Những địa danh sông nước - biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội qua ca dao, tục ngữ

Thăng Long với nghĩa Rồng bay lên là biểu tượng văn hoá tuyệt đẹp đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam và người Hà Nội từ hơn 1000 năm nay. Biểu tượng này gắn liền với sông nước, trời xanh của Thăng Long – Hà Nội xưa và nay. "Đại Việt sử ký toàn thư" đã ghi rõ rồng bay lên trong khung cảnh có sông nước, có thuyền ngự của vua: “Mùa thu, tháng Bảy năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Kể từ mùa thu năm ấy sự nghiệp mở nước Đại Việt của Lý Công Uẩn đều xuất phát và gắn liền với Thăng Long, kinh thành nằm bên bờ sông Hồng.

Thăng Long xưa, nay là Hà Nội (thành phố trong sông) xét ở vị thế của giải đất vùng đồng bằng Bắc Bộ là thành phố nằm trong sông Hồng và sông Đáy, còn xét ở vị trí của kinh thành thì Thăng Long gần như được bao bọc bởi ba con sông: sông Hồng, sông Tô, sông Kim Ngưu. Có thể nói Việt Nam có nhiều sông nước, ao hồ, riêng Hà Nội hoàn toàn có thể gọi là một thành phố sông - hồ có dáng dấp của một thành phố vừa là đô thị vừa thơ mộng. Nếu đặt câu hỏi Hà Nội là thành phố như thế nào, ta có thể trả lời ngắn gọn bằng câu ca dao, như sinh thời GS Trần Quốc Vượng thường hay ví: “Nhị Hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”.

Những địa danh sông nước - biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội qua ca dao, tục ngữ - 1

Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) được xem là biểu tượng văn hóa của Thủ đô Hà Nội

Hà Nội là thành phố nằm trên sông Hồng, phần lớn nằm trên một bờ sông, có đê La Thành bao quanh dài đến 30km. Hồ, ao, sông nước không chỉ tô điểm cho Hà Nội nên thơ mà còn làm cho kinh thành trở nên một tòa thành mang ý nghĩa chiến lược như vua Lý Công Uẩn gọi là thắng địa: đê cũng là tường thành, sông là hào nước chặn thế giặc tràn vào. Thăng Long - Hà Nội không chỉ là một địa danh sông nước, mà còn là biểu tượng văn hoá với Rồng bay lên từ sông nước.

“Tên sông là loại tên bền vững nhất, lâu đời nhất so với các địa danh khác như tên núi, tên các địa điểm quần cư…Chỉ những nơi có nước mới có người ở” (Hoàng Thị Châu). Cũng không phải không có lý do khi nhiều người nước ngoài đến Hà Nội thường gọi Hà Nội là thành phố nằm trên sông Hồng.

Thành ngữ, tục ngữ và cả ca dao xét từ góc độ tư duy của dân tộc là tấm gương khúc xạ hiện thực khách quan ngoài ngôn ngữ. Hiện thực khách quan của mỗi dân tộc với lối sống, điều kiện sống và những phong tục tập quán riêng, những truyền thống dân tộc, quan hệ xã hội đều được phạm trù hoá theo những cách khác nhau bằng những hình thức ngôn ngữ khác nhau. Trong dân gian, người Hà Nội thường gọi tên địa danh gắn với hiện thực khách quan, thường dùng tên gọi nôm na, nhưng dễ nhớ và bền vững trong tiềm thức người dân, như địa danh Bờ Hồ, Hồ Tây, Hồ Bẩy Mẫu, đường Bờ sông, Vườn hoa Con Cóc, Ao cá Bác Hồ, đền Voi Phục, cầu Chui (ở Gia Lâm)…

Trong thực tế khi hỏi thăm đường nếu hỏi đường Bờ sông thì người dân Hà Nội ai cũng biết vì Hà Nội chỉ có một đường Bờ Sông, còn hỏi phố Trần Quang Khải thì không phải ai cũng biết. Hoặc nếu hỏi Hồ Tây ở Hà Nội ai cũng biết, nhưng hỏi hồ Trâu Vàng, hoặc hồ Dâm Đàm hay hồ Lãng Bạc thì có lẽ ít người biết; hỏi Vườn hoa Con Cóc có nhiều người biết, nhưng hỏi Vườn hoa Diên Hồng ít người biết: “Vườn hoa Con Cóc trông sang/ Là dinh Thống sứ lòng càng xót xa”.

