Tết trên chiến trường Lào của các nghệ sĩ Hà Nội
Năm 1971 là năm thứ 2 chúng tôi trong cơ quan Binh trạm 13 đón cái Tết Nguyên đán trên đất bạn Lào. Song khác với những Tết trước, Tết này có thêm mấy nữ diễn viên của Đội văn nghệ xung kích thủ đô Hà Nội ăn Tết cùng: Bích Hậu, Kim Khuyên, Thu Minh, Minh Toan.
Đội văn nghệ đã đến với Binh trạm gần một tháng rồi. Cậu Lê Khánh Hoài được Ban chính trị cử đi dẫn Đội xuống các đơn vị vận tải, pháo binh, công binh, kho hàng, thông tin, bệnh xá, trạm trung, tiểu tu xe vận tải biểu diễn, các đơn vị cách xa nhau hàng chục cây số. Có kho hàng chỉ vẻn vẹn mấy đồng chí bốc xếp, coi kho.
Chuyến đi giáp Tết thì mấy cô diễn viên ốm yếu hoặc “ngày con gái” thì được phân công ở lại đón Tết cùng cơ quan Binh trạm bộ. Mấy anh nuôi của cơ quan cũng theo xe mấy ăn đón Tết cùng nhau trên đường công tác chỉ có hai chị nuôi quân ở lại.
Những ngày chuẩn bị Tết thật vui, mấy cô văn công, mấy chị nuôi quân cứ tụm hai, tụm ba không biết nói chuyện gì với nhau mà thấy đùn đẩy, bá vai bá cổ cười khúc khích. Mấy anh lái xe bị sốt rét rừng không được đi công tác phải nằm ở nhà cũng bước ra khỏi căn hầm chữ A, đứng khuất sau mấy bụi cây săng lẻ lấp ló nhìn về phía bếp. Cậu Lập và cậu Văn liên lạc thì cắt cắt dán dán mấy tờ giấy màu làm dây hoa trang trí trong chiếc lán nhỏ vách lán thưng phên nứa, mái lợp cũng là phên nứa để làm nơi tiếp khách văn công. Bếp Hoàng Cầm dã chiến đã được mấy anh nuôi khéo tay thiết kế từ hôm trước. Thực phẩm thì thật dồi dào, lợn thịt nuôi trong chuồng, đậu phụ thì các chị nuôi tự xay bột đậu nành đổ khuôn, rau cải xanh thì anh em lái xe trên đường ban đêm chỉ cần đổi một thanh nhíp xe gãy cho bà con dân bản đứng ở ven đường thì được cả một gùi rau cải. Rau cải rất ngon vì bà con trồng trên đồi xen kẽ với cây anh túc… tăng gia được mấy luống rau củ cải trồng nơi đất trống (hạt rau do anh em về nước công tác mang sang). Bánh chưng thì gói từ mấy hôm trước, gạo nếp đậu xanh thì hậu cần bên nước gửi sang theo xe chở nhu yếu phẩm, còn lá dong rừng, lạt giang thi trong rừng nhiều vô kể…
Bữa ăn ngày Tết ấy thật ngon, thật vui, thật ấn tượng, trời rét đậm, bầu trời chỉ văng vẳng tiếng máy bay trinh sát quần lượn, không có tiếng bom nổ gần. Món ăn được các cô Hà Nội nấu nướng chế biến ngon thật. Ngoài các món xào nấu thông thường, món mà mọi người ai cũng tấm tắc khen ngon đó là món thịt lợn nạc xào tái lăn giả thịt bò và món bánh chưng rán. Thường là bánh chưng được sắt ra làm 4 miếng vuông vắn để rán nhưng Thu Minh dằm đều, san mỏng như tráng trứng nên tấm bánh chưng được rán đều hai mặt vàng ruộm, giòn giòn. Thật lòng, đây là lần đầu tiên chúng tôi ăn miếng bánh chưng “rán kiểu Hà Nội” ngon như vậy. Sau bữa ăn mặn, chúng tôi còn được thưởng thức món kẹo lạc do Bích Hậu trổ tài. Kẹo được cắt thành miếng hình chữ nhật, mười thanh đều tăm tắp như một.
Trong bữa ăn, mọi người nhắc lại kỷ niệm hôm đầu tiên đội văn công Hà Nội đến Binh trạm: Chiều hôm ấy thật im ắng, không có tiếng máy bay ầm ì trên trời như mọi ngày cũng không nghe thấy tiếng bom nổ xa gần. Theo kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng rồi sẽ có một trận bom Mỹ trút xuống đâu đó thôi.
- Văn công đến rồi, văn công đến rồi!
Tiếng ai đó nói to vang vang khắp rừng, từ căn hầm chữ A gần đó, tôi bước ra ngoài, nhìn thấy cậu Hoài đang dẫn đầu đoàn đi tới…
Hoài được anh Hạnh - Trưởng bộ phận tuyên huấn đưa đội văn nghệ xung kích Hà Nội đến Binh trạm mà, Hoài là lính Hà Nội, quen biết nhiều giới văn nghệ sĩ mà cũng là cậu lính trẻ đang học Đại học Sư phạm Hà Nội thì tình nguyện nhập ngũ. Hoài nhiệt tình, năng nổ, có trách nhiệm trong thực hiện công việc, nói chuyện có duyên, hấp dẫn, rất được cảm tình khi tiếp xúc với mọi người…
Hoài cười nhìn tôi, khuôn mặt lấm lem, nhễ nhại mồ hôi, tôi chạy ôm lấy vai Hoài:
- Về rồi hả? Mừng quá Hoài à!
- Mấy ngày liền hết đi xe trên đường lại đi bộ xuyên rừng giờ mới về đến nhà anh ạ!
Hoài nói trong hơi thở hổn hển, lúc này tôi mới nhận ra bộ quân phục Hoài mặc lấm láp, xộc xệch.
Hoài quay sang người đứng bên cạnh - một anh đeo cặp kính, đẹp trai, da trắng, mặc bộ quân phục bạc màu giới thiệu:
- Đây là anh Trọng Nghĩa - phụ trách đội văn nghệ.
Tôi bắt tay Trọng Nghĩa và cũng khẽ cúi đầu chào nhau.
Lục tục đi rải rác phía sau là anh chị em trong đội và một số anh em trong cơ quan ra đón. Tôi nói với Hoài:
- Cả đoàn về tới đây được an toàn là tốt quá rồi. Các Thủ trưởng và anh Hạnh xuống đơn vị cơ sở triển khai công việc nên không ra đón đoàn được.
Theo ý kiến trao đổi của anh Hạnh, đội được chia nhỏ về các hầm chữ A nghỉ ngơi. Các chị em nữ thì nghỉ ở các hầm chung với các chị nuôi quân. Trọng Nghĩa thì nghỉ ở hầm của Hoài. Tôi nghỉ chung với Qúy Bôn ( nghệ danh là Thanh Quý) hầm gần đấy.
Quả nhiên theo kinh nghiệm dự đoán, mới nửa đêm mọi người vừa chợp mắt thì máy bay Mỹ ném bom xuống đường 7 cách nơi đóng quân không xa. Bầu trời, mặt đất rung động trong từng máy bay F4 gầm rú, tiếng bom nổ ầm ầm, tiếng mảnh bom xuyên rào rào qua những tầng lá săng lẻ. Trong ánh pháo sáng rực như ban ngày tôi thấy Qúy Bôn hốt hoảng ngồi bật dậy trên tấm sạp tre luồng được ghép thành giường nằm, lo lắng nhìn ra ngoài cửa hầm. Tôi hiểu Qúy Bôn lần đầu tiên ở trong tình huống như vậy, chắc là sợ lắm. Tôi vỗ vỗ vào lưng Qúy Bôn:
- Nằm xuống đi, kệ nó. Chắc nó ném bom hù dọa ở ngoài đường 7 đấy mà.
Nói vậy thôi để tự lấy bình tâm cho mình nhưng nói dại có lúc chợt nghĩ nhỡ máy bay ném bom vào doanh trại thì sao? Anh chị em văn công từ Hà Nội vượt qua hàng trăm cây số trong bom đạn đường trường đến với Binh trạm mình.
Trời gần sáng rất lạnh, không còn tiếng máy bay quần đảo nữa, không còn tiếng bom nổ, tôi kéo tấm vải dù pháo sáng đắp lên người Qúy Bôn và nghe thấy tiếng ngáy to đều đều của Bôn. Chắc anh ta rất mệt vì mấy ngày hành quân trên đường vất vả vì chưa quen lại vừa được “tiếp xúc” với cảnh đạn bom nơi chiến trường.
Hôm sau, sau buổi gặp gỡ thân mật với thủ trưởng các ban bệ cơ quan, Trọng Nghĩa giới thiệu tên từng người trong đội. Tôi nhớ mặt và thuộc tên ngay từng người vì đã từng nghe các ca sĩ ấy hát qua đài mà lúc này mới biết mặt.
