“Sự im lặng biếc xanh”: Như Bình hạnh ngộ chính mình!

(Đọc tập thơ “Sự im lặng biếc xanh”, tác giả Như Bình, NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 10/2024)

Hơn 30 năm cầm bút, Như Bình được biết đến là một nhà báo sắc sảo và đồng thời là một nhà văn sâu lắng. Nhưng điều đáng nói, chị hoàn toàn tách biệt được hai vai trò ấy rất rõ ràng, mạch lạc. Nếu những phóng sự báo chí của chị ngồn ngộn hiện thực thì những trang văn chị viết luôn đẹp đến tinh khiết, như thể, đó là cách chị cân bằng hai thái cực “dữ dội và dịu êm” (mượn chữ của nhà thơ Xuân Quỳnh) trong tâm hồn mình. Đọc văn Như Bình, độc giả luôn tìm thấy chất thơ len lỏi trong từng câu chữ. Không ít người đặt ra câu hỏi, Như Bình có làm thơ không? Mất nhiều năm trăn trở, chị thận trọng trả lời những người hâm mộ chị bằng tập thơ đầu tay Sự im lặng biếc xanh (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 10/2024), đánh dấu một thể nghiệm vừa mới mẻ, lại vừa rất... Như Bình!

“Sự im lặng biếc xanh”: Như Bình hạnh ngộ chính mình! - 1

Tác giả Như Bình.

Có điều gì thẳm sâu hơn sự im lặng? Im lặng phải chăng là tận cùng của cô đơn? Im lặng có màu gì? Nó không mang sắc vàng của nắng. Nó chẳng nhuộm màu hồng thắm của hoa. Trong đôi mắt Như Bình, im lặng khoác màu biếc xanh, ngời lên giữa cuộc đời trầm luân, khổ hạnh. Nhan đề tập thơ chính là một dấu chỉ để người đọc khám phá những mê cung tâm trạng trong thơ Như Bình. Nhà thơ chọn ngôi xưng “em” cho đa số các bài thơ, một mặt thể hiện sự nữ tính ý nhị, mặt khác bộc bạch những khát khao mang hơi hướng nữ quyền.

Sự im lặng biếc xanh được chia thành ba phần, lần lượt là: Trầm - Mộng - Thiền cùng những ẩn ý vô cùng sâu sắc về hành trình tình yêu với ba cung bậc, tạm gọi là: đớn đau - mộng tưởng - buông bỏ, mà dù muốn hay không, đời người thật khó tránh khỏi. Có người giữ mãi trong mình một niềm đau, sống với những khối u ký ức. Có người lạc vào những giấc mơ để quên đi thực tại. Lại có người chôn sâu chấp niệm, gắng chọn cho mình một khoảng lặng an yên. Như Bình là ai trong số đó?

Trầm - thật ra em rất cô đơn...

Phần Trầm khiến tôi liên tưởng đến một mặt sông phẳng lặng ẩn giấu những con sóng ngầm chực trào dâng bất cứ lúc nào. Khác với sự dịu đằm, nền nã trong văn xuôi, Như Bình của thơ vừa muốn giữ mình, lại vừa manh nha ý định nổi loạn: “em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh/ thật ra em rất cô đơn/ con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng/ gục đầu thú tội/ em không thể chạy đến tìm anh để ngã vào cô đơn/ thêm một lần nữa” (Con thú). Trong “em” có một con thú luôn ngọ nguậy, luôn thổn thức, luôn muốn phá bỏ những khuôn phép vốn dĩ được đóng khung quá chặt. Sự cô đơn nuôi “con thú” ấy lớn dần. Sự cô đơn ăn mòn trí nhớ của em, đến mức “em không nhớ mình là ai”, nhưng hình bóng của anh cứ “giày vò em” quay quắt, phạc phờ. Nếu “em” không kịp thời chế ngự “con thú” đó, hẳn sẽ có một ngày, nó sai khiến “em”, khống chế “em” và thậm chí nuốt chửng “em”. Cuối cùng, “em” vẫn phải “nhốt sâu” nó trong trái tim cô độc. 

Dường như, cô đơn là cảm xúc chủ đạo trong thơ Như Bình. Khi cô đơn, người ta thường luẩn quẩn nghĩ về hai trạng thái đối lập: sự sống và cái chết. Như Bình cũng không ngoại lệ: “nếu một ngày đám tang tôi đưa tiễn/ người ấy có đến không, bước chầm chậm đưa hồn/ có lau mắt ngăn không cho lệ đắng/ tràn lên môi và ứ nghẹn trong tim” (Nghĩ về một cái chết). Cứ ngỡ chết là hết mà sao tâm can còn nặng nỗi đoạn trường? Như Bình tin vào thế giới tâm linh sau khi con người xuôi tay nhắm mắt: “đôi lúc em sợ cái chết đến bất kỳ/ cái chết chặn em khỏi thế giới/ hoang mang em/ đi đâu/ về đâu/ em không muốn làm một hồn ma lạc lối” (Viết về một nỗi sợ hãi).

Cứ tưởng Trái Đất rộng mênh mông mà đôi khi chẳng tìm được một điểm dừng chân an ổn, rồi bất lực đến mức vỡ òa: “em đứng yên tan chảy/ khóc mà không hiểu vì sao/ vì sao chúng ta bặt xa nhau/ vì sao chúng ta vắng xa nhau lâu đến thế” (Sự lãng quên trùng kiếp). Khi em khóc, nước mắt đã rửa trôi hết nỗi buồn, chỉ còn trơ lại một khối tình vô hạnh. Em nhận ra điều đó thì đã quá muộn màng: “có một ngày nỗi buồn cũng chả buồn đến với em/ nỗi buồn chết nhạt màu trên rã rời nhan sắc/ em/ xác vỏ/ loài sâu” (Trầm cảm 3). 

Nghĩ về cái chết, Như Bình tự nhủ mình trân trọng những khoảnh khắc hiện tại, khi con tim vẫn biết rung lên những nhịp đập yêu thương. Nhưng “phải sống thế nào cho bớt nỗi cô đơn”, “phải sống thế nào để vui hơn” là điều không hề dễ! Bởi con người thường hay tự khiến mình mắc cạn trong những âu lo dự cảm: “đôi khi em thật điên rồ/ ước muốn khỏa thân trong đất nâu yên lặng/ ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em/ để chú dế con thôi gục đầu trên ngực em bật khóc” (Viết về cái chết). Những câu thơ trầm lặng mà ám ảnh đến da diết. Khi chúng ta nằm xuống, hoa cỏ có mọc lên? Ai chẳng sợ những cái chết nhạt nhòa, vô nghĩa? Nhưng đáng sợ hơn là sự héo úa của tâm hồn khi thân thể vẫn còn khỏe khoắn, ta sống dật dờ như chiếc bóng vô ngôn: “cuộc sống như bản giấy nháp bề bộn/ ta mỗi ngày bề bộn nông sâu/ khởi lên rồi xóa đi/ bật rồi tắt/ trong xó xỉnh tâm hồn/ bóng bỡn cợt nhìn ta” (Bóng). Phút giây ấy, Như Bình đang đối diện với bản thân để tìm câu trả lời cho ý nghĩa đời người. 

Như Bình yêu đời, yêu người và yêu mình đến “võ vàng nốt những tàn phai”. Trong phần Trầm, chị nhung nhớ, hoài nghi, thở than, tiếc nuối và liên tục đặt ra những câu hỏi về tình yêu: “chúng mình là gì của nhau/ bức tranh im lặng nhìn em/ hộp màu mở mắt nhìn em/ dao, bay, vạ vật chờ em/ trên toan/ ghim một thất vọng” (Chúng mình là gì của nhau). Phụ nữ luôn cần một danh phận khi yêu. Những hẹn thề chót lưỡi đầu môi chẳng có gì là chắc chắn. Chị muốn cùng người ấy xây nên ngôi nhà hạnh phúc. Hơn ai hết, sau những ảo ảnh phù du, chị thấu suốt một điều giản dị rằng, đến cả sự tự nguyện cũng có giới hạn và quy ước riêng: “nhưng nếu không xây cho mình những ngôi nhà/ không lẽ ta là loài lang thang du mục/ không lẽ ta không có một tổ ấm để quay về/ không lẽ ta thành con thú hoang dưới trăng” (Giới hạn). Nhưng để thay đổi một người là điều bất khả dĩ, nên chị cảm thấy trái tim khô kiệt, càng hy vọng lại càng thất vọng: “tôi buồn như điên, bất lực như điên” (Nàng bò cái).

“Sự im lặng biếc xanh”: Như Bình hạnh ngộ chính mình! - 2

Tập thơ "Sự im lặng biếc xanh".

Mộng - thầm mơ một kiếp bạc đầu...

Có phải vì hiện thực quá phũ phàng, đắng cay mà Như Bình tìm vào cõi mộng? Trong cõi mộng, chị có bớt đau và bớt điên? Vì không thay đổi được “anh” nên “em” đã thay đổi chính mình, sắc sảo hơn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết: “giữa những cơn hổn hển của không gian/ em bình tâm/ thở” (Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp). Thét gào, quằn quại, đau đớn, xót xa... là bản năng, nhưng “bình tâm” là bản lĩnh, là kết quả của sự trải nghiệm và trưởng thành! Bình tâm đối chọi, bình tâm vượt qua những bức bối, hờn ghen thường nhật để tận hưởng những dư vị ngọt ngào của nhịp sống: “cho em một ngày/ rũ bỏ hết những vô nghĩa/ rũ bỏ em/ chạy như bay tới cánh đồng sau vụ gặt/ quỳ xuống hôn một cọng lúa vừa cắt” (Âm thanh cuối). May mà “em” đã nhìn ra những điều “vô nghĩa” để kịp thời chọn cho mình những ý nghĩ nguyên khôi. Hôn một bông lúa “có thể gây nên những vết xước” nhưng còn hơn hôn lên một đôi môi ngọt ngào giả dối. 

Nếu ở phần Trầm, mạch thơ dồn dập, nén ép đến nghẹt thở, thì sang phần Mộng, Như Bình đã tiết chế cảm xúc lại qua những câu thơ điềm đạm đến đến dịu đằm: “chúng ta nói với nhau về những ân tình/ về những gì anh đã dành cho em/ em mang nó suốt đời như mang một tình yêu đủ giúp/ em bình tâm sống/ ôi tình yêu không hình hài, không gương mặt, không thanh âm/ không kí tự/ em nặng lòng mang giữ thẳm sâu” (Tình yêu bé của em). Cái kết của một tình yêu, dù tròn trịa hay tan vỡ thì ít nhiều đều chứa “những ân tình”. “Em” luôn biết ơn tình yêu, biết ơn cả những vết sẹo trong quá khứ. Thay vì khiến “anh” cắn rứt lương tâm, một mình em “nặng lòng mang giữ thẳm sâu” những hoài niệm một thời và một người. Đi hết những hoang mang, vô định, “em” lại tìm về với biển mênh mông: “biển của em chiều nay/ sóng chạy không kịp thở/ những con sóng chưa bao giờ quên/ cuống quýt ôm mà không hết nhớ/ biển của em ngày trở lại/ xanh miên man vô bờ” (Biển của em). 

Ít ai biết rằng, ngoài viết văn, làm thơ, Như Bình còn vẽ tranh. Nên chị đã vận dụng nhuần nhuyễn tư duy về bố cục và màu sắc trong hội họa để dụng công xây dựng một hệ thống thi ảnh trau chuốt và mang đầy tính ẩn dụ cho thơ: cánh đồng, hoa gạo, biển xanh, con đường, ánh trăng, cầu Ô Thước... Nhờ vậy, “Mộng” vừa huyền hồ, trừu tượng lại vừa hiện thực, hữu hình đến hài hòa, sinh động: “sương ướt tóc rối bời niềm nhung nhớ/ thông xanh reo thầm thĩ gọi nắng trời/ Đà Lạt thẫm màu dã quỳ hoang tối/ tóc em vàng những vệt phấn thông rơi” (Đà Lạt 2).

Bút pháp miêu tả thực thực, hư hư khiến từng sự vật như được thổi vào những linh hồn lay động: “hoa nở dưới trăng non bát ngát/ lũ sóc đùa dai dẳng với thông xanh/ kìa quả thông rụng đầy lối vắng/ rêu che mờ dấu nhỏ những mùa xưa” (Đà Lạt 1). Hay trong Mộng du, chị đã thả hồn mình vào những phiêu diêu lạc phố: “Thành phố đêm nay khác lạ/ những ngôi nhà mộng du/ nỗi nhớ mộng du/ hàng cây mộng du/ tóc em mộng du/ bỏ gối chăn lang thang đường phố”.

“Mộng” không chỉ là chiêm bao mà còn là ước vọng, những ước vọng giản dị đến nghẹn ngào: “lá đỏ rơi về xa ngái/ âm thầm cổ tích cho nhau/ người đi có còn ngoái lại/ thầm mơ một kiếp bạc đầu” (Mùa thu). Như Bình biết rằng, đời không giống như cổ tích: “giữa anh và em/ như đáy biển không ánh sáng/ như loài san hô câm điếc/ như ngọc trai khóc bóng tối mịt mùng” (Sự im lặng biếc xanh 1). Trong “bóng tối mịt mùng” làm sao tìm thấy nhau giữa dòng đời không ngừng luân hoán? “Em” vẫn quyết định “bơi ngược dòng những mù khơi” để tìm anh. “Em” mù quáng hay tận hiến mới là giới hạn cao nhất trong tình yêu: “em bơi ngược dòng những mù khơi/ cơn bão về ngang hỏi em nhớ không/ cơn dông bận đi xa không kịp trả lời/ em bơ vơ trên sóng/ đùa vui mặn đắng” (Sự im lặng biếc xanh 2). Như Bình nhắc lại mệnh đề quen thuộc: “Muốn có tự do và hạnh phúc, bạn buộc phải đấu tranh”. “Em” không ngồi yên một chỗ chờ tình yêu gõ cửa, em miệt mài tìm kiếm, sẵn sàng đánh đổi và chấp nhận cả cái kết chỉ toàn là tổn thương và mất mát!

Thiền - mở mắt là bầu trời

Rất nhiều lần trái tim trầy xước, tại sao Như Bình vẫn còn tin vào tình yêu? Ai đó từng nói, nắm được đã khó, buông được càng khó hơn. Như Bình sẽ làm gì để vỗ về những vết thương chưa kịp liền sẹo? Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, thời gian vẫn chảy, nhịp sống vẫn trôi, con người dường như chỉ có ba lựa chọn: ngược dòng, buông xuôi hoặc mắc kẹt. Như Bình tìm đến “Thiền” như một phương cách chữa lành. Đối với chị, thiền là học lối sống ung dung tự tại của thiên nhiên, vạn vật quanh mình: “những đám mây thiền/ giữa bầu trời lặng thinh/ nắng xuyên qua/ gió bốn bề rung chuyển/ nhưng bầu trời triệu năm đã thiền bên mây trắng/ bọc ối thiền mặc kệ bão ngàn xa” (Những đám mây thiền bên cửa sổ máy bay). Bão tố rốt cuộc cũng chỉ là thử thách của đời người. Đạt đến trạng giới “mặc kệ” nghĩa là chạm tới một phần giác ngộ: “ôi, hòn sỏi nằm im không dấu vết/ không nỗi đau ai đó giẫm lên mình/ không rướm máu cả khi trầy xước/ không hoan ca khi nắng sớm len tìm” (Hòn sỏi im lìm nơi đáy suối).

Từ Trầm sang Mộng đến Thiền, ngòi bút Như Bình liên tục biến ảo linh hoạt: hiện thực - huyền ảo - siêu thực. Chất siêu thực chầm chậm thẩm thấu trong từng câu chữ mà đồng cảm bùi ngùi: “một mình với một tường minh/ một mình với những lặng thinh bả bời/ ai chia đôi ánh trăng ngời/ mà men rượu ngấm dưới trời đêm qua” (Một mình). “Một mình” là trạng thái tuyệt đối của tự do, không ràng buộc, không vướng bận. Và từ “im lặng” đến “thinh lặng” là một quá trình ngộ đạo. Vì cuộc sống quá rộng mà đời người không dài, hãy yêu bản thân sau những tháng năm vồn vã yêu người: “hồng trà em độc ẩm/ ngoài trời sương khói lay/ em uống em một hơi/ mộng tan theo ảo giác” (Uống hồng trà). “Em uống em” là một thi ảnh độc đáo, vừa phân thân, vừa hòa hợp. “Em” nhỏ nhoi, hữu hạn, tương quan đối lập với “trời sương khói” vô tận, mênh mang. Không khí man mác hoài cổ này gợi nhớ tới cặp câu kết trong thi phẩm nổi tiếng Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Dừng chân đứng lại: trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”.

“Sự im lặng biếc xanh”: Như Bình hạnh ngộ chính mình! - 3

Tập tản văn "Thương những xa xôi".

Tiếp nối những tín hiệu nghệ thuật giàu sức biểu đạt ở phần “Mộng”, Như Bình tiếp tục khai thác hệ thống hình ảnh vô cùng gợi hình, gợi cảm tại phần “Thiền”: “chim trong vườn gọi buổi bình minh/ giọt nắng vương/ dưới tán cây sương còn đọng giọt/ sương hay nắng cười trên vòm lá biếc/ óng ánh mắt em” (Trong khu vườn lặng im của em). Bình yên không xa vời như chúng ta hằng nghĩ. Bình yên luôn ở rất gần, là khi ta tỉnh dậy, thấy hơi thở vẫn còn nồng ấm, tai lắng nghe tiếng chim dạo nhạc, mắt ngắm nhìn những giọt nắng vương vương rụng xuống từ kẽ lá tàng cây.

Sau những ảo mộng phù hoa, ta đã bỏ qua bao điều cao đẹp. Như Bình bất chợt nhớ mẹ. Hình tượng mẹ trong thơ chị ấn tượng đến nao lòng, thấm thía: “mẹ giờ ở cõi chơi vơi/ nơi xa xăm ấy khóc cười còn không/ con giờ đã bã bời dông/ đã tan một kiếp tơ hồng gió phơi” (Nhớ mẹ). Đời sông chảy xuôi, kiếp người trôi ngược, khi chùn chân lại muốn trở về quê nhà, sà vào lòng mẹ mà khóc cho nước mắt rửa trôi bao ấm ức, tủi phiền. Nhưng mẹ giờ đã an giấc ngàn thu. Những câu lục bát trĩu nặng nỗi niềm, có cả sự biết ơn đan xen hối lỗi...

Tổn thương thì đã đau, xót xa thì đã khóc, sai lầm thì đã ân hận. Trả những mỏi mệt cho gió cuốn đi, trả những âu lo cho ngày đã cũ, trả những muộn phiền trôi theo quá khứ, Như Bình tự đi tìm nguyên bản vô vi đã đánh mất bằng chùm thơ thấm đẫm triết lý Phật pháp: “em về ngủ giữa sen trắng/ mộng bình yên một đóa thôi/ ru em miền hương thơm nắng/ ngắm em sáng mảnh gương trời” (Thiền 3). Được sống đã là một đặc ân của cuộc đời, tâm an thì mắt mới nhìn đời tươi sáng: “nhắm mắt một hơi thở/ mở mắt là bầu trời/ một ngọn gió đang tới/ một vầng mây đang trôi” (Thiền 1). Từ những rung động mãnh liệt trước ngoại cảnh, Như Bình lặng lẽ đi sâu khám phá sự bí ẩn của những khoảng lặng trong thế giới nội tâm: “này tôi này tôi/ bình yên hiện tại/ dìu tâm quay về/ tâm không lạc lối” (Thiền 1). Có vẻ Như Bình đã thuần hóa được “con thú” trong trái tim mình. Xếp lại dự cảm âu lo, chị nhẹ nhõm đón nhận cuộc sống trong tâm thế bình thản, dịu dàng: “này tâm phiêu lãng/ quay về đây thôi/ thảnh thơi an trú/ trên thân mỉm cười” (Thiền 4).

Càng đọc, càng thấy các bài thơ trong thi tập Sự im lặng biếc xanh được sắp đặt theo một trình tự đầy dụng ý nghệ thuật. Hay nói cách khác, Như Bình đang cố gắng kể một câu chuyện bằng thơ. Sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật trữ tình chính là sợi dây kết nối các phân mảnh ký ức, ngỡ rời rạc mà chặt chẽ đến tỉ mẩn, công phu. Như Bình có thế mạnh trong việc gọi tên từng xúc cảm và ranh giới bằng những ngôn từ có sức chạm, giải mã nỗi nhớ bằng thi ảnh và sắc màu. Chị kỳ công tạo ra các vế tương phản trong thơ: bản năng và ý thức, mộng mơ và thực tế, thất vọng và lạc quan, cuồng si và tĩnh lặng, đau đớn và hạnh phúc, cay đắng và ngọt ngào, lãng quên và nhung nhớ, nắm níu và buông tay, mù quáng và sáng suốt, tin cẩn và hoài nghi, bất cần và khao khát...

Qua đó, có thể nhận định rằng, đối với chị, thơ không chỉ là kỷ niệm mà còn là một ý niệm kiêu hãnh về tiếng nói nữ quyền, bắt đầu từ việc đấu tranh cho những nhu cầu nhỏ nhoi chính đáng trong cuộc sống nói chung và tình yêu nói riêng, vượt lên trên những khuôn thước định kiến bao lâu nay vẫn áp đặt vào thân phận người phụ nữ Á Đông.

Với Sự im lặng biếc xanh, Như Bình hoàn toàn có quyền tự tin bước vào địa hạt thơ. Nó xứng đáng là một dấu ấn rạng rỡ trong gia tài sáng tác khá dày dặn của chị. Như Bình có thể nhốt “con thú hoang” vào thẳm sâu trái tim cô độc, nhưng xin đừng nhốt hồn thơ vào những bận rộn, xô bồ. Trả lời phỏng vấn gần đây báo Nhân dân, Như Bình thú nhận: “Trong nghệ thuật, văn chương càng cần phải trung thực, dũng cảm cất lên tiếng nói chân thật từ trái tim. Nếu mình không trung thực với trái tim mình thì tự nó sẽ không tìm đến mình. Không phủ nhận tôi là một người đàn bà luôn khát khao mãnh liệt được sống và yêu, được là chính mình với tất cả những bản năng đàn bà nhất”. Quán chiếu theo quan niệm đó, bằng tập thơ này, Như Bình đang cố gắng phá vỡ những giới hạn để được hạnh ngộ với chính mình trong phiên bản nguyên sơ nhưng lộng lẫy nhất!

Phan Đức Lộc

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thể lệ Cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”

Thể lệ Cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”

Thực hiện hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 20/9/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023 – 2025; Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024); Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Liên hiệp các Hội Văn h

Phát động Cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”

Phát động Cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”

Sáng 25/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”.

Gợi ý cách đặt  tên hay cho bé gái 2025 độc đáo với tên 4 chữ

Gợi ý cách đặt tên hay cho bé gái 2025 độc đáo với tên 4 chữ

Việc đặt tên hay cho bé gái 2025 bằng tên 4 chữ là vấn đề được nhiều gia đình chuẩn bị đón các cô công chúa chào đời rất quan tâm. Nếu như cha mẹ đang phân vân không biết nên chọn tên nào cho bé là phù hợp thì hãy cùng tham khảo những gợi ý dưới đây nhé.