Ca dao, thành ngữ, tục ngữ Hà Nội trong nhiều trường hợp cũng phản ánh lối tư duy hình ảnh vừa nói trên.

Ở nước ta cũng có những thành phố, tỉnh thành khi được nhắc đến, nhất là trong thơ văn, thường đi kèm với tên con sông quê hương đầy thơ mộng: sông Hương ở cố đô Huế, sông Mã ở Thanh Hóa, sông Lam ở Nghệ An, sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Thu Bồn ở Quảng Nam… Song hiếm có thành phố nào như Hà Nội, ngoài sông Hồng và sông Tô Lịch như hai dòng chảy bao quanh khu nội đô sầm uất, còn có nhiều hồ đẹp và có sức thu hút người dân Hà Nội và khách nước ngoài đến vui chơi, thư giãn: hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu.

Hồ Gươm, Hồ Tây qua ca dao tục ngữ

Khen ai khéo họa dư đồ

Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong

Ngựa xe vắng khách bụi hồng

Một toà cổ miếu đôi dòng thanh lưu”.                                                               

Ở Moskva, ngay trong nội đô có những khu rừng thưa rất đẹp, thoáng đãng, là nơi nghỉ ngơi cuối ngày hoặc cuối tuần của người dân thành phố và khách du lịch. Đây là một đặc trưng về phong cảnh của một thành phố ở châu Âu, nhưng hồ xanh trong có sức hấp dẫn du khách như hồ Gươm giữa nơi thành thị thì có lẽ ít có thành phố có diễm phúc được thiên nhiên ban tặng như Hà Nội.

Đôi dòng thanh lưu ở đây nói đến tương truyền hồ Gươm xưa vốn rất rộng có hồ Tả Vọng và hồ Hữu Vọng. Hồ Tả Vọng sau bị thu hẹp dần và là hồ Gươm ngày nay, còn hồ Hữu vọng sau này đã bị lấp đi.

Hồ Gươm vốn trước đây có tên là hồ Lục Thuỷ, vì sắc nước xanh cả bốn mùa do có nhiều tảo dưới lòng hồ. Sắc nước xanh đặc trưng này chỉ Hồ Gươm mới có, ngay cả Hồ Tây cũng không có. Sắc nước đặc trưng này làm tôn lên vẻ linh thiêng của hồ gắn với sự tích vua Lê Lợi trả thanh gươm báu cho Rùa thần ở thế kỉ XV. Truyền thuyết này là người Hà Nội ai cũng biết: Khi đánh dẹp giặc Minh, Lê Lợi được thần ban cho một thanh gươm. Một hôm ngự thuyền chơi trên hồ Lục Thuỷ, vua Lê Lợi bỗng thấy có con rùa lớn nổi lên cạnh thuyền. Vua rút gươm ra thì rùa đớp mất và lặn đi, coi như việc dẹp giặc Minh đã xong, nay nước nhà thanh bình nhà vua trả lại gươm cho Rùa thần. Vì thế vua đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm. Ngày nay khi Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình thì truyền thuyết này càng có ý nghĩa nhân văn đậm nét của người dân Việt Nam.