Nam thì có: Trọng Nghĩa, Huy Túc, Văn Sáu, Quý Bôn, Huy Tiến, Quốc Sơn; nữ thì nghe tên đã có cảm tình: Bích Hậu, Kim Khuyên, Thu Minh, Minh Toan.
Thì ra các diễn viên đều là những cây đơn ca của câu lạc bộ đơn ca thành phố Hà Nội. Tiếp theo đó là phần biểu diễn các tiết mục của đội. Khán giả là anh em trong cơ quan và một số cán bộ chiến sĩ lái xe đang nghỉ ban ngày để đêm xuống lại “tăng chuyến tăng vòng” hướng Khăng Khay thẳng tiến.
Sân khấu là khoảng đất trống được san bằng, khán giả xem thì ngồi đứng xung quanh náo nức chờ đợi suốt mấy ngày, giờ được tận mắt các “trai thanh gái lịch” thủ đô biểu diễn nên mọi người thích lắm. Tiết mục nghe các câu thoại do Qúy Bôn thủ vai như:
- Mẹ Đốp dạo này nhuận sắc gớm nhỉ?
- Hôm nào mát trời cho tao gửi một đứa.
Hay đoạn mẹ Đốp một tay nâng chiếc ruột tượng (thắt lưng), một tay vớt qua miệng cụ Lý nói nhại theo rồi đưa tay vào miệng ruột tượng “chiềng chạ cũng vào đây này”.
Ảnh minh họa
Kết thúc buổi biểu diễn là những cái bắt tay siết chặt, là những cử chỉ thân mật ôm lấy vai nhau trong niềm vui xúc động đến nghẹn ngào. Buổi biểu diễn thật ấn tượng. Những ngày tháng sau đó tôi vẫn còn nghe thấy lính lái xe sau chuyến vận chuyển hàng lên tuyến trên về cho xe vào bãi đỗ xe vừa ngụy trang xe vừa huýt sáo theo lời câu hát “xe ta băng qua trăm núi ngàn sông khắp nơi nhận dân đêm ngày ngóng trông”, hay nhiều lúc tếu táo nói đùa với mấy cô nuôi quân “dạo này có vẻ nhuận sắc gớm nhỉ?”.
Sau buổi biểu diễn “mở màn” hôm ấy, theo chỉ thị của chính ủy Dư Cao, đội tiếp tục đem “tiếng hát át bom đạn” đến với các đơn vị trong Binh trạm. Là Binh trạm hợp thành với nhiều binh chủng, lực lượng phối hợp nên địa bàn hoạt động rất rộng, đơn vị nọ cách đơn vị kia hàng chục, hàng trăm cây số, bởi vậy anh Lê Độ, anh Hạnh và tôi phải lên kế hoạch sát sao từng ngày và từng đơn vị đội sẽ đến biểu diễn. Càng ở nơi ác liệt, ở nơi quân số ít như trận địa pháo, tiểu đội công binh đang sửa đường, kho hàng trong hang núi, bệnh xá, trạm thông tin, xưởng trung, tiểu tu xe ô tô thì cần phải đến. Lê Khánh Hoài được trên tín nhiệm cử đi dẫn Đội xuống các đơn vị biểu diễn. Đây là một nhiệm vụ thật vô cùng khó khăn, phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bởi phải biết ứng phó với các tình huống: máy bay bắn phá, bom đạn, trèo đèo, lội suối, chống chọi với cái nắng Lào như thiêu đốt với cơn mưa sũng nước bất chợt, với bữa ăn cùng với anh em đôi khi chỉ có măng rừng, rau tàu bay, lương khô 701, 702, nghỉ chân dọc đường bằng cánh võng buộc hai đầu vào thân cây thông, cây săng lẻ với tấm tăng bạt che mưa nắng… nhất là trong đội lại có các chị em nữ, tất cả đều lần đầu tiên biết thế nào là chiến trường, mỗi bước hành quân, mỗi phút biểu diễn, công tác bảo đảm an toàn được đưa lên hàng đầu.
Ròng rã bao nhiêu ngày vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Khánh Hoài cùng với Đội đã đi đến hầu hết các đơn vị trong Binh trạm, đem lời ca, tiếng cười, đem niềm vui động viên khích lệ tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu cán bộ chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để rồi được cùng với Binh trạm đón một cái Tết với bao kỷ niệm hiếm có đã kể ở trên. Phải chăng đó là một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên đối với chúng tôi, với bước đường trên con đường nghệ thuật của anh chị em trong Đội văn nghệ xung kích của thủ đô Hà Nội – trái tim của Tổ quốc thân yêu trong những tháng năm chiến tranh.
Ngày chia tay với Đội sao mà cảm động, lưu luyến. Các anh chị trong đội để lại địa chỉ cho chúng tôi với lời nhắn bao giờ ra Hà Nội có việc thì đến thăm nhau. Tôi cũng tặng Qúy Bôn một miếng vải dù hoa xanh lá cây và hứa sẽ đến thăm Qúy Bôn khi có điều kiện về nước.
Thời gian sau đó, vào năm 1974, tôi được Cục vận tải quân sự gọi ra Khu B của Cục ở Quần Ngựa làm phòng Bảo tàng do anh Điễu phụ trách (tôi làm nhiệm vụ cắt kẻ chữ các pano trưng bày). Anh Ngô Xuân Thông trước cũng ở Binh trạm 11 với nhau cũng được gọi ra Cục làm Đội trưởng Đội văn nghệ của Cục, xây dựng chương trình tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng Tổng cục Hậu cần.
Một hôm, trên chuyến xe điện Bờ Hồ - Bạch Mai tôi tình cờ gặp Quốc Sơn trên đường đến rạp Đại Nam biểu diễn. Qua câu chuyện thăm hỏi thì được biết Quý Bôn và Minh Toan là hai diễn viên thường đóng vai chính của nhiều vai diễn ở Đoàn chèo Hà Nội. Minh Toan đã là một “sao” sau vai cô Son của vở chèo cùng tên vào năm Minh Toan 23 tuổi.
Qua Sơn biết được nơi ở của Quý Bôn, tôi rủ Xuân Thông đến thăm Qúy Bôn vào một sáng đẹp trời nhân tiện Thông đến nhà nhạc sĩ Duy Quang ở phố Hàng Than lấy bài hát cho Đội văn nghệ tập.
Gặp được Quý Bôn thì được biết do chưa được phân phối nhà ở nên Qúy Bôn và vợ - nghệ sĩ hát văn của Hà Nội tạm thời tá túc ở hậu cung chùa Hòe Nhai. Qúy Bôn nói rất nhớ Binh trạm, nhớ những buổi diễn mà có hôm ở các điểm chốt, người diễn còn nhiều hơn người xem, nhớ cái Tết lần đầu tiên và duy nhất trong đời là được cùng anh em đơn vị đón Tết trên đường hành quân…
Vậy đó, giờ đây sau hơn 50 năm kể lại câu chuyện trên tôi những ước ao được gặp lại các nghệ sĩ Hà Nội ngày ấy xem các anh chị ấy sống và công việc thế nào dù biết rằng khó đấy. Song có điều tôi tự nhủ và tin rằng với tài năng nghệ thuật, với sự nhiệt tình, hăng hái của tuổi trẻ, dám hăng hái đi vào nơi bom đạn chiến trường xa xôi gian khổ thì chắc chắn các nghệ sĩ đều thành công trên con đường nghệ thuật và có cuộc sống ổn định, an lành, xứng đáng với những việc làm mà các anh chị đã cống hiến cho cuộc đời này… Chúng tôi cảm phục và trân quý các anh chị lắm!
Chỉ với một thời gian rất ngắn các anh chị đã mang niềm vui, mang lời ca tiếng hát đến với Binh trạm 13, với chúng tôi để mọi người vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ những người thân lúc nào cũng đang tay súng tay cày trên cánh đồng đang vào mùa gặt.
Ngày Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng giải phóng cũng là ngày Binh trạm 13 chuẩn bị rút quân về nước sáp nhập lại vào Binh trạm 11. Như vậy là Binh trạm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trên đất bạn Lào và chúng tôi cũng đã làm trọn nghĩa vụ của người lính Binh trạm. Vui sướng tự hào vác ba lô trở về quê hương.
Khẩu súng CKC không còn trên vai nhưng trong hành trang chúng tôi trở về đất Mẹ đầy ắp những kỷ niệm thân yêu trong suốt 3 năm với hơn một ngàn ngày gắn bó với Binh trạm và trong đó còn có những tình cảm mến thương, cảm thông, luyến nhớ…
Sau hiệp định Paris 1973, đơn vị chúng tôi từ Cánh đồng Chum, từ Bản Ban… theo đường 7 về nước, đóng quân ở Tương...
Bình luận