Sông Vàm Cỏ Đông và nhà thơ Hoài Vũ
“Ở tận sông Hồng, em có biết Quê hương anh cũng có dòng sông, Anh mãi gọi với lòng tha thiết: Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!...”
Khi đang là học sinh cấp 2, tôi đã từng nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ “Vàm Cỏ Đông” của nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình Tiếng Thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi những năm sau đó, bài thơ “Vàm Cỏ Đông” đã được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc một số đoạn. Và cũng từ đó bài hát “Vàm Cỏ Đông” với cái tên Hoài Vũ - Trương Quang Lục, đã đi vào lòng công chúng yêu thơ và yêu âm nhạc trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có tôi, dẫu rằng chưa một lần tôi đến dòng sông trong thơ ca đó.
Nhà thơ Hoài Vũ và tác giả Đậu Thanh Sơn
Tôi nhớ mãi ngày 29/9/1977, một ngày mới thật đẹp, bầu trời Biên Hòa trong veo và khá mát mẻ, phía Đông đã ửng hồng, báo hiệu một ngày nắng nóng. Khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua tán lá của những hàng cây cao su trong căn cứ Long Bình, cũng là lúc hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 341 đã ngồi gọn gàng với ba lô, súng đạn trên 104 chiếc xe vận tải quân sự chuẩn bị hành quân ra biên giới.
Lệnh hành quân được phát ra, đội hình xe các đơn vị nối đuôi nhau, rầm rập chuyển bánh hành quân về biên giới Tây Ninh. Đường hành quân từ căn cứ Long Bình lên huyện Bến Cầu (Tây Ninh) hơn 80 ki-lô-mét, đi qua Bình Dương, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng... Trên xe lính ta cười nói râm ran, một số xe có anh em lính mới Thanh Hóa, Hà Bắc nhập ngũ sau ngày 30/4/1975 đồng thanh hát tập thể rất vui nhộn. Tuy nhiên mỗi người mỗi dòng suy nghĩ và tâm trạng khác nhau, bởi chúng tôi bắt đầu bước vào một trận đánh mới và kẻ thù mới.
Qua khỏi ngã ba thị trấn Gò Dầu, xe chạy trên một chiếc cầu để lên huyện Bến Cầu, các anh lính cũ nói với tôi “Mình đang đi trên cầu Gò Dầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông”. Ồ! Sông Vàm Cỏ đây sao? Tự dưng trong tôi trào dâng lên niềm xúc động mãnh liệt. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy sông Vàm Cỏ Đông, con sông trong xanh “biêng biếc”, hiền hòa với những vạt lục bình lững thững trôi. Âm hưởng của bài hát “Vàm Cỏ Đông” bỗng nhiên ngân lên trong tôi, tôi thầm hát “Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi hỡi dòng sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong...”
Và cũng từ hôm ấy, sông Vàm Cỏ Đông in đậm trong tôi cũng như hàng ngàn người lính Sư đoàn 341, và hàng vạn người lính đã từng tham chiến chống quân Pol Pot xâm lược bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, trong những năm tháng chiến tranh biên giới Tây Nam.
Cũng từ tháng 7 năm 1977 cho đến hết năm 1979, tuy có những tháng chúng tôi hành quân cấp tốc từ Tây Ninh xuống miền Tây, chiến đấu với lính Pol Pot bảo vệ biên giới các tỉnh An Giang, Kiên Giang, nhưng phần lớn thời gian chiến đấu ở biên giới Tây Ninh.
Tôi không nhớ mình đã bao lần đã đi qua sông Vàm Cỏ Đông. Rất nhiều lần qua cầu Gò Dầu trên Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 22) lên huyện Bến Cầu hoặc qua đất Campuchia. Khi thì đi đường liên tỉnh lộ 13 (nay là đường DT781) để lên biên giới qua sông Vàm Cỏ Đông bằng phà Bến Sỏi. Thời ấy chúng tôi qua cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Phước Tân, không dùng cuốn hộ chiếu giấy như bây giờ, mà bằng “Hộ chiếu súng AK”.
Đêm 22/12/1978, các đơn vị của Sư đoàn 341 chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ Đông ở bến Cây Sao (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), bằng cầu phao do bộ đội công binh Quân đoàn 4 lắp ghép bằng gỗ ván và thùng phi, nhằm đưa bộ đội vượt sông Vàm Cỏ Đông sang bờ Tây đánh vào phum Tà Miên (đất Campuchia), làm bàn đạp để Trung đoàn 266 và 270 (Sư đoàn 341) bao vây đánh trận Năm Căn - Hòa Hội. Đó là trận đánh cuối cùng giải phóng vùng đất ở biên giới Tây Ninh bị Khmer Đỏ lấn chiếm. Đây là một vùng rừng nguyên sinh bạt ngàn, với nhiều cây cổ thụ cao chọc trời. Tại đây hai trung đoàn lính Khmer Đỏ đã chiếm đóng trái phép, xây dựng lực lượng và căn cứ hậu cần cho mưu đồ kế hoạch đánh chiếm núi Bà Đen và thị xã Tây Ninh.
Trong kháng chiến chống Pháp, sông Vàm Cỏ Đông, rừng Phước Vinh với những địa danh như Trảng Trâu, Trảng Còng... đã được nhạc sĩ Hoàng Việt viết trong ca khúc “Lên ngàn” năm 1952: "Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi, trên sông Vàm Cỏ Đông, nước chảy ngược dòng, nước ngược dòng... Hò ơi!... Em chèo thuyền đi trên rẫy Trảng Còng, cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con..."
Thú thật mà nói, thời kỳ đầu ở Tây Ninh, tôi không phân biệt được sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Đến khi nghe đồng chí Vũ Thang - Tham mưu trưởng sư đoàn nói tôi mới phân biệt được. Từ ngã ba Vàm, hai nhánh sông từ vùng đất trũng Campuchia dồn nước vào dòng sông lớn, cũng từ đây sông lớn đó được mang tên sông Vàm Cỏ Đông. Sông có hành trình dài hơn 100 cây số, bắt đầu ở nước ta tại xã Biên Giới, xã Thành Long (huyện Châu Thành, Tây Ninh), sông chảy quanh co, uốn lượn quanh những xóm làng, các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, rồi chảy qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước của Long An, để rồi kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây ở Tân Trụ, tạo nên sông Vàm Cỏ đổ vào sông Soài Rạp và đi ra biển Đông...
Hôm nay tôi được diện kiến với nhà thơ Hoài Vũ, thời gian nói chuyện với ông tuy ngắn ngủi, tuy nhiên trong tôi nhà thơ Hoài Vũ là nhà thơ tôi rất kính trọng và yêu mến trong mấy chục năm qua. Những bài thơ của ông được các nhạc sĩ Trương Quang Lục, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến... phổ nhạc như “Vàm Cỏ Đông”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”, “Dòng sông quê em” v.v..., hầu như tôi nghe thường xuyên. Những ca khúc đó đã đi cùng năm tháng với những người yêu thơ, yêu nhạc cách mạng. Thơ ông được chắp cánh bằng những giai điệu, bằng tiết tấu đã cất cánh bay cao đi vào lòng người, vào công chúng yêu âm nhạc truyền thống cách mạng.
Nhà thơ Hoài Vũ
Trước đây tôi cho rằng nhà thơ Hoài Vũ quê ở Long An, bởi sự nghiệp và văn chương của ông gắn với vùng đất và con người Nam Bộ. Nhưng gần đây tôi mới biết quê ông ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Hoài Vũ chỉ là bút danh, tên thật của ông là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 trong một gia đình có truyền thống yêu nước cách mạng. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và được Nhà nước cử đi du học tại khoa Văn học - Trường Đại học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp và trở về nước, ông được tổ chức đưa trở lại chiến trường miền Nam. Năm 1963, ông công tác ở chiến trường B2, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Với tài năng thơ ca thiên bẩm, nhà thơ Hoài Vũ đã sớm trở trở thành một cây bút sáng giá của thơ ca cách mạng miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài hàng trăm bài thơ nổi tiếng, nhà thơ Hoài vũ còn sáng tác về mảng văn xuôi, với các tập truyện ngắn: “Tiếng sáo trúc”; “Rừng dừa xào xạc” (1977), “Quê chồng” (1978), “Bông sứ trắng” (1980), “Bên sông Vàm Cỏ” (1980), “Vườn ổi” (1982).
Ngoài ra nhà thơ Hoài Vũ là một dịch giả các tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại như: “Loạn luân”, “Người đàn bà bất hạnh”, “Nữ điền chủ cuối cùng”, “Hồn ma”, “A Sư Ma bé bỏng”.
Ngày 01/7/2023 vừa qua, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP. HCM kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, đã thực hiện chương trình thơ Hoài Vũ, mang tên “Thì thầm với dòng sông”, nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông trong nền văn học chiến tranh cách mạng nói chung, và văn học Nam Bộ nói riêng.
Nhà thơ Hoài Vũ với các thành viên Hội Nhà văn TP. HCM
Năm nay (2023), nhà thơ Hoài Vũ đã bước vào tuổi 88, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và giọng nói tốt. Những bài thơ của ông vẫn tiếp tục lan tỏa trong lòng bạn đọc và trong học sinh, sinh viên. Với phong cách rất Nam Bộ, đầy chất trữ tình và lãng mạn, thơ của ông đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta về tình yêu quê hương đất nước, niềm tin tưởng lạc quan trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, nhằm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh./.
Nhắc đến tên những nhà thơ quan trọng trong nền thơ đương đại Việt Nam, không thể không nhắc tới thi sĩ Trần Quang Quý....
Bình luận