Trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”- Lời tri ân gửi về quá khứ

Những ngày tháng tư về, miền biên viễn Tây Ninh nắng trải vàng rực rỡ. Những hàng cây bằng lăng hoa nở tím mùa thương. Tháng tư bình yên trong tiếng reo ca giữa khúc hát giao mùa của trời đất. Bỗng lắng lòng trong giai điệu du dương “Về Gò Dầu thăm dòng Vàm Cỏ Đông/ Lại nhớ người anh hùng năm xưa chỉ huy quyết tử/ Hỏi sông ơi dòng sông còn nhớ/ Ai chém vè năm xưa trong đạn lửa/ Con thuyền nào đưa cán bộ vượt sông”...Tôi tìm về trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của nhà thơ Châu La Việt, để hiểu và thương hơn những tháng năm quê hương chìm trong khói lửa đạn bom, để kính cẩn cúi đầu trước những con người đã khắc tạc đời mình vào hồn thiêng sông núi.

“Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” là một trường ca mới của tác giả Châu La Việt viết trong Trại sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Tam Đảo tháng 8 vừa qua. Ngay sau đó, trường ca này được NXB Quân Đội xuất bản trong đợt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Có khá nhiều bài viết phân tích, đánh giá sâu sắc, giàu xúc cảm về trường ca này. Với tư cách là người con của vùng đất lửa Tây Ninh, diễm phúc được sinh ra trong thời bình, tôi đến với trường ca bằng tấm lòng thành kính tri ân gửi về quá khứ, gửi về những thế hệ cha anh sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc gọi tên, sẵn sàng cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh vì khát vọng hoà bình, Bắc Nam sum vầy một dãy, để đất nước mình vang khúc khải hoàn ca.

Trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”- Lời tri ân gửi về quá khứ - 1

Bản trường ca tái hiện và khắc hoạ những ngày tháng không thể nào quên - vùng đất lửa Tây Ninh khốc liệt trong cuộc hành quân Junction City (Gianxơn xity) do đế quốc Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn tiến hành tấn công vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh vào mùa khô năm 1967.

Đây mảnh đất tàn khốc chiến tranh

Nơi những ngày qua mùa khô năm sáu bảy (1967)

Địch mở cuộc hành quân chưa từng thấy

Chúng đặt tên Gian-xơn Xi-ti.

Thời điểm ấy, Bộ Tư lệnh Mỹ đã rất quan tâm đến vùng căn cứ Bắc Tây Ninh. Mỹ không ngớt tuyên truyền gọi vùng chiến khu Bắc Tây Ninh này là "đất thánh của Việt cộng" có "Nhà Trắng" và "Lầu Năm góc", tức là có các cơ quan đầu não của Trung ương Cục, Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vì vậy mà:

Quân đội viễn chinh và quân đội Sài Gòn

Rầm rộ hành quân lên Lò Gò - Xa Mát.

Những binh đoàn, xe tăng, xe thiết giáp

Máy bay trực thăng đen kịt bầu trời

Chúng muốn biến chiến khu thành tro bụi

Quyết phá tan lực lượng của ta…

Những dấu chân quân thù giày xéo

Tan nát Củ Chi, Bến Súc, Trảng Bàng…

Mạch thơ như một dòng tự sự. Lời thơ không có tiếng khóc tang thương mà sao niềm đau khiến lòng người nhói buốt. Thương quá Tây Ninh! Thương quá đất nước mình.

Tây Ninh đó những cánh rừng nguyên sinh

Chàng Riệc, Rùm Đuôn những tầng cây che phủ

Miền đất an lành trù phú ấy bỗng hoá tiêu điều, cạn kiệt nguồn sinh.

Ngày em đến rừng không còn tiếng chim

Bom và đạn đã triệt tiêu tất cả.

Con suối cạn dòng nằm trơ sỏi đá

Áo màu cây vương thuốc súng, mồ hôi.

Kẻ thù tàn bạo khát máu, hòng huỷ diệt Tây Ninh cho kì được.