Hồ Gươm rất đỗi thân thiết, gần gũi với người dân Hà Nội. Không biết tự bao giờ chỉ cần nói hai tiếng Bờ Hồ là mọi người đều hiểu đó là Hồ Gươm. Từ một danh từ chung Bờ Hồ đã trở thành danh từ riêng; và một điều lý thú là chỉ khi người nói có mặt trên địa bàn Hà Nội đưa ra một phát ngôn đi chơi Bờ Hồ, thì ai ai cũng hiểu là đi chơi ở khu vực quanh Hồ Gươm. Không phải ngẫu nhiên mà câu ca dao mộc mạc dễ thương sau đây đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người dân Hà Nội, thậm chí trong một chuyên mục nói về Thủ đô của chúng ta, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội cũng phát đi câu ca dao này: “Hôm nay thứ bảy mình ơi/ Ngày mai chủ nhật đi chơi Bờ Hồ”. Xem thế biết rằng, với một ngày nghỉ hiếm hoi trong tuần, nơi đi chơi giải trí thư giãn được lựa chọn đầu tiên đối với người dân Hà Nội thường là Bờ Hồ.

Hồ Gươm là biểu tượng văn hoá của người dân Hà Nội, có tháp Rùa, có đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc nối liền bờ qua cầu Thê Húc: “Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ/ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn”.

Nhưng dưới thời Pháp thuộc người dân Hà Nội đã phải đau lòng xót xa khi thực dân Pháp đặt tượng tên Toàn quyền Paul Bert ở Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ có tượng đài Lý Công Uẩn) trông ra Bờ Hồ. Sau ngày Nhật đảo chính tượng tên Toàn quyền đã bị nhân dân ta hạ xuống.

Nói đến Hà Nội không thể không nhắc đến Hồ Tây - một biểu tượng văn hoá của Thăng Long - Hà Nội. Với Hồ Tây, “lá phổi” của thành phố nên người dân Hà Nội thường thu xếp thời gian đến Hồ Tây nghỉ ngơi cuối tuần. Hồ Tây là hồ tự nhiên rộng nhất của Hà Nội nằm ở phía tây bắc thành phố (Ngoài đường quai có hồ sâu/ Tây hồ rộng rãi ngay đầu phía tây), có diện tích mặt nước đến 500 hecta. Đường đi bao quanh Hồ Tây dài tới 17km.

Ngành địa lý - lịch sử cho rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại khi sông đã đổi dòng. Ngày nay Hồ Tây là một thắng cảnh nên thơ của Thủ đô, cách đây hơn hai thập niên, Công viên nước Hồ Tây đi vào hoạt động.

Đã có nhiều vần thơ ca ngợi cảnh đẹp Hồ Tây của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… Trong dân gian cũng có nhiều ca dao nói về Hồ Tây: “Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ/ Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây”. Tương truyền câu ca dao này xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV. Lúc bấy giờ (năm 1396), Hồ Quý Ly buộc Trần Thuận Tông dời kinh đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hoá) và bốn năm sau (1400) thì cướp ngôi nhà Trần. Năm sau Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương lui về làm Thái Thượng hoàng. Câu ca dao này phản ánh tâm trạng người dân hồi đó chưa tâm phục nhà Hồ lên nắm quyền, mặc dù nhà Hồ có tiến bộ hơn nhà Trần lúc suy vong và còn luyến tiếc kinh đô cũ: dù chàng về Hồ Hán, nhưng thiếp một mực thuyền không theo lái, mà thiếp về Hồ Tây. Hoặc có ca dao nói về tích cá nhẩy từ Hồ Tây về giếng trước đình làng Lệ Mật (Gia Lâm): “Đợi ngày hăm ba tháng ba/ Dân trại ta vượt Nhị hà thăm quê / Kinh quán, cựu quán đề huề/ Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây”.

Những địa danh sông nước - biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội qua ca dao, tục ngữ - 2

Một góc Hồ Tây

Hồ Tây không chỉ hiện diện trong ca dao nói về lịch sử và truyền thống đấu tranh của dân tộc, mà còn có mặt trong ca dao nói về tình yêu đôi lứa, nghề nghiệp, đặc sản, phong tục tập quán: “Trên trời có một ông sao/ Chỗ quang chẳng mọc mọc vào đám mây / Nước Hồ Tây biết bao giờ cạn/ Nhị vườn đào biết vạn nào hoa/ Đưa nhau một quãng đường xa/ Hỏi thăm anh Tú có nhà Cửa Nam"; hoặc: "Nước Hồ Tây vừa trong vừa mát/ Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi/ Cô kia bóng bẩy làm chi/ Để cho anh ấy đi đi về về”.

Sen là đặc sản của Hồ Tây. Vua chúa thời phong kiến thường cho trồng nhiều giống sen thật đẹp để thưởng thức khi du ngoạn Hồ Tây: “Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây hồ”.

Cốm Vòng là một thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội - như văn sĩ Vũ Bằng đã viết, bởi câu ca dao một thời đã nói “Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua”, nhưng sen Tây Hồ lại có phong vị độc đáo riêng còn được tận dụng để cất rượu. Có lẽ Vũ Bằng đã lột tả được vị ngon và cả dư vị của rượu sen cất ở Tây Hồ: “Rượu này… không xóc, uống vào một hớp mà như uống cả một làn sen ngào ngạt của Hồ Tây vào bụng”.

Con gái làng Tây Hồ (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ) xưa có nghề đi bán hàng xén: “Tôi là con gái Tây Hồ/ Bán kim bán chỉ những đồ vá may/ Hùng hoàng bồ kết trong tay/ Phẩm lam phẩm tím cho hay mọi nghề”. Còn làng Trích Sài cạnh Hồ Tây thì có nghề quay tơ: “Hỡi cô thắt bao lưng xanh/ Có về kẻ Bưởi với anh thì về/ Làng anh có ruộng tứ bề/ Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ”.

Thăng Long xưa là trung tâm của Kẻ Chợ, nhưng người dân vùng ngoại thành Hà Nội đại đa số là nông dân (Kẻ Quê). Nghề thủ công ở Thăng Long xưa phản ánh nét đặc thù của Kẻ Chợ và Kẻ Quê. Thăng Long xưa có nghề gốm Bát Tràng, nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề kim hoàn ở Định Công (huyện Thanh Trì) và kim hoàn Hàng Bạc, nghề chạm gỗ ở Hàng Quạt, nghề thêu ở phố hàng Mành và phố Yên Thái, rồi nghề thợ tiện, nghề làm quạt, nghề thuộc da đóng giầy, nghề nhuộm, nghề sơn ta sơn mài, nghề làm giấy, nghề dệt lụa.

Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí đầu thế kỷ XV đã kể tên các phường Nghi Tàm và Thụy Khuê trên bờ Hồ Tây từ lâu đã nổi tiếng về công nghệ dệt lụa tơ nõn. Đến thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Lượng trong bài Tụng Tây Hồ phú đã ghi lại một cách súc tích cảnh làm ăn tấp nập ở các phường dệt Trích Sài và Bái Ân: “Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ/ Thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm”.

Văn hoá làng nghề ven Hồ Tây của Thăng Long là một nét văn hoá độc đáo của Thăng Long – Hà Nội. Nghề làm giấy ở Thăng Long xưa cho thấy nơi đây là đất học của tầng lớp nho sĩ. Từ thời Lý đã có hai khu vực làm giấy: đó là Cầu Giấy ở phía Tây Hà Nội ngày nay. Cầu Giấy là địa danh gắn với chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch ở một vùng làm giấy, nay chiếc cầu ấy không còn nữa. Còn ở phía Bắc Hà Nội có làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Thọ Thôn (gọi chung là Kẻ Bưởi) và làng Nghĩa Đô. Nguyễn Trãi đã nêu tên phường Yên Thái chuyên làm nghề giấy (Dư Địa chí). Công việc giã bột giấy ở Yên Thái ven Hồ Tây đã được câu ca dao phản ánh một cách sinh động: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Từ thế kỷ XVIII, nhân dân ta đã biết dùng vỏ cây dó để làm giấy. Vỏ dó tươi phải ngâm trong nước, nên công việc ngâm dó, nấu cách thuỷ vỏ dó thường làm ở địa điểm ven sông. Dân làng Yên Thái đặt vạc nấu dó trên một lò lớn ven sông Tô Lịch, và ở ngay quãng sông làm địa điểm ngâm dó có một giếng sâu trên bờ nước trong xanh nổi tiếng đã được ca dao ghi lại: “Ai ơi đứng lại mà trông/ Kia vạc nấu dó, kia sông dãi bìa/ Kìa giếng Yên Thái, như kia/ Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh”.

