kính tặng Hội thảo 95 bức chân dung nhà văn Nguyên Hồng nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà văn và xin kính tặng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng và gia đình nhà văn bức chân dung nhà văn Nguyên Hồng.

Nhà văn Nguyên Hồng: “Người của đất, thật là người của đất” - 2

Nhà văn Nguyên Hồng qua chuyện kể của nhà văn Tô Hoài

Bài này tôi viết từ sau khi cụ Nguyên Hồng mất nhưng mãi đến cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cụ (5/11/1938 -– 5/11/2013) được tổ chức tại Hải Phòng rồi mới đưa in trên Tạp chí “Cửa Biển” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuậtHVHNT Hải Phòng số 141 ra tháng 12 năm 2013.

Năm 1988 tôi có đưa cho nhà văn Tô Hoài xem bài này. Nhân một hôm nhận bài cho số Người Hà Nội xong ông tặng tôi tập sách “Những gương mặt” (chân dung văn học) và kể cho tôi những mẩu chuyện kỷ niệm với Nguyên Hồng.

Những ai đã đọc gia tài văn học đồ sộ của Nguyên Hồng mà chưa biết một Nguyên Hồng ngoài đời hẳn nghĩ ông hình hài tầm cỡ như văn hào Vích tô-Huy gô hay ít ra cũng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông hay Nguyễn Đình Thi chẳng hạn. Những hình dung tưởng tượng như vậy đều sai hết. Đừng ai đợi như thế ở Nguyên Hồng.

Phải là một ông già nông dân nghèo khổ, bên cạnh là chiếc ba lô con cóc trên lưng, trong cái cặp đúp (cặp hai ngăn) bằng da bò cũ, nâu xỉn được giữ gìn từ ngày trước cách mạng vẫn được tha đi bất cứ đâu. Nguyên Hồng xếp hàng chồng bản thảo, lại còn lỉnh kỉnh những hộp thuốc tiêm, kim tiêm, nhiều thứ thuốc tiêm, thuốc uống. Ai nhờ tiêm Nguyên Hồng tiêm ngay. Lại còn hỏi bệnh, đoán bệnh, xem mạch và bảo người ta phải để mình tiêm mới yên tâm.

Nhà văn Nguyên Hồng: “Người của đất, thật là người của đất” - 3

Nhà văn Nguyên Hồng (ngoài cùng bìa trái) tại đám cưới con gái Nguyễn Thị Thanh Thư năm 1979. Ảnh: Tư liệu

Lần ấy, trong kháng chiến chống Pháp, ở một hàng cơm dọc đường, quãng Ba Giăng gần Đại Từ, đường đi thị xã Thái Nguyên lên Việt Bắc. Sáng ra, theo thói quen của các “phố” kháng chiến, vách nứa, mái nứa lợp ghép dựa nhau, lèo tèo, vừa bảnh mắt, nhà nào cũng dọn đồ đạc để ra bụi cây, bờ rào và khách trọ thì sắm nắm đi cho sớm để tránh máy bay oanh tạc. Thế mà trong góc cái giường giát nứa lạch cạch ở gian trong vẫn còn một khách trọ nằm co quắp, run rẩy, rên rỉ. Khốn khổ, người đi đường ấy đương lên cơn sốt rét.

Một người khách khác cũng nghỉ đêm ở nhà hàng đương soạn ba lô, sắp bước ra cửa. Bỗng ngừng tay, nhìn sang giường có tiếng rên trong bóng tối âm xâm.

- Anh làm sao thế? Sốt ngã nước à?

- Hừ…hừ…

- Tiêm nhé! “Ki-mô-phoóc” nhé mạnh đấy, nNhưng mà dậy đi được ngay.

Người khách sốt sắng nọ hối nhà hàng lấy nồi đun nước luộc kim. Rồi trèo vào chỗ người ốm nằm tiêm luôn.

Cái người tốt bụng ấy chính là nhà văn Nguyên Hồng. Nhà văn Nguyên Hồng chen vai giữa mọi người, như mọi người. Nét mặt lúc nào cũng đăm đăm, không phải khó đăm đăm đâu mà đăm đăm chăm chú, dường như ít khi rỗi rãi, cả lúc đi đường.

