Thương nhớ con đò bên dòng sông Đuống

Sau bao năm xa quê nay tôi có dịp trở về. Chiếc cầu bê tông lớn đã được bắc qua sông mang tên Bình Than. Dòng người tấp nập qua cầu, chẳng biết có ai còn nhớ bến đò ngày xưa. Một ngày nắng nhẹ thong dong qua cầu vắng. Bất giác tôi nhìn lại bến đò ngày ấy. Bên lở, bên bồi vẫn còn rặng tre xanh rì rào...

“Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”

(Bên kia sông Đuống)

Những câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm đưa chúng ta về bên kia sông Đuống, bài thơ đã không còn gì lạ lẫm với mọi người. Làng tôi nằm ven sông Đuống, những chuyến đò nơi con sông quê đã đưa tôi cũng như bao người đi xa rồi trở về neo đậu trên bến đò quê.

Ngày tôi còn nhỏ xíu, mẹ đặt tôi vào chiếc ghế sắt sau xe. Mẹ chở tôi trên con đường dài từ quê ngoại sang sông. Trên con đường bát ngát gió, tôi hãnh diện cho những sợi gió táp vào mặt rồi lắc lư theo đoạn cua xóc của con đường ngoằn nghèo đầy sỏi đá. Đường tới bến đò là con đường đất phù sa dốc thoai thoải. Lỡ chuyến đò sang sông, mẹ tôi cất giọng gọi thật to:

- Đò ơi!

Bác lái đò dường như vẫn chưa nghe thấy tiếng mẹ tôi gọi nên mẹ gọi to thêm lần nữa:

- Bác lái đò ơi, cho tôi sang sông với!

Sau này tôi được bác tôi kể. Các sinh viên nhạc viện khi luyện thanh, cả ngày họ chỉ tập đi tập lại một câu gọi đò để luyện chất giọng tốt. Bởi trong âm vực của câu gọi đò có từng quãng trầm, quãng bổng. Cô sinh viên nhạc viện ở khu tập thể Thái Thịnh - Hà Nội ngày nào cũng gọi đò mà chẳng chịu qua sông. Câu chuyện của bác tôi khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Biết bao người qua bến đò này, họ gọi đò chỉ để qua sông. Họ cũng không ngờ rằng có người ca sĩ trẻ họ gọi đò để luyện giọng hát.

Nghe tiếng gọi của mẹ tôi, từ bến đò bên kia sông, con đò bắt đầu nhúc nhích quay đầu sang bến. Mẹ tôi dắt xe lên đò, tôi níu vào gấu áo mẹ đi theo. Bác lái đò thoăn thoắt tay chèo, thuyền nhẹ nhàng bồng bềnh qua sông.

Tháng bảy nước sông từ thượng nguồn dâng cao, nước sông mang phù sa cuồn cuộn theo dòng. Tôi đưa bàn tay nhỏ khuya nước theo mái chèo. Vài nhánh lục bình vẫn nở hoa tím biếc lạc long trôi trên sông. Mẹ tôi nắm tay tôi rụt lại kẻo sợ ngã. Đò cập bến, bác lái đò nhanh chóng lấy chiếc mỏ neo bằng sắt cắm vào đất để cho chiếc đò không bị dạt ra xa. Mẹ tôi trả tiền cho bác lái đò rồi xuống bến. Hai mẹ con đi dọc triền đê để về nhà.

Dưới chân đê những rặng tre xanh rì rào đón gió. Chẳng biết những rặng tre được trồng từ bao giờ, tre có tác dụng ngăn lũ tràn vào qua đê. Tre uốn lượn bao dọc triền đê. Chắc từ khi con sông khởi thủy, cha ông ta đã trồng tre ngăn lũ, tre giữ làng giữ xóm. Tre có từ rất lâu đời không biết từ khi nào mà chỉ có thể ước lượng - tự ngàn xưa.

Thương nhớ con đò bên dòng sông Đuống - 1

Ảnh minh họa 

Mẹ tôi sau này vì một lý do đặc biệt nên không còn chở tôi sang sông nữa. Tôi theo mẹ về bên kia sông. Mỗi khi bà nội nhớ nhung đứa cháu nhỏ, cô tôi lại đạp xe sang đón tôi về quê chơi. Từ đầu ngõ thấy bóng cô tôi, mẹ đã chuẩn bị quần áo đồ đạc cho tôi. Cô giục mẹ nhanh kẻo trời sắp tối, nhỡ không kịp chuyến đò.

Bến đò thân thuộc khuất sau rặng tre. Mấy cô hàng xáo, mấy chú hàng cang cũng đủng đỉnh trên cùng chuyến đò hôm ấy. Mái chèo ghép với chiếc cọc gỗ qua mảnh chạc đã sờn bạc. Biết bao người đã qua bến đò, biết bao nhịp chèo khuya mái nên sợi dây chạc cũng hao mòn theo thời gian.

Con sông quê bên lở bên bồi, quê ngoại tôi bên lở, quê nội tôi bên bồi. Những bãi bồi phù sa người ta trồng bạt ngàn ngô và đỗ tương. Mùa ngô ra bắp non, cả một màu xanh trải tầm mắt bất tận như tới chân trời. Thu hoạch ngô, nhà nào ven sông cũng treo đầy những bó ngô màu vàng cam óng ả.

