Phát triển văn học, nghệ thuật vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn học, nghệ thuật

(Arttimes) - Mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với nhân cách đạo đức của con người là mối liên hệ bản chất, biện chứng. Mối liên hệ giữa hai lĩnh vực của ý thức xã hội, của hai thành tố rất quan trọng của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.

Vị trí, vai trò rất quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với quá trình hình thành và hoàn thiện phẩm chất đạo đức và nhân cách của con người chính là vì văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức cho các thế hệ công dân. Khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng này là để nhấn mạnh những ưu thế đặc thù, ưu thế đặc biệt của văn học, nghệ thuật so với các lĩnh vực môi trường giáo dục khác như gia đình, nhà trường, xã hội trong quá trình giáo dục hình thành và hoàn thiện nhân cách, đạo đức của con người. Những ưu thế đặc thù này do chính đặc trưng: “Văn dĩ tải đạo”, “Văn dĩ minh đạo” của văn học, nghệ thuật. Do nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và ưu thế riêng có của văn học, nghệ thuật, khi công cuộc đổi mới tiến hành được một năm, tháng 11/1987, Bộ Chính trị Khóa VI, trong Nghị quyết 05-NQ/TW đã khẳng định vị trí, vai trò này: “Văn hóa và văn học, nghệ thuật giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, có chức năng bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người”. Đến năm 1998, trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghê thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”. Năm 2008, trong Nghị quyết chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị khóa X đã xác định mục tiêu: “Tập trung mọi nguồn lực xây dụng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân”.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết 23NQ/TW, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có bước phát triển mới với những thành tựu rất đáng trân trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn nghệ, từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá, giảng dạy, giáo dục thẩm mỹ đến lý luận, phê bình. Nhưng cũng không ít những khuyết điểm, yếu kém bất cập. Điều cần lưu ý ở đây là chất lượng, hiệu quả của văn học, nghệ thuật trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam trong thời gian qua là đáng lo ngại. Văn học, nghệ thuật có trách nhiệm với thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Văn nghệ có phần trách nhiệm trước tình trạng tiêu cực xã hội, tội phạm xã hội đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong lớp trẻ hiện nay. 

Đã đến lúc cần tự phê bình thật sâu sắc, những yếu kém, khuyết điểm của văn học, nghệ thuật mà Đảng đã chỉ ra, đó là:

Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và không ít các tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Nói chưa thể hiện 2 tính chất căn bản này là trong cả sáng tác và hoạt động quảng bá, biểu diễn chưa thể hiện được: “Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - cộng đồng - làng xã - Tổ quốc; Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống” (Nghị quyết Trung ương 5). 

Phát triển văn học, nghệ thuật vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn học, nghệ thuật - 1 Phát triển văn học nghệ thuật để phát triển nhân cách con  người 

Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều, song còn ít các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp có biểu hiện cực đoan, chủ ý tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác, truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước. 

Hoạt động phê bình văn học có biểu hiệu tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ, xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy đánh giá tác giả, tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp… 

Một số sản phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, chất lượng thấp kém được phát hành, truyền bá, gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Một số đài truyền hình đã phát những chương trình ca nhạc, phim… không lành mạnh, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng… Một số sản phẩm không phù hợp với truyền thống đạo đức văn hóa của dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài lại xâm nhập vào nước ta, gây nên nhiều tác động tiêu cực.

Nhận thức sâu sắc những yếu kém, khuyết điểm, bất cập trên đây càng thấy hết trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước đã khẳng định mục tiêu chung là: “Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mục tiêu cụ thể quan trọng hàng đầu là: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm, xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thận yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. 

Trong 5 quan điểm chỉ đạo thực hiện nghị quyết quan trọng này, có quan điểm là kế thừa và hoàn thiện 5 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, có 2 quan điểm là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta, là kết quả của sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.  Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, có ưu thế đặc thù trong sự nghiệp xây dựng con người phát triển toàn diện mà trực tiếp là bồi đắp tâm hồn, tình cảm, phẩm chất, nhân cách các thế hệ con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo về Tổ quốc. Phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đem lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Để làm tròn trọng trách của văn học, nghệ thuật với quá trình hình thành và hoàn thiện đạo đức, lối sống, nhân cách cao đẹp cho các thế hệ người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, trước hết, đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sĩ xung kính trên mặt trận văn hóa văn nghệ phải phấn đấu vươn lên trở thành những nhà tư tưởng, nhà đạo đức, bám sát thực tiễn sinh động, có mặt ở mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo về vững chắc Tổ quốc, tìm được những cảm xúc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Các tác phẩm này phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc của nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Các tác phẩm cần thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời kỳ phát triển mới của dân tộc, của thời đại; cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên, phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái giả dối, cái thấp hèn, cái ác độc. 

Những giá trị cao đẹp này của đạo đức, lối dống và nhân cách phải được biểu hiện rất hợp quy luật, hợp lòng người trong các hình tượng nghệ thuật có sức hấp dẫn, lôi cuốn, cảm hóa sâu sắc mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết, khát vọng chân, thiện, mỹ của mỗi người. Chỉ với những tác phẩm, và ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật thì văn học, nghệ thuật mới thực sự góp phần quan trọng vào việc hình thành và hoàn thiện đạo đức, lối sống, nhân cách tốt đẹp của các thế hệ con người Việt Nam. 

Xây dựng đạo đức, lối sống, nhân cách cho các thế hệ con người là một quá trình liên tục, việc xây dựng nhân cách cho giai đoạn đầu đời của mỗi thế hệ là vô cùng hệ trọng. Từng giai đoạn của đời người đều trong quá trình hoàn thiện đạo đức và nhân cách. Những giai đoạn đầu đời là giai đoạn xây nền móng, do đó, văn học, nghệ thuật cho tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cần phải được quan tâm đặc biệt, không chỉ dừng lại ở một số quan điểm, chủ trương trong đường lối, trong nghị quyết. Để phê bình văn học, nghệ thuật tác động tích cực đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật, các nhà phê bình cần đẩy mạnh các hoạt động đánh giá, thẩm định, lý giải, phẩm bình và phán đoán các tác phẩm, sự kiện, hiện tượng và tác phẩm văn học, nghệ thuật đương đại vừa xuất hiện và đang diễn ra trong đời sống văn nghệ cùng thời. Thông qua các hoạt động này, phê bình thực sự là nhân tố tổ chức tiến trình văn học, nghệ thuật, là động lực thúc đẩy văn nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm của giá trị cao về tư tưởng về nghệ thuật. 

Thông qua tiếp cận các tác phẩm phê bình, công chúng sẽ từng bước nâng cao năng lực thẩm mỹ, tạo cơ sở cho quá trình cảm thụ, tiếp thu những giá trị chân, thiện, mỹ của tác phẩm mang lại, góp phần hình thành, điều hành, hòan thiện nhân cách trong mỗi công chúng tiếp nhận. Chính vì lẽ này, cần phải đổi mới hoạt động quảng bá, phát hành, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Các ban biên tập văn hóa văn nghệ của các nhà xuất bản, các kênh phát thanh, truyền hình, báo điện tử, các nhà xuất bản phải thực sự nâng cao phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ để biên tập, phát hành, quảng bá ngày càng nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật, trong đó có tỷ lệ cần thiết các tác phẩm, các bài phê bình có chất lượng, khắc phục cho được thực trạng: một số không ít các sản phẩm tầm thường, chất lượng kém, thậm chí độc hại, được phát hành, truyền bá, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình, biểu diễn nghệ thuật cần phối hợp chặt chẽ với các Hội văn học, nghệ thuật, nhất là các Hội đồng, các Ban Lý luận, phê bình nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. 

None

Tin liên quan

Tin mới nhất