Có lần, mình cùng Nguyên Hồng nhìn từ cửa sổ xuống đường Hàng Bài. Bỗng chốc nhà thơ Thế Lữ đội mũ phớt, lững thững qua dưới cửa sổ. Nguyên Hồng gọi to: Thế Lữ, Thế Lữ! Rồi chạy xăm xăm xâm xâm ngay xuống, tay bắt mặt mừng chào anh Thế Lữ, vồ vập như lâu lắm mới gặp.

- Tôi nhớ suốt đời “Tiếng sáo Thiên Thai”. Trong khi người đi trên hè phố và cả trẻ con dần dần xúm quanh lại hai người. Nguyên Hồng là thế!

Ở Nhã Nam, nơi tản cư khi kháng chiến, trên một quả đồi cạnh chân rừng vùng Yên Thế. Nguyên Hồng ở cùng với các gia đình nhà văn Ngô Tất Tố, Kim Lân, họa sĩ Trần Văn Cẩn… Đến khi hòa bình, mọi người về xuôi, một mình nhà văn Nguyên Hồng ở lại. Đây là nơi làm viêc và cung cách làm việc của nhà văn. Nhà tranh vách đất, cạnh căn bếp trống hốc. Đứng ngoài giọt gianh trông xuống chân đồi, thấy mặt ruộng liền vào đến viền rừng xanh sẫm.

Nguyên Hồng thường ngồi yên hàng giờ, lơ đãng nhìn thăm thẳm. Bàn làm việc là chiếc chõng tre, chập tối lại bê ra đầu hè, nhà văn và các con nhỏ nằm chơi xem sao trên trời, tìm con vịt bơi trên sông Ngân Hà.

Mảnh chiếu trải xuống mặt đất thay ghế ngồi. Lúc nào mỏi, ngả lưng luôn xuống chiếu. Mảnh ván gỗ che mặt chõng lồng chồng những trang giấy học trò có kẻ xanh. Và lọ mực tím, cái bút quản gỗ. Thứ giấy ấy, mực ấy có lẽ Nguyên Hông đã dùng quen từ thời xa xưa “Những ngày thơ ấu” đến bây giờ.

Nguyên Hồng cứ thế ngoẹo người, trễ kính, hí hoáy viết một thôi một hồi. Đôi lúc đứng dậy, ra cái sân đất trước mặt, khua khoắng chân tay mấy động tác thể dục. Có khi lấy cái thùng xăm xăm xuống bờ giếng đất dưới chân đồi, xách lên mấy thùng nước giúp chị ấy chốc nữa thổi cơm.

Ở Hà Nội từ trước năm 1945 cũng vậy. Hai vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng thuê nhà ở dưới bãi Phúc Xá. Ở Hà Nội mà chui rúc ngoài bãi chỉ có những người nghèo. Nhà rách, vách đất, gian buồng có mành cửa, kê vừa một cái giường với hòm xiểng, nồi niêu và cái hỏa lò, mấy bó củi nhét cả dưới gầm giường. Đến bữa chị ấy lại lôi các thứ ra nhóm bếp. Nguyên Hồng ngồi trên giường, ngồi xếp bằng tròn hai đầu gối vênh lên viết, viết và viết…

Khi nhà văn say mê đưa xuống ngòi bút, những điều mình ấp ủ, không hề biết đến xung quanh nữa, miễn là có mực, có bút và chỗ kê được trang giấy lên. Nỗi lo suốt đời của Nguyên Hồng là những tập bản thảo. Hầu như các thú vui, cả những khó nhọc, khi có tiền cũng như xưa kia đói rách, miếng cơm manh áo, tâm hồn và tất cả chỉ tận tụy gắn bó với những công việc sáng tác, thu nạp những kiến thức cuộc sống và vắt óc ra trang giấy chứ đâu phải chuyện chơi.

