Phía sau những bài thơ của nhà thơ Bằng Việt

Nói đến nhà thơ Bằng Việt ai cũng nhớ tới bài Bếp lửa. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là bà nội...

Nhà thơ kể, bà nội lấy lẽ ông nội khi mới 19 tuổi, còn ông nội đã gần 60 tuổi, khi bà mang thai thì ông nội mất. Sau khi sinh con xong, bà quyết không lấy ai và ở vậy nuôi con. Có chút tài sản, ruộng vườn, bà bán dần để nuôi con ăn học. Cha thân sinh của nhà thơ đã được học hết Thành chung ở trường Bảo hộ (Trường PTTH Chu Văn An bây giờ) sau đó đi tu nghiệp 2 năm ở Hà Nội rồi ra làm thẩm phán ở toà án Bắc Giang.

Tại đó, đã quen mẹ của nhà thơ, vốn là con gái út của một gia đình có cửa hàng may vá quần áo. Thời gian sau cha đưa cả gia đình vào Huế, làm tại Văn phòng của cụ Bùi Bằng Đoàn, thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế. Cả gia đình ở Huế 18 năm, và nhà thơ, sinh năm 1941, còn cậu em trai, sinh năm 1943, cũng tại Huế.

Sau Cách mạng tháng Tám và lễ thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945, cả gia đình nhà thơ trở lại miền Bắc, lúc đó nhà thơ mới 4 tuổi. Cha thân sinh rơi vào cảnh thất nghiệp, may có người anh rể bên nhà vợ, là chủ hãng xe ngựa tuyến Hà Nội – Phùng, nhận vào làm phu đánh xe ngựa suốt một năm giời.

Phía sau những bài thơ của nhà thơ Bằng Việt - 1

Nhà thơ Bằng Việt

Cuối năm 1946, cụ Bùi Bằng Đoàn lúc đó là Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội của Chính phủ kháng chiến, gọi các nhân viên cũ về làm việc cho mình.  Cha thân sinh nhà thơ Bằng Việt một mình lên Việt Bắc năm 1947. Bà nội, mẹ và hai anh em Bằng Việt và Việt Hải (bây giờ là tiến sỹ toán học Nguyễn Việt Hải) về ở hẳn tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây cũ là quê nội của nhà thơ. Đấy là vùng du kích, ban ngày địch kiểm soát, ban đêm là của ta.

Mẹ của nhà thơ tham gia hoạt động đoàn thể phụ nữ ở địa phương, cũng vẫn mở cửa hàng may vá quần áo ở gia đình, để sinh sống, nuôi con. Bà cũng là cô giáo dạy dỗ tại gia hai anh em nhà thơ, khi còn chưa kịp đến trường. Bà chỉ dạy được có ba môn học cơ bản: Toán, tập làm văn và ngoại ngữ tiếng Pháp. Bà nội vẫn giúp việc bếp núc, chăm cháu đỡ đần cho con dâu. Có những lần giặc về làng càn quét dữ quá, cả nhà lại tản cư tiếp lên vùng núi Ba Vì, sống và làm nương, trồng sắn trồng khoai quanh vùng đồi bán sơn địa.

Vào khoảng cuối năm 1950, do cuộc sống gian khổ ở chiến khu, cha thân sinh nhà thơ ngã bệnh, mẹ nhà thơ phải để lại hai đứa con cho bà nội trông nom, săn sóc, lặn lội lên chiến khu chăm chồng suốt một năm trời ròng rã. Chính cái bếp lửa lui cui ở một khu đồi ven sông Đáy, mà bà nội nhóm lên suốt trong thời gian ấy đã đi vào thơ Bằng Việt, làm nên thi phẩm nổi tiếng.

Năm 1954, Thủ đô giải phóng, cả gia đình nhà thơ lại được sum họp tại Hà Nội. Cha thân sinh nhà thơ về Hà Nội, làm việc ở Toà án tối cao cho đến khi về hưu. Bà nội già yếu, mất năm 1974, được đưa về chôn cất ở quê Chàng Sơn.

Sống trong một hoàn cảnh như vậy, nên Bằng Việt luôn có những suy nghĩ già dặn trước tuổi, có khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Ông cũng gắn bó với thiên nhiên của đồng quê, quen thuộc với nếp sống gian lao thời kháng chiến chống Pháp. Thơ Bằng Việt ngoài những trăn trở suy tư đầy chất trí tuệ còn thấm đẫm tình người, tình đời.

Phía sau những bài thơ của nhà thơ Bằng Việt - 2

Tập thơ Hương cây – Bếp lửa của Bằng Việt cùng Lưu Quang Vũ

Bằng Việt viết Bếp lửa khi ông đang học Đại học Luật tại nước ngoài năm 1963. Bếp lửa thời thơ ấu ở vùng quê bán sơn địa còn cháy mãi suốt cuộc đời nhà thơ.

“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà,

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.”

Phía sau những bài thơ của nhà thơ Bằng Việt - 3

Chân dung bà nội của nhà thơ Bằng Việt, ảnh chụp năm 1963

Cũng thời gian này, Bằng Việt còn viết được một bài thơ tâm đắc khác, nói về âm hưởng của quê hương đang chiến đấu vang vọng và lan tỏa ra thế giới, có sử dụng cả chất liệu của âm nhạc cổ điển, đó là bài Beethoven và âm vang hai thế kỷ, ông viết năm 1964. Bài thơ có đoạn:

“Nghĩ chi em, nghĩ chi em, từng phút

Giữa thế kỷ như lò lửa đốt

Không cho ai hờ hững bình yên.

Trận tuyến chia đôi, em đừng ở giữa,

Dù chỉ ngồi nghe nhạc Beethoven!”

Hiện thực tươi ròng và biểu cảm trong thơ Bằng Việt góp phần làm nên vẻ đẹp riêng biệt của thơ ông, vẻ đẹp của tư duy sâu sắc, vẻ đẹp của con tim nồng hậu. Trong đời thơ Bằng Việt, có đôi bài ông từng nghiền ngẫm hàng chục năm mới viết, vì bài đó gắn chặt với kỷ niệm chiến trường, gắn chặt với sự hy sinh cao đẹp của một người bạn, đó là nhạc sỹ Trịnh Quý, tác giả bài hát nổi tiếng Trước ngày hội bắn.

Hồi đó, nhà thơ đi thực tế chiến trường, được bố trí vào Đoàn bộ Bộ Tư lệnh Trường Sơn và sinh hoạt cùng với Phạm Tiến Duật và Trịnh Quý. Trịnh Quý công tác ở Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Trường Sơn và hy sinh cùng Chính uỷ Đặng Tính khi đi thị sát mặt trận Lào dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Trong đoạn mở đầu bài thơ Trịnh Quý và tôi, tác giả viết:

“Lẽ ra tôi đã chết ở Trường Sơn

Nếu không có cuộc“Oẳn tù tì”

Giành hơn thua cùng Trịnh Quý

… Chính uỷ Đặng Tính đi thị sát Savanakhet

Xe commăngca chật

Phóng viên chỉ được chọn một người đi

Chúng tôi cùng “oẳn tù tì”, xem ai thắng cuộc

Đâu ngờ phút ấy thành trò đùa số mệnh;

Sống chết trong chiến tranh, y hệt như đùa!”…

Nhà thơ Bằng Việt đã đi qua cuộc chiến tranh với tư thế một phóng viên chiến trường như thế. Ông đã thôi hẳn nghề Luật, khi tự nguyện xin đi vào tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, từ năm 1971 đến sau Hiệp định Paris năm 1973, và trở lại Hội Nhà văn Việt Nam (mà ông đã được kết nạp vào Hội từ năm 1970, sau khi in tập thơ đầu Hương cây – Bếp lửa cùng với Lưu Quang Vũ).

Sau mấy chục năm sáng tác, với trên 12 đầu sách đã xuất bản, nhà thơ Bằng Việt, hiện nay, bước vào tuổi 80, vẫn còn nguyên vẹn tình cảm say sưa với thơ ca. Ông vừa mới hoàn thành một tuyển tập thơ của mình với tiêu đề Cầu ngói gồm 72 bài thơ ông tự chọn và cũng được ông tự dịch ra tiếng Pháp. Ông cho biết tuyển tập hiện đang được biên tập và chờ in song ngữ. Và ông lại cũng đang tiếp tục tự dịch tuyển tập đó sang tiếng Anh…

Chúc mừng ông! Xin được mượn một đoạn thơ của một nhà thơ nước ngoài để dành tặng ông: “Muôn năm trái tim vui vẻ/ Chỉ biết cười, biết ca/ Muôn năm tâm hồn tươi trẻ/ Bất chấp thời gian không già!”.                                                                    

Văn Minh Thiều

Tin liên quan

Tin mới nhất