Nhớ anh Nguyễn Trung Đông

Tin buồn về sự ra đi của nhà báo Trung Đông (Nguyễn Trung Đông) đến, khi tôi và Nhà văn Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cùng lặng đi vì thương nhớ anh. Anh không chỉ một nhà báo xuất sắc, một nhà văn, một tác giả sân khấu tài năng và ân tình, mà còn là một người anh rât thân thiết của chúng tôi, bao gồm Hoàng Dự, Châu La Việt và Lương Xuân Đức (sau này anh Lương Xuân Đức là Trưởng ban VHNT báo Nhân dân).

Ngay hôm đó, báo Nhân dân sớm có bài viết rất cảm xúc và ân tình của nhà báo Nguyễn Sỹ Đại “Trung Đông - Nhà báo tài năng và giản dị của Báo Nhân Dân” để tiễn biệt nhà báo Trung Đông: “Trung Đông thường dặn anh em chúng tôi: “Đổi mới gì thì đổi, nhưng phải giữ lấy hồn dân tộc. Cái mà thế giới cần là bản sắc, là cái riêng có của mỗi dân tộc. Đường đến dân tộc là đường vào nhân loại, nhớ kỹ lấy điều đó!”.Vâng anh, chúng tôi, những thế hệ đi sau luôn nhớ lời anh, luôn sống và viết bằng trái tim của mình, trái tim của những người làm báo Đảng luôn thuộc về Đảng, về sự nghiệp lớn của dân tộc!”

Nhớ anh Nguyễn Trung Đông - 1

Nhà báo Trung Đông

Tiếp theo đó là nhiều báo Trung ương và địa phương có bài tưởng nhớ về nhà báo -nhà văn - tác giả sân khấu Trung Đông. Thật sự anh là một cây bút xuất sắc của Đảng, một cuộc đời, một nhân cách hết sức đáng trân trọng, một sức viết mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành công lớn trên cả lĩnh vực báo chí, văn học và nghệ thuật! Anh giành được nhiều tình yêu, niềm kính trọng, cùng sự yêu thích của đồng nghiệp cũng như của đông đảo khán thính giả trong cả nước!

*

Nhớ anh Nguyễn Trung Đông - 2

Nhà báo Trung Đông thời trẻ

Anh Trung  Đông đến với cuộc đời này vào tháng 7 năm 1945, và rồi 77 năm sau cũng vào tháng 7, anh đã chia tay cuộc đời. Sinh ra trong một gia đình nho nhã, hay chữ, lại có ông anh ruột là nhà văn quân đội Hồ Phương nổi tiếng viết văn và lại sớm trong đoàn quân vệ quốc, anh Trung Đông tiếp thu truyền thống gia đình và cũng giỏi văn từ nhỏ, sau được tuyển chon vào học Khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở một khóa học sẽ đi vào lịch sử là khóa học đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài, trong có cả người sau là Tổng bí thư của Đảng: Ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhớ anh Nguyễn Trung Đông - 3

Nhà báo Nguyễn Trung Đông (trái) và nhà văn Hồ Phương (phải)

Tốt nghiệp, anh được về công tác Báo Nhân Dân, kể như là một hạt giống đỏ. Từ đây, anh sẽ gắn bó công tác một mạch liền suốt 44 năm, suốt từ năm 1967 đến năm 2011 về hưu, trở thành Ủy viên Ban biên tập, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ của báo. Và như đánh giá chung của làng báo chí: “Trang văn nghệ của báo Nhân Dân do trưởng ban Nguyễn Trung Đông phụ trách trong một thời gian dài, rất có tín nhiệm trong xã hội”.

Theo nhà báo Nguyễn Sỹ Đại viết về sự đa năng, đa dạng của nhà báo Trung Đông: “Là phóng viên thường thì tự phấn đấu mà vươn lên. Trong báo đã khó. Vươn ra xã hội càng khó hơn. Vậy mà anh Trung Đông đã vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành một tên tuổi đáng nể trong phê bình nghệ thuật, nhất là trở thành một tên tuổi danh tiếng trong làng sân khấu với những vở diễn được nhiều đoàn dàn dựng như Đồng tiền Vạn Lịch, Bóng râm trong ngày nắng...”

Thực sự là như vậy khi ngoài là một nhà báo tài năng, bản lĩnh, anh Trung Đông còn là một nhà lý luận phê bình, một nhà văn, một tác giả sân khấu. Bạn không thể tưởng tượng được bên những trang báo dày cộm của nhà báo Trung Đông, mà hàng chục năm liền, tuần nào tháng nào cũng xuật hiện trên báo Đảng, có lẽ đến cả ngàn bài báo không chỉ là thông tin, mà còn để đinh hướng về công tác văn hóa văn nghệ của Đảng.

Thì tình yêu văn học và sức làm việc của cây bút Nguyễn Trung Đông còn rất mạnh mẽ và đa dạng khi là tác giả của  20 cuốn sách, 10 cuốn xuất bản ở Nhà xuất bản Quân đội và 10 cuốn xuất bản ở Nhà xuất bản Phụ nữ, như “Tiếng hát cánh buồm”, “Mùa xuân Tây Nguyên” và tiểu thuyết “Gió ấm”, “Những đỉnh núi thép” viết về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, “Trở về làng” và “Nông trường đồng dao”.

Còn mạnh mẽ và tài hóa, đa dạng hơn nữa, hơn nữa, khi anh còn là tác giả của hàng chục vở kịch nói, chèo, cải lương được nhiều đoàn sân khấu lớn dàn dựng và biểu diễn, đoạt nhiều giải thương lớn, nhiều huy chương vàng bạc tại các hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc. 

Con gái lớn của anh, nữ họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho hay: “Thập niên 1980 hầu như năm nào nhà báo Trung Đông cũng viết kịch bản sân khấu mới. Ông viết hăng say và đam mê với cảm xúc tuôn trào. Khi đó Sân khấu và Điện ảnh là món ăn tinh thần chính của xã hội. Mỗi tối các gia đình nườm nượp kéo nhau đến nhà hát. Mình còn nhớ Bố mình đã rất hồi hộp xem sự đón nhận của công chúng và giới phê bình sân khấu mỗi lần một vở mới được công diễn. Ông nở nụ cười tươi rạng rỡ khi những tràng pháo tay không ngớt vang lên.

Chúng mình vô cùng tự hào về Bố mỗi khi ánh đèn sân khấu rọi sáng tấm rèm nhung được kéo sang hai bên và giọng đọc giới thiệu vở diễn trần ấm vang lên nhắc tên tác giả kịch bản Nguyễn Trung Đông. Ở nhà, khi bố viết lời cho các làn điệu chèo và cải lương bố thường cất tiếng hát thành lời, nhắc đi nhắc lại các câu tâm đắc. Máu văn chương nghệ sĩ của bố truyền cho ba chị em mình chắc từ đó. Ông có nhiều đóng góp khi sáng tác lời mới mang tính văn học cho các làn điệu cải lương và chèo truyền thống”.

Nhớ anh Nguyễn Trung Đông - 4

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (ngoài cùng bên phải) và nhà báo Nguyễn Trung Đông (đứng thứ 3 từ phải qua)

Năm 1985 nhà báo Trung Đông viết kịch bản vở chèo “Đồng tiền Vạn lịch” cho đoàn chèo Hà Nội. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu được chọn diễn tại Hội trường Ba Đình phục vụ kỳ họp Quốc hội khóa VII đã gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Nhà báo Trung Đông viết vở chèo này dựa trên câu chuyện dân gian để nói về thói hư tật xấu của quan chức biến chất qua vai “ông quan đánh dậm” với sự đạo diễn tài tình của của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Vở diễn này được trình diễn hàng trăm xuất diễn ở rạp Đại Nam và cũng đoạt giải A Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Nhớ anh Nguyễn Trung Đông - 5

Nhà báo Nguyễn Trung Đông trong lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: TTXVN)

Một vở diễn nữa của nhà báo Trung Đông cũng đoạt giải A mà về sau là Giải Bông Sen Vàng của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đó là vở cải lương "Hai phương trời thương nhớ" do đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn.

Đó là câu chuyện về anh bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Khi đó nhà báo Trung Đông đã rất sáng tạo đưa ra sáng kiến dựng sân khấu ước lệ hai tầng để thể hiện hai không gian đồng hiện ở Việt Nam và Campuchia. Nắm bắt được ý tưởng của Nguyễn Trung Đông, họa sĩ sân khấu rất nổi tiếng khi đó là Doãn Châu đã thể hiện thành công sân khấu hai tầng lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt.

Trong suốt thập niên 1980 - 1990, thời hưng thịnh của sân khấu, bên cạnh tên tuổi lớn của Lưu Quang Vũ, nhà báo Nguyễn Trung Đông cũng là một trong những tác giả có nhiều vở diễn có tiếng vang. Ngoài 3 vở đoạt giải nêu trên, về cải lương ông viết các vở như: "Miền đất nhớ" hợp tác với đạo diễn Sỹ Hùng, "Hòn đá thề" do đoàn cải lương Nam Định dựng, vở "Ly hôn" do đoàn cải lương Thái Bình dựng, vở "Mảnh đất anh nằm" do đoàn cải lương Sài Gòn và đoàn Dân ca Nam Trung bộ do NSND Lê Thi làm trưởng đoàn dựng vở.

Nhắc nhớ lại những thành tích nghệ thuật này của nhà báo Trung Đông, chúng ta phải nói ông là một kịch tác gia tài hoa, nổi trội và có nhiều vở diễn xuât sắc. Vậy mà chưa có một giải thưởng về Văn học Nghệ thuật của Nhà nước trao cho ông và các tác phẩm của ông thiết nghĩ cần được quan tâm hơn.

Dù cuộc đời ông được Nhà nước trao nhiều phần thưởng lớn: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Báo Nhân Dân, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa... Nhưng thiết nghĩ cũng cần  có một giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật dành cho ông. Đóng góp của ông trên lĩnh vực này cũng rất lớn lao và xứng đáng với những phần thưởng vinh quang.

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi