Thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử (22/9/1912-11/11/1940)

Trong phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử là một tài năng lạ. Ông chỉ có mặt trong đời một khoảng thời gian ngắn, nhưng ngay trong quãng đời ngắn ngủi ấy, nhiều năm Hàn Mặc Tử phải sống cách biệt với mọi người do căn bệnh hiểm nghèo của mình. Nhưng Hàn Mặc Tử đã sống hết mình để có được một sức sáng tạo lớn.

“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống” (Tựa “Thơ điên”, 1938). Những cung đàn vui buồn, những giận hờn đau đớn cũng như bao khát khao và những lời cầu nguyện đều in đậm dấu ấn trong thơ.

Thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử (22/9/1912-11/11/1940) - 1

Hàn Mặc Tử

Trong khoảng mười năm trời, Hàn Mặc Tử đã đi từ thơ Đường đến lãng mạn, tượng trưng rồi siêu thực. Cái tôi trữ tình cũng biến hóa với nhiều sắc thái, khi gần gũi với con người, khi chìm đắm trong nỗi buồn và có lúc hồn thơ nâng nhẹ đôi cánh. Chúng ta bắt gặp một hồn thơ mới hé mở trong khuôn khổ Đường luật qua “Lệ Thanh thi”.

Nhiều bài thơ đã lọt mắt xanh của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với những lời ca ngợi nồng nhiệt: “Từ về nước đến nay, được xem nhiều văn thư quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế. Hồng nam, nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn đó”.

Hàn Mặc Tử đã thổi vào thơ sinh khí của tuổi trẻ và hơi ấm của cuộc đời, để tạo nên những câu thơ có dáng vẻ riêng.

Thơ Hàn Mặc Tử đã đi từ cuộc đời để đến với những cõi xa xôi. Dấu vết của sự sống in đậm hơn cả là những miền quê. Không miêu tả bức tranh quê như Anh Thơ, những sinh hoạt hội hè như Đoàn Văn Cừ hoặc đắm đuối yêu thương trong tình yêu như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử đến với quê hương trong những khoảnh khắc bừng sáng của tâm hồn và những giây phút chạnh lòng thương nhớ đến khôn nguôi. Tình quê theo cách nhìn, cách cảm của thi sĩ không chỉ là tình người, tình đời ở chốn quê hương mà sâu xa hơn còn biểu hiện trong tiếng nói nhớ thương của thiên nhiên, tạo vật từ đám mây chiều phiêu bạt, dòng nước buồn đến lũy tre, bờ liễu, ngàn lau...

*

“Mùa xuân chín” và “Đây thôn Vĩ Dạ” là những bức tranh đẹp, tiềm ẩn nhiều chất sống của làng quê. Hàn Mặc Tử không khơi sâu, không khai thác những mảnh sống thực bộn bề, tác giả chỉ bắt lấy những nét như thoáng qua mà lại chứa đựng cái tinh chất và phần đằm thắm, thiết tha nhất trong bức tranh quê hương.

Thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử (22/9/1912-11/11/1940) - 2

Ảnh minh họa cho bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Lương.

Không phải cái đẹp tĩnh lặng “Cỏ non xanh tận chân trời” mà là cỏ xanh tươi đang gợn sóng và những lượn sóng đưa mãi tới trời, cho hợp với không khí vui chơi ca hát của những cô gái quê. Có thể nói, “Mùa xuân chín” đã thâu tóm cái ý vị, thanh tao và tươi tắn nhất của phần “Gái quê”.

“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”.

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một cấu trúc thơ có bề nổi và chìm. Không gian được mở dần ra từ một vườn cây tươi tốt đến một vùng quê, một đêm trăng bát ngát. Thời gian có vẻ đẹp của một bình minh dào dạt sự sống, có cả xế trưa, xế chiều và chiều tối. Thiên nhiên với nhiều vẻ sinh động tươi tắn “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” và có cảnh đượm buồn: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, rồi nét thơ mộng của thuyền trăng, bến trăng, sông trăng. Mến cảnh, mến người nhưng Hàn Mặc Tử vẫn dè dặt lắm trước cái mờ ảo, mông lung của cuộc đời và của tình người:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?”.

Hàn Mặc Tử mang nặng khối tình của tình yêu lứa đôi. Có lẽ trong Phong trào Thơ mới chưa có nhà thơ nào, cho dù những người đa tình như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... lại có nhiều bóng dáng người tình trong thơ đến thế.

Thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử (22/9/1912-11/11/1940) - 3

Ảnh minh họa

Có thể mỗi nhà thơ có một cách riêng để bày tỏ tình và “thờ phụng” người yêu của mình. Trong thơ, Hàn Mặc Tử nói trực tiếp đến người mình yêu: Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Ngọc Sương, Mai Đình, Thương Thương... những bóng dáng yêu thương đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho thơ và làm dịu nỗi cô đơn, đau đớn của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử không giấu giếm nỗi lòng của mình với người yêu, với thơ:

“Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ,

Em lấy chồng rồi hết ước mơ”

(Em lấy chồng)

“Vườn chói lọi thì Tình yêu phải ngợp,

Tiết trinh còn, em phúc hậu hơn thơ”

(Dấu tích)

Thơ đã đem đến cho tâm hồn Hàn Mặc Tử những phút giây sáng láng của sức sáng tạo và tình yêu mang tới hạnh phúc nhiều lúc tròn đầy. Thơ tình của Hàn Mặc Tử cũng có những lúc thật da diết, thật mãnh liệt. Đã đến với vườn địa đàng này thì chỉ biết có nhau:

“Chỉ biết có đôi ta là đang sống,

Đang cho nhau ngọt ngào và đang mộng,

Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết,

Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt”

(Đôi ta)

Hàn Mặc Tử đã có những câu thơ hay, rất hay khi nói và trạng thái nhớ thương xa cách. Một trong những dấu hiệu đích thực, dấu hiệu đảm bảo sự có mặt và tồn tại của tình yêu là tình cảm nhớ thương. Nhớ thương cũng là hạnh phúc, nếu nỗi nhớ thương ấy nằm trong sự hò hẹn, trong quyến luyến của tình cảm lứa đôi.

“Khi xa cách không gì bằng thương nhớ”. Có thể Hàn Mặc Tử ở vào cảnh ngộ đặc biệt, chịu đựng cô đơn nên nỗi nhớ da diết quá:

“Nhớ lắm lúc như si như dại,

Nhớ làm sao bải hoài tay chân!

Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng,

Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều ...”

(Muôn năm sầu thảm)

Lòng “yêu vì” của tác giả đằm thắm quá, sâu sắc quá nên nỗi nhớ mang dáng vẻ riêng:

“Họ đã xa rồi khôn níu lại,

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa.

Người đi, một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.

(Những giọt lệ)

Trong thơ Hàn Mặc Tử cũng có niềm vui hiện tại nhưng chủ yếu là nỗi buồn xa cách, nỗi buồn trở về với kỷ niệm: “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt/ Mộng có thành là mộng ở đầu hôm”. Và quá khứ cũng chất chứa nhiều khổ đau. Có lúc tưởng như muốn nạm vàng kỷ niệm, có lúc lại muốn xóa đi dấu tích. Trong tình yêu, người thi sĩ như không làm chủ được mình mà bị cuốn cùng say mê, bị xô đẩy theo những đợt sóng của tình yêu trong buồn vui, đau khổ:

“Anh điên anh nói như người dại,

Van lạy không gian xóa những ngày.

Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu,

Những áng mây lam cuốn dập dìu,

Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả,

Những niềm run rẩy của đêm yêu”

(Lưu luyến)

Có nhiều nguyên nhân gây nên những đau khổ trong tình yêu. Hoàn cảnh của Hàn Mặc Tử, một thanh niên mới bước vào đời với bao mộng đẹp lại bắt gặp những cảnh ngộ ngang trái, đầy nghịch lý. Tình yêu không dễ tìm được sự đền đáp, tình cảnh cô đơn cách biệt, và những phi lý trong đời dễ đẩy con người vào sự bế tắc, tù túng. Nếu ở Chế Lan Viên là khát khao vô vọng:

“Trời xanh ơi hỡi xanh khôn nói,

Hồn ta muốn hiểu chẳng cùng cho”

và Phạm Hầu cũng ở trạng thái tương tự:

"Tôi theo tư tưởng vô cùng tận,

Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu”

Hàn Mặc Tử lại bộc lộ sự ghê sợ về cảnh tù đọng đen tối:

“Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời”

 (Cô liêu)

Từ thân xác cho đến phần hồn, Hàn Mặc Tử luôn thấy rõ sự tù túng không hướng giải thoát:

“Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại,

Ta cắm thuyền chính giữa vùng hồn ta!”

(Biển hồn ta)

Trong các nhà Thơ mới, có lẽ Hàn Mặc Tử ở vào tình thế u uất, ngột ngạt nhất. Cũng vì thế mà tác giả luôn mơ ước một điều gì mới mẻ, nguyên vẹn, chưa hề bị cuộc đời chia xẻ, làm cho tan nát và xưa cũ đi. Trí tưởng tượng phong phú của Hàn Mặc Tử, đức tin ở Chúa Trời, thế giới linh thiêng của tôn giáo đã tạo cho Hàn Mặc Tử những hình tượng thơ vừa như thoát ra từ đời để đến với một cõi xa xôi nào. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hàn Mặc Tử mơ ước đến mùa xuân đầu tiên:

“Mai này thiên địa mới tinh khôi,

Gió căng hơi và nhạc lên trời.

Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết,

Hoa lá hồ nghi sự lạ đời”

Hàn Mặc Tử như đi giữa hai bờ thực và hư, điều không tìm thấy ở thế giới thực sẽ tìm trong thế giới của ước mơ, ảo mộng. Những mộng tưởng của tác giả khá mạnh mẽ để có thể hình dung ra một thế giới được giải thoát, phóng khoáng tự do, không chắp vá:

“Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang,

Sẽ quy tụ, thâu về trong một mối.

Và tư tưởng không bao giờ chắp nối,

Và vì sao?Vì sự kém thiêng liêng.

Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên,

Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.

Trời bát ngát không cần phô triết lí,

Thơ láng lai chấp choáng những hàng châu”.

(Siêu thoát)

Và có thể nói, Hàn Mặc Tử mơ ước về một thế giới trên đó là hình ảnh tương phản với cuộc đời chật chội, gò bó. Trong Hàn Mặc Tử có hiện tượng như phân thân; trước hết là sự phân thân giữa hồn và xác. Phần hồn có sự sống riêng của nó, cũng có niềm vui, nỗi buồn và sự đau khổ: “Có ai bảo tôi có xác mà không có hồn” (Chiêm bao với sự thực). Và nhà thơ đã lấy hồn làm điểm tựa ở cõi hư linh với sự sống cụ thể: “Tôi không thở bằng phổi nữa, tôi thở bằng hơi thở tinh sạch của hồn tôi...”, “Tôi hứng lấy và nhận lấy ở trong hồn muôn ý tứ và muốn thanh sắc của trời mộng xa xưa”, và thơ của Hàn Mặc Tử đã biểu hiện hiện tượng thoát xác:

“Anh đã thoát hồn anh ngoài các thịt,

Để chập chờn trong ánh sáng mông lung”

(Sáng láng)

Tác giả như muốn tồn tại ở ngoài thân xác:

“Chúng tôi lại là người của ước mơ,

Không xác thịt chỉ có linh hồn đang mộng”

(Rượt trăng)

Hồn đi về trong mộng ước:

“Kéo mền ủ kín toàn thân lại,

Để thả hồn bay, gửi mộng về”

(Hãy đón hồn anh)

Hồn đi về trong sáng tạo thi ca:

“Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu,

Trên triền thiên ngời chói vạn hào quang?”