Chúng biết Tây Ninh có R- Trung ương cục

Thám báo biệt kích phủ đặc uỷ, cảnh sát

Lính nguỵ ken dày mỗi tấc đất Tây Ninh

Chúng truy tìm và ra tay tàn sát

Cây cỏ hoang cũng chẳng thể được yên

Ôi những ngày Châu Thành, Trảng Bàng

Biệt kích sục từng nhà, săm soi từng ngọn cỏ

Rồi chất độc chúng rải trắng khắp rừng

Lá cây rừng còn đọng bao máu loang.

Chiến trường Tây Ninh chìm trong khói lửa đạn bom suốt hàng chục năm. Máu xương bao người đã thấm dày vào đất mẹ. Bao nhiêu trái tim cảm tử quên mình. Khối căm hờn hoà trong tiếng khóc, nỗi đau nhà tan nước mất hoá thành sức mạnh bền gan, thành ngọn lửa đấu tranh rực sáng, quyết tâm giữ từng tất đất ngọn cây. Tình yêu biến thành sức mạnh vô song. Quân và dân Tây Ninh đã chiến đấu hết sức quả cảm, kiên cường để bảo vệ quê hương, bảo vệ Trung ương Cục- bảo vệ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Không ở đâu ác liệt như nơi đây, và cũng không nơi nào giàu sự tích anh hùng như mảnh đất này...Những tên xóm, tên làng đã hoá thành lịch sử.

Đây Sê Lô, Rùm Đuôn, Ang Khắc, Sóc Ki,

Trảng Chiên, Cà Tum, Tà Xia.

Đây Đồng Pan, Bàu Cỏ,

Đồng Rùm, Tri Giết, Ba Vũng, Con Trăng…

Mỗi tên đất một chiếc công rực rỡ.

Chiến dịch diễn ra trong điều kiện so sánh lực lượng chênh lệch hơn hẳn về phía Mỹ, nhưng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành được thắng lợi toàn diện. Mỹ kết thúc cuộc hành quân Gianxơn Xity. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nhận xét: “Cuộc hành quân Gianxơn Xity là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng”. Thành quả ấy còn là lời khẳng định mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, truyền thống anh hùng của dân tộc ta, đặc biệt là tinh thần thép của người chiến sĩ an ninh.

Bản trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của nhà thơ Châu La Việt dần hé mở câu chuyện về người cán bộ an ninh Tô Quyền.

Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu

Ông đã tới chiến trường từ rất sớm

Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng

Ông sẽ yêu như chính quê hương mình…

“Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”. Người con làng Xuân Cầu (Văn Giang, Hưng Yên) ấy lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo sự phân công của Đảng, vào chiến đấu nơi chiến trường Tây Ninh ác liệt. Tây Ninh là nhà, là ruột thịt yêu thương. Ông bắt đầu “Gây dựng phong trào, dựng xây đội ngũ”. Dưới “ngọn đèn nhỏ”, trong “căn hầm leo lét”,  “tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn cho anh em” đã ra đời…

Dùng địch đánh địch, Lấy ác diệt ác

Những phương châm thành sách lược an ninh

Thành nghệ thuật của Tây Ninh đánh giặc

Thành diệu kỳ của chiến tranh nhân dân.

Ông sống cùng dân, lo lắng cái lo của dân, cùng ăn khoai ăn sắn với dân. Tình quân dân thắm thiết, đằm sâu. Niềm riêng gác lại, một lòng thương trọn niềm thương với mảnh đất miền biên viễn đầy nắng gió.

Bà con gọi ông chú Tư Tô Lâm

Bà con thương ông củ khoai củ sắn

Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng

Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…

Chiếc “áo bà ba” như gói trọn tâm tình của người chiến sĩ an ninh. Mưa nắng đạn bom có hề chi, bởi không có tình yêu nào cao hơn tình yêu tổ quốc, không có khát vọng nào lớn hơn khát vọng hoà bình, Bắc nam sum họp một nhà.

Quyết tâm của ông như sắt đá, như lời thề sắt son.

Ông bám đất cùng anh em đánh trả

Dẫu hi sinh cũng quyết giữ đất này

Ông bám dân và trực tiếp cầm súng:

“Để mất Gò Dầu là để mất Tây Ninh”

Hình tượng chú Tư Tô Lâm trong bản trường ca trở thành một biểu tượng đẹp của những người chiến sĩ an ninh- sẵn sàng cảm tử cho tổ quốc quyết sinh.

Thời khói lửa chiến tranh, nơi đầu sóng ngọn gió là “Những người con gái, con trai/Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm nên đất nước” “ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh…”(Nguyễn Khoa Điềm). Và trong đoàn người ra trận đến miền đất lửa Tây Ninh, có một người con gái “Tuổi mười chín mái tóc xoã ngang vai”. Đó là người nghệ sĩ mang tên Tô Lan Phương, cũng sinh trưởng nơi quê hương xinh đẹp mang tên Xuân Cầu. Cô xung phong phục vụ chiến trường miền Nam từ năm 1967: “Mười chín tuổi em đi vào mặt trận/ Hoa nhớ em thả hương suốt đêm sâu/ Vượt Trường Sơn bao núi cao vực thẳm/ Vẫn bông hoa cài trên mái đầu…/ Tô Lan Phương viết trong nhật ký/ Những dòng chữ mang tình yêu cháy lòng/ Với căn cứ, với Tây Ninh đạn lửa/ Những tháng năm của tuổi thanh xuân”. Tiếng hát của cô át cả “tiếng bom đạn thét gào”. Tiếng hát cất lên với biết bao triều mến say mê. “Tiếng hát thúc giục lập chiến công/ Tiếng hát cùng người lính lên đường”. Tiếng hát của người con gái Xuân Cầu vẫn vang mãi trong trái tim của đất và người Tây Ninh hôm qua và cả mai sau.

Bản trường ca khép lại với hình ảnh đất lửa Tây Ninh của hôm nay đã thay da đổi thịt.

“Căn cứ xưa với rất nhiều chim hót

Rừng tươi xanh như mùa xuân bát ngát”.

Những cánh rừng bạt ngàn vùng căn cứ Bắc Tây Ninh ngày nào khô vàng, trắng xác, cây cối gãy gục do bom pháo và chất độc hoá học. Đất rừng bị bom đạn cày xới, hố bom nối tiếp hố bom, giờ đã xanh màu trở lại. Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát, rừng Văn hoá lịch sử Chàng Riệc, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng và những cánh rừng cao su, mì, mía bạt ngàn bất tận một miền xanh. “Núi Bà Đen đánh cho địch tơi tả”  thì giờ đây địa danh này đã được cẩm nang du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet nhắc đến trong top 15 trải nghiệm nổi bật khi khám phá Việt Nam. Một mùa xuân tươi mới đã hiện hữu giữa đất trời Tây Ninh.

Trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”- Lời tri ân gửi về quá khứ - 2

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ 50 năm. Trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của nhà thơ Châu La Việt đã khắc tạc khúc tráng ca oanh liệt của quân dân ta đánh bại cuộc hành quân Gianxơn xity. Nhắc lại quá khứ để thêm thấu hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng tôi- những người con của vùng đất Tây Ninh hôm nay, xin được thắp nén tâm hương, xin được cúi đầu tri ân trước những con người làm nên lịch sử, sống tận hiến cho tổ quốc như một đoá hoa tươi thơm ngát giữa đời. Bản trường ca khép lại mà khúc ca cứ du dương vang mãi cõi lòng

Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông

Nhớ bao người vì quê ta chiến đấu

Tên họ mãi còn với đất nước quê hương

Tên họ trong lòng nhân dân yêu dấu

Đất lửa Tây Ninh và tiếng chim rừng.

Trần Thị Mai Thảo

Bài ca người lính
Bài ca người lính

Suy nghĩ nhân đọc "Những người lính chiến", tiểu thuyết của Vũ Quốc Khánh, Nxb Văn học, 2024

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị xem xét vụ Quyền Linh “bị cắt ghép quảng cáo sữa giả”

Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị xem xét vụ Quyền Linh “bị cắt ghép quảng cáo sữa giả”

Hội Điện ảnh Việt Nam vừa có công văn số 87/HĐA ngày 21/04/2025 gửi Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) - Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an xem xét, có biện pháp xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trên k