“Ông hoàng" trinh thám Pháp dành lời khuyên cho tác giả trẻ Việt Nam

Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng" trinh thám Pháp với phong cách viết lắt léo, bất ngờ và tài tình. Ông là giáo sư địa lý, nhà chính trị học đồng thời là một nhà văn trinh thám nổi tiếng, ông đã giành được hơn 15 giải thưởng văn học lớn trong sự nghiệp của mình. Ông còn là một trong 4 tác giả người Pháp được đón đọc nhiều nhất trong năm 2011 tại Pháp. Tác phẩm của ông được dịch sang 37 quốc gia và ba tiểu thuyết đã được công chiếu trên TV.

Trinh thám giống như một viên nam châm khổng lồ hút người đọc, bí ẩn - kịch tính - tài tình là những tính từ mà độc giả dùng để miêu tả thể loại văn học này. Viết truyện trinh thám đòi hỏi khả năng tư duy rất cao của tác giả cũng như sự trang bị một lượng kiến thức phong phú, một lượng thông tin khổng lồ làm chất liệu cho tác phẩm. Nhà văn Pháp Michel Bussi đã chia sẻ với độc giả nước ta về nhiều vấn đề bổ ích và không kém phần thú vị trong văn học trinh thám nhân dịp ông tới thăm Việt Nam.

Chiều 25/10, tại Hà Nội, Viện Pháp tại Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề Trinh thám Pháp và Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh. Buổi tọa đàm có sự tham gia của diễn giả: Nhà văn Michel Bussi, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery; Nhà văn Di Li.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng trao đổi về nền văn học trinh thám của hai quốc gia, sự tương đồng và khác biệt, cơ hội và thách thức…. đồng thời, đây cũng là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cho cuốn sách mới nhất của Michel Bussi - Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử Bé?.

“Ông hoàng" trinh thám Pháp dành lời khuyên cho tác giả trẻ Việt Nam - 1

Buổi tọa đàm có rất đông độc giả đam mê trinh thám đến tham dự.

Khi nhà làm phim “khoác áo mới” cho tiểu thuyết trinh thám

Hiện nay có rất nhiều phim truyền hình được phát triển từ tiểu thuyết, nó giúp cho các tiểu thuyết có một đời sống mới, tại tọa đàm, các nhà văn đã chia sẻ góc nhìn của họ khi trao những đứa con tinh thần của mình cho đạo diễn.

Theo tác giả Michel Bussi, khi trao tác phẩm cho một đạo diễn để chuyển thể nó thành phim có điểm lợi là câu chuyện sẽ được lan rộng hơn, tiếp cận đến nhiều khán giả hơn, tuy nhiên sau đó, tác giả cũng phải biết buông bỏ những nhân vật mà mình đã tâm huyết. Một cuốn tiểu thuyết rất dài nhưng khi lên phim nó bị rút ngắn hơn nhiều, nó mất đi tính chất đa dạng, không còn cấu trúc phức tạp như trước nữa, vì bị cắt xén đi nên nó làm các tác giả cảm thấy tiếc nuối.

“Ông hoàng" trinh thám Pháp dành lời khuyên cho tác giả trẻ Việt Nam - 2

Các diễn giả chia sẻ những câu chuyện hết sức thú vị xoay quanh vấn đề trinh thám.

Nhà văn Di Li cho rằng tiếng nói của điện ảnh có một ngôn ngữ riêng. Bà cho rằng: “Các nhà văn đều muốn tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim, cũng như các nhà thơ đều muốn thơ của mình được phổ nhạc, tác phẩm sẽ có một phiên bản khác và nó sẽ được phổ biến rộng hơn, xa hơn, thú vị hơn khi được chuyển thể thành phim”.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery chia sẻ: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng vui vẻ, đôi khi người ta phải tìm cách thoát ra khỏi những buồn phiền của cuộc sống và có nhiều người chọn trinh thám để giải tỏa. Qua những câu chuyện cuốn hút của trinh thám sẽ giúp chúng ta có một trải nghiệm trong thế giới mới với những điều thôi thúc sự tò mò ở họ”.

Theo ông, khi chúng ta đọc chúng ta cũng mường tượng ra rất nhiều hình ảnh như khi chúng ta xem phim vậy, việc đọc sẽ giúp chúng ta tái hiện lại những gì thuộc về hơi thở của cuốn sách đó. Đôi khi chúng ta sau khi xem một bộ phim, chúng ta lại muốn tìm đọc tác phẩm gốc của nó.

Theo ngài đại sứ Pháp, hiện nay, độc giả cũng khó tính hơn vì họ đọc rất nhiều, họ sẽ có mong muốn có được những câu chuyện giật gân hơn khi tác phẩm được chuyển thể thành phim và tất cả mô típ nội dung mà đoàn phim xây dựng phải có được sự đáng tin nhất định thì mới tạo được hứng thú cho những người đọc.

Những thách thức khi viết truyện trinh thám ở Việt Nam

Nhà văn Di Li cho biết, trinh thám là thể loại cuối cùng bà chinh phục, kể về những khó khăn khi viết trinh thám, theo bà, thách thức lớn nhất là trí tưởng tượng, bởi trí tưởng tượng không phải là thế mạnh của người Việt Nam và người Châu Á mà trinh thám lại là thể loại phải huy động tối đa trí tưởng tượng.

“Người viết trinh thám không phải một kẻ gây tội ác, cũng không phải là một nhà điều tra và cũng không có cơ hội được chứng kiến từ đầu đến cuối một cuộc điều tra cho nên hoàn toàn thuần túy là trí tưởng tượng” – nhà văn Di Li chia sẻ.

“Ông hoàng" trinh thám Pháp dành lời khuyên cho tác giả trẻ Việt Nam - 3

Độc giả chú ý lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả.

Theo tác giả “Trại hoa đỏ”, vấn đề trí tưởng tượng là nguyên nhân bẩm sinh, viết trinh thám cần một yếu tố cũng quan trọng không kém đó là tư liệu, yếu tố này cũng mang đến khó khăn cho các tác giả vì đó là thứ phải dày công tìm kiếm.

Nhà văn Di Li cho biết, những người viết trinh thám sẽ gặp khó khăn nhiều hơn những người không viết trinh thám, bởi ở những thế kỷ trước trinh thám chỉ là những câu chuyện gây tội ác là đủ nhưng bây giờ các tác giả đã khai thác trinh thám trên phương diện là nếu như lược bỏ những câu chuyện về tội ác đi thì nó vẫn phải là một câu chuyện mang tính nhân văn, tính thiện và phải có tư tưởng, có thông điệp.

Nhà văn Li Di cho biết, nếu viết một cuốn tiểu thuyết thông thường, chúng ta có thể dựa trên cuộc đời của chính chúng ta, chúng ta có thể dựa trên cuộc đời của bất kỳ ai đó và cái hiện thực mà chúng ta đã nhìn thấy. Nhưng với viết tiểu thuyết trinh thám lại khác, tác giả buộc phải tìm kiếm tư liệu rất nhiều, đọc rất nhiều và trải nghiệm thực tế, phải gặp gỡ các nhân vật khác nhau thì mới có được tư liệu.

"Mọi người trong chúng ta đều là tác giả và tại sao lại không phải là một tác giả viết truyện trinh thám?”

Tác giả Michel Bussi đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm, bài học mà ông rút ra được khi viết truyện trinh thám cho độc giả và đặc biệt là các cây viết trẻ Việt Nam đang nung nấu với dự định viết truyện trinh thám.

“Ông hoàng" trinh thám Pháp dành lời khuyên cho tác giả trẻ Việt Nam - 4

Tác giả Michel Bussi người được mệnh danh là “Ông hoàng trinh thám”.

Ông cho biết, ở Pháp có nhiều cây viết nghiệp dư khi sự nghiệp của họ chưa được công nhận ở toàn quốc hay trên thế giới thì họ hay viết sách về chính vùng đất họ đang sống và cũng được độc giả hào hứng đón nhận, còn có nhiều tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nhà văn Michel Bussi đặt ra câu hỏi: “Tôi nghĩ rằng mọi người trong chúng ta đều là tác giả và tại sao lại không phải là một tác giả viết truyện trinh thám?”.

Từ đây, ông đưa ra lời khuyên với các cây viết trẻ, trước hết, phải cố gắng có một cốt truyện đặc biệt, bởi vì các câu chuyện trinh thám luôn luôn mang tính bí ẩn, với những tuyến nhân vật mà chúng ta thường gặp. Ví dụ từ cốt truyện một cảnh sát hơi cứng đầu và một cuộc sống cá nhân không đơn giản, ông khuyên các tác giả hãy cố gắng xây dựng tuyến nhân vật sao cho anh ta không giống như bình thường, phải tạo ra cái mới.

“Hãy tạo ra một cốt chuyện hay, chứa đựng các bất ngờ, có đan xen những cú lừa, sự đặc biệt, sự sáng tạo về chủ đề và tìm kiếm cho mình những vùng đất mới để viết. Tôi nghĩ rằng, không nên chỉ dừng lại ở việc điều tra, mà ngoài điều tra chúng ta còn phải sáng tạo nữa. Chúng ta phải phá bỏ những cách làm theo thông lệ bình thường, đây chính là thách thức của người viết trinh thám” - Tác giả Michel Bussi chia sẻ.

Ông nhắn nhủ các tác giả hãy đặt mình vào vị trí của độc giả, để thấy được rằng vào thời điểm đó của câu chuyện, độc giả họ mong muốn điều gì, đó chính là một điều bất ngờ khơi dậy sự tò mò của họ. “Chúng ta hãy đặt mình vào người đọc, để đặt ra câu hỏi rằng tôi sẽ được biết gì vào chương sau?”.

Nhà văn Michel Bussi cho biết, tất cả những người viết trinh thám đều là những người đọc rất nhiều, đây là vốn tư liệu quý để viết. Theo ông, việc đọc nhiều còn giúp người viết không bị cạn ý tưởng mà chính bản thân ông cũng nghiệm ra được điều đó, nhờ đọc nhiều nên ông luôn cảm thấy mình còn rất nhiều điều muốn chia sẻ, và ông rất mong sẽ có thêm thời gian để viết nhiều hơn nữa.

Tác giả Michel Bussi nhấn mạnh: “Đọc nhiều là một hình thức đưa chúng ta ghé thăm rất nhiều vùng đất, chính vì thế mà sau này tôi đã quyết định học địa lý, văn học giúp chúng ta thoát khỏi cuộc sống hàng ngày và đi thăm nhiều vùng đất”.

Theo ông, khi chúng ta gặp ai đó đang đọc sách thì có thể họ đang không còn ở tại đó nữa mà họ đang phiêu lưu ở một miền đất nào đó, có thể quay lại thời cổ xưa chẳng hạn. Qủa thật, sách đã cho chúng ta tấm vé du hành vào không gian, vào thời gian, đến một nơi bất kỳ mà khác hẳn với nơi chúng ta đang đứng.

“Ông hoàng trinh thám” cũng khẳng định: “Khi chúng ta viết những tiểu thuyết trinh thám ở ngay tại đất nước của mình thì đó là điều rất tuyệt vời”.

Trong biết bao cuốn sách là nguồn cảm hứng cho Michel Bussi, “Hoàng tử bé” với thế giới đậm chất thơ cùng thông điệp đầy tính nhân văn đã tưới tắm trí tưởng tượng của nhà văn ngay từ thuở đầu viết sách. Để tỏ lòng tri ân, Michel Bussi đã cho ra mắt “Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?”, kỷ niệm 75 năm ngày Hoàng tử bé ra đời.

“Ông hoàng" trinh thám Pháp dành lời khuyên cho tác giả trẻ Việt Nam - 5

Tác giả Michel Bussi cho biết “Hoàng tử bé” là tác phẩm được biết đến rất nhiều nơi trên thế giới, đây là một trong những câu truyện cổ tích mà rất nhiều người ngưỡng mộ và ông cảm thấy rất vui khi được đến Việt Nam nhân dịp cuốn sách ông viết về Hoàng tử bé được xuất bản.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống