Tản mạn quan hệ giữa nhà văn và người đọc

Nhà văn và người đọc là hai thực thể hoàn toàn riêng biệt, hoàn toàn xa lạ nhau, còn tác phẩm là chiếc cầu nối, biến hai kẻ xa lạ trở nên đồng cảm, đồng điệu và thân quen. Đôi khi trở thành bạn tâm giao thân thiết.

Chuyện cách đây trên dưới 200 năm kể: Năm Tân Dậu (1801), vua Cảnh Thịnh để làm lễ tế giao ở Hồ Tây giao Hữu Thị Lang Nguyễn Huy Lượng người làng Sủi, Gia Lâm, Hà Nội soạn một bài thơ và một bài phú dùng cho buổi lễ đó. Bài Tụng Tây Hồ phú ra đời và chẳng bao lâu trở thành một kiệt tác đến độ đời sau đánh giá: “Trước và sau Nguyễn Huy Lượng chưa có tác phẩm nào viết về non sông, đất nước Thăng Long hay như thế, đẹp như thế”.

Còn đương thời, ngay sau khi bài phú ra đời, dân Thăng Long từ sĩ phu hay dân thường đều đua nhau chép lại bài phú này để dán tường nhà và ngâm ngợi đến độ giấy và mực ở Hàng Giấy, Hàng Gai trở nên khó mua mặc dù liên tục tăng giá.

“Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng;

Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm;

Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.”

Còn chuyện về tác giả viết bài viết này - một nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp có thể nói trọn đời gắn với nghề cầm bút cũng có đôi ba câu chuyện kể hầu quý vị về mối quan hệ giữa nhà văn với bạn đọc này.

Bài thơ Nhân dân tôi viết xong vào ngày 6/6/1988, băn khoăn mãi không gửi đăng báo. Hai năm sau, tôi gửi cho báo Văn Nghệ nhưng không mấy hi vọng. Ngày 31/3/1990, tôi đến làm việc với nhà máy đóng tàu Bến Kiền. Vì là đầu giờ buổi sáng nên ông giám đốc sau khi pha trà “mời nhà báo uống nước tôi tranh thủ liếc qua báo chí tý xem có gì hay không”. Tôi đang ngồi nhấm nháp vị trà trong tiếng giở báo sột soạt của vị giám đốc ham đọc. Bỗng tôi giật mình khi nghe tiếng vỗ đùi đánh đốp cùng reo to của chủ nhà. Liền sau đó, ông giám đốc cất giọng to hỏi tôi:

- Chú đọc bài thơ này chưa? Hay! phải nói là tay nhà thơ này viết hay và dũng cảm. Chú nghe này: “Nhân dân khom lưng cấy lúa/ Ăn vội vàng miếng cơm quá nhỏ/để kịp giờ vào ca… Trong chiến tranh là người đi đầu/ Ngày hoà bình thì hưởng cuối/ Trong chiến tranh mở hết lòng mình để đón mọi người/ Hoà bình về chỉ xin một việc làm đi đủ trăm cửa/ Nhân dân làm nên mọi việc tầy trời/ Nhưng bị bắt bẻ trong từng chữ kí”. Tuyệt thật, tuyệt quá chú ạ! Ở trên Hà Nội chú có quen tay Nguyễn Hiếu này không?

Tôi cố nén sự xúc động khe khẽ hỏi: “Đăng trên báo nào đấy anh?”. Sau tiếng lật báo sột soạt, ông giám đốc bảo: “Báo Văn Nghệ mới coong hôm nay 31/3. Tý nữa tôi bảo hành chính đánh bài thơ này ra cho mọi người cùng đọc”.

Tản mạn quan hệ giữa nhà văn và người đọc - 1

Một số tác phẩm của Nguyễn Hiếu 

Cũng liên quan đến bài thơ Nhân dân là câu chuyện vào quãng những năm 1992-1993, vào buổi trưa phóng viên thời sự trẻ tuổi Giang Trung Sơn vừa lên đến hành lang đã túm lấy tôi kể: “Sáng nay, ông đại tá phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy lúc nói về nhân dân đã đọc vanh vách một đoạn về bài thơ Nhân dân của chú. Cháu nhớ có mấy câu “Nhân dân là ai /Là tất cả chúng ta/… Là hai triệu rưởi người chết đối năm bốn lăm/ Và cũng năm bốn lăm hớn hở đi biểu tình/ Là kẻ xếp hàng chen lấn khi đong gạo? Cũng là người hoan hô đón các vị nguyên thủ/… Là người vác cả cỗ hậu sự/ Lát đường cho xe qua/ Cũng là kẻ đào đá trên đường tàu về xây nền nhà/ Là người bỏ chiếc nhẫn cuối cùng cho tuần lễ vàng/ Và mong ngóng nhỏ nhoi hai con số đề mỗi chiều về”. Đọc xong ông đại tá nói, tôi không biết tác giả bài thơ này là ai, nhưng ông định nghĩa nhân dân không chê vào đâu được”.