Không riêng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên cũng muốn lìa bỏ thân xác để hòa tan trong ánh trăng trong: “Tôi là kết tinh của ánh trăng trong/ Sao không cho tôi đến chỗ hư không” (Tắm trăng). Huy Cận cũng cảm thấy thân thể là “Bình thịt cương để chứa đựng linh hồn”, vì chính thịt xương đã “Chia biệt người ra từng xứ cô đơn”. Trình bày trước đấng uy linh tối cao, Huy Cận chân thật cầu xin:

“Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp,

Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường”

(Thân thể)

Nếu ở Chế Lan Viên và Huy Cận chỉ là hiện tượng đơn lẻ thì với Hàn Mặc Tử là một quan niệm, một triết lý sống. Điều này càng rõ rệt khi Hàn Mặc Tử là một con chiên ngoan đạo, luôn tôn thờ ơn trên, đức tin và phước lành. “Lạy Chúa trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả... thì tôi sẽ rất no, rất ơn, rất ư trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc”. Không phải chuyển dịch niềm tin và sự cầu xin đến nhiều đấng thiêng liêng khác nhau, Hàn Mặc Tử chỉ một lòng kính Chúa và niềm tin thiêng liêng đó đã đem đến cho thơ những phẩm chất cao sang, thanh khiết vì đó là lời cầu xin chân thành của một con người đau khổ.

Thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử (22/9/1912-11/11/1940) - 4

Sự phân thân trong thơ Hàn Mặc Tử còn biểu hiện ở sự chất chứa thêm mối giao hòa với những hiện tượng thiên nhiên đẹp, đặc biệt là với vầng trăng. Với cái nhìn tình tứ, vầng trăng cũng trở nên đa tình:

“Trăng nằm sóng soài trên cành liễu,

Đợi gió đông về để lả lơi”

“Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm,

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”

Hàn Mặc Tử tôn trọng vẻ đẹp khách quan của vầng trăng, nhưng vầng trăng không xa cách mà trở nên gần gũi, mang nhân tính sâu sắc:

“Người trăng ăn vận toàn trăng cả,

Gò má riêng thôi lại đỏ hườm”

(Say trăng)

Hôm nay có một nửa trăng thôi,

Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi...

Ta nhớ mình ca thương đứt ruột,

Gió làm nên tội buổi chia phôi!”

(Một nửa trăng)

Có khi vầng trăng lên cao và nhà thơ suy tôn vẻ đẹp thiêng liêng của nó:

“Lạy Chúa tôi! Vầng trăng cao giá lắm,

Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên”

(Vầng trăng)

Rồi trăng chẳng phải là ai khác, có lúc trăng là nàng Thương Thương:

“Tôi lại gần bên, ô! Lạ thường,

Nường trắng, ôi! Chính là Thương Thương”

(Tiêu sầu)

Và trăng nhập vào ngay chính bản thân tác giả:

“A ha! Lòng tôi trăng là trăng”

“Cả miệng ta là trăng, là trăng”

Trăng có mặt trong đời sống của tác giả, trong niềm vui, mộng đẹp và nỗi đau khổ và có khả năng cảm thông, chuyển hóa như hai đối tượng gần gũi. Đây là một hiện tượng rất mới mẻ của Thơ mới. Hàn Mặc Tử đã xáo trộn những quan hệ trong cuộc sống và thi ca. Logic của thơ ca không được tuân thủ theo trật tự bình thường của một hiện thực quen thuộc mà là siêu hiện thực. Ở Hàn Mặc Tử, các yếu tố lãng mạn, tượng trưng, siêu thực như những yếu tố biết quy tụ vào tư tưởng chung bao quát của bài thơ.

Thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử (22/9/1912-11/11/1940) - 5

Bên trong cấu trúc của bài thơ là những liên hệ, những đường dây liên tưởng chìm sâu và biến hóa theo mạch tư tưởng, tình cảm của tác giả. Bên trong những đứt nối là sự liên tục phát triển tình thơ, tứ thơ. Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng nói đau thương về những kỷ niệm đã mất, về tình trạng không như ý trước cuộc đời. Nhưng chính ở Hàn Mặc Tử cũng mang theo bao khát khao về sự sống với ý thơ hồn hậu. Chúng ta bắt gặp trong thơ Hàn Mặc Tử nhiều ánh sáng và màu sắc, nhiều âm thanh và nhiều hương thơm. Không thiết tha với cuộc sống làm sao có thể viết:

“Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng”

(Nhớ thương)

“Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”

“Còn đâu tráng lệ những thời xanh,

Mùi vị thơm tho một ái tình”

(Thời gian)

“Mới lớn lên trăng đã thẹn thò,

Thơm như tình ái của ni cô”

(Huyền ảo)

Nhận xét về Hàn Mặc Tử, tài năng lạ của một thời, Chế Lan Viên viết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kì này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Câu nói đã đề cao tài năng của một người, nhưng cũng không thể quên một thời đại thi ca, cái thời kì rất vẻ vang đã gợi mở và tung cánh cho những hồn thơ đến hôm nay vẫn còn làm cho nhiều người mến yêu, cảm phục như Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính...

Hàn Mạc Tử hấp dẫn và độc đáo về thơ tình yêu, có độ hay về làng quê. Ghi nhận tài năng của Hàn Mặc Tử, nhưng chúng ta còn chưa hiểu hết cái hay, cái đẹp tiềm ẩn trong thơ của thi sĩ. Hàn Mặc Tử tự bộc lộ: “Giải nghĩa văn thơ thật là một vấn đề to lớn và phức tạp quá và cứ theo như lối thơ tôi làm đó thì phải giảng giải đến bao nhiêu trang giấy mà rốt cuộc chưa chắc người ta đã hiểu được tí gì. Nói như anh, thấy một cành hoa mà mường tượng ra một mùi hương, thấy một làn trắng tinh mà hình dung được cái gì thanh sạch ở thế giới khác, thế là đầy đủ rồi. Vì tất cả thi vị là ở đây”.

Một trong những nhược điểm của những tài năng nghệ thuật, kể cả thơ ca là sợ người đời không hiểu mình của hôm nay và cả mai sau. Thiên tài như Nguyễn Du cũng mang tầm thế ấy:

“Bất tri tâm bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Ở một mức độ nào đó, Hàn Mặc Tử cũng mang tâm trạng đó.

Mặc dù thi sĩ họ Hàn nói thế, hôm nay và... ngày mai rồi chúng ta sẽ thấu hiểu thế giới thi ca của tác giả.

Hàn Mặc Tử đã đi xa, nhưng vẫn để lại cho đời nhiều kỷ niệm. Gần thành phố Bình Định có một khu lưu niệm Ghềnh Ráng về Hàn Mặc Tử. Phong cảnh non nước hữu tình. Khu lưu niệm trang trọng và đẹp. Này đây những bức ảnh còn lưu giữ về Hàn Mặc Tử.

Này đây là hình ảnh những tình nhân một thuở, người tình lãng mạn thoáng qua, người đậm đà tình nghĩa. Ở đây có một thanh niên Du Kha lấy bút lửa khắc lên những mảnh gỗ thông hình tròn hoặc bầu dục tùy theo độ dài ngắn các bài thơ của thi sĩ Hàn. Tùy ý khách chọn bài mình thích. Ra về với chút quà tinh thần gợi cảm và giàu ý nghĩa.

 “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử" – Chế Lan Viên

Hà Minh Đức

Tin liên quan

Tin mới nhất