Và rõ ràng người dân làm nghề giấy làng Yên Thái đã không quản nhọc nhằn làm ra sản phẩm cho đất học Thăng Long của sĩ phu Bắc Hà. Đây chính là niềm kiêu hãnh của người dân làng Yên Thái về nghề truyền thống của làng mình: “Người ta buôn vạn bán ngàn/ Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi/ Dám xin ai đó chớ cười/ Vì em làm giấy cho người viết thơ”.

Sông nước, cầu đường, bến sông qua ca dao tục ngữ

Tuy là Kinh thành có nhiều phường buôn bán, phường nghề nghiệp, nhưng ngoài Kẻ Chợ, Hà Nội còn là Kẻ Quê. Cảnh sông nước, cảnh đồng quê thanh bình tô điểm thêm cho những câu ca dao của riêng người Hà Nội. Hà Nội còn có tầng lớp nho sĩ, có nhiều người đỗ đạt nên trong ca dao Hà Nội cũng phản ánh những nét trí tuệ, hài hước. Song trước hết ca dao, tục ngữ, thành ngữ Thăng Long - Hà Nội phản ánh thực tế khách quan của đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến, trong đó cảnh và người quyện với nhau; cảnh được miêu tả trong ca dao, tục ngữ nói lên cách nhìn riêng của người Hà Nội: “Sông Tô một dải lượn vòng/ Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh/ Sông Hồng uốn khúc chảy quanh/ Giai nhân tài tử lừng danh trong ngoài”.

Người Hà Nội có niềm kiêu hãnh riêng về cảnh vật làng mình. Thôn Đá (nay là thôn Dương Đá) huyện Gia Lâm có con sông tắm mát diệu kỳ: “Dù ai xấu xí như ma/ Tắm nước sông Đá cũng là người tiên; hoặc: Người xấu như ma, tắm nước ao Quà cũng đẹp như tiên”.

Câu ca dao quen thuộc “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi” phản ánh tình yêu đôi lứa cũng xuất xứ từ địa danh của Hà Nội. Cách đây một thập niên các nhà khảo cổ và nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Lân Cường và Đỗ Thị Hảo đã phát hiện ở một ngôi đình cổ (nay là số nhà 38 Hàng Đào) một tấm bia đá viết chữ Hán có niên hiệu Tự Đức Bính Thìn (tức năm 1856). Đây là bia đình Đồng Lạc mà nội dung của bia khẳng định ngôi đình của chợ bán yếm này được xây dựng từ thời Lê. Người soạn bia là cử nhân Phạm Đình Viên, phủ Khoái Châu. Kinh thành Thăng Long xưa có phường nghề thủ công, phường buôn bán thường ở đan xen nhau tập trung quanh vùng gặp nhau của sông Hồng và sông Tô. Vì là ven sông “trên bến, dưới thuyền” nên giữa hai phố Nguyễn Văn Siêu và Hàng Buồm xưa có nhiều mặt hàng gắn với sông nước, thuyền bè: buồm vải, buồm cói, buồm thuyền đinh và buồm thuyền buồm. Có lẽ cũng vì thế mà có tên phố Hàng Buồm hiện nay. Điều này cũng được phản ánh qua câu ca dao cổ: “Thuyền anh đã cạn lên đây/ Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền”.

Lối chơi chữ hóm hỉnh của người Hà Nội qua câu ca dao cũng gắn liền với địa danh sông nước, cây cầu bắc qua sông: “Bà già đi chợ Cầu Đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng/ Thầy bói gieo quẻ nói rằng/ Lợi thì có lợi nhưng răng không còn”.

Cầu Đông là cầu bắc qua dòng sông Tô ở khu vực ngã tư ngõ Gạch và phố Hàng Đường hiện nay. Cầu Đông là một nơi trù phú vào bậc nhất của Thăng Long ngày ấy, có chợ Cầu Đông nổi tiếng trong truyện Bích Câu kỳ ngộ. Tú Uyên đã mua bức tranh tố nữ ở đây, ngày nay chùa Cầu Đông vẫn còn ở số nhà 38 Hàng Đường. Tục ngữ nói về Cầu Đông là sự hãnh diện của người dân Hà Nội về một công trình kiến trúc được người dân theo đạo Phật ngưỡng mộ: Phật đá Cầu Đông, tượng đồng Trấn Võ. Tương truyền tượng Phật Cầu Đông làm bằng đá trắng cao 2m, ngồi xếp bằng tròn, bụng để hở rốn, miệng tủm tỉm cười nên tượng còn được gọi là Tiếu Phật (Phật cười). Tiếc rằng tượng đã bị mất vào đầu thời kỳ Pháp thuộc.

Về chùa Bà Đanh thì có cả ca dao và thành ngữ. Chùa Bà Đanh là tên gọi nôm của chùa Châu Lâm xưa ở bên cạnh Hồ Tây, chỗ trường Chu Văn An hiện nay. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, chúng lấy đất ở Thụy Khuê làm nhà in sau đó đổi thành trường Bảo hộ, tức trường Bưởi cũ (trường Chu Văn An hiện nay) thì chùa Bà Đanh phải thiên về phía trong ở làng Thụy Khuê. Số người đến lễ bái ngày càng ít đi, chùa trở nên vắng vẻ. Thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” nói lên sự vắng vẻ, cô quạnh, thiếu hơi ấm của con người. Ngày nay người ta vẫn dùng câu ca dao dưới đây để nói về cảnh cô quạnh, lạnh lẽo của người con gái khi đã hết duyên: “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh/ Còn duyên kén cá chọn canh/ Hết duyên cặn bã dưa hành cũng nhai”.

Những địa danh sông nước - biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội qua ca dao, tục ngữ - 3

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng

Những bến sông xưa đầy thơ mộng, nhưng vẫn đậm nét hào sảng trong chiến thắng giặc ngoại xâm cũng được ca dao ghi lại. Bến Bồ Đề làng Phú Viên, Gia Lâm từng chứng kiến nơi đây một thời đã là doanh trại của Lê Lợi cuối năm 1426 khi ông từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra Bắc đánh quân Minh lúc đó đang bị vây trong thành Đông Quan: “Nhong nhong ngựa Ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa Ông ăn”.

Thăng Long xưa có sông Nhị Hà là con đường giao thương huyết mạch. Những bến sông xưa nhộn nhịp, sầm uất buôn bán vẫn còn lưu hình ảnh cho đến ngày nay. Đó là môi trường hoạt động của người dân Hà Nội. Trong môi trường ấy người Hà Nội ở mỗi thời đại đã sống và đấu tranh, và họ đều tự mình vươn lên làm ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống một cách văn minh, rất Hà Nội. Câu tục ngữ “Ăn Bắc, mặc Kinh” nói lên cách sinh hoạt, ăn mặc hào hoa phong nhã của người Hà Nội được coi như tiêu biểu; hoặc câu tục ngữ “Ếch tháng mười, người Hà Nội” nói về sự thanh lịch, giỏi giang, tháo vát của người Hà Nội.

Ca dao, tục ngữ Hà Nội vừa phản ánh thực tế khách quan của Thăng Long - Hà Nội qua năm tháng, vừa nói lên cái cốt cách của người Hà Nội: đó là nét dân gian phổ cập hoà quyện với nét trí tuệ của những người Hà Nội yêu lao động, có tri thức đang kế thừa và phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội để cùng với cả nước bước lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Xuân Hòa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Tôn vinh những tình yêu lớn dành cho Thủ đô Hà Nội

Tôn vinh những tình yêu lớn dành cho Thủ đô Hà Nội

Chiều 8/10, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng năm nay diễn ra vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), do đó chương trình trao giải được tổ chức kết hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống và triển lãm những tác phẩm xuất sắc nhất được đề cử.