Năm 1988, tôi có in truyện ngắn nhan đề Chuyện vụn về bác Tư Rụm trên báo Văn Nghệ (Nhà văn Hoàng Minh Tường biên tập). Sau đó tôi đi công tác miền Nam. Khi đến Cảng Sài Gòn làm việc, ông Trần Văn On - Giám đốc cảng dạo đó hỏi tôi: “Thằng cha nhà văn trùng tên với chú viết về lão Tư Rụm ở ấp Bà Đành chắc chắn là dân miền tây”. Tôi hơi ngớ người khi nghe ông nói liền hỏi: “Sao anh lại nghĩ tác giả Tư Rụm là dân miền Tây?”. Anh On nói ngay: “Nhà văn miền Bắc khó biết được lời ăn và nhất là cách nghĩ của dân miền Tây. Thằng cha viết cứ như hàng xóm của Tư Rụm ấy. Bợm thế!”.

Về truyện ngắn này tôi nhận được bài viết của Tiến sĩ Đường Văn, nguyên Trưởng khoa Lý luận Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông không phải là nhà phê bình văn học nhưng ông bảo: “Tôi rất thích truyện ngắn này của anh, xin gửi anh đôi nhận xét của tôi”.                

“Buổi trưa khó ngủ, lại giở Tuyển tập Nguyễn Hiếu ra nhắm nhót, tình cờ lật đúng truyện ngắn “Chuyện vụn về bác Tư Rụm”. Vừa lần lần đọc vừa tủm tỉm một mình:  Cha này quê Hà Nội thiệt gốc, may lắm ở Sài Gòn lâu nhất cỡ vài tháng lận mà nhập giọng Nam Bộ ngon lành quá ta! Từ cách đưa đẩy ngôn từ lũ nhân vật, câu kẹo đối thoại, đến cách đặt tên người, tên ấp… Ngay câu mở đầu truyện đã lập tức gợi ngay không khí và cách nói đặc biệt giản phác, bộc trực của nông dân Nam Bộ: Ấp Bà Đành có bác Tư Rụm.

Càng đọc càng bị cuốn hút vì cốt truyện, vì cách kể, cách tả, cách bình luận trữ tình ngoại đề ngắn gọn, điểm xuyết mức độ và rất có duyên của người viết… Đoạn tả tâm trạng của Tư Rụm trước chuyện mấy anh cán bộ ấp dùng mẹo rung cây dọa khỉ – giả vờ đe dọa, làm thật gắt việc thu gom lương thực bên nhà bà Út Nhái – láng giềng, ngõ hầu ông Tư Rụm thấy mà ngán…

Ông Tư cúi đầu làm thinh mãi, chất rượu cháy trong cổ, chảy rần rật trong người. Mùi cá lóc nướng thơm ngậy. Sao, mũi ông cay cay. Bóng trăng rách mướp, run rẩy trước sân nhòa đi… Ai đời ngược ngạo quá xá. Không giặc giã, không bão táp, mà bà con chòm ấp làm cái gì cũng e ấp, động cái gì tính toán cũng sợ hở lý, hở lẽ. Nói điều phải chẳng ai nghe. Chính sách gì mà cái nào cũng trật lấc hết cả? Kẻ mang chính sách không hề thể tình dân, cứ là áp đặt, cứ là ép buộc”.

Năm 2010, nhân kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tôi được Nhà xuất bản Hà Nội in và phát hành Tuyển tập Nguyễn Hiếu. Với khối lượng hơn 6000 trang, bộ tuyển đã chọn in 19 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, hơn 300 bài thơ và trường ca, 9 kịch bản sân khấu. Dư luận và giới chuyên môn đánh giá về sự kiện này thế nào tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ xin kể lại câu chuyện của tôi với một độc giả mà tôi hoàn toàn không quen biết.

Khoảng từ đầu năm 2022 đến nay, trên trang facebook cá nhân, cũng như trong các bình luận dưới các bài viết của tôi trên facebook thường có những lời nhận xét của một “người chơi facebook” có tên tôi không hề quen biết. Các lời bình này thường nhằm vào các tác phẩm của tôi với một sự am tường, hiểu biết về rộng rãi các tác phẩm của tôi từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến kịch bản sân khấu. Cách đây gần một tháng, anh bạn này có hỏi kịch bản sân khấu Trong chiến tranh không có huyền thoại của tôi viết từ 1988 đã được dựng chưa?

Mười ngày trước, anh này có khen sự hợp lý trong tâm lý nhân vật và tình tiết hấp dẫn trong hai tiểu thuyết hài Tây tây, ta ta và Những mảnh trần gian của tôi. Bốn ngày trước đây, bạn này lại viết trên trang facebook của tôi: “Cám ơn nhà văn đã cho độc giả biết trong thực tế có những “con sâu mang hình hài người” (Chân trời vỡ đôi - tên một tiểu thuyết của tôi). Khi nhắn tin với tôi, anh nói: “Một số tác phẩm em tâm đắc Tôi bán mình, Lặng lẽ cuối cùng, Chân trời vỡ đôi, Người đàn bà ma ám, Dòng sông màu máu vẫn chẩy, Vết xoáy trước ngực làng, Những mảnh trần gian, Tuyết lạnh sau mặt trời.

Cũng trong tin nhắn trao đổi với tôi bạn đọc này cho biết “Tuyển tập truyện ngắn rất hay (Ngoài Văn chỉ có ma), các truyện ngắn về nhân tình thế thái, giá đất lên cao… Truyện đời thường ai cũng có thể gặp trong Chuyện cũ rích về hai người cô đơn: Lấp lánh ấm lòng, nhân văn trong Bến xe quá cảnh… Em cũng tâm đắc với chi tiết ông Cả Đoạt chặt gần hết vườn nhãn khi bị ép (anh in và đoạt giải năm 1987 (Đổi mới từ 86)”.

Bạn đọc này còn hỏi tôi: “Mặc dù tiểu thuyết, truyện ngắn là hư cấu, tên nhân vật, địa danh anh có thể thay đổi những độc ỉa làng Chèm, Vẽ có thể nhận ra đôi nét nguyên mẫu, địa danh. Không biết anh có gặp khó khăn gì với nguyên mẫu, hậu duệ nguyên mẫu các làng đó không?”. Bạn đọc này còn gửi rất nhiều sự nhận xét về các tiểu thuyết,  thơ và cả kịch bản sân khấu. Chứng tỏ anh đã đọc trọn và rất kĩ bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu. Tôi mạo muội hỏi tên anh. Bạn đọc này cho biết anh là Dương Hùng Sơn, quê Thanh Trì, Hà Nội, làm ở Viện Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí, đã về hưu năm 2020. Và vào khoảng năm 2010- 2011 anh đã mua bộ tuyển tập của tôi ở cửa hàng sách Tràng Tiền để đọc tập trung hơn, vì trước đó anh đã thích đọc truyện ngắn của tôi đăng trên Người Hà Nội và Văn Nghệ.

Trong trao đổi với tôi, Dương Hùng Sơn nói nhiều đến tiểu thuyết Con ngố. Anh viết: “Con ngố đề cập tới giai đoạn lịch sử trải qua một số chính sách có ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp… Em cho rằng nhà văn Nguyễn Hiếu và các tác phẩm của ông là một trong số ít các trường hợp nhà văn có các tác phẩm hay, đa dạng (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch…) về quê hương mình, phác hoạ cả một giai đoạn lịch sử trải dài từ thời phong kiến, đế quốc, đấu tranh cách mạng, trải qua các cuộc kháng chiến đến giai đoạn bao cấp đến đổi mới. Các tác phẩm đã mang lại dấu ấn, thương hiệu cho một vùng ven đất cổ của Hà Nội”.

Liên quan đến tiểu thuyết Con ngố, tin nhắn lúc 17 giờ 46 phút ngày 6/1/2022 của nhà văn Ma Văn Kháng cho tôi ghi rõ: “Con ngố tầm cỡ thế giới đấy. Chớ coi thường”. Ông “Đánh giá cao vì 1: Qua thân phận một phụ nữ nó phản ảnh toàn bộ lịch trình lịch sử xã hội Việt Nam một cách chân thực và sâu sắc tận cùng của hiện thực đau đớn ê chệ. 2: Nhân vật nào cũng mang một phần lịch sử xã hội và cá tính. 3: Bút pháp lộng lẫy, vừa hiện thực vừa tung tẩy phóng khoáng, hoang tàng, phá phách vừa chặt chẽ. Nó là con sông chở nặng phù sa sự sống”.

Còn thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa cho biết, cũng đầu năm 2022, ông nhận được cú điện thoại của một người từ châu Âu gọi cho ông thông báo: “Tiểu thuyết Con ngố đã văn chương hoá lịch sử một dân tộc, với một bút pháp rất đặc biệt”.

Thế mới hay khi tác phẩm văn chương ra đời, tự nó đã là một số phận. Nó được xã hội đánh giá, đối xử ra sao là do chất lượng của nó. Nhà văn không thể can thiệp.      

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày