Rồng đến nhà tôm
Một lần, nguyên Chủ tịch các Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh bảo: “Hôm nào tôi đến ông chơi nhé!”. Cũng ngỡ chỉ nói vu vơ thế cho vui, chứ có mấy khi rồng đến nhà tôm?
Vậy mà, ông đến thật. Gần đến nhà, gọi điện thì không nghe được, phải đưa máy cho cháu lái xe nghe hộ. Hôm trước, tôi gọi trực tiếp nói địa chỉ, cứ bảo nói to lên, dù đã bật loa. Ông lại bảo không nghe thấy gì, nhắn tin nhé. May mà ông đọc được tin nhắn, chỉ không biết nhắn lại thôi. Thì vẫn dùng cái Nokia cục gạch mà.
Hơn 20 năm trước, trưởng ban Văn xuôi báo Văn nghệ, Trần Huy Quang, có chút ưu ái với tôi khiến Tổng Biên tập, Hữu Thỉnh phải nhắc “Tác giả này xuất hiện hơi nhiều đấy!”. Chả là Trần Huy Quang và Lê Lựu giới thiệu tôi vào Hội. Nhưng vẫn trượt. Năm sau (2002) mới được vào. May là tôi không làm hai người phải xấu hổ.
Mấy năm sau, tiểu thuyết đầu tay Luật đời & Cha con (Giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) ra đời như một hiện tượng văn học trong năm. Ông liền cho tọa đàm tại báo Văn nghệ. Tổng kết cuộc tọa đàm, ông nói: “Chúng ta cần khuyến khích các nhà tiểu thuyết xông thẳng vào những vấn đề nóng bỏng, thậm chí có thể mạo hiểm của cuộc sống hiện tại. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã thành công về mặt thể loại…”.
Ba năm sau, tôi lại cho ra Lửa đắng. Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 này có 50 tác phẩm dự thi, Nguyễn Bắc Sơn là người duy nhất có hai cuốn vào chung khảo là Luật đời & Cha con và Lửa đắng. Nhưng vì các nhóm giám khảo chấm khác nhau nên không ai biết đấy là tập 1 và tập 2. Lửa đắng, lần đầu tiên có nhân vật “Tổng Bí thư”, “Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương”, “cụ” (cố vấn Ban Chấp hành Trung ương). Lần đầu tiên có nhân vật “người lơ lớ” (chỉ yếu tố nước ngoài). Lại có những câu rất trái tai: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Đảng ta”.
Trong lễ chào cờ thành lập chi bộ. Theo quy định không có phút mặc niệm. Bị cấp trên chất vấn. Lê Đại - một trong những nhân vật chính kể, trong một lễ chào cờ kỷ niệm ngày giải phóng thành phố nọ, một người lính đã khóc chửi trong tiếng nấc nghẹn vì chính trong đêm giải phóng ấy, mình đã phải vuốt mắt cho tám đồng đội, vậy mà hôm nay, không được một phút mặc niệm. Nói xong, anh đổ vật xuống như cây chuối bị phạt chéo. Mọi người xô đến cấp cứu. Không kịp. Anh bị vỡ tim!
“Thế tại sao không hát Quốc tế ca?” - “Tôi không hiểu vì sao đến giờ vẫn hát Quốc tế ca?... Nếu muốn giữ truyền thống thì chỉ nên tấu nhạc lên thôi, không hát, vì ca từ không còn phù hợp với xu hướng phát triển thời đại là hòa bình, hòa hoãn, hòa giải, hòa hợp”. Không những thế, tác giả còn để cho nhân vật Tổng Bí thư chấp thuận đề xuất thử nghiệm “nhất thể hóa” giữa Đảng và chính quyền. Chả thế 8 nhà xuất bản, kể cả NXB Hội Nhà văn dứt khoát không cấp phép.
Thế mà Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Trưởng ban Chung khảo dám trao đứng đầu giải C. Bây giờ, ông cầm tấm bằng mình đã ký lên, không biết nghĩ gì? Nhưng ngày ấy, ông bảo tôi: “Lẽ ra là giải B kia”. Không biết nghĩ thế nào lại nói thêm: “Sẽ tổ chức hội thảo”. Và đấy là cuộc hội thảo đầu tiên không phải do báo Văn nghệ mà do Ban chấp hành Hội đứng ra chủ trì tại Hội Nhà văn Việt Nam.
Cái khổ của người lãnh đạo là thế. Phải chịu áp lực nhiều chiều chứ không phải chỉ hai chiều. Hai cuốn tiểu thuyết sau: Gã Tép Riu và Vỡ vụn (tập 1), Cuộc vuông tròn (tập 2) cũng do ông làm Trưởng ban chung khảo, ký tặng bằng khen. Còn tiểu thuyết Lính tăng, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông thì Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều ký.
Ông bảo: “Mấy năm nữa xin giải Hồ Chí Minh đi. Đủ tiêu chuẩn mà!”. Thày tôi (hai Giải thưởng Nhà nước (một về Khoa học Công nghệ, một về Văn học nghệ thuật và Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng về Khoa học Công nghệ) khi tôi chưa được Giải thưởng Nhà nước bảo: “Về tiêu chuẩn thì cậu xứng đáng, nhưng được hay không lại là chuyện khác.” Thế nên, nghe ông bảo vậy, tôi nói: “Biết đủ là đủ. Cảm ơn lời khuyên của anh!”. “Tôi hơn anh một tuổi nhưng về thành tựu văn chương thì…”, tôi giơ hai tay ra làm một khoảng cách dài mấy gang tay thay lời. Nhưng ông bảo: “Anh là nhà tiểu thuyết thành công, tôi sẽ viết một bài về nhà tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn”. Nắm chặt hai tay thay lời cảm ơn và chắc cũng như hôm nay đến chơi nhà, đã nói là làm. Bởi lẽ trong cuốn Bến văn và những vòng sóng tặng tôi, ông viết: “Thân quý tặng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với lòng tin cậy, tình nghĩa, thủy chung sâu sắc. Hà Nội, ngày 18/5/2020”.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và nhà thơ Hữu Thỉnh.
Còn trong hồi ký Bảy nổi ba chìm của mình, tôi viết về ông thế này: “Trí nhớ kinh người. Sức đọc kinh người. Sức viết kinh người. Song, không ai biết con người bạch diện thư sinh, ăn trắng mặc trơn từng dắt trâu đi chăn, để khúc sắn luộc rơi vào bãi phân trâu, phải nhặt lên, chùi đi để ăn. Bàn tay trắng trẻo kia từng khum lại vốc phân trâu dưới nước, từ từ đưa lên cho vào sọt. Mấy lần như thế mới hết… Con người ấy tử tế trong ứng xử, tinh tế trong thẩm định văn chương và ba đầu sáu tay trong công việc lãnh đạo trong gần 20 năm”.
Ai cũng biết, đi xe cùng ông phải tuân theo luật bất thành văn: Lên xe thì đã ngồi đâu, cứ ngồi đấy cho hết chuyến đi. Không thay đổi. Lí do từ tai nạn xe thảm khốc của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Mọi người bảo nhau, đành chiều theo ý ông thôi. Thế bây giờ, không biết ông có kiêng chuyện chụp ảnh ba người không? Thoáng chút lưỡng lự, nhưng tôi cứ xếp chỗ để ông ngồi giữa tôi và Đỗ Ngọc Yên. Rồi cầm cây gậy có gắn chiếc điện thoại thông minh lên chụp mấy kiểu, rồi mới kéo ông ra mấy chỗ chụp đôi với mình.
Ông bảo, nếu tôi đọc Bảy nổi ba chìm của anh trước khi viết hồi ký thì hay biết mấy. Rất thích cái chương Tuổi thơ kháng chiến… Cái chân bị que đâm nhiễm trùng sưng tấy mà đi bộ từ Phú Thọ lên Tuyên Quang… Được một người dân giúp đỡ… 9 tuổi đã thoát ly gia đình… Tuổi anh chắc chỉ mình anh tham gia cả chống Pháp lẫn chống Mỹ…
Trong bữa ăn, Đỗ Ngọc Yên (đã từng viết về sách của ông) khuyên:
- Anh nên nghỉ ngơi thôi…
Bây giờ ai nói chuyện với ông cũng nói những câu ngắn. Rất ngắn. Mà ông cũng vậy nói những câu ngắn. Mặc dù cũng dùng máy trợ thính. Chắc chắn nghe được nên ông bảo:
- Phải sửa lại cái Giao hưởng Điện Biên…
- Thế còn hồi ký, bao giờ ra? - Tôi hỏi.
- Tháng 12, phải viết thêm phần gia đình riêng…
Chắc gợi ý từ Bảy nổi ba chìm của tôi. Có lí do để tôi biết chắc chắn nó sẽ được bạn đọc trong ngoài giới văn học đón đọc nồng nhiệt, vì vô vàn chi tiết làm mọi người “ngã bổ chửng”.
Say mê nên đọc tác phẩm của anh nhiều lắm. Nhưng, thời tôi còn là "cuối cán đầu binh" (ở Sở Văn hóa Thông tin Hà...
Bình luận