Qua giêng hai đến cái tuổi trăng rằm, tôi đã có thể tự đạp xe một mình về quê. Vẫn thoai thoải dốc đê, tôi bước chân xuống đò. Đất phù sa mềm mượt thật mát đôi chân khi đặt xuống. Bác lái đò đã rảnh hơn nhiều khi không phải dùng tay chèo lái. Người ta phát minh ra động cơ cánh quạt chạy bằng dầu vừa nhanh lại vừa đỡ mất sức người.

Xa xa chiếc thuyển xíu nhỏ cong cong xuôi dòng, người đàn ông trung niên đang gỡ lưới cho những con cá sông có chiếc vảy ánh bạc vào giỏ. Chú thoăn thoát đôi tay cho mẻ cá đầy vào giỏ kịp bán phiên chợ chiều.

Đò cập bến, tôi lại bon bon trên con đường đê quen thuộc. Mấy đứa em tôi ra dốc đê đón đợi tôi về. Chúng reo lên khi thấy tôi từ xa: “A, chị Nga về, chị Nga về rồi!”. Tiếng reo thân thương rưng rức cả tuổi thơ. Tôi như đứa chị cả xa quê mang theo những câu chuyện kể lạ lẫm ở nơi bên kia sông, vậy nên chúng nó thích lắm!

Bà nội nhìn tôi mắng yêu: “Lần sau con về nhớ mua cho các em cái bánh lót tay, chị cả phải tâm lý chứ!”. Tôi chợt thấy mình vô tâm quá! Những lần sau về qua bến đò, lần nào tôi cũng ghé vào quán nhỏ mua quà, khi thì mua xâu bánh gai, khi thì mấy gói kẹo vừng, kẹo lạc. Mấy đứa em thích thú chia nhau ăn. Tôi hạnh phúc nhìn chúng mà ăm ắp tình thương dâng trào.

Thuở mười tám đôi mươi khi lần đầu biết yêu, người ấy thường đưa tôi đến bến sông. Hoàng hôn chạng vạng, tới bến đò mặt trời đã lặn. Chiếc đò không thấy neo đậu ở bờ bên này, tôi cất tiếng gọi to: “Đò ơi! Bác lái đò qua bến sông đón tôi”. Người ấy chào tôi rồi quay về xa xa khuất bóng.

Trước giờ tôi vẫn nghĩ, bác lái đò chỉ phục vụ khách ban ngày. Nhưng bác bảo, ban đêm người ta vẫn cần sang sông. Bác phải ngủ lại bên lán nhỏ để phục vụ khách. Bác lái đò tóc đã điểm bạc. Tôi biết khuôn mặt thân quen của bác đã lâu. Bác chèo lái ở bên sông này đã mấy chục năm rồi. Tôi hỏi bác một câu vu vơ: “Bác có nhớ mình đã chở bao nhiêu chuyến đò?”. Bác cười trả lời: “Làm sao mà nhớ được chứ!”.

Mỗi năm trôi qua, mùa nối mùa đổi thay xoay vần. Từ khi sinh ra cạnh bến sông, cha và ông của bác đã dạy bác lái đò. Chiếc đò là nguồn sống và cũng là người bạn tâm tình của bác. Biết bao nhiêu chuyến đò cập bến, người chở đò không thể nhớ khách qua sông, chỉ có người qua sông nhớ người lái đò.

Buổi tối bên sông loang loáng nước, từ trên cao vầng trăng sáng đã nhô lên soi bóng in xuống mặt sông. Chiếc bánh lái xoay dòng xé toạc vầng trăng vỡ vụn còn lóng lánh ánh vàng. Đợi chiếc đò đi qua, vầng trăng lại xếp những mảnh vàng tròn vạnh như ban đầu…

Sau bao năm xa quê nay tôi có dịp trở về. Chiếc cầu bê tông lớn đã được bắc qua sông mang tên Bình Than. Dòng người tấp nập qua cầu, chẳng biết có ai còn nhớ bến đò ngày xưa. Một ngày nắng nhẹ thong dong qua cầu vắng. Bất giác tôi nhìn lại bến đò ngày ấy. Bên lở, bên bồi vẫn còn rặng tre xanh rì rào.

Quán nhỏ cạnh bến đò, nơi tôi hay ghé lại mua quà cho các em nay chỉ còn lại những viên gạch vụn vỡ. Chiếc đò không còn neo đậu mà đã trôi về đâu không biết. Bác lái đò vì thế mà cũng chẳng ở lại nơi đây làm gì. Dòng sông vẫn hiền hòa xô con sóng nhỏ chảy về phía hạ nguồn.

Bến sông đã vắng con đò. Những điều còn sót lại chỉ là dĩ vãng. Ai nặng tình thì nhớ, ai vô tình thì quên. Chiếc đò đã chở biết bao người qua sông đi về hạnh phúc, đi về tương lai. Cái mới thay thế cái cũ âu cũng là quy luật của đất trời. Con đò đã nằm lại quá khứ và ngủ yên trong miền dĩ vãng. Chỉ có dòng sông vẫn miệt mài chảy, giấu những tâm sự dưới con sóng ngầm. Đứng trên cầu lộng gió tôi không thể kiềm lòng mình thôi mênh mang nhớ. Thảng bên tai tôi lẫn trong gió như có ai cất tiếng gọi: “Đò ơi!”.

Nguyễn Thanh Nga

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống