Tiếng nói giễu cợt phê phán chế độ phong kiến thơ Hồ Xuân Hương

Chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ miệt thị người phụ nữ. Thơ Hồ Xuân Hương bênh vực quyền sống của người phụ nữ nói lên sức mạnh của người phụ nữ. Nam giới - kẻ được trọng thị đương thời thực chất đa phần là người hèn kém về trí tuệ, tài đức.

Tiếng nói giễu cợt phê phán chế độ phong kiến thơ Hồ Xuân Hương - 1

Hồ Xuân Hương qua Tranh Bùi Xuân Phái.

Một trong những đối lập quan trọng trong thơ Hồ Xuân Hương là đối trọng giữa nam và nữ. Người phụ nữ có thể làm được những việc lớn cho quốc gia cho dân tộc. Nhưng thế hệ trước bà, những nữ anh hùng dân tộc như bà Triệu Ấu, hai Bà Trưng há chẳng nói lên điều đó hay sao. Tiếp nối truyền thống của người đi trước phụ nữ luôn có sức mạnh đóng góp với xã hội. Không phải chỉ là cá nhân mà là cả xã hội, không chỉ là sức mạnh của hiện tại mà có dòng máu của cha ông. Trước đền Sầm thái thú một tên tướng giặc xâm lược Hồ Xuân Hương nói thẳng:

“Ghé mắt trông sang thấy biển treo

Kìa đền thái thú đứng cheo leo

Ví đây đổi phận làm trai được

Thế sự anh hùng há bấy nhiêu”

Hai chữ “ghé mắt” như biểu thị một thái độ không phải là sự chiêm ngưỡng mà chỉ là ghé mắt, xem qua xem thường, có thể vị nể người đã khuất, thực ra không thể gọi ở nhân vật này là sự nghiệp anh hùng.

Chưa hết, có đấu trí tuệ, tài năng, ở loại người này Xuân Hương xưng chị, cách xưng hô biểu thị sự tự tin ở thế của người bề trên.

“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ

Ong non ngứa nọc châm hoa

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”

Đối lập giữa nam và nữ cũng là đối lập giữa tài trí và sự dốt nát. Kẻ không có tài lại thường hay khoe chữ, xưa đã thế nay cũng thế. Hồ Xuân Hương gọi họ là phường lòi tói:

“Dắt díu nhau lên đến cửa thiền

Cũng đòi học nói nói không nên

Ai về nhắc bảo phường lòi tói

Muốn sống đem vôi quét trả đền”

Quan hệ đối lập giữa nam và nữ phải kể đến cuộc trò chuyện đối thoại giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ. Sách vở có chép vừa chính xác vừa có tính giai thoại. Cuộc thoại giữa hai người xảy ra vào thời điểm nào của Xuân Hương, tuổi tác giữa hai người có chênh lệch, cương vị xã hội ngăn cách và hạn chế cho đối thoại? Điều nhận thấy khá rõ rệt qua các bài thơ là tài ứng xử đặc biệt là sự bình đẳng, không ai thua kém ai về tài trí, vui vẻ, đùa nghịch của quan hệ nam nữ. Hồ Xuân Hương rất hiểu và thấy rõ bản chất và chỗ yếu của đàn ông của đám hiền nhân quân tử. Lần lượt trong thơ Hồ Xuân Hương đám hiền nhân quân tử sắp hàng chịu trận với những hoàn cảnh khác nhau. Thực ra trên đầu họ các bậc vua chúa cũng cùng có một thứ một tật nhưng dù sao cũng phải né phải dùng biểu tượng gián tiếp để thể hiện. Bài thơ “Cái quạt”:

“Mười bảy hay là mười tám đây

Cho anh yêu dấu chẳng rời tay

Mỏng dầy dùng ấy chành ba góc

Rộng hẹp dường nào cắm một cây

Càng nóng bao nhiêu thời càng mát

Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy

Chúa dấu vua yêu một cái này”

Nhẹ nhàng, mát mẻ mà thâm thúy sâu cay. Nhà thơ Xuân Diệu tác giả của những vần thơ hay về cái quạt “Gần thì trộn lẫn hơi yêu. Cách xa xin gửi hồn theo quạt này” đã vô cùng cảm phục bài thơ này.

Tiếng nói giễu cợt phê phán chế độ phong kiến thơ Hồ Xuân Hương - 2

Tranh minh họa Hồ Xuân Hương của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Chuyện đắm say nữ sắc của vua chúa thì sử sách đã chép từ các vua Tàu “ghét đời Kiệt Trụ mê dâm để dân đến nỗi sa hầm sảy hang” rồi chuyện Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi. Vua ta chắc cũng không kém. Chuyện vua Minh Mạng với bao thê thiếp và mỗi năm chục con, rồi vua du hành gây ra chuyện về vụ án Lệ Chi Viên đau lòng cho người hiền. Xuân Hương chỉ dám nói hồng hồng má phấn duyên vì cậy “Chúa dấu vua yêu một cái này”.

Này đây trước cảnh cô gái ngủ say giữa trưa hè gần như một bức tranh lõa thể, hay nói như cách nói thông tục ngày nay là để “lộ hàng” nên hiền nhân quân tử ở vào thế “đi thì cũng dở ở không xong”:

“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông

Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng

Hoa trúc biếng cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch đào nguyên suối chửa thông

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở ở không xong”

Ở vào hoàn cảnh ấy người trẻ cũng như không còn trẻ nữa miền xuôi cũng như miền núi cũng đều khó xử. Bài thơ “Em tắm” của một nhà thơ vùng cao chân thực và dễ chấp nhận:

“Sao anh lại nhìn

Trộm xem em tắm

Da của em ngần trắng

Da của ái của êm

Tay của em lấm lem

Tay của than của bụi

Tay của rừng của núi

Tay của đất của nương

Em tắm xong lại sạch

Vẫn ngát thơm hoa rừng

Da của em trắng ngần

Là của anh tất cả

Không phải người xa lạ

Việc gì mà trộm xem?”

Cô gái không trách cứ, chàng trai đỡ thẹn thùng. Ở cấp quan lại tướng tá Hồ Xuân Hương không ngại ngùng gì mà đánh thẳng đánh trúng mặc dù cái vật thể hơi thô kệch.

Một bài thơ độc đáo:

“Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn

Ban đêm không mắt sáng như đèn

Đầu đội nón da loe chóp đỏ

Lưng đeo bị đạn rủ thao đen”

Nhận rõ hình thù của vật thể rồi nhưng nó lại tương ứng phù hợp với một đối tượng khác quan trọng oai vệ hơn. Nhà thơ Xuân Diệu tinh ý nhận xét “Bọn quan võ hoạnh họe, hầm hầm một thứ sát khí rỗng tuếch. Xuân Hương dành cho họ một cái choảng đích đáng”. Có những bài thơ viết về hiền nhân quân tử với tinh thần phê phán nhưng không dễ luận bàn. Xuân Hương ví mình như phận quả mít, phận ốc nhồi, hiền nhân quân tử không xa lánh mà có quan hệ, ý nghĩa bài thơ kín đáo.

“Thân em như quả mít trên cây

Vỏ nó xù xì múi nó dày

Quân tử có thương thì đóng cọc

Xin đừng mân mó nhựa ra tay”

Ở những vườn quê khi quả mít chín ương và muốn cho mau chín thì đóng cọc. Phải chăng đây là chuyện thách đố vì công việc ấy đối với quân tử không dễ thực hiện. Nhà thơ Xuân Diệu chỉ bình luận.

Quân tử chi màn chuyên sờ mít và ngoáy ốc:

“Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi

Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi

Quân tử có thương thì bóc yếm

Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi”

(Vịnh ốc nhồi)

Thấu hiểu tâm trạng của nam giới nói chung từ đấng cao siêu.

Chúa dấu vua yêu một cái này

đến kẻ có cấp bậc thấp

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo

Và của chàng trai ham của lạ “Đi thì cũng dở ở không xong”

Trong thơ Hồ Xuân Hương rõ ràng quân tử có mặt ở khắp nơi sang trọng cũng như chỗ tầm thường và ở nơi nào cũng xử sai trái như kẻ tiểu nhân. Đạo Khổng đề cao người quân tử như biểu tượng như người quân tử phải là tấm gương cho mọi người noi theo nào là “Quân tử tố kỳ vị nhi hành hồ, tố phú quý hành phi hồ phi quý tố hoạn nạn hành hộ hoạn nạn, tố di dịch hành hồ di dịch”. Không dễ làm được thế. Hiền nhân quân tử trong thơ Hồ Xuân Hương quy tụ cái xấu, cái tầm thường.

Chưa hết xã hội phong kiến cần đến những người hoạt động tinh thần như thầy đồ, thầy cúng, các nhà sư chùa chiền là nơi linh thiêng, đạo Phật là tín ngưỡng tốt lành nhưng các nhà tư bên cạnh người mộ đạo, hành đạo chân chính là những vị sư không theo đúng tôn chỉ Phật đường. Hồ Xuân Hương đã tặng họ một cố bức tranh có tính biếm họa.

Tiếng nói giễu cợt phê phán chế độ phong kiến thơ Hồ Xuân Hương - 3

Ảnh minh họa

Xuân Hương cũng không kiêng nể gì vị sư của những ngôi chùa lớn nếu bắt gặp những chuyện đời trái ngược với cảnh tu hành:

“Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo

Hỏi thăm sự cụ đáo nơi nao

Chày kình tiểu để sương không đấm

Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo

Cha kiếp đường tu sao lắt lẻo

Trái gió cho nên phải lộn lèo”

Với cách nhìn có phần khắt khe với cảnh chùa chiền nên trong thơ Hồ Xuân Hương bên cạnh cảnh chùa cổ kính, tôn nghiêm lại có cảnh được miêu tả trái nghịch.

Không có ác ý mà chỉ là sự diễu cợt, đùa nghịch các vị sư vãi trong chùa.

“Chẳng phải Ngô chẳng phải ta

Đầu thì trọc lốc áo không tà

Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm

Vãi nấp sau lưng sáu bẩy bà

Khi cảnh khi tiu khi chũm chọe

Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha”

Tuy có những bài thơ viết về nhà sư với những ý giễu cợt khi nhẹ nhàng vui vẻ khi thâm thúy sâu sắc nhưng không phải là phê phán. Sự phê phán nhằm vào mục đích chính là chế độ phong kiến ở nền tảng tinh thần: tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lễ giáo. Nhân việc này có thể nhắc đến tác phẩm Gia đình thần thánh  của Các Mác và Ph. Ăngghen. Phái Hêghen già và trẻ xem nhiệm vụ phê phán xã hội chủ yếu là phê phán tôn giáo. Các Mác, Ănghen xem sự phê phán tôn giáo là phê phán thuần túy sai mục đích chính mà phê phán chế độ chính trị mới đạt hiệu quả xã hội lớn lao. Phê phán tôn giáo thực chất là phê phán thuần túy, phê phán có tính chất phê phán. Vì thế cuốn sách Gia đình thần thánh  có tên là Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán.

Vẫn văng vẳng đâu đây trong đêm theo tiếng trống, theo canh gà, theo vầng trăng mờ ảo và ngọn gió xa đưa về. Những bài thơ trong đêm của Hồ Xuân Hương để lại ấn tượng sâu sắc. Vẫn còn đây hôm nay lòng cảm phục và cảm thương tình cảnh cô đơn của người phụ nữ. Cô đơn thường là căn bệnh của tuổi già khi đã trải đời về sống với riêng mình. Cô đơn cũng là tình cảnh của người nhập thế đuổi theo danh vọng quan chức khi xuất thế về với miền quê trăng suông, gió mát và ngẫm nghĩ về cuộc đời. Và buồn thương hơn cả là nỗi cô đơn của người phụ nữ không có cảnh gia đình sum họp, tình yêu quây quần chia sẻ.

Tiếng nói giễu cợt phê phán chế độ phong kiến thơ Hồ Xuân Hương - 4

Một số tranh vẽ minh họa Hồ Xuân Hương

Người phụ nữ được tuyển vào cung cấm rơi vào cảnh cô đơn vầng dương không được hạnh ngộ lại nghĩ đến hạnh phúc đời thường “ríu rít cò con cũng tình”. Hồ Xuân Hương không xuất thế mà luôn ở giữa cuộc đời, cô hàng nước giàu chữ nghĩa, nhà thơ, khách du lịch chùa chiền hang động Hồ Xuân Hương không sống cảnh đời thụ động, cam chịu mà lên tiếng bảo vệ quyền sống cho người phụ nữ, giễu cợt phê phán bọn hiền nhân quân tử. Người phụ nữ này không dễ thắng và thắng được sự cô đơn.

Không gian đêm thăm thẳm đè nặng lên nỗi buồn và trái tim người phụ nữ trong cảnh cô đơn. Có ai chia sẻ để quên đi tình cảnh “trơ cái hồng nhan với nước non”.

Thật ngậm ngùi chua sót không phải một lần, một đêm mà lặp lại nặng nề hơn, da diết hơn. Đêm đã khuya rồi, tiếng gà đã gáy sao người còn thao thức.

“Mõ thảm không khua mà cũng cốc

Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ

Sau giận vì duyên để mõm mòm”

Cảnh cô đơn vây bọc, không có dấu hiệu của sự sống bình thường trong đêm, nỗi buồn đọng đến đáy nhưng tác giả không chịu khuất phục, vẫn tìm đường vẫn hy vọng vượt lên khó khăn.

Nhưng bài thơ hay sâu sắc để đời luôn tìm được sự chia sẻ với người đọc hôm nay và mai sau.

Đọc Hồ Xuân Hương người viết những trang nghiên cứu về bà cũng có cảm hứng thi ca và đã viết bài thơ Cảm nhận nữ sĩ Hồ Xuân Hương (In trong tập thơ Không giới hạn, NXB Văn học 2021 tr 107):

“Nàng ngồi trong quán tuổi thanh xuân

Cô hàng nước vốn giàu chữ nghĩa

Câu thơ sâu sắc lời non nước

Đón đưa, đối đáp khách văn nhân

*

Dập dìu trên cáng buổi du xuân

Đất nước nơi xa lại chốn gần

Chùa chiền, hang động nhiều màu vẻ

Lòng riêng ái mộ, dạ phân vân.

*

Chạnh lòng nghĩ đến chuyện  riêng tư

Xuân tươi, sắc thắm thời con gái

Hiền nhân quân tử bầy ngu dại

Khép lại một đời, lại thế ư?”

Trong văn chương xưa nay nhân tố phê phán vẫn là phẩm chất hiếm có và thường thiên về cảnh ngộ riêng giận hờn cho số phận than thở cảnh cô đơn, đau khổ từ đó suy ra ít nhiều hoàn cảnh xã hội. Sự phê phán nhằm trực tiếp vào những hiện tượng xấu xa của giai cấp thống trị, bọn người có quyền lực nhưng tàn ác, suy đồi trong lối sống là vấn đề khó.

Sự phê phán của Hồ Xuân Hương bao gồm cả hai phạm vi trên, rất sâu sắc đa dạng. Trong xã hội cũ sự phê phán có nhiều cấp độ, phê phán chính quyền về các mặt chính trị xã hội, phê phán vua chúa quan lại cao cấp chắc chắn là phạm tội xem là nổi loạn và bị lưu đầy, tù tội. Hồ Xuân Hương hiểu rõ bản chất chế độ phong kiến, quyền lực chính trị và bảo vệ an ninh của giới cầm quyền nên chỉ giới hạn sự phê phán trong phạm vi văn hóa, đạo lý và đạo đức xã hội. Nhiều tác phẩm có thể phê phán trực tiếp, với nhiều tầng lớp phải dùng ám chỉ nói hai nghĩa, bóng gió. Hiệu quả của trang viết không nhỏ. Người đọc hôm nay thử hình dung tiếng nói giễu cợt phê phán xã hội phong kiến của một người phụ nữ đơn thân phê phán đấu tranh với ý chí quyết tâm và bản lĩnh vững vàng trong nhiều năm trong suốt cuộc đời.

Tác động sâu sắc của thơ Hồ Xuân Hương trong hiện tại và tương lai vẫn nhiều hứa hẹn. Tác động ngoài nước ở các nước lớn như Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở thời điểm hiện tại vượt trội hơn điều mong ước.

Tất cả góp phần xây đắp cho một tượng đài Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương hiểu rõ bản chất chế độ phong kiến, quyền lực chính trị và bảo vệ an ninh của giới cầm quyền nên chỉ giới hạn sự phê phán trong phạm vi văn hóa, đạo lý và đạo đức xã hội. Nhiều tác phẩm có thể phê phán trực tiếp, với nhiều tầng lớp phải dùng ám chỉ nói hai nghĩa, bóng gió. Hiệu quả của trang viết không nhỏ. Người đọc hôm nay thử hình dung tiếng nói giễu cợt phê phán xã hội phong kiến của một người phụ nữ đơn thân phê phán đấu tranh với ý chí quyết tâm và bản lĩnh vững vàng trong nhiều năm trong suốt cuộc đời.

Hà Minh Đức

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.