Gặp mình, Nguyên Hồng thường kể cách thức đi đường từ Nhã Nam xuống, từ Hà Nội lên bằng cái xe đạp con con của thiếu nhi Liên Xô không phanh, màu xanh rợ, thỉnh thoảng Nhã Nam – Hà Nội thồ nào lạc, nào rượu ngâm vỏ quýt, tất nhiên vẫn có mang theo tập bản thảo trong cặp. Nguyên Hồng kỹ tính, cẩn thận “Cặp bất ni thân” cẩn thận đến mức đi đâu cũng phải mang theo, nào sợ lạc, sợ mất. Có khi quá lo lắng về bản thảo còn hay tưởng ra những tình huống oái ăm bi đát có thể xảy ra: để ở đấy ngộ nhỡ nhà bị cháy thì sao! Thôi chịu khó đem theo, dù có nặng nhưng mà yên tâm. Khi từ Hà Nội đi Nhã Nam, vẫn bằng chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô ấy ghé vào cửa hàng quốc tế phố Hàng Trống mua đôi chiếu. Xách ra, buộc dọc vào khung xe, lại lạch cạch thồ lên Nhã Nam. Lúc đạp, lúc dắt, vẫn thế! Với cách ăn mặc dù quần lành áo tốt hay áo quần lôi thôi, đều chỉ như vậy.

Năm Nguyên Hồng sinh nhật tròn 60 tuổi, mình và Nguyễn Tuân gặp Nguyên Hồng ở Khách sạn Bắc Kinh, trong trung tâm Mát-xcơ-va, cùng nhau chén một bữa linh đình, mời cả các bạn nhà văn Liên Xô. Nguyên Hồng với đôi giày mới chững chạc, thắt cà vạt cẩn thận. Nhưng làm sao mà vẫn thấy trong cái bề ngoài tươm tất ấy, con người vẫn tất bật, luộm thuộm như khi đi chợ Bắc Qua – Hà Nội hay trên đường lỉnh kỉnh đi Nhã Nam vậy.

Nhà văn cộng sản Pháp P.A-bra-ham (1892 - 1974), Chủ nhiệm Tạp chí Châu Âu đến Hà Nội tiếp Nguyên Hồng ở khách sạn Thống Nhất. P.A-bra-ham đã viết trong ký sự thăm Việt Nam về buổi gặp đó trên Tạp chí Châu Âu: “…Như từ bờ sông Hồng gió cuốn đến đây, nhà văn lớn này là người của đất, thật là người của đất”.

Lại chuyện cùng Nguyên Hồng uống bia hơi nữa. Mình và Nguyên Hồng thường uống bia tại nhà đại lý bia hơi gần phố Huế. Những năm ấy, các quán bia chưa có cốc vại. Bọn mình thân với nhà hàng. Mỗi lần xe bia về, người xích lô đẩy từng thùng bia xuống đường. Cứ tự nhiên, Nguyên Hồng ra ghé vai vác thùng bia vào. Bà nhà hàng béo phục phịch, cũng cứ tự nhiên đứng nhìn, không cười cũng không cảm ơn ông khách hàng tốt bụng. Hùng hục vác cả 4 thùng lại còn cẩn thận kê một thùng lên bậc cửa, đặt vào chỗ cho bà ấy mở chốt rót cốc bia đầu tiên.

Chẳng bao lâu, mỗi lần xe bia đến, thấy Nguyên Hồng, người xích lô quen mặt lại gọi to vào:

- Ông khách ra đỡ hộ một tay nào!

Thế là Nguyên Hồng và mình lại ra khiêng thùng bia tận xe. Người xích lô khỏi phải đạp thùng lăn xuống hè. Sau đó người xích lô, mình và Nguyên Hồng lại uống những cốc bia mới nhất vừa mới rót ở trong thùng ra, sảng khoái vô cùng.

Tất nhiên bà bán hàng bia đẫy đà ở cái phố khuất nẻo ấy cũng không bao giờ biết Nguyên Hồng là một nhà văn lớn, bởi vì có ai xưng danh đâu mà biết, mà biết cũng chẳng để làm gì.

Lại chuyện Nguyên Hồng để râu cũng tức cười.

