Quy định về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của thành phố Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 32/2022/QĐ-UBND quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của TP Hà Nội. Theo đó, Quyết định có hiệu lực từ ngày 26/9/2022.

Quyết định gồm 3 chương, 17 điều, 2 phụ lục quy định chi tiết từng phần việc cụ thể thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm thẩm định chủ trương đầu tư với từng đơn vị.

Quy định về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của thành phố Hà Nội - 1

Ảnh minh họa.

Theo đó, Nguyên tắc quản lý đối với các dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất là:

Dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật liên quan khác về quy hoạch.

Dự án đầu tư được quản lý theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, kế hoạch phát triển ngành, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và pháp luật liên quan; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và vệ sinh môi trường.

UBND thành phố quản lý theo thẩm quyền đối với các nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và quản lý quá trình thực hiện, vận hành khai thác dự án theo quy định của pháp luật…

UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo quy định về phân cấp quản lý kinh tế xã hội của thành phố. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP và các ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án theo chức năng, nhiệm vụ, quy định pháp luật liên quan và nội dung của quy định trên.

Về các loại danh mục dự án, với danh mục dự án thu hút đầu tư, hằng năm, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chủ tịch UBND TP phê duyệt và thực hiện công bố theo quy định.

Với danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tổng hợp, trình Chủ tịch UBND TP phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Quyết định trên cũng quy định cụ thể về trình tự tổng quát triển khai dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất; lập và trình hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật chuyên ngành và pháp luật xã hội hóa đối với các dự án thuộc Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu và Điều 73, 74 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ; thẩm định về chủ đầu tư và thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 30/21/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ; điều chỉnh dự án đầu tư; triển khai thực hiện dự án…

Quy định về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của thành phố Hà Nội - 2

Quyết định quy định chi tiết từng phần việc cụ thể thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm thẩm định chủ trương đầu tư với từng đơn vị. Cụ thể:

Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao hướng dẫn, cung cấp thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch và đồ án quy hoạch chi tiết; Chấp thuận tổng mặt bằng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, cung cấp thông tin và giải quyết các thủ tục về chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; Cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các thủ tục đầu tư khác theo quy định pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách quản lý về đất đai, môi trường; hướng dẫn và giải quyết các thủ tục về đất đai, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; hướng dẫn, công tác đo đạc và bản đồ.

Sở Xây dựng hướng dẫn, cung cấp thông tin và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Hướng dẫn và giải quyết các thủ tục về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy hoạch chuyên ngành, quản lý công trình giao thông; hướng dẫn và giải quyết các thủ tục về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy hoạch chuyên ngành, các nội dung quản lý đê điều, thủy lợi, nông nghiệp; Hướng dẫn và giải quyết các thủ tục về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Sở Công thương hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy hoạch chuyên ngành, nội dung quản lý chuyên ngành; hướng dẫn và giải quyết các thủ tục về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, cung cấp thông tin, giải quyết các thủ tục về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư; Chủ trì thẩm định về công nghệ theo quy định của Chính phủ đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn, cung cấp thông tin, giải quyết các thủ tục về thẩm duyệt thiết kế của công trình, hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy; Nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.