Hồi ấy Nguyên Hồng mới 50 tuổi đã để râu. Bộ râu lưa thưa mà bọn mình thường đùa: Bộ râu già nua của ông không hợp với khuôn mặt và con mắt lúng liếng nhanh như chớp mà bọn thanh niên ranh mãnh nó bảo là “cái lão này già không đều!”. Nguyên Hồng rung đùi, cười khớ khớ nói: “Quái quỷ! Quái quỷ!”.

Nói cho vui thôi, Nguyên Hồng đâu đã cố ý để râu trang điểm cho có vẻ già của mình đâu. Nguyên do là lắm khi Nguyên Hồng ở lì cả mấy tháng trên Nhã Nam không về Hà Nội. Không về vì mải viết, mà viết cả ngày cả đêm để xong bộ tiểu thuyết “Cửa Biển”, vở kịch “Thái hậu Dương Vân Nga”, đôi khi cao hứng làm bài thơ hay viết cho thiếu nhi. Ở khuất nẻo, hết dao cạo râu. Hồi này, lưỡi dao cạo cũng không dễ kiếm. Thế là mặc kệ, rồi đâm quen. Chỉ vậy thôi là thành Nguyên Hồng với chuyện để râu.

Câu chuyện đang vui, ông già giơ tay xem đồng hồ và nói:

- Đã đến giờ mình phải lên họp trên Ban Tuyên giáo rồi. Còn nhiều chuyện mình với Nguyên Hồng hay đi chợ Bắc Qua vừa ăn quà vừa nghe ngôn ngữ thập phương, họ nói nơi chợ búa. Cái chợ giúp nhà văn biết nhanh, biết chính xác về sự thật tình hình trong vùng. Không phải chỉ những thứ đem ra chợ, mà cả chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán đủ vẻ đều có thể trông cái chợ mà luận ra. Nguyên Hồng nói:

- Học để viết từ đấy chứ đâu. Người ta nói bao nhiêu chữ cho mà học!...

Thời chống Mỹ mình hoạt động thêm tổ dân phố, đêm rủ Nguyên Hồng cùng đi tuần tra cho vui và có ý để Nguyên Hồng biết thêm không khí trong chiến tranh ở Hà Nội. Những điều mình nói về Nguyên Hồng đều đã viết cả trong “Những gương mặt”, đề cập đến chân dung văn học của Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân…

Mỗi chân dung bằng chữ nghĩa, mỗi nhân vật phải từ 7 đến 10 trang viết mới xong. Trong nhiếp ảnh chỉ cần một cú bấm máy cho chính xác, đúng lúc, đúng tâm trạng và tạo hình cho đẹp là được. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Mình tặng sách cho Đáng vì mình biết cậu đang tìm tòi các chân dung văn nghệ sĩ trong nhiếp ảnh. Cậu đọc để tham khảo, không thừa đâu! Đáng chụp được, viết được mình tin là Đáng sẽ thành công.

Nói rồi ông ra cửa phòng xuống cầu thang dắt chiếc xe đạp M “mini” đi họp. Ông vẫn có tiêu chuẩn xe ô tô công vụ nhưng ông không thích, không thèm oai vệ.

Chiếc xe đạp Mini đi từ nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài đến 19 Hàng Buồm trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng vậy. Cũng như Nguyên Hồng với chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô không phanh, không chuông, đi từ Nhã Nam xuống Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội lên Nhã Nam -– “Đại bản doanh” của tác giả “Núi rừng Yên Thế” – “Con hùm xám” trong văn học Việt Nam.

Ông Tô Hoài vừa ra đi, tôi đã mở tập sách ra đọc ông viết về chân dung Nguyên Hồng. Thật kinh khủng. Ông kể về Nguyên Hồng đã hay mà ông viết cứ y như câu chuyện ông vừa kể. Ông nói và viết đã hay nhưng ngoại hình cũng cực kỳ hấp dẫn, nhất là “lực hút” về phái Đẹp!

Tôi có biết câu chuyện tình ly kỳ và hấp dẫn ấy nhưng xin dành để khi khác…

Hà Nội 1988 